Wednesday, November 11, 2015

Miến Điện đã đi được những bước đầu tiên trong công cuộc dân chủ hóa đất nước, thế còn Việt Nam thì sao ? (FB Trương Nhân Tuấn)






Miến Điện đã đi được những bước đầu tiên trong công cuộc dân chủ hóa đất nước. Phe « đối lập » thắng lớn. Nhưng các quan sát viên quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về thực chất nền dân chủ ở đây. Họ chỉ ra muôn trùng trở ngại cho phe thắng cử trong thời gian sắp tới, ở mọi lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội… Lời cảnh báo rất thuyết phục. Vì hiến pháp xứ Miến Điện có những điều khoản dành nhiều đặc quyền chính trị cho phe quân đội đồng thời giới hạn quyền lực của chính phủ (không thân quân đội). Chính phủ mới (của bà Aung San Suu Kyi) trong tương lai có lãnh đạo được hay không, vì vậy còn tùy thuộc vào « thiện chí » của phe quân đội.

Cuộc bầu cử đã diễn ra với một thể thức (hoàn toàn dân chủ), trung thực, không (hay ít) gian lận. Nhưng « thực chất » của dân chủ thì chưa đầy đủ, đúng như lời cảnh báo của các quan sát viên quốc tế.

Bởi vì, trong một chế độ dân chủ, thể thức chuyển giao quyền lực là « bầu cử ». Có nhiều lý thuyết nói về quyền lực và cách thức chuyển giao quyền lực. Cách đơn giản, giải thích theo, J.J Rousseau. Ông này cho rằng quyền lực (trong quốc gia) được chia đều cho từng người dân. Người dân sử dụng lá phiếu để bầu cho người đại diện. Mỗi lá phiếu thể hiện một phần quyền lực.

Thì trong trường hợp Miến Điện, quyền lực từ mỗi lá phiếu của người dân đã bị « cắt xén » một phần lớn (do hiến pháp). Người được đắc cử, dĩ nhiên có tính chính danh để lãnh đạo, thì không có quyền lực trọn vẹn.

Do đó cuộc bầu cử này về thể thức (cách bầu cử) thì dân chủ, nhưng thực chất thì không (hay chưa đủ) dân chủ.

Dầu vậy đây cũng là một thành công lớn lao của phe dân chủ Miến Điện, là kết quả của một quá trình dài hơi đầy mồ hôi nước mắt lẫn máu xương. Sự thành công, một cách đơn giản, đến từ ba yếu tố : 1/ áp lực từ dưới lên (do ảnh hưởng việc bất tuân dân sự), 2/ áp lực từ phía ngoài (điển hình là Mỹ) và 3/ quyết định dân chủ hóa từ trên xuống (phe quân đội nhượng bộ).

Dĩ nhiên khúc ngoặc dân chủ hóa là do quyết định của lãnh đạo quân đội Miến Điện, ông Then Sein. Nhưng nếu không có áp lực từ dưới lên (bất tuân dân sự) hay từ phía ngoài, chưa chắc gì phe quân đội đã nhượng bộ.

Cảm hứng dân chủ hóa từ Miến Điện mấy ngày qua ngập tràn tâm tư những nhà dân chủ VN. Theo tôi, VN đã có thể đi trước Miến Điện.

Từ (rất lâu) tôi đã cảnh báo rằng các phe phái chính trị hải ngoại cần phải liên lạc, thậm chí kết thân (và ủng hộ) các phong trào liên minh dân chủ của bà Aung San Suu Kyi, cũng như đảng Dân Tiến ở Đài Loan hay các đảng dân chủ đối lập ở Kampuchia… Tôi e rằng đến nay chắc không có phe nào làm được việc này. Phe dân chủ VN, nói ra không sợ mất lòng, gần nửa thế kỷ vẫn còn (trong trứng nước). Những cái trứng già nua không chịu nở mà không ai dám hy sinh nó để xây dựng cái mới.

Tình hình VN hôm nay hết sức thuận tiện để đưa đất nước vào công cuộc dân chủ hóa.
Vấn đề là dân chủ hóa cách nào ? Từ trên xuống hay từ dưới lên ? 

Nhiều người hy vọng vào một lãnh đạo CSVN sẽ có quyết định (như Then Sein) để dân chủ hóa đất nước. Tức dân chủ hóa từ trên xuống. Những người này thuộc thành phần (xin lỗi) tưởng dân chủ là trái sung.

Cũng giả sử dân chủ là trái sung, thì muốn sung rụng cũng phải cần có động lực bên ngoài, lay động từ thân, từ gốc.

Tôi thì cho rằng thời điểm chín mùi để khởi động (công khai) các phong trào « bất tuân dân sự ».

Hơn bao giờ hết, không gian chính trị VN hiện nay hết sức dễ dàng để khởi động phong trào bất tuân dân sự.

Toàn bộ nhân sự lãnh đạo nhà nước hiện nay đều không có chính danh. Quyền lực trong tay họ là không chính đáng. Mà việc « không chính danh » sẽ đưa đến việc danh không chánh thì ngôn không thuận. Ngôn không thuận thì nói không ai nghe.

Khi lãnh đạo nói không ai nghe là việc bất tuân dân sự đã thể hiện.

Thí dụ, vụ chặt cây ở Hà Nội, người dân phản đối. Quyền lực của lãnh đạo bị người dân thách thức. Lãnh đạo « ra lệnh » mà người dân không (cho) chấp hành. Đó là bất tuân dân sự. Vụ này khá thành công nhưng phong trào xẹp xuống, vì không có lãnh đạo và thiếu kết hoạch lâu dài.

Vụ khai thác Bô xít ở Tây nguyên là « chính sách lớn của đảng ». Vụ này ai cũng chống. Nhưng việc này không đi đến đâu vì không ai lãnh đạo được việc này để phong trào bất tuân dân sự được phát động.

Bất tuân dân sự trong các trường hợp này không phải là « chống phá » nhà nước, thực chất là để bảo vệ quyền lợi của đất nước.

Ta có hàng trăm cách phát động như thế.
Từ đó ta có được một lực lượng thực sự yêu nước, hành động vì đất nước chớ không vì tiếng tăm.

Đảng CSVN có bổn phận phải nuôi dưỡng và bảo vệ thành phần này nếu không muốn đất nước bị phân hủy.

Bởi vì đe dọa đất nước phân hủy là có thật. Nếu lực lượng dân chủ không sớm thành hình, chỉ nay mai thôi, khi các công đoàn độc lập được thành lập, thì việc khuynh đảo chế độ sẽ có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào.

Tôi nhớ một status tôi viết lúc giàn khoan 981 vào đặt ở thềm lục địa VN. Một cuộc biểu tình (vô tiền khoáng hậu) đã diễn ra, các nhà máy (TQ và của các nước khác) bị đập phá, đốt, hôi của… Kết quả điều tra của công an ra sao, trời biết. Điều tôi cảnh báo là, người nào trong tay có chừng vài triệu đô la, đủ để mua chuộc lớp « đầu gấu », « xã hội đen »… là có thể khuynh đảo chế độ.

Đâu ai muốn điều đó xảy ra phải không ? Kể cả đảng CSVN.

Vì vậy sự thành hình các lực lượng dân chủ là trụ xương sống để bảo vệ đất nước không bị thế lực bên ngoài khuynh đảo.

Khó một cái là, phe dân chủ cũng như đảng CSVN, ai cũng vì cá nhân, không thấy quyền lợi và tương lai của đất nước.

--------------------


Từ hôm qua đến nay trên mạng xôn xao loan truyền tin phe đối lập của bà Aung San Suu Kyi thắng lớn. Phe quân đội đã nhìn nhận thua và hứa sẽ tôn trọng kết quả bầu cử. Đây quả là một tin vui của dân Miến Điện. Dĩ nhiên, là người VN, ai cũng đặt câu hỏi vì đâu mà dân Miến làm được mà dân VN không làm được ?

Ngạn ngữ Tây có câu vầy : « Vouloir c’est pouvoir ». Có nghĩa đại khái là « muốn là có thể được ».

Nếu ngạn ngữ này đúng, câu trả lời có thể là tại người dân VN « không muốn » (hay chưa muốn) dân chủ. Không muốn thì làm sao mà có ?

Thật vậy, người VN (miền Bắc) từ nào giờ chưa hề biết dân chủ là gì. Hình như chưa từng có ai đặt lại vấn đề chính danh của đảng CSVN, tức là vì sao đảng CSVN cứ tiếp tục lãnh đạo đất nước, mặc dầu lãnh đạo hầu hết là dốt nát, tham lam và độc ác.

Đảng CSVN lãnh đạo, đã đem lại cho đất nước hết thất bại này đến thất bại khác. VN từ một vị trí trung bình ngang hàng với Nam Hàn ở thập niên 70, đã tụt hậu hơn nước này hàng thế kỷ. Còn đối với Thái Lan, Mã Lai... VN cũng thua kém vài mươi năm. VN hiện nay cũng bị Kampuchia và Lào qua mặt.

Không một ai, từ trí thức đến tiện dân, đặt thử vấn đề « anh làm không được thì tránh chỗ cho người khác làm ». « Người khác » ở đây sẽ do dân chọn lựa qua bầu cử.

Đó là nguyên tắc cơ bản của dân chủ.

Còn dân miền Nam, vốn là một thứ « ngụy dân », tức dân hàng thứ cấp, cho dầu đã hưởng trong quá khứ một một phần đời mùi vị « dân chủ », nhưng bây giờ thành phần đó đã già, đã từng kinh qua « đòn thù » của cộng sản. Họ như con chim bị tên. Chịu tiếng « thằng hèn » chớ không dám lên tiếng đặt vấn đề.

Trong khi việc đặt lại tính chính danh (hay chính thống) của đảng CSVN, với những lý luận logic, tôn trọng luật pháp, không kêu gọi lật đổ ai... thì đâu có phạm luật ?

Phe dân chủ VN hiện nay có mấy người có được khả năng lý luận những việc tương tự như vậy ?

Không đặt lại được, không thách thức được tính chính danh của người cộng sản thì đảng CSVN cứ tiếp tục lãnh đạo.

Dân chủ đâu phải là trái sung mà dân VN hả họng ngồi chờ.







No comments: