Tuesday, November 10, 2015

Luận về tinh thần nô lệ tự nguyện (Đỗ Kim Thêm)





09/11/2015

Giới thiệu sách: Discours de la servitude volontaire, Étienne de la Boétie, Flammarion (2 septembre 2015)

 Vấn đề

Quyền dân tộc tự quyết về các vấn đề trọng đại của đất nước là thiêng liêng, tối thượng và bất khả xâm phạm. Nhưng toàn dân Việt Nam chưa bao giờ có cơ hội hành sử quyền này.Tất cả mọi việc đã có ĐCSVN tự quyết định và không hề có trưng cầu dân ý theo đúng nghĩa cao đẹp của nó.

Đây là một đặc thù của lịch sử dân tộc, nhưng cũng là một nghịch lý cho đất nước. Lý giải duy nhất cho thực trạng này là vì ĐCSVN tìm ra được hai chử "Nhân Dân". Nhờ sự khám phá vĩ đại này mà Đảng không những định đoạt thay cho toàn dân mà còn nằm trên và ngoài Hiến Pháp và hệ thống pháp luật.

Tại sao dân Việt lại chấp nhận sự lãnh đạo này trong suốt một thời kỳ dài của lịch sử như vậy? Phải chăng là vì các biện pháp đàn áp của Đảng thành công đến độ lảm cho dân chúng phải khuất phục? Phải chăng người dân chỉ còn có di cư hay vượt biên là giải pháp? Phải chăng người dân không còn sức lực và cơ hội nên các phong trào đấu tranh đều thất bại?

Không. Thực ra, có một lý giải khác lạ hơn. Không phải lúc nào chế độ độc tài cũng mạnh, mà chính vì tinh thần nô lệ tự nguyện của nguời dân, họ quên đi ý nghĩa tự do và bình đẳng và sẳn sàng hy sinh để bảo vệ cho chế độ, nhờ thế mà chế độ sống lâu hơn. Nghịch lý bi đát này là một thực tế xã hội đã có tự ngàn xưa mà Étienne de la Boétie luận giải xuất sắc qua Discours de la servitude volontaire (Luận về tinh thần nô lệ tự nguyện) vào năm 1549. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu danh tác cổ điển này.

Tác giả

Étienne de la Boétie (1530 – 1562) xuất thân từ một gia đình qúy tộc làm công chức tại Sarlat, thuộc Perigord, Tây Nam Pháp. Ông học tại Collège de Guyenne, một trường nổi tiếng tại Bordeaux và Đại học Luật khoa Orléans. Ông đam mê văn chương cổ điển và khởi đầu dịch thuật một vài thi phẩm La ngữ sang Pháp ngữ.

Năm 1548 vua Henri II ban hành luật thu thuế muối áp dụng cho vùngTây Nam Pháp. Ông chứng kiến cảnh dân chúng nổi lên phản đối và phải khuất phục vì bị quân đội hoàng gia đàn áp đẩm máu.

Tại Đại học Luật khoa Orléans ông quen được với Anne du Bourg, một người thầy khả kính về sau làm cố vấn cho Toà án Tối cao tại Paris. Du Bourg nổi danh là người khởi xướng chống đối các đàn áp tôn giáo Tin Lành và năm 1559 bị Toà kết án tử hình.

Tốt nghiệp Luật năm 1553 lúc 23 tuổi, La Boétie bắt đầu làm việc tại Quốc hội Bordeaux. Ông khởi dịch các danh phẩm của Xenophon và Plutarch, tham gia thi đoàn Pleiade và giao tiếp với các thi sĩ nổi danh như Pierre Ronsard, Jean Dorat và Jean Antoine de Baif. Tại quốc hội, ông làm quen với một đồng nghiệp là Michel de Montaigne. Nhờ khâm phục văn tài của La Boétie mà tình bạn nảy nở và tạo nhiều ý nghĩa trong cuộc đời của Montaigne.

Các xung đột tôn giáo làm xã hội Pháp căng thẳng, vì chính quyền xem Thiên Chúa giáo là quốc giáo và quy kết tín đồ Tin Lành giáo là kẻ phản loạn, buộc họ phải trở lại đạo gốc hoặc rời khỏi nước Pháp. Nhờ kết thân với Michel de l´Hospital, một giới chức cao cấp của Bộ Tư pháp, mà La Boétie được yêu cầu tham gia đàm phán để giải quyết tranh chấp trong năm 1560. Ông được mọi người tôn trọng, vì lòng trung thành với hoàng triều và nhạy cảm trước các phong trào đấu tranh chống phân biệt tôn giáo. Trong tác phẩm cuối cùng là Mémoire sur l’édit de janvier (1562), La Boétie tỏ ra một thái độ khoan hoà rõ rệt, vừa ủng hộ hoàng gia và vừa tương nhượng cho tín đồ Tin Lành trong nhiều quyền lợi luật định.

Do bịnh dịch lan tràn La Boétie bị đột tử và hưởng dương 32 tuổi. Ông có di chúc để lại toàn bộ sáng tác và sách vở cho Montaigne. Tài sản này trở thành thư viện chính của Montaigne.

Tác phẩm

Bất mãn cảnh bạo quyền đàn áp dân chúng, La Boétie sáng tác Discours de la servitude volontaire năm 1549, lúc ông 18 tuổi. Đây chỉ là một bản thảo viết tay phổ biến hạn chế cho thân hữu để tham khảo và không có dự định ấn hành. Là một trong những độc giả, Montaigne tỏ ra càng khâm phục La Boétie hơn.

Năm 1570 Montaigne đem tất cả các trước tác của La Boétie lên Paris để tìm cách ấn hành, thoạt đầu là các dịch phẩm triết học tiếng Hy lạp và các thi phẩm La ngữ. Montaigne không muốn phổ biến Discours de la servitude volontaire, vì cả hai, La Boétie và Montaigne, đều có khuynh hướng trung thành với hoàng gia.

Nhưng tác phẩm lại lọt vào tay giới đấu tranh của Tin Lành giáo và được ấn hành lần đầu không toàn bộ và nặc danh qua tựa đề Reveille-Matin des Francois, do Nicholas Barnaud và Theodore Beza đồng biên tập vào năm 1574. Simon Goulard, một giáo sĩ Tin Lành tại Genève, phát hiện được và in lại lần thứ nhì toàn bộ với tên tác giả vào năm 1577. Cả hai lần in đều không có sự đồng thuận của Montaigne, vì ông không muốn châm thêm dầu vào ngọn lửa đấu tranh của Tin Lành giáo đang sôi sục.

Đến giữa thế kỷ XVII, tác phẩm bị hoàn toàn chìm vào quên lãng. Vào thời kỳ Khái Sáng, tác phẩm được hồi sinh và in thành một phụ đính trong tác phẩm Essais của Montaigne, nhưng cũng không gây được tiếng vang.

Trong thời kỳ Cách mạng Pháp tác phẩm trở nên cực kỳ sáng giá, được giới đấu tranh in lại nhiều lần và phổ biến trong dân chúng để gây tác động khích lệ. Nổi tiếng nhất là ấn bản có lời giới thiệu đấy sinh động của Abbé de Lanemais, một nhà truyền giáo cực đoan. Về sau, tác phẩm trở thành một tài liệu tham khảo cho nhiều tác giả và các phong trào đấu tranh khác.

Hiện nay, tác phẩm được dịch ra nhiểu thứ tiếng trên thế giới và trở thành một danh tác cổ điển về lý thuyết chính trị học và chiến lược hiện đại trong các phong trào đấu tranh bất bạo động.

Nội dung

Nhờ đàn áp mà chế độ độc tài sống còn, nhưng vì cũng có phần của nạn nhân tiếp tay, nên tình cảnh áp bức lại càng trầm trọng hơn. Thay vì đoàn kết đấu tranh, đa số dân chúng lại cùng nhau dốc lòng tự nguyện làm nô lệ lo xây dựng cho chế độ. Nếu có ý thức phản tỉnh về tự do, bình đẳng, trách nhiệm với chính thân phận mình và kiên quyết không còn tuân phục bạo quyền nữa, thì người dân sẽ thoát đời nô lệ và tìm lại được tự do.

Bố cục

Con người khi sinh ra đều được bình đẳng và tự do. Chế độ độc tài dù không vĩnh cữu, nhưng sau khi thành hình, đã là một bất hạnh cho người dân, vì dù muốn hay không, họ phải đánh mất quyền tự do nguyên thủy. Nhưng có một nghịch lý và cũng là một sự thật trong lịch sử xã hội: con nguời muốn từ bỏ các quyền tự do này để tình nguyện phục vụ cho bạo chúa.

Từ đâu mà bất hạnh lại xãy đến, tại sao con người lại biến thái và xã hội bị phân hoá, đó là những vấn đề mà La Boétie quan tâm. Theo ông,  có hai vấn đề cần giải thích là tại sao con nguời lại chịu tử bỏ tự do, tự nguyện làm nô lệ cho chế độ và làm sao tìm lại tự do.

Tình cảnh áp bức

Khởi đầu, La Boétie biểu lộ lòng thương cảm nguời dân sống trong chế độ độc tài mà họ gánh chịu; ai cũng thấy được đó là do lỗi của bạo chúa. Mục đích chính của bạo chúa là nắm quyền và thủ lợi. Họ muốn quyền càng cao, lợi càng nhiều càng tốt và không nghĩ tới dân. Ông phẫn nộ gọi bạo chúa là kẻ thù của nhân dân vì chỉ lo cướp tài sản của dân nhiều lần với nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể là họ cướp ruộng đất, cắp tài sản và cướp nhà cửa và đồ đạt của dân. Các loại thuế là gánh nặng cho người dân và thu thuế là một lọại cướp thô tục nhất.

La Boétie khinh bỉ bạo chúa khi gọi họ là "anh sống mà không có gì là của anh“, "một nửa tài sản là của anh, một nửa gia đình là của anh, một nửa cuộc sống là của anh, nhưng đó là tất cả các thiệt hại, những bất hạnh và đổ nát.“ Ông lên án bạo chúa là chìm đắm trong trụy lạc, không kể đến đạo đức và dân quyền, lo mê say hưởng thụ giàu sang và quyền lực.

Quan trọng hơn theo tác giả là vì bạo chúa có lực lượng cảnh sát và quân đội để bảo vệ chế độ. Nhờ thế mà bạo chuá có mắt thấy, tay nghe để theo dõi và bàn tay để tấn công dân chúng. Bạo chúa đe dọa người dân theo hai cách. Một là, sử dụng bạo lực trong đời sống hàng ngày để duy trì chế độ. Hai là, trong chiến tranh dân còn khổ hơn vì phải lo phục vụ cho bạo chúa để làm thoả mãn tham vọng chinh phục hoặc trả thù. Với hình ảnh tàn khốc của chiến tranh, bạo chúa đã trở thành tên đồ tể. Trong mọi hoàn cảnh, dân chúng chỉ là nạn nhân. Tình cảnh đáng thương của người dân trong vòng tay bạo chúa là không có lối thoát. Cách cuối cùng của người dân là hãy sử dụng cái chết là hết.

Nhưng bất hạnh nhất là dân chúng không còn trí nhớ, đem tinh thần phục vụ cho chế độ thay cho yêu chuộng tự do cho chính mình. La Boétie xem tình trạng chuyển tiếp này là không tất yếu. Sự phân chia hai thành phần thống trị và bị trị trong xã hội là một tai nạn tình cờ.

Quy kết vô cảm

Sự sụp đổ của xã hội làm biến đổi con người sang một tình trạng nô lệ tư nguyện, một điểm tương phản với tình trạng tự nhiên: một con ngưòi mới nãy sinh, không phải là con nguời đúng nghĩa trong xã hội nữa, họ chỉ thói quen tùng phục. Hai lý do chính của tinh thần nô lệ là họ quên đi ý nghĩa của tự do cá nhân và có thói quen sống là chỉ biết tuân lệnh trong một xã hội chuyên chế. Con người sinh ra trong kiếp đời nô lệ và được hưởng một nền giáo dục là luôn luôn mang tính tùng phục và xem đó như một giá trị cao cả.

Dù thương cảm tình cảnh nguời dân bất hạnh, nhưng La Boétie cực kỳ gay gắt để kết án họ là vô trách nhiệm với chính thân phận mình. Ông tức giận khi cho họ là điên vì họ không thể hiểu được hoàn cảnh của chính mình và chịu cam phận làm nô lệ. Tại sao họ không phản ứng, chịu đựng trước những tai họa mà lại để cho tình trạng tiếp tục trầm trọng hơn? Ông mỉa mai về tình trạng đối nghịch giữa "tuyệt vời hạnh phúc" và điều kiện tiêu cực là "người ta để cho anh có một nửa và còn lại nữa là anh phải dũng cảm để chết, đó là một chuyện mà anh không thể từ chối.“

Theo ông, chính tinh thần nô lệ tự nguyện của người dân giúp cho bạo chúa nắm quyền và là điều kiện khởi đầu cho việc sử dụng bạo lực để duy trì quyền lực. Việc thuần phục của người dân là nghịch lý, họ tự làm suy yếu mình, nhờ thế họ làm cho bạo quyền mạnh hơn. Không phải bạo chúa tướt đoạt quyền tự do mà chính họ không sử dụng quyền tự do của mình. Họ đồng thuận mà thậm chí còn hy sinh cả mạng sống cá nhân để cứu bạo chúa.

Ai cũng nghĩ là bạo quyền đàn áp dân chúng, khiến họ phải chịu đựng và thành bất lực. La Boétie nghĩ ngược lạ. Ông cho là người dân không có trách nhiệm với chính mình, tự tạo ra kẻ thủ cho chính mình, kẻ nội thù vì không lo chống lại với kẻ ngoại thù là chế độ. Bạo chúa duy trì chế độ khi có người dân cho phép. Họ đặt mình trong tình trạng lệ thuộc với các quan chức, có nghĩa là, họ đồng ý làm tôi tớ trung thành và là phương tiện cho chế độ. Ông nghiêm khắc cho là dân chúng là tay, mắt, bàn chân để xây dựng cho bạo quyền. Ông kết tội họ là tên chứa chấp người gian, đồng lõa với kẻ giết người và kẻ phản bội chính mình.

Mối tương tác giữa các bạo chúa và người dân là một nghịch lý khác mà Boétie chứng minh bằng các phàn đề. Ông cáo buộc dân chúng với một hình thức truy vấn: “Nếu không phải là anh " và "chuyện của chính anh“, thì là của ai khi so với hành vi của bạo chúa

Nhưng bạo chúa rất khôn ngoan, không những khai thác tinh thần tùng phục, mà còn biết cách làm suy yếu tiềm năng đấu tranh của dân chúng. Có nhiều cách mà La Boétie gọi là liều thuốc ru ngủ dân chúng. Cụ thể là để đền bù cho việc mất quyền tự do, bạo chúa tạo nhiều trò vui chơi tiêu khiển như kịch nghệ và thể thao. Họ ban cấp huy chương là hình thứcđ em bả vinh hoa lừa nạn nhân. Họ ban phát bổng lộc, mà người thụ hưởngkhông biết là trích từ công qũy, nghĩa là tiền thuế của dân. Họ còn dùng những diễn từ hoa mỹ nói lên tinh thần phục vụ công ích, mà thực ra là phục vụ cho họ. Họ sử dụng mê tín dị đoan thay cho niềm tin tôn giáo, nhẳm gây cảm tưởng lo sợ tội phạm thánh cho các tín đồ. Qua các chiến tranh tôn giáo, La Boétie phân biệt thần quyền và thế quyền. Theo tác giả, quyền lực của chế độ không đến từ thần quyền mà là do tinh thần nô lệ tự nguyện của con nguời.

Ông cũng nhận ra rằng với những hung đồ ngụy tạo, bày trò vui thú thoáng qua và mê tín, bạo quyền ru ngủ được giới bình dân. Ngược lại, giới trí thức, dù có ý thức vấn đề, nhưng họ lại không có đủ khả năng và bản lĩnh để thay đổi tình thế.

Tỉnh thức để thoát đời nô lệ

Làm sao cho người dân thoát khỏi chế độ nô lệ và tìm lại tự do là luận điểm cuối cùng và quan trọng nhất của Boétie. Ông muốn là làm sao cho mọi người nhìn ra vấn đề. Yêu cầu đầu tiên của tác giả là người dân nên mở mắt và mở lòng nhận ra thực tế, đặc biệt là với người có trình độ giáo dục, họ hy vọng là họ sẽ không còn điên và nên suy nghĩ nhiều hơn về thân phận mình.

Việc đầu tiên và thích hợp nhất để mọi người có được ý thức phản tỉnh là phải phá vỡ các huyền thoại về chế độ, bạo chúa không còn vĩ đại, họ cũng là con nguời giống mọi người, cũng cô đơn và sợ hải, nhất là khi đối diện với đa số dân chúng. Bạo chúa có sức mạnh để duy trì chế độ là do dân chúng tiếp tay; nếu không thì sụp đổ là tất yếu.

La Boétie lạc quan khi kết luận là sự sụp đổ của bạo quyền là khả thi, nhất là khi dân chúng bắt đầu tỉnh thức không còn tùng phục nữa. Đó là khả năng tự soi sáng và tự quyết định vận mệnh chính trị của toàn dân. Một câu nói của La Boétie trở thành thông điệp bất hủ là:

"Soyez résolus de ne servir plus, et vous voilà libre": "Hãy kiên quyết không còn tùng phục nửa, anh sẽ có tự do".

Kết luận

Với một văn phong trong sáng, một bố cục mạch lạc và một kiến thức uyên bác, La Boétie đã để lại cho hậu thế một tuyệt tác về lý thuyết chính trị học, khi ông khởi xướng tinh thần bất phục tùng dân sự mà về sau Henry David Thoreau và Mahatha Gandhi kế tục.

Độc giả người Việt sẽ ngạc nhiên về La Boétie, với tuổi đời 18, là một trí thức của Pháp trong thời Lê Trang Tông của Việt Nam đã mang đến một cơ sở tư duy để so chiếu với thực trạng của Việt Nam trong thế kỷ XXI.

Dù lịch sử sang trang, nhưng thế hệ tham chiến luôn tự hào và lập luận là từ ngày có Đảng đã một lòng một dạ đi theo Đảng. Đến nay, với thời gian lắng đọng, thế hệ hậu chiến sinh ra và trưởng thành trong vòng tay yêu thương của Đảng càng sống lạc quan hơn, tận hưởng hạnh phúc của dân tộc, nhất là đồng tình cho con cháu của lãnh đạo Đảng tiếp tục lãnh đạo đất nước.

Bao thế hệ không muốn nhận ra sự thật lịch sử của Đảng mà họ thiết tha góp phần. Nhân danh giành độc lập cho dân tộc, Đảng chống Pháp, nhưng để cướp chính quyền; Đảng đánh Mỹ là đem dân chết thay cho Liên Xô và Trung Quốc; Đảng xâm lăng Kampuchia để gây thêm thù hận; Đảng xây dựng XHCN để làm cho xuống hố cả nước, Đảng tiến hành Đổi Mới là để cứu Đảng; Đảng phải dâng đất, dâng biển cho Tàu để có hỗ trợ chính trị; và hiện nay, Đảng phải tìm cách thân Mỹ để mưu sinh thoát hiểm và mưu tìm chính danh  Đảng thay đổi nội dung các bản Hiến Pháp không hề phản ảnh được thẩm quyền lập hiến của toàn dân, mà chỉ là sao chép lại Nghị quyết của Đảng.

La Boéti phân biệt cho người Việt thấy là có hai phạm vi khác nhau, đó là quyền tự do nguyên thuỷ và lòng mong muốn của con người. Nhưng lòng mong muốn cần phải phân biệt rõ hơn trong thực tế, đó là muốn sống đời tự do đích thực hay sống đời nô lệ trong chế độ độc tài. Tĩnh thức thân phận là vấn đề kiến thức; tìm lại tự do đã mất cúa chính mình nhằm xác định ý muốn để hành động là vấn đề quyết tâm. Bất phục tùng của người dân không phải là sử dụng bạo lực mà là không còn hỗ trợ tích cực cho chính quyền cai trị. Nếu tiếp tục sống vô cảm và chờ đợi hạnh phúc giả tạo do bạo quyền bố thí, thì người dân sẽ không thể thoát đời nô lệ. Vấn đề là sự chọn lựa.

Nhưng đã đến lúc người Việt phải phản tỉnh là: Đảng tạo vấn đề, toàn dân sẽ đem lại giải pháp và quyền dân tộc tự quyết là phương tiện.

Người Việt nghĩ gì về lý giải của La Boétie qua Discours de la servitude volontaire và làm gì với thông điệp: "Soyez résolus de ne servir plus, et vous voilà libre", đó là hai chủ đề không thuộc khuôn khổ của bài giới thiệu sách này.






No comments: