Thursday, November 12, 2015

Liệu có đột biến tại Việt Nam? (Trần Phong Vũ - DCVOnline)





Trần Phong Vũ
Posted on November 12, 2015 by editor — 0 Comments

Nền tảng suy tư trong bài viết này dựa trên những nhận định của Leon Aron trong bài “Everything You Think You Know About the Collapse of the Soviet Union Is Wrong”, Foreign Policy, July/August 2011 do Trần Ngọc Cư dịch và đăng trên mạng Boxitvn.net với nhan đề “Mọi điều bạn tưởng bạn biết về sự sụp đổ của Liên Xô đều sai”.

Liệu có đột biến tại Việt Nam khi nhìn lại sự sụp đổ bất ngờ của Liên Xô năm 1990?


Từ trường hợp Liên Xô 25 năm trước

Mở đầu, Leon Aron viết:

“Mọi cuộc cách mạng đều tạo ra kinh ngạc. Tuy vậy, cuộc Cách mạng Nga gần đây nhất phải được kể là một trong những kinh ngạc lớn nhất. Trong những năm trước 1991, gần như không một chuyên gia, học giả, viên chức chính quyền, hay chính trị gia phương Tây nào thấy trước được sự sụp đổ sắp xảy ra cho Liên Xô, và kéo theo nó một chế độ độc tài độc đảng, một nền kinh tế do nhà nước làm chủ, và cả sự kiểm soát của Điện Cẩm Linh (Kremlin) đối với đế quốc Liên Xô và Đông Âu… tất cả những nhà bất đồng chính kiến Xô-viết cũng như chính những nhà cách mạng tương lai – nếu ta xét qua hồi ký của họ – cũng không tiên đoán được sự kiện này. Khi Mikhail Gorbachev trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản vào tháng Ba năm 1985, không một nhân vật cùng thời nào của ông dự kiến một cuộc khủng hoảng có thể dẫn đến cách mạng. Mặc dù người ta không đồng ý với nhau về tầm mức nghiêm trọng của những vấn đề nội tại trong chế độ Xô-viết, nhưng không ai coi những vấn đề này là đang đe dọa sinh mệnh của chế độ, chí ít trong tương lai gần.”

Thông thường khi xét về sự tồn vong, suy thịnh của một quốc gia, một chế độ chính trị, người ta thường nghĩ ngay tới tình trạng kinh tế, xã hội, cụ thể là nhu cầu cơm áo của người dân. Vì thế trước sự sụp đổ tan tành của Liên bang Xô-viết cuối thế kỷ trước, ngay lập tức, theo Leon Aron, các chuyên gia đã làm một cuộc tổng duyệt về tình hình đối nội, đối ngoại của Liên bang Xô-viết trong thời khoảng từ 1980 đến những năm 88-89 thế kỷ trước. Từ đấy dẫn tới kết luận: rất ít hoặc không có yếu tố nào mang giá trị thuyết phục, báo trước sự sụp đổ bất ngờ xảy ra nơi quê hương của chủ nghĩa Mác-xít Lê-nin-nít. Về mặt kinh tế cho đến năm 1985 mức tăng trưởng GDP của Liên Xô, mặc dù có chậm lại so với thập niên 1960 và thập niên 1970, nhưng cũng đạt được 1,9% mỗi năm. Những xáo trộn do tình trạng tham nhũng và sự băng hoại của xã hội dù vẫn tồn tại, nhưng như ông Peter Rutland, Giáo sư Đại học Wesleyan đã chỉ rõ, “Dù vậy, những chứng bệnh kinh niên của Liên Xô không nhất thiết đe dọa sinh mệnh của nước này.” Đấy là chưa nói tới chủ trương sắt máu luôn được điện Cẩm Linh tận dụng như một bửu bối để duy trì sự ổn định của chế độ. Trong quá khứ, hơn một lần thế giới đã chứng kiến sự thoát hiểm ngoạn mục của nơi được nhìn nhận như pháo đài và cũng là chiếc nôi của chủ nghĩa Mác-xít Lê-nin-nít,

Và Leon Aron nêu lên câu hỏi, “Như vậy, làm sao có thể giải thích được sự đột biến lạ lùng này?”

Để tìm ra một lý giải có nền tảng cho sự việc, tác giả dựa vào sử quan xét lại (historical revisionism) mà ông mệnh danh là khuynh hướng chống lại chủ nghĩa kháng cộng (anti-anti-communism), một khuynh hướng quá tin vào sự kiên cố bất khả xâm phạm và huyền thoại về tính chính danh của Liên Bang Xô Viết. Không phải của ai xa mà của chính những thành phần chống chủ nghĩa cộng sản cực đoan.

Cũng vì thế, vẫn theo tác giả, một số nhân vật vốn có lập trường cứng rắn, dứt khoát đối với chế độ cộng sản cũng không kém kinh ngạc trước sự cáo chung bất ngờ của Liên Xô cuối thế kỷ trước. Ông nhắc tới quan điểm của ông George Kennan, một trong những người thiết kế chiến lược Mỹ trong thời Chiến Tranh Lạnh khi ông này bày tỏ quan điểm như sau:

“Thật khó nghĩ ra một biến cố nào lạ lùng, đáng kinh ngạc, mà mới thoạt nhìn không thể giải thích nổi, hơn sự tan biến đột ngột và toàn bộ… của đại cường mệnh danh kế tục nhau là Đế chế Nga rồi đến Liên Xô.”

Trong khi ấy Richard Pipes, sử gia Mỹ hàng đầu về nước Nga và cũng là cố vấn thân cận của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, cũng tỏ ra “bất ngờ” trước sự sụp đổ không ai tiên liệu đựợc của Mạc Tư Khoa (Moskva). Leon Aron cũng nhắc tới một tuyển tập gồm các bài tiểu luận viết về sự cáo chung của Liên Xô trong một số báo đặc biệt năm 1993 của tạp chí bảo thủ National Interest (Lợi ích Quốc gia) có tựa đề là “Cái chết lạ lùng của chủ nghĩa Cộng sản Xô-viết”. Nhìn vào những sức ép từ bên ngoài, trong đó đại cường Hoa Kỳ được coi là yếu tố chủ chốt khi ấy, tác giả cũng không thấy có chỉ dấu nào khả dĩ trở thành nguy cơ đe dọa sự bền vững của khối Liên Bang Xô Viết. Ông tin rằng:

“Hoa Kỳ cũng không phải là một lực tác động cho cuộc cách mạng. ‘Học thuyết Reagan’ bao gồm nỗ lực chống lại và, nếu có thể, đảo ngược những bước tiến của Liên Xô trong Thế giới Thứ ba quả có tạo được sức ép chung quanh đế quốc này, ở những nơi như Afghanistan, Angola, Nicaragua, và Ethiopia. Tuy nhiên, những khó khăn của Liên Xô ở đó cũng chẳng có gì nghiêm trọng để trở thành một nguy cơ cho chế độ. Trong một màn giáo đầu cho một cuộc chạy đua vũ trang có tiềm năng gây ra nhiều tốn kém cho đối phương, Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược [hay lá chắn nguyên tử] do Reagan đưa ra thực sự có ý nghĩa nghiêm trọng – nhưng đề xuất này không hề báo hiệu một sự thất bại quân sự cho Liên Xô, vì Điện Cẩm Linh biết chắc rằng việc triển khai hữu hiệu hệ thống phòng thủ không gian của Mỹ cũng mất vài thập niên nữa mới thực hiện được. Tương tự như thế, mặc dù cuộc nổi dậy chống cộng sản bất bạo động của công nhân Ba Lan là một tình hình rất bức thiết cho giới lãnh đạo Xô-viết, làm nổi bật sự mong manh về đế quốc của họ tại châu Âu, nhưng vào năm 1985 Phong trào Đoàn kết (Soliditary) tỏ ra đã kiệt lực. Liên Xô hình như thích nghi được với việc tung ra các “đợt bình định” đẩm máu cứ 12 năm một lần – Hungary năm 1956, Tiệp Khắc năm 1968, và Ba Lan năm 1980 – bất chấp dư luận thế giới.”

Từ nền tảng nhận thức có cơ sở vững chắc ấy, Leon Aron dựa vào quan điểm của Adam Ulam cho rằng “Người ta thường quên là vào năm 1985, không một chính phủ của một quốc gia quan trọng nào tỏ ra có quyền lực vững chãi và có đường lối chính sách rõ ràng như chính quyền Liên bang Xô-viết.” Ông kết luận, “một Liên Xô đang ở trên đỉnh cao của quyền lực.” Do đó khi thực tế phũ phàng xảy đến cho toàn khối đế quốc này, Adam Ulam thảng thốt nêu lên câu hỏi: làm sao và bằng cách nào chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, từ 1985 đến 1989, trong lúc không gặp phải những tình trạng tồi tệ gay gắt về kinh tế, chính trị, dân số, và các vấn đề cơ chế khác, mà nhà nước và hệ thống kinh tế Xô-Viết bỗng dưng bị một quần chúng đủ đông đảo coi là ô nhục, thiếu tính chính danh, và hết chịu nỗi để phải sụp đổ?

Cuối cùng, leon Aron đi tới kết luận: Yếu tố cơ bản dẫn tới cuộc cách mạng triệt để tại Liên Xô không phải vì lý do kinh tế hay bắt cứ lý do nào khác, mà chính là nhu cầu đạo lý.

Nếu chỉ ngừng lại ở những suy nghĩ thoáng qua, ta thấy kết luận trên có vẻ mơ hồ, không tưởng, thiếu khả năng thuyết phục. Nhưng nếu có dịp đối chiếu và nhìn sâu vào tư duy quần chúng Nga, nhất là những nhân vật chủ chốt lúc bấy giờ như Yelsin, Gorbachev, nó lại hết sức thực tế, có thể hiểu được. Tác giả nêu lên một số dữ kiện cụ thể để chứng minh cho nhận định này của ông. Trước phiên họp của Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Liên Xô tháng Giêng năm 1987 dịp công bố chủ trương Glasnost (cởi mở) và chính sách Perestroika (tái cơ cấu), Gorbachev đã tuyên bố một câu gây bất ngờ cho nhiều người: “Tôi muốn xây dựng một Liên Xô có Đạo Lý hơn” và “Một không khí đạo lý mới mẻ đang thành hình trên đất nước ta”. Leon Aron viết:

“Hầu hết những điều họ tuyên bố công khai trong những ngày đầu của chương trình tái cơ cấu (perestroika), bây giờ nhìn lại, có vẻ chỉ là một cách biểu lộ nỗi khổ tâm của họ về sự suy đồi tinh thần và những hệ quả xói mòn đạo lý của thời đại Xít-ta-lin. Đó là bước khởi đầu của một sự liều lĩnh đi tìm kiếm những câu trả lời cho các vấn nạn to lớn mà mọi cuộc cách mạng vĩ đại thường bắt đầu: Thế nào là một cuộc sống tốt đẹp, hợp với nhân phẩm? Cái gì tạo ra một trật tự kinh tế và xã hội công chính? Một nhà nước chính danh và đàng hoàng là như thế nào? Quan hệ của một nhà nước ấy với xã hội dân sự phải như thế nào?“

Nguồn: RFE/RL

Gợi lại những suy tư sâu lắng của Gorbachev vào thời tiền cách mạng, tác giả nhắc tới một câu nói ẩn chứa nhiều ý nghĩa của nhân vật này: “chúng ta không thể tiếp tục như thế thêm nữa, và chúng ta phải triệt để thay đổi lối sống, dứt khoát với những sai trái trong quá khứ”. Gorbachev mệnh danh đó là “lập trường đạo lý”(1) của ông. Vẫn theo Leon Aron, điều gọi là “lập trường đạo lý” này không phải chì là của riêng người lãnh đạo cuối cùng chế độ cộng sản Liên Xô mà là một lập trường phổ quát, ít nữa là trong hàng ngũ lãnh đạo, để đi tới kết luận về một cuộc cách mạng phát khời từ trên đi xuống. Rồi từ nháng lửa khởi phát từ thượng tấng kiến trúc xã hội Liên Xô khi ấy, nó bén rễ. nảy mầm nhanh chóng trong quảng đại quần chúng. Tác giả viết:

“Trong một bài phỏng vấn vào năm 1989, ‘người cha đỡ đầu của glasnost’, ông Aleksandr Yakovlev, nhớ lại rằng, vào lúc trở về Liên Xô sau 10 năm làm Đại sứ tại Canada, ông cảm thấy đã đến lúc người dân phải tuyên bố, “Đủ lắm rồi! Chúng ta không thể tiếp tục sống như thế này thêm nữa. Mọi việc phải được thực hiện theo một đường lối mới. Chúng ta phải xét lại tư duy, đường lối, quan điểm về quá khứ và tương lai của chúng ta… Một sự đồng thuận ngấm ngầm: giản dị là, chúng ta không thể tiếp tục sống như chúng ta đã sống trước đây – một cách nhục nhã, ngoài mức chịu đựng.”

Trong khi ấy, theo quan điểm của ông Nikolai Ryzhkov, thủ tướng của Gorbachev lúc bấy giờ, thì “tình trạng đạo lý [nrastennoe] của xã hội vào năm 1985 là nét đặc trưng ‘hãi hùng nhất’. Ông ta nói: [Chúng ta] “ăn cắp từ chính bản thân của chúng ta, nhận và đưa hối lộ, láo khoét trong các báo cáo, trên báo chí, láo khoét từ các diễn đàn cấp cao, đắm mình trong láo khoét, rồi trao huân chương cho nhau. Và tất cả những điều này đã diễn ra – từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên.”Một thành viên khác trong nhóm thân cận sơ khởi và rất ít ỏi của Gorbachev gồm những nhân vật chủ trương tự do là Bộ trưởng Ngoại giao Eduard Shevardnadze, cũng bày tỏ nỗi khổ tâm không kém vì tình trạng thiếu luật lệ và tham nhũng đều khắp. Ông từng nói với Gorbachev vào mùa đông 1984-1985 rằng: “Mọi thứ đã thối rữa. Phải thay đổi thôi”. Trả lời cuộc phỏng vấn của báo chí nhiều năm sau, chính ông Gorbachev đã nói lại cảm nghĩ của ông là

“Mô hình Xô-viết không những bị đánh bại trên bình diện kinh tế và xã hội; nó bị đánh bại ngay trên bình diện văn hóa. Xã hội chúng ta, nhân dân chúng ta, những người có học vấn nhất, những người có trí thức nhất, đã bác bỏ mô hình ấy trên bình diện văn hóa vì nó không tôn trọng con người, nó đàn áp con người về mặt tinh thần lẫn chính trị.”

Tác giả bài viết cũng nhấn mạnh tới cá tính hiền hòa không thích bạo động của ông Gorbachev, Vì thế, đứng trước tình trạng các nước chư hầu Đông Âu theo nhau sụp đổ ông đã thẳng thắn khước từ biện pháp dùng cơ bắp để can thiệp như thói quen cố hữu là huy động hồng quân Liên Xô với xe tăng, đại pháo, đạn dược qua trấn áp phe nổi dậy, điều đã hơn một lần Mạc Tư Khoa chủ động thực hiện và đã thành công trong những thập niên trước, ở Hung Gia Lợi, ở Tiệp Khắc, Ba Lan v.v…Để minh họa cho tính nhân bản nơi con người của vị TBT cuối cùng của đảng cộng sản Liên Xô, Leon Aron nhắc tới ký ức của một nhân chứng về câu nói của Gorbachev vào những năm cuối thập niên 1980:

“Chúng ta được dạy là chúng ta phải đấm bàn”, rồi ông nắm tay lại, minh họa cú đấm. Sau đó, viên TBT hạ giọng nói tiếp: “Nói chung, việc này có thể thực hiện. Nhưng chúng tôi không thích làm như vậy.”

Leon Aron tin rằng tư duy và thái độ dứt khoát quay lưng lại với bạo lực để biết xử sự như con người nhân bản của Gorbachev khi ấy đã chin mùi, đã trờ thành phổ quát trong quần chúng Nga qua điều một độc giả phát biểu trên một tờ báo là những gì ông ta chứng kiến quanh mình là một “sự dứt khoát triệt để trong ý thức của người dân”. Hoàn toàn đồng ý với nhận xét này, Leon Aron viết:

“Chúng ta biết độc giả này nhận xét đúng vì cuộc cách mạng của Nga là cuộc cách mạng vĩ đại đầu tiên mà tiến trình của nó được vẽ thành biểu đồ trong các cuộc thăm dò dư luận quần chúng ngay từ đầu. Vào cuối năm 1989, cuộc thăm dò dư luận tiêu biểu đầu tiên đã cho thấy dân chúng nhiệt liệt ủng hộ các cuộc tuyển cử có tính cạnh tranh và việc hợp pháp hóa các đảng phái ngoài Đảng Cộng sản Xô-viết – sau bốn thế hệ dưới chế độ độc tài độc đảng trong lúc các đảng phái độc lập vẫn còn bất hợp pháp. Giữa thập niên 1990, hơn nửa số người được thăm dò trong một vùng nước Nga đồng ý rằng ‘một nền kinh tế lành mạnh’ có khả năng phát triển nhanh hơn ‘nếu chính phủ cho phép tư nhân làm ăn theo ý họ muốn’. Sáu tháng sau, một cuộc thăm dò trên toàn nước Nga cho thấy 56% hậu thuẫn một cuộc chuyển đổi nhanh chóng hay tuần tự sang một nền kinh tế thị trường. Thêm một năm sau thì số người ủng hộ kinh tế thị trường tăng đến tỉ lệ 64%.”… Những người đã gieo vào xã hội ‘chuyển biến ngoạn mục về ý thức’ không ai khác hơn là những kẻ đã từng châm ngòi cho các cuộc cách mạng tiêu biểu khác của thời hiện đại: đó là, các nhà văn, nhà báo, và giới nghệ sĩ. Như Alexis de Tocqueville nhận xét, những con người này ‘giúp tạo ra một ý thức chung về sự bất mãn như vậy, một công luận được kiên định như vậy, rồi hai yếu tố này… lại tạo ra những đòi hỏi hữu hiệu cho các chuyển biến có tính cách mạng’. Đột nhiên, “toàn bộ việc giáo dục” trên cả nước trở thành “công tác của những người cầm bút… Đối với họ, việc phục sinh đạo lý là thiết yếu. Điều này có nghĩa là không những chỉ rà soát lại các hệ thống chính trị và kinh tế Xô-viết, không những chỉ lật ngược các qui phạm xã hội (social norms), mà còn là một cuộc cách mạng trên bình diện cá nhân: một sự thay đổi trong nhân cách của người dân Nga. Như Mikhail Antonov tuyên bố trong một tiểu luận rất sáng tạo năm 1987, với tiêu đề ‘Vậy thì việc gì đang đến với chúng ta?’ trên tạp chí Oktyabr: phải ‘cứu’ lấy nhân dân – không phải để họ thoát khỏi các mối nguy từ bên ngoài, nhưng ‘chủ yếu để họ thoát khỏi chính mình, thoát khỏi các tiến trình phi luân đang giết chết những phẩm chất cao quí nhất của con người’. Cứu nhân dân bằng cách nào? Bằng cách làm cho tiến trình dân chủ hóa còn sơ sinh trở thành con đường định mệnh, không thể đảo ngược – không phải bằng ‘một đợt băng tan’ ngắn ngủi của Khrushchev, nhưng bằng một cuộc thay đổi khí hậu. Và việc gì sẽ đảm bảo cho tình hình không thể đảo ngược này? Trên hết, đó là sự xuất hiện của con người tự do, một con người “không bị lây nhiễm trước các sự kiện lặp đi lặp lại của chế độ nô lệ tinh thần”. Tuần báo Ogoniok, một tạp chí quan trọng thuộc chủ trương glasnost, đã viết vào tháng Hai năm 1989 rằng chỉ có ‘con người không có khả năng làm chỉ điểm cho công an, không có khả năng phản bội và láo khoét, bất luận nhân danh ai hay tổ chức nào, mới có thể cứu chúng ta khỏi sự xuất hiện trở lại của một nhà nước độc tài’…. Vấn đề quan trọng là phải đưa nhân dân trở về ‘địa vị công dân’ từ vị trí ‘nông nô’ và ‘nô lệ’. ‘Đủ lắm rồi!’ là một lời tuyên bố của Boris Vasiliev, tác giả của một tiểu thuyết bán rất chạy trong giai đoạn này về Thế chiến II, một cuốn truyện được đóng thành phim và được khán giả yêu chuộng không kém. Ông nói: ‘Đủ lắm rồi những láo khoét. Đủ lắm rồi tinh thần nô lệ. Đủ lắm rồi sự hèn nhát. Sau cùng, chúng ta phải nhớ rằng tất cả chúng ta đều là công dân. Những công dân tự hào của một đất nước tự hào!’”

Từ hoàn cảnh Liên Bang Xô Viết trước ngày sụp đổ, Leon Aron đối chiếu với những nguyên nhân sâu xa dẫn tới những hệ quả tất nhiên phải đến. Không thề trì hoãn. Cũng không thể tránh né.

Thử nhìn vào cảnh ngộ Việt Nam hôm nay

Hình chụp lại từ phim “Ký ức về của sự sụp đổ của Đảng Cộng sản và Liên Xô”; đây là cuộn phim cán bộ cộng sản ở Hoa lục đã được khuyến khích đi xem. Nguồn Nam Hoa Tảo báo

Nói tới chuyện Việt Nam không thể không liên tưởng tới Trung Hoa, đất nước của ‘Hoàng Đế’ Tập Cận Bình ngày nay. Khác chăng, một bên là một đế quốc tân thời rộng mênh mông với hơn 1 tỷ 400 triệu dân bên cạnh Việt Nam một nước nhỏ với dân số chưa đấy 1/11. Nhưng xét về thân phận và cảnh ngộ, nhất là trong thời điểm này, đối chiếu với Liên Xô theo cách nhìn của Leon Aron cũng chẳng khác nhau bao nhiêu. Khi Bắc Kinh ‘nhức đầu’ thì Hà Nội ‘xổ mũi’. Vì thế rất nhiều người cho rằng: một khi Trung Quốc thay đổi thế tất Việt Nam cũng phải thay đổi theo. Đấy là cách nhìn dễ dãi nhất và cũng là lối suy nghĩ được lập trình đối với những khối óc cùn mằn từ rất lâu bị gắn chặt trong một guồng máy để tự biến mình thành một thứ ‘phỗng đá’ cho Bắc Kinh làm tình làm tội.

Vì thế, dựa trên những phát hiện của Leon Aron về căn nguyên, cỗi rễ dẫn tới cuộc cách mạng bất ngờ ở Liên Xô một phần tư thế kỷ trước, trong phần nhận định này, người viết đề cập thẳng vào trường hợp Việt Nam mà không thông qua những hệ lụy giây chuyền vốn có từ bảy thập niên qua –nếu không muốn nói là từ thời Bà Trưng, Bà Triệu- trong mối tương quan ‘tay đôi’ kiểu ‘môi hở răng lạnh’ giữa hai ‘chế độ anh em’ là Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Dĩ nhiên những nhận định trong phần sau đây của người viết nếu đem ứng dụng vào trường hợp Trung Quốc cũng không xa nhau là mấy.

Phải thẳng thắn nói rằng: nhìn vào hiện tình Việt Nam, chưa thấy có chỉ dấu cụ thể nào trầm trọng đến mức báo hiệu có thể nổ ra một cuộc đổi thay ngoạn mục tương tự như kiểu những cuộc cách mạng Hoa Nhài hay cách mạng Nhung tại các quốc gia Bắc Phi vài năm trước. Đã đành không ai phủ nhận những khó khăn khắp mặt mà đảng và nhà nước CSVN đang phải đối diện lúc này. Kinh tế trì trệ, đông đảo đồng bào tại nông thôn, những vùng sâu vùng xa vẫn còn phải sống dưới mức nghèo khó, tình trạng giáo dục xuống cấp, nạn tham nhũng đã đến mức báo động đỏ, trong khi chuyện đấu đá trong nội bộ cấp cao giữa hai khuynh hướng ‘thoát Trung’ và khuynh hướng bám chặt Bắc Kinh ngày càng trở nên quyết liệt để tranh giành ngôi thứ trong kỳ đại hội đảng 12 sẽ diễn ra đầu năm 2016. Trong điều kiện ấy, những khối lực đối kháng trong và ngoài nước cũng ngày một gia tăng. Vào những ngày tháng cuối năm 2015, con số những tổ chức xã hội dân sự đã lên tới trên dưới 30, trong khi giới trẻ, bao gồm tập thể giới làm văn, làm báo cũng tỏ ra bớt sợ hãi hơn những năm trước.

Theo tin của đài RFA hạ tuần tháng 10 vừa qua, trong kỳ họp cuối của Quốc hội Việt Nam khóa 13, nhiều sự thật bất ngờ được bật mí. Nhiều vấn đề rất nóng. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; phát hành nhiều nghìn tỷ trái phiếu quốc tế để đảo nợ vì quá cấp bách; số tiền thật của ngân sách trung ương là rất mỏng; không thể tăng lương công chức vì không có tiền hoặc vì sao phải bán hết cổ phần nhà nước ở 10 đại công ty quốc doanh. Đây là những vấn đề rất nóng được bàn cãi ở kỳ họp cuối cùng, trước khi Quốc hội khóa 13 mãn nhiệm. Đáng chú ý chỉ trong vòng ba ngày từ buổi khai mạc 20/10/2015, báo chí có cơ hội tường thuật, giật tít những sự thật gây sốc được bật mí từ một số đại biểu. Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội khóa 13 từng nổi tiếng với lời phát biểu thẳng thắn đáng ghi nhớ, đại ý ông cho rằng, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một mô hình không có thật, vậy mà Việt Nam cứ mất công đi tìm. Ông Bùi Quang Vinh đã công khai tuyên bố như vậy ngay giữa nhiệm kỳ Ủy viên Trung ương khóa 11. Giờ đây trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội trước khi mãn nhiệm, ông Bùi Quang Vinh lại bật mí một sự thật làm nhiều đại biểu vốn say sưa với thành tích của chính phủ phải cụt hứng, (từ “cụt hứng” RFA trích từ một bài tường thuật của báo chí lề phải).

Theo SaigonTimes Online ngày 22/10/2015, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói với phóng viên của báo này rằng: số tiền thật của trung ương, tức ngân sách trung ương năm 2016 còn lại rất mỏng, vậy mà còn phải chi rất nhiều khoản để đầu tư, trả nợ xây dựng cơ bản của các bộ, ngành và địa phương….Vẫn theo SaigonTimes Online, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh xác định trên thực tế Ngân sách Trung ương chỉ còn vỏn vẹn 45.000 tỷ đồng. Con số 45.000 tỷ đồng này không biết phải làm gì, chưa nói đến phải trả nợ. Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả. Ông Vinh nói số tiền đó quá nhỏ để có thể điều tiết.

Vẫn theo RFA, VnExpress ngày 20/10 có bài “Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn,” tờ báo trích lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trấn an Quốc hội là nợ công vẫn dưới mức cho phép 65% GDP. Ông Thủ tướng tự hào vì mức tăng trưởng GDP năm 2015 ước tính sẽ đạt trên 6,5%. Tuy nhiên, ông nhìn nhận nợ công tăng nhanh, cân bằng ngân sách nhà nước khó khăn. Đây cũng là lý do Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép phát hành thêm 3 tỷ Mỹ kim trái phiếu quốc tế để đảo nợ. Thời báo kinh tế Saigon Online ngày 21/10/2015 trích lời ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhìn nhận là Chính phủ xin phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ vì quá cấp bách. Ông Thụ hàm ý rằng, kế hoạch vay nợ của chính phủ năm 2015 khoảng 436.000 tỷ đồng nhưng đã không huy động được tiền như ý muốn. Do vậy cần phải phát hành trái phiếu quốc tế vì không còn cách nào khác. Liên quan tới đề xuất của chính phủ xin phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để đảo nợ, báo điện tử VnExpress ngày 22/10 trích lời Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn bày tỏ lo ngại, nếu phát hành trái phiếu thêm nữa sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro và sợ rằng con cháu sẽ oán giận. Ông Sơn nhấn mạnh trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm thì đời con phải trả nợ. Kỳ hạn 30 năm thì chuyện hoàn trái phải đến đời cháu.

Ngoài tình trạng bầy nhầy về phương diện xã hội, xét riêng về mặt kinh tế tài chánh trên đây, quả thật chế độ Hà Nội có vẻ như đang ở bên bờ vực của sự sụp đổ. Nhưng nếu nhìn vào những điều kiện tương tự chế độ này từng phải đối diện trong quá khứ, nhất là thái độ lì lợm, cố đấm ăn xôi với chủ trương sắt máu của những tay tổ đang nắm quyền sinh sát, giới am hiểu tình hình có lý do tin rằng họ sẽ thoát hiểm. Tại sao?

Vế phương diện đối ngoại, cái thế đi giây giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn của hai khuynh hướng thoát và ôm chân Trung Quốc ở Việt Nam tuồng như đã có phần thay đổi sau cuộc thăm viếng Hoa Kỳ của hai ông Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình mới đây, đặc biệt cuộc viếng thăm chính thức của ông Tập tại Việt Nam thượng tuần tháng 11 vừa qua. Dựa hơi vào sức mạnh của Bắc Kinh – ít nữa là về mặt biểu kiến- phe đảng tức phe Nguyễn Phú Trọng có phần lấn lướt phe có khuynh hướng thân Tây phương hiểu cách đơn giản là phe Nguyễn Tấn Dũng. Cuối tháng 10 vừa qua, sự kiện Hoa Kỳ đưa khu trục hạm USS Lassen có tên lửa dẫn đường tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo đá lúc chìm lúc nổi trong vùng Trường Sa do Trung Quốc bồi thành đảo nhân tạo được dư luận coi như một hành vi thách đố khá mạnh mẽ đối với Bắc Kinh, Tuy vậy, tuồng như nó vẫn không xóa tan được sự hoài nghi của dư luận về một thỏa thuận ngầm nào đó giữa đại cường Hoa Kỳ và cường quốc đang lên Trung Cộng. Ông Carl Thayer, một chuyên gia về biển Đông ở Úc nhận định: hành vi mới đây của Hoa Thịnh Đốn dù có làm mờ đi phần nào hình ảnh “cọp giấy” của Mỹ, nhưng theo ông, phản ứng của Hoa Kỳ vẫn chưa cứng rắn đủ, khi những hành vị ngang nhiên lấn chiếm Trường Sa và Hoàng Sa của Bắc Kinh trở thành chuyện đã rồi. Một cách nào đó, nhận định của ông Thayer đã gián tiếp xác nhận thái độ hòa hoãn giữa trục Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn, ít nữa là từ nay đến tháng 1, 2017 khi ông Obama chấm dứt nhiệm kỳ thứ hai. Và điều này sẽ trực tiếp tác động tới việc sắp xếp nhân sự trong nội bộ CSVN. Có nhiều khả năng sẽ có sự chia chác quyền lực trong 5 năm tới kể từ đầu năm 2016 để không có phe nào thắng thế trong cuộc chạy đua thu gom sức mạnh về một mối hầu nắm thế chủ động giữa phe Nguyễn Tấn Dũng và phe Nguyễn Phú Trọng tại đại hội 12 đảng cộng sản VN. Đôi bên sẽ cùng cấu kết với nhau, tương nhượng lẫn nhau – dù trong giai đoạn- nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để cùng tồn tại.

Bây giờ, chúng ta thử nhìn vào cái thế của Việt Nam bằng cái nhìn của Léon Aron qua trường hợp sụp đổ bất ngờ ở Liên Bang Xô Viết cuối thế kỷ trước xem sự thể ra sao. Trước hết, câu hỏi được đặt ra là đám đông quần chúng hơn 90 triệu người dân Việt Nam có nhu cầu khẩn cấp về đạo lý không?

Câu trả lời là có. Hơn tất cả ai khác, chính thành phần lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN đã nhận ra điều này rất sớm – đặc biệt từ sau những cuộc tập hợp cầu nguyện đông người có lúc lên tới nhiều chục ngàn ở nhà thờ Thái Hà, Tòa Khâm Sứ Hà Nội trong những năm 2008/2009. Vì vậy họ thấy cần phải có động thái cụ thể nhằm hạ nhiệt đang âm ỉ dồn nén trong tập thể tín đồ Công giáo. Đối với các tôn giáo khác, nhất là Phật Giáo Hà Nội không quá âu lo, vì họ đã thành công trong việc thành lập Giáo Hội Phật Giáo Quốc Doanh dưới danh hiệu Phật Giáo Việt Nam. Nhưng với Công Giáo họ không thể không quan tâm. Có hai sự kiện nổi bật gần đây cần chú ý. Tháng 10 hàng năm, theo lịch Phụng Vụ của người công giáo là Tháng Hoa tôn vinh Đức Maria. Hơn hẳn những năm trước, năm nay những cuộc Dâng Hoa diễn ra tưng bừng khắp nơi, không chỉ ở Sài Gòn, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Xuân Lộc, mà cả ở những vùng xa như Nghệ An, Thanh Hóa. Thượng tuần tháng 10 vừa qua, một buổi Dâng Hoa kính Đức Mẹ Maria được thực hiện quy mô chưa từng có tại Thanh Hóa, về cả hai phương diện số giới trẻ CG nam nữ tham dự cũng như về kỹ thuật tổ chức. Người viết bài này đã đích thân được coi buổi Dâng Hoa này trình chiếu trên đài truyền hình Vietface Mall ở nam California vào một buổi tối khoảng trung tuần tháng 10. Theo người thuyết minh, số thanh niên nam nữ trong đoàn Dâng Hoa lên tới ngót 40 ngàn, một con số khó ai tưởng tượng có thể huy động được ở một nơi như Thanh Hóa trong thời điểm này, nếu không có bàn tay can thiệp của nhà cầm quyền CS. Nhìn vào những động tác của đoàn nam nữ thanh niên CG đang biểu diễn với lớp lang, tiến thối nhịp nhàng được tập luyện công phu về cả hai mặt kỹ thuật và nghệ thuật tương tự như trong cuộc biễu diễn của cả trăm ngàn người Trung Quốc trong thế vận hội 2008 tại Bắc Kinh, nhiều câu hỏi được nêu lên. Nhân sự, phương tiện kỹ thuật và tiền bạc ở đâu ra để có thể thực hiện được một công trình vĩ đại và quy mô như thế? Vì lòng nhiệt thành với đạo, giáo dân, giáo quyền có thể thắt lưng buộc bụng để có tiền, nhưng còn vấn đề phép tắc, an ninh, nhất là vấn đề huy động nhân sự, kỹ thuật để thao luyện cho một đám đông ba bốn chục ngàn người… làm sao và do đâu có được?

Câu trả lời là phải có bàn tay nhà nước nhúng vào. Một câu hỏi khác lại được đặt ra. nguyên do nào khiến nhà nước dưới sự chỉ đạo của một đảng vô tín ngưỡng luôn coi tôn giáo là đối tượng cần triệt tiêu lại làm một chuyện ngược đời như thế? Câu trả lời tìm thấy là họ cần hạ nhiệt. Nói cách khác họ không muốn thấy một tình trạng “tức nước vỡ bờ” bất ưng có thể nổ ra vì nhu cầu đạo lý mang hình tượng tự do tôn giáo. Vì thế, tương kế tựu kế, thay vì kiểm soát, hạn chế họ ngầm khuyến khích, hơn thế còn tiếp trợ phương tiện về tiền bạc nhân sự cho những sinh hoạt nổi tại các giáo phận để một mặt thỏa mãn nhu cầu tâm linh của giáo dân, mặt khác, đánh lừa dư luận thế giới, nói chung và Hoa Kỳ nói riêng về một đất nước tôn giáo được tự do.

Một sự kiện khác cũng đang diễn ra trong giới Công Giáo, không phải đâu xa mà ngay tại Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà (Hà Nội) và Kỳ Đồng (Sài Gòn). Đó là những Thánh Lễ cầu cho Quê Hương, những buổi cầu nguyện cho Công Lý Hòa Bình với những bài giảng thuyết mạnh mẽ, công khai nhắm vào đảng và nhà nước của các Linh Mục trước đám đông cả ngàn tín đồ. Điều cần chú ý, đây không phải là chuyện xuân thu nhị kỳ mà là chuyện diễn ra hàng tuần. Vượt ra khỏi phạm vi DCCT, gần đây những bài giảng thuyết nấy lửa như thế còn phát ra từ cửa miệng những Linh Mục triều ở giáo phận Xuân Lộc kế cận Sài Gòn hoặc xa hơn như bài thuyết giảng nặng ký của cha Đặng Hữu Nam, cai quản Giáo xứ Xuân Kiều, Giáo họ An Lạc, Giáo phận Vinh vừa diễn ra hôm Thứ Bảy 10/10/2015. Những bài giảng thuyết với nội dung đánh thẳng vào tệ trạng tham nhũng, thối nát, hành vi bán nước “hèn với giặc, ác với dân” của đảng và nhà nước CSVN như vừa kể đã được những phương tiện truyền thông hiện đại truyền đi khắp hang cùng ngõ hẻm, trong nước cũng như hải ngoại. Dường như công an nhà nước án binh bất động không hề can thiệp. Chúng ta hiểu thế nào về thái độ này?

Trước hết, đây là một thái độ chẳng đặng đừng đối với Hà Nội. Trong hoàn cảnh bắt buộc phải mở ra với thế giời hiện nay, trường hợp Linh Mục Nguyễn Văn Lý vẫn còn bị giam giữ trong nhà tù chế độ giống như khúc xương nuốt không vô mà nhả cũng không ra đối với giới cầm quyền. Do đó, Hà Nội miễn cưỡng phải ngậm bồ hòn làm ngọt, không dám mạnh tay trước những tiếng nói đối kháng quyết liệt cùa các giáo sĩ Công Giáo khác trong lúc này, cho dù so với hành vi, thái độ của Linh Mục Lý trước đây, sự tác hại cho uy tín của chế độ về những bài giảng thuyết công khai hiện nay nặng hơn nhiều. Trong tình huống ấy, họ không có chọn lựa nào hơn là làm ngơ theo kiểu “không bắt được thì tha làm phúc”. Ở một khía cạnh khác, đấy cũng là một chiến thuật giai đoạn, tạm thời chấp nhận để cho những tiếng nói bất mãn cất lên như một cách “xả xú-páp” hầu tránh bể tung nồi xúp-de đang sôi sục do nhu cầu bức thiết của một xã hội, trong đó đạo lý và tình người ngày một xuống cấp đến mức báo động.

Trong cuộc phỏng vấn Linh Mục Phêrô Nguyễn Văn Khải của Hồng Phúc (nhà báo Lê Hồng Long) trên đài Việt Nam hồi tháng 9 năm 2015, vị giáo sĩ thuộc DCCT hiện đang du học ở Vatican đã công khai nói lên nhu cầu này. Theo ông chưa bao giờ đòi hỏi phục hồi đạo lý, trật tự gia đình và xã hội của quần chúng Việt Nam trong nước lại cấp bách như thời gian gần đây, đến nỗi không chỉ nam giới, những người trẻ mà cả phụ nữ cũng can đảm đứng lên tham gia cao trào đấu tranh chống lại sự ác. Là người mới từ quốc nội thoát ra hải ngoại không lâu, luôn theo dõi sát những biến chuyển trên quê hương, ông thuật lại chi tiết những thủ đoạn, gian dối, tàn ác, thất nhân tâm của những người cộng sản từ trên xuống dưới. Điều tệ hại nhất theo Linh Mục Nguyễn Văn Khải là sau ba phần tư thế kỷ áp đặt ách thống trị độc tài, độc đảng cộng sản tại miền Bắc và 40 năm trên toàn lãnh thổ sau ngày thôn tính được miền Nam, họ đã đẩy xã hội Việt Nam vào một tình trạng băng hoại đến tận cùng. Kết quả, chế độ này đã biến không ít người dân thành vô cảm, dửng dưng trước nỗi bất hạnh của đồng bào và xô đẩy giới trẻ vào con đường ăn chơi, trụy lạc. Quan sát những gì đang xảy ra hàng ngày trong hệ thống học đường Việt Nam, ai cũng nhận ra nhu cần lớn lúc này là phải làm một cái gì để góp phần phục hồi đạo lý và thể thống quốc gia dân tộc trước khi quá trễ. Bằng cách nào một dân tộc vốn tôn trọng đạo nghĩa như dân tộc Việt Nam có thể làm ngơ trước cảnh tượng đám đông học sinh trai gái chửi rủa, đánh xé lẫn nhau không nương tay như kẻ thù? Và làm sao những con người còn có lương tri khỏi cau mày lo nghĩ khi chứng kiến những màn lăng mạ, làm nhục diễn ra trong trường lớp giữa học sinh và thày cô giáo!?

Hiện tượng hàng loạt những người trẻ, trong số có cả những viên chức trong ngành công an của chế độ công khai từ bỏ lối sống cũ để tìm về với đạo giáo trong thời gian gần đây, bất chấp những đòn thù của chế độ, như trường hợp tù nhân lương tâm Tạ Phong Tần, những người hoạt động Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Hoàng Vi, Trịnh Kim Tiến v.v… chứng tỏ đã đến lúc truyền thống tôn trọng đạo lý của tiền nhân đã và đang thôi thúc người dân Việt Nam phải động não. Sư liên tưởng khiến người viết nhớ tới một khuôn mặt còn rất trẻ vừa xuất hiện trên những video do chính anh thực hiện rồi phổ biến rộng rãi trên Internet kể từ hôm 30/4/2015 nhân tưởng niệm 40 năm CS miền bắc chiếm được miền Nam. Đó là sinh viên Lê Văn Thành, 19 tuổi mà trong một số bài viết chúng tôi mệnh danh anh là một hiện tượng, một ngôi sao rực sáng giữa lòng thủ đô xám ngắt của Hà Nội hôm nay. Điều gì khiến một xã hội độc tài, tàn ác, bưng bít thông tin như Việt Nam thời xà hội chủ nghĩa lại nảy sinh một người trẻ vừa thông minh, nhạy bén vừa can trường đầy tính nhân bản như thế? Chỉ cần nhìn khuôn mặt trẻ thơ, trong sáng của Lê Văn Thành rồi nghe anh nói về đề tài “Hòa giải Hòa hợp Dân tộc kiểu Giả cầy” dịp tưởng niệm 40 năm mà anh mệnh danh là “Bên Thắng Cuộc” chiếm được miền Nam, rồi suy nghĩ tiếp về những lý luận và lối biện giải khúc triết, rành mạch mang nặng tình tự dân tộc của anh qua những video “Phản động là gì? Ai mới thực sự là Phản động? Cây xanh Hà Nội là những kẻ sát nhân?”, “Giáo dục Việt Nam: Chính sách ngu dân?”(2)… đồng bào trong và ngoài nước sẽ cảm nhận được một sứ điệp khẩn cấp mà người sinh viên trẻ này muốn gửi ra cho đồng bào anh. Sứ điệp ấy là gì nếu không phải là một lời báo động về tình trạng gian dối, ác độc biểu hiện sự suy thoái, băng hoại trầm trọng về những giá trị tinh thần, văn hóa trên quê hương Việt Nam vào thời điểm này?

Nói tới văn hóa, chúng ta không thể không nói tới những tiếng kêu thất thanh của những nhà văn, nhà thơ, nhà báo trong nước như Nguyên Ngọc, Dương Tường, Lê Phú Khải, Tạ Duy Anh, Nguyễn Viện, Tiêu Dao Bảo Cự, Bùi Minh Quốc, Mai Thái Lĩnh, Hà Sỹ Phu, Vũ Biện Điền, Vũ Cao Quận, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Xuân Nghĩa, Tô Hải, Bùi Ngọc Tấn… Ẩn sâu bên trong và đàng sau những tác phẩm văn chương phản kháng một hệ thống chính trị độc tài, gian ác đã nhận chìm đất nước vào hiểm họa tiêu vong… là nỗi trăn trở khôn nguôi của những tấm lòng Việt Nam còn thiết tha với tuyền thống nhân nghĩa, đạo lý dân tộc. Nơi bìa sau tác phẩm “Chuyện Kể Năm 2000”(3) vừa được tù sách Tiếng Quê Hương tái bản nhân dịp giỗ đầu tác giả, nhà văn Bùi Ngọc Tấn viết:
“Đã bao năm rồi vẫn một kiểu cai trị như thế. Vẫn nói trắng thành đen, nói đen thành trắng. Sự lì lợm này mài nhẵn những bộ mặt, ăn mòn phản ứng trên da mặt. Nó làm mặt người gần mặt con vật… Tôi mong đợi từng ngày và mong đợi quá lâu rồi, sự sụp đổ của cái trật tự bóp chết con người, bóp chết tự do, sự dối trá thống trị…! Cái trật tự xã hội tôi đã sống gần trọn đời và ghê sợ nó.”

Trở lại với bài viết của Leon Aron được người viết dùng làm tiền đề cho dự ước về căn nguyên đưa tới những đột biến có thể xảy ra cho Việt Nam, tác giả nhắc tới quan điểm Nikolai Ryzhkov, thủ tướng của Gorbachev lúc bấy giờ, theo đó, “tình trạng đạo lý [nrastennoe] của xã hội vào năm 1985 là nét đặc trưng ‘hãi hùng nhất’. Ông ta nói:
“[Chúng ta] ăn cắp từ chính bản thân của chúng ta, nhận và đưa hối lộ, láo khoét trong các báo cáo, trên báo chí, láo khoét từ các diễn đàn cấp cao, đắm mình trong láo khoét, rồi trao huân chương cho nhau. Và tất cả những điều này đã diễn ra – từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên.”

Những đường nét mà Nikolai Ryzhkov gọi là đặc trưng “hãi hùng nhất” trong xã hội Liên Xô trước khi tan vỡ cuối thế kỷ trước nếu đem đối chiến với hiện trạng Việt Nam dưới thời cai trị của các ông Sang-Trọng-Hùng-Dũng quả thật không khác gì đứa con song sinh. Nếu có khác là ngoài những tệ trạng phi đạo lý, “ăn cắp” kể trên, đất nước ta còn bị cái bóng của kẻ thù truyền kiếp là Trung Quốc thường xuyên đe dọa. Phải chăng vì ngầm chia sẻ tâm trạng day dứt kể trên của nhân vật giữ vai trò thủ tướng cho Gorbachev, vị TBT cuối cùng của chế độ CS Liên Sô, mà trong một giây phút bất ngờ, ông Nguyễn Tấn Dũng với tư cách thủ tướng CSVN đã bạo phổi đưa vào thông điệp đầu năm 2015 của ông lời tuyên bố đại ý là để tìm một lối ra cho dân tộc không còn có phương cách nào khác hơn là cần phải thay đổi cơ chế. Cho dù với quán tính lọc lừa gian dối của những người cộng sản khiến ông Dũng bốc đồng tuyên bố như thế, nhưng đối chiếu với những khát vọng thâm sâu của tuyệt đại đa số đồng bào trong nước thể hiện qua giới trẻ, giới trí thức, những lãnh đạo tôn giáo, những nhà văn, nhà báo, chúng ta có lý do để tin rằng: một cuộc đột biến vẫn có khả năng bùng nổ trên đất nước chúng ta vào một thời điểm khó ai có thể ngở. Cũng như Liên Xô cuối thế kỷ trước, căn nguyên sâu xa dẫn tới đột biến ấy không gì khác hơn là khát vọng của toàn dân về sự phục hồi nền đạo lý truyền thống của dân tộc.

Những ngày cuối năm 2015.
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”

Bài do tác giả gởi. DCVOnline minh hoạ.

(1) Trong dịp yết kiến Giáo Hoàng Gioan Phaolô II năm 1989, sau khi phu nhân TBT Gorbachev kính cẩn đón nhận xâu chuỗi Mân Côi, tặng phẩm do chính Giáo Hoàng đích thân trao tặng, một quan sát viên có mặt đã lên tiếng đoan quyết là lời tiên báo của Đức Maria ngót 100 năm trước ở Fatima chắc chắn sẽ trở thành hiện thực: Liên Xô sẽ trở về với giá trị đạo lý nền tảng của con người và Đức Tin Kitô giáo.

(2) Xin vào Google, đánh tên Lê Văn Thành, kèm theo tiêu đề những video do người sinh viên trẻ này thực hiện, quý độc giả sẽ trực tiếp được thấy mặt và nghe anh nói.

(3) Trước khi qua đời cuối năm 2014, nhà văn họ Bùi đã ân cần ủy thác cho tủ sách Tiếng Quê Hương tái bản tác phẩm để đời này của ông, sau khi đã cặm cụi phục hồi lại những chi tiết nguyên thủy trong tác phẩm mà trong lần in thứ nhất để vượt qua cửa ải kiểm duyệt của nhà nước, tác giả phải cắn răng xóa bỏ. Dù vậy, ngay sau khi vừa in xong, toàn bộ tác phẩm đã bị chế độ ném vào máy nghiền nát! (Đọc bài của nhà văn Nguyên Ngọc “Xin trả lại nguyên dạng cho Chuyện Kể Năm 2000” nơi trang đầu tác phẩm vừa tái bản)





No comments: