Ngô
Nhân Dụng
05/11/2015
Trước
khi ông Tập Cận Bình đến Hà Nội nhiều người Việt đã hỏi nhau: Tập Cận Bình qua
đây có ý đồ gì? Ông ta có duyệt phê danh sách trù bị cho đại hội đảng thứ 12
năm tới hay không? Ông ta sẽ chọn ai? Nhiều người còn thắc mắc có phải vì vụ
tàu chiến Mỹ Lassen đi tuần sát gần các đảo nhân tạo ở Biển Đông mà Tập Cận
Bình sang trấn an những phần tử thân Bắc Kinh hay chăng?
Những
câu hỏi trên có thể gây bàn cãi sôi nổi nhưng đều nhìn sai vấn đề. Ông Tập Cận
Bình không cần phê duyệt danh sách nào cả. Cũng không cần lo phe thân Trung Cộng
yếu thế. Mọi chuyện đó đã được thu xếp cả rồi. Đảng Cộng sản Trung Quốc có ảnh
hưởng trên đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng họ không cần gửi một ông Tổng bí thư
qua tận Hà Nội mới nói ra và đạt được những điều họ muốn. Bang giao giữa Việt
Nam, Mỹ và Trung Quốc là một diễn trình kéo dài nhiều năm, thể hiện trên nhiều
mặt, cũng không cần Tập Cận Bình qua lại giải quyết từng vụ.
Đảng
cộng sản Trung Quốc muốn những gì thì chúng ta cũng biết. Chính quyền Trung Cộng
hay chính quyền của các hoàng đế Trung Hoa từ các đời Hán, Đường, Tống, Nguyên,
Minh, Thanh và Trung Quốc Quốc Dân Đảng đều muốn: Nếu có thể thì biến Việt Nam
thành một tỉnh của Trung Quốc, người Việt thành người Trung Quốc. Nếu không được
thì bảo hộ một chính quyền chịu nghe lệnh các Hoàng đế hay các ông Chủ tịch
Trung Quốc.
Cộng
sản Trung Quốc ảnh hưởng trên Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1950, trước khi Tư
tưởng Mao Trạch Đông được ghi vào cương lĩnh của Đảng Lao động, đứng sau chủ
nghĩa cách mạng của Marx và lý thuyết nhà nước chuyên chế của Lenin. Ngay sau
đó, các cố vấn Tàu được gửi qua huấn luyện và chỉ đạo đảng và quân đội Việt
Nam.
Ảnh
hưởng của Trung Cộng trên nước Việt Nam bắt nguồn từ mối quan hệ giữa hai đảng
Cộng sản. Có thời gian, năm 1990, Đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội không thèm
nói chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch nữa, mọi quyết định
đi qua Ban đối ngoại của hai đảng, như hồi ký của Trần Quang Cơ tiết lộ. Hội
nghị Thành Đô bắt đầu một thời kỳ lệ thuộc. Trung Cộng can thiệp vào việc sắp xếp
nhân sự trong đảng và trong chính phủ cộng sản Việt Nam. Như ông Dương Danh Dy,
nhà nghiên cứu Trung Quốc và cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu đã
trình bày, “Chấp nhận thoả thuận Thành Đô, Đại hội VII ĐCSVN, họp từ ngày 17/6
đến 27/6/1991 đã gạt đồng chí Nguyễn Cơ Thạch ra khỏi Bộ Chính trị và Ban Chấp
hành Trung ương Đảng, không để ông giữ bất kỳ chức vụ nào trong đảng và nhà nước”.
Từ đó tới nay Trung Cộng tiếp tục đóng một vai trò quyết định trong thành phần
lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam.
Ảnh
hưởng quyết định đó được thực hiện qua nhiều ngả, nhiều đường dây và thủ đoạn.
Như ông Trần Quang Cơ, cựu Thứ trưởng Ngoại giao vào thời gian hội nghị Thành
Đô, mới viết gần đây: “Họ tiến hành cái tôi tạm gọi là “thôn tính mềm”, không
gây ầm ĩ như cuộc chiến tranh chớp nhoáng tháng 2/1979, mà dùng những thủ đọan
hiểm độc hơn nhiều: đó là vừa dùng sức mạnh quân sự để uy hiếp trắng trợn, vừa
dùng tiền tài mua chuộc; vừa phá từ trong phá ra, vừa bao vây từ ngoài lấn
vào”. Một cách cụ thể, ông mô tả: “Còn bên trong nước ta, họ dùng chiến thuật
hiểm độc, chiến thuật “con mối”, cứ lặng lẽ mà đục ruỗng nước ta bằng nhiều thủ
đoạn, như mua chuộc và tha hóa cán bộ ta, … rồi cuối cùng thì nuốt chửng, mà ta
lúc này (như trên đã nói) với tệ tham nhũng hoành hành khắp nơi – không loại trừ
có bàn tay của Trung Quốc – đã như một khúc gỗ mục”.
Trong
phần “phá từ trong phá ra”, Cộng sản Trung Quốc nuôi dưỡng và ràng buộc một số
người Việt để ngăn cản mọi ý định thoát khỏi ảnh hưởng của phương Bắc. Có ông Bộ
trưởng Quốc phòng nói thẳng rằng tình trạng nhiều người Việt Nam chống Trung Cộng
là một mối nguy cho cả nước! Không hiểu ông này đứng về phía Trần Hưng Đạo,
Quang Trung hay muốn noi gương Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống?
Thủ
đoạn “dùng tiền tài mua chuộc” để biến nước ta thành “như một khúc gỗ mục” thì
không kể sao cho hết. Các công ty Trung Quốc trúng thầu hầu hết các công trình
xây dựng không phải vì họ giỏi nhất hoặc chi phí ít tốn kém nhất. Hàng lậu,
hàng giả, và hàng kém phẩm chất tràn ngập đánh bại hàng nội hóa của người Việt.
Hàng ngàn công nhân Trung Quốc đang làm những việc mà công nhân Việt Nam dư sức
làm. Con của một ông Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã được một công ty Trung Quốc
phong chức Phó tổng giám đốc của công ty ở bên Tàu mà không cần phải làm gì cả,
chỉ lâu lâu qua Bắc Kinh, Thượng Hải ăn chơi. Với những thủ đoạn đó, guồng máy
đặc vụ tình báo của Trung Cộng đã được gài khắp nơi. Họ luôn luôn làm việc,
không ngồi chờ đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam làm gì rồi mới phản ứng. Chắc chắn
Cộng sản Trung Quốc không cần gửi một ông Tổng bí thư đích thân qua Hà Nội lo xếp
đặt nhân sự.
Với
một mạng lưới sâu và rộng để gây ảnh hưởng trên nước Việt Nam về mọi mặt, Trung
Cộng cũng không phải lo ngại trước những sự kiện như Việt Nam gia tăng giao thiệp
với Mỹ, như khi gia nhập tổ chức Mậu dịch Liên Thái Bình Dương (TPP). Bởi
vì trong thế tương quan giữa Mỹ với Trung Cộng ở vùng Đông Nam Á Việt Nam không
phải là một vấn đề quan trọng nhất, như người mình nghĩ. Chính quyền Mỹ nào
cũng chỉ lo bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ chứ không yêu hay ghét một quốc gia
nào. Trong các cuộc mặc cả với nhau các nước đều có thể tùy cơ ứng biến, trao đổi
lợi lộc, ai trả giá cao hơn thì mua được, ai có món hàng tốt thì bán được.
Chính
sách của Chính phủ Mỹ về các vấn đề ở Biển Đông đã được nói rõ ràng. Nước Mỹ
không có ý kiến về chuyện nước nào làm chủ những hòn đảo nào; họ không can dự
vào các vụ tranh tụng. Chính sách này được áp dụng từ năm 1974 khi hải quân Mỹ
không cứu giúp hải quân Việt Nam Cộng hòa khi Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa.
Chính phủ Nixon đã chủ trương rút khỏi Việt Nam, dù biết miền Nam sẽ bị quân miền
Bắc chiếm sau khi Mỹ cắt viện trợ. Hoàng Sa thuộc nước cộng sản Trung Hoa hay
thuộc nước cộng sản Việt Nam, điều đó không đáng lôi kéo Mỹ vào một cuộc chiến
với Trung Cộng. Việc chiến hạm Lassen đi tuần sát cạnh các hòn đảo nhân tạo
Trung Cộng mới đắp, cũng như việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ mời Bộ trưởng Quốc
phòng Malaysia cùng lên một mẫu hạm Mỹ đi dạo trong vùng Biển Đông, không phải
để khiêu khích mà chỉ các nước chung quanh biết Chính phủ Mỹ bảo vệ một quy tắc
trong luật pháp quốc tế là các hòn đảo nhân tạo không có giá trị về mặt chủ quyền,
và Chính phủ nhất định bảo vệ quyền tự do hàng hải trong vùng này. Chính phủ Mỹ
hành động vì chủ ý của họ như thế, không phải vì họ nghĩ tới quyền lợi của nước
Việt Nam.
Trong
các vấn đề Biển Đông, Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn gì? Ai cũng đồng ý với ông
Trần Quang Cơ, ông viết: “Hướng bành trướng của Trung Quốc là xuống phía Nam,
mà Việt Nam lại là chướng ngại vật lớn cản trở tham vọng bành trướng đó nên
Trung Quốc đang có kế hoạch thôn tính Việt Nam bằng mọi thủ đoạn. … Tham vọng của
Trung Quốc là làm chủ cả Biển Đông. Muốn thế trước hết phải uy hiếp và khống chế
Việt Nam là nước có bờ biển thông ra Biển Đông dài nhất”.
Kế
hoạch “làm chủ cả Biển Đông” kể trên sẽ được thực hiện không phải trong một nhiệm
kỳ tổng bí thư của Trung Cộng, cũng không phải trong một thế hệ, mà sẽ kéo dài
rất lâu. Có thể nói từ đời nhà Nguyên, nhà Minh các Hoàng đế Trung Hoa đã bắt đầu.
Trong tình trạng hiện nay, Trung Cộng có thể giữ “nguyên trạng” trong một thời
gian rất lâu để khỏi làm nước Mỹ lo mất quyền lợi trong vùng này. Trong khi đó
họ tiếp tục ép những người cầm quyền ở nước ta không được đưa các vấn đề tranh
chấp giữa hai nước ra trước cả thế giới, chỉ được thảo luận “song phương” với
các châm ngôn “bốn tốt” và “16 chữ vàng”. Họ cũng tiếp tục mua chuộc một số nước
trong khối ASEAN để không bao giờ đồng ý nhìn các vấn đề ở Biển Đông là vấn đề
chung. Cứ như thế, nước Việt Nam sẽ bị cô lập không những đối với thế giới mà cả
ngay trong vùng Đông Nam Á. Trong vùng này, mà Trung Cộng đã xác nhận thuộc
“quyền lợi cốt lõi” (quốc gia hạch tâm lợi ích, 国家核心利益) chướng ngại lớn nhất
cho chính sách bá quyền là một nước Việt Nam mạnh về kinh tế, và một chính quyền
Việt Nam đặt quyền lợi quốc gia trên quyền lợi cá nhân và phe đảng. Nếu giới
lãnh đạo Bắc Kinh giữ nguyên được tình trạng một nước Việt Nam yếu kém về kinh
tế, với một chính quyền vẫn lệ thuộc vào Trung Cộng thì họ không phải lo đối
phó với nước Mỹ hay bất cứ một quốc gia nào khác trong cuộc cạnh tranh. Để thực
hiện đường lối này, Trung Cộng chỉ cần tiếp tục “lặng lẽ mà đục ruỗng nước
ta” như ông Trần Quang Cơ đã báo động. Khi nước Việt Nam còn tiếp tục nghèo
nàn, lạc hậu, chính quyền Việt Nam còn tiếp tục bị thao túng và lũng đoạn thì Bắc
Kinh chỉ cần kiên trì thi hành chính sách cũ của họ, trong tương lai họ sẽ làm
bá chủ vùng Đông Nam Á.
Trong
tình trạng như vậy, những người Việt Nam yêu nước phải làm gì để đối phó với âm
mưu bành trướng của Trung Cộng? Phải phát triển kinh tế. Muốn vậy, phải thiết lập
một guồng máy cai trị có khả năng, trong sạch, đáp ứng những nguyện vọng của
dân, đặt quyền lợi Tổ quốc trên quyền lợi phe đảng. Nghĩa là thiết lập một chế
độ dân chủ tự do. Chỉ khi nào thực hiện được hai điều đó thì mới bảo vệ được độc
lập và tự do. Nhìn vào các hành động của Bắc Kinh ngay bây giờ chúng ta cũng thấy
họ chỉ nể sợ những quốc gia đã phát triển và theo chế độ dân chủ.
Lý
do chính thức về chuyến đi Việt Nam năm nay của ông Tập Cận Bình là để đánh dấu
mối quan hệ hơn 65 năm giữa hai đảng cộng sản. Ngay sau khi rời Việt Nam, ông Tập
Cận Bình sẽ bay qua Singapore, cũng để kỷ niệm 25 năm quan hệ giữa hai nước.
Quan sát dư luận dân chúng Việt Nam và dân Singapore trước khi ông Tập Cận Bình
đến cho chúng ta thấy mối quan hệ giữa hai nước với nước Tàu khác nhau thế nào.
Tại
Singapore, trước ngày Tập Cận Bình đến, các ngân hàng đã nói tới một cơ hội
kinh tế để bàn nhau cùng khai thác. Người ta nhắc tới giao thương giữa hòn đảo
bé nhỏ với 5 triệu rưởi dân này với hơn một tỷ dân Trung Hoa, trị giá gần 100
triệu đô la Mỹ. Họ hãnh diện kể rằng Singapore là nước ngoài đầu tư nhiều nhất
vào lục địa Trung Hoa năm 2014, tổng số lên 4,9 tỷ mỹ kim, không kể Hồng Kông
là một vùng thuộc Trung Quốc (71 tỷ). Giới tài chánh ở Singapore không lo ngại
gì trước các chương trình do Tập Cận Bình đưa ra gọi là “Nhất Đới, Nhất Lộ” (一带一路),
một là “Vòng đai Kinh tế Đường Tơ lụa” (丝绸之路经济带) , hai là Đường Tơ lụa
Trên biển Thế kỷ 21 (21世纪海上丝绸之路). Dựa trên sức mạnh
kinh tế của Singapore, dân kinh doanh trong nước này chỉ thấy những chương
trình đó cũng là những cơ hội cho họ. Họ đang làm ăn phát tài tại hai khu công
nghiệp do người Singapore làm chủ ở các thành phố Thiên Tân (Singapore) và Tô
Châu (Tianjin), nơi cũng có khu công nghiệp của người Đài Loan. Bây giờ họ sẵn
sàng bàn bạc chuyện làm ăn với ông Tập Cận Bình, sắp đề nghị mở mang một đặc
khu mới, tha hồ kiếm lời thêm!
Dân
Singapore không tỏ ra sợ hãi, cũng không ai thấy cần biểu tình chống Tập Cận
Bình! Bởi vì họ biết chính quyền Trung Cộng không đối xử với nước họ như một
chư hầu! Và cả thế giới cũng nhìn nhận như thế. Giới lãnh đạo Singapore lúc nào
cũng giữ thể diện một quốc gia, đứng ngang hàng với chính quyền Trung Quốc. Ông
Lý Quang Diệu lãnh đạo nước Singapore đã ngăn chặn không cho các cán bộ của Mao
Trạch Đông hoạt động lũng đoạn nhằm cộng sản hóa xứ này. Ông đã thành công, thiết
lập kinh tế thị trường đưa nước ông đến cảnh thịnh vượng. Lợi tức bình quân của
dân Singapore cao gấp mười lần của dân Trung Hoa lục địa. Về chính trị, tuy người
dân Singapore không được hưởng những quyền tự do như các nước Âu Mỹ, nhưng trên
căn bản vẫn là một nước dân chủ. Người dân Singapore bỏ phiếu bầu chính phủ, và
đảng cầm quyền thắng vì họ được dân tin tưởng vào chính sách kinh tế của họ. Một
nước như vậy, đủ khiến cho Đảng Cộng sản Trung Quốc phải kính nể.
Tại
Singapore, ông Tập Cận Bình sẽ gặp ông Mã Anh Cửu, tổng thống Trung Hoa Dân quốc.
Đây là lần đầu tiên người cầm đầu hai chế độ “quốc, cộng” gặp nhau nói chuyện
chính thức, kể từ khi Quốc dân đảng thua chạy ra Đài Loan. Tập Cận Bình chịu gặp
Mã Anh Cửu, nhờ Singapore đứng ra làm trung gian, dù có thể đoán trước rằng
trong cuộc bầu cử sắp tới ở Đài Loan Quốc dân đảng sẽ thua Đảng Dân tiến. Cũng
vì Đài Loan là nguồn đầu tư ngoại quốc lớn thứ nhì vào lục địa (4,2 tỷ).
Trước
khi Tập Cận Bình đi Việt Nam và Singapore, Thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường
đã bay qua Seoul gặp bà Tổng thống Nam Hàn Park Geun-hye vào ngày Thứ Bảy trước.
Hai nước sẽ hợp tác trong việc nghiên cứu robotics, các hệ thống tự động, và
Trung Quốc đồng ý sẽ nhập cảng thêm thực phẩm của Nam Hàn. Qua ngày Chủ Nhật,
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bay qua họp chung.
Đây
là cuộc họp mặt của người lãnh đạo chính quyền ba nước sau hơn ba năm đình chỉ
vì tranh chấp Nhật – Trung trên hòn đảo nhỏ bé Điếu Ngư, Senkaku. Thủ tướng
Trung Cộng chịu gặp ông Abe, qua trung gian của bà Park Geun-hye, cũng vì đây
là hai cường quốc kinh tế trong vùng, là thị trường lớn cho hàng hóa Trung Quốc
và cũng là những nguồn đầu tư lớn. Nhật Bản đầu tư vào Trung Quốc 3,3 tỷ và Nam
Hàn 3,2 tỷ, đứng hàng thứ ba và thứ tư sau Singapore và Đài Loan. Bà Park cho
biết ba người cầm đầu chính phủ đã thỏa thuận hợp tác để thành hình Tổ chức
Quan hệ Kinh tế Khu vực (Comprehensive Economic Partnership viết tắt là RCEP,
Khu vực Tổng hợp Kinh tế Hỏa (Lõa) Bạn Quan hệ, 区域综合经济 伙伴关系). Tổ chức này sẽ thành một khối tự do mậu dịch
gồm 16 nước: Trung Quốc, Nam Hàn, Nhật Bản, mười nước ASEAN cùng với Ấn Độ,
Australia, và New Zealand. Để thúc đẩy cho tập hợp này ra đời sớm, Thủ tướng
Trung Cộng chịu nhún qua gặp bà Park Geun-hye và ông Shinzo Abe, rõ ràng vì cần
ganh đua ngay với tổ chức Liên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ chủ xướng. Nhật Bản
là một thành viên sáng lập của TPP còn Nam Hàn thì đang thương thuyết để xin
gia nhập.
Trong
bang giao quốc tế ngày nay, đúng là mạnh vì gạo, bạo vì tiền. Cho nên, về lâu về
dài, nếu Việt Nam muốn được chính quyền Trung Quốc tôn trọng thì cũng phải lo
phát triển kinh tế sao cho có ngày được đứng ngang hàng với Singapore, Nam Hàn
và Nhật Bản. Nhưng một guồng máy nhà nước tham nhũng, bất tài và lệ thuộc ngoại
bang thì không thể giúp cho đất nước phát triển.
Dưới
chế độ độc tài đảng trị, những người cầm quyền chỉ lo tranh giành quyền lợi cá
nhân và phe nhóm, sẽ chỉ biết dựa vào hệ thống tham nhũng để kết bè kết phái.
Những người có khả năng mà không có phe đảng sẽ không thể tiến lên, bọn người
xu phụ, tham lam, thối nát sẽ chiếm hết các địa vị lãnh đạo kinh tế và chính trị.
Một đất nước như vậy không thể phát triển được.
Một
chế độ đảng trị tước bỏ các quyền tự do hội họp, tự do phát biểu của các công
dân thì cũng không thể phát triển kinh tế. Trong bài nói chuyện của ông Philipp
Rösler tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, năm 2012, ông khuyến
cáo Việt Nam cần nhiều cải cách dân chủ và kinh tế. Ông Phó thủ tướng Đức gốc
Việt Nam này nói: “Không có các quyền tự do dân sự và tự do xã hội thì cũng
không có tự do kinh tế, doanh thương. Cả hai điều liên hệ chặt chẽ với nhau
không thể tách rời”. Ông Rösler giải thích: “không có tự do thì làm sao người
ta có thể suy nghĩ, quyết định và hành động một cách tự chủ với tinh thần trách
nhiệm được?”
Cho
nên muốn kinh tế Việt Nam phát triển thì trước hết cần dân chủ hóa. Trong số
các biểu ngữ được dân Hà Nội trương lên trước thế giới có những câu: “Chúng tôi
không muốn Việt Nam Lệ thuộc Trung Quốc!” và “Phản đối Lệ thuộc Trung Cộng!” Mọi
người đều hiểu ngầm người dân phản đối ai, những người nào đang lệ thuộc Trung
Cộng. Một chính quyền do dân chúng tự do bầu lên thì cũng làm theo ý nguyện
của dân, tìm mọi cách sớm thoát khỏi cảnh lệ thuộc. Đó là con đường duy nhất
dân tộc Việt Nam phải chọn để ngăn chặn kế hoạch “thôn tính mềm” của Cộng sản
Trung Quốc.
N.N.D.
Tác
giả gửi BVN
No comments:
Post a Comment