Thursday, July 9, 2015

Tòa quốc tế phân định về quyền tài phán trong tranh chấp Biển Đông (Người Việt)





Wednesday, July 8, 2015 5:40:11 PM 

AMSTERDAM, Hòa Lan (TH) – Trước tòa án quốc tế, ngày 8 tháng 7, Philippines khẳng định rằng những tuyên bố chủ quyền nuốt trọn gần cả Biển Đông của Trung Quốc là phi lý và bất hợp pháp, đồng thời cảnh báo về việc Trung Quốc ngày càng “hung hăng” trong hành động.

Trong một tuần lễ từ 7 đến 14 tháng Bảy, năm thẩm phán tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA) trụ sở tại The Hague, Hòa Lan, sẽ nghe điều trần của Philippines về đơn khiếu tố Trung Quốc nạp ngày 7 tháng 12, 2014. Các phiên điều trần đều là họp kín, tuy nhiên tòa chấp thuận đề nghị của Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan cho phép mỗi nước được cử một phái đoàn nhỏ tham gia với tư cách quan sát viên.

Theo lập luận của Philippines thì tòa trọng tài thường trực là nơi hợp lý nhất để giải quyết những tranh chấp giữa các quốc gia căn cứ theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS). Trung Quốc và Philippines ở trong số những nước đã ký kết vào hiệp định này.

Manila cử phái đoàn pháp lý đến Hòa Lan. Luật sư đại diện, Paul Reichler, nói Philippines tin rằng tòa có thẩm quyền tài phán đối với tất cả những khiếu nại mà họ nêu lên.

Trung Quốc không tham dự phiên tòa vì cho là tòa không có thẩm quyền phân xử. Phát ngôn viên bộ ngoai giao Trung Quốc tuyên bố trong  buổi họp báo hôm Thứ Ba: “Trung Quốc chống tất cả mọi tiến trình phân giải do Philippines đưa ra và sẽ không tham dự.”

Trong một văn kiện xác định lập trường đưa ra hồi tháng 12, Trung Quốc nhấn mạnh rằng UNCLOS không đề cập đến tranh chấp vì tối hậu đó là vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia, chứ không phải là quyền khai thác tài nguyên biển.

Luật sư nói rằng vụ án vẫn được tiếp tục xử dù Trung Quốc không tham gia. Ông vững tin rằng cuối cùng tòa sẽ phán định thuận lợi cho Philippines.

Như vậy trong tuần lễ đầu tiên, tòa án sẽ chỉ có quyết định về thẩm quyền tài phán. Luật sư Reichler cũng như cố vấn pháp lý Judith Levine của tòa án từ chối cho biết chi tiết của tiến trình hành động. Nhưng luật sư Reichler cho biết tòa sẽ xác định dứt khoát về quyền tài phán trong vòng 3 tháng. Sau đó việc xét xử cuối cùng sẽ phải qua nhiều năm mới có bản án.

Phán quyết của Tòa Trọng Tài khi ấy có giá trị bắt buộc, nhưng Liên Hiệp Quốc không có một phân bộ đặc nhiệm nào để theo dõi cưỡng chế sự tuân hành, và do đó từ trước đến nay nhiều nước đã bỏ lơ, coi như không có. Tuy vậy, yếu tố tâm lý cùng tính nguyên tắc của bản án vẫn là quan trọng về mặt chính trị và sẽ là một tổn hại nặng cho Trung Quốc về ngoại giao nếu Philippines thắng kiện. Đồng thời, theo nhận định của các chuyên gia pháp lý, kết quả ấy sẽ thành tiền lệ để các quốc gia khác có tranh chấp noi theo hành động.

Điều này thể hiện qua việc dù luôn khẳng định không tham gia phiên phân xử, nhưng  theo tin Reuters, Trung Quốc vẫn ngầm vận động hành lang và liên lạc với tòa trọng tài thường trực thông qua đại sứ của họ tại The Hague.

Ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario, cho biết Philippines kiện Trung Quốc bởi vì những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng trở nên “hung hăng” và thương lượng trở nên vô ích, theo AFP. Philippines kiện Trung Quốc về sự lấn chiếm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình và ngăn cản đánh cá ở Biển Đông. Philippines còn yêu cầu tòa tuyên bố đường lưỡi bò 9 đoạn là không có giá trị. (HC)

---------------------

Trung Hiếu  -  VOV
Thứ 5, 19:14, 09/07/2015

VOV.VN – Philippines vừa kêu gọi một tòa án quốc tế khẳng định các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông là phi pháp.

Philippines cảnh báo rằng sự nguyên vẹn của các luật Liên Hợp Quốc về biển đang bị thách thức.

Trong các bình luận mở màn phiên tòa ở La Haye hôm 8/7, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, Philippines tìm kiếm sự can thiệp tư pháp vì hành vi của Trung Quốc ngày càng “hung hăng” và các đàm phán tỏ ra không hiệu quả.

Del Rosario cho biết, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển mà cả Philippines và Trung Quốc đều phê chuẩn, cần được sử dụng để giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa 2 nước.
Ngoại trưởng Philippines nói rõ trước tòa: “Vụ kiện trước mặt các quý vị có tầm quan trọng vô cùng lớn đối với Philippines, khu vực và cả thế giới… Trong quan điểm của chúng tôi, vụ kiện này cũng có ý nghĩa lớn lao đối với sự toàn vẹn của Công ước, và đối với cấu trúc trật tự pháp lý của các biển và đại dương.”

Trung Quốc khăng khăng cho rằng mình có quyền chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông – một trong các tuyến hàng hải có tầm quan trọng chiến lược, nơi 1/3 lượng dầu thương mại của thế giới đi qua.

Ông del Rosario tuyên bố trước tòa án ở La Haye rằng lập luận của Trung Quốc đòi chủ quyền đối với biển này dựa trên “quyền lịch sử” là không có cơ sở.

Theo del Rosario, tuyên bố của Trung Quốc về đường 9 đoạn dựa trên một bản đồ của Trung Quốc là không có căn cứ theo luật quốc tế.

Các bình luận của Ngoại trưởng Philippines do văn phòng ông này công bố ở Manila vào hôm 8/7.
Trung Quốc từ chối tham gia vào vụ kiện và tuyên bố mình không bị ràng buộc bởi các phán quyết do tòa này đưa ra, kể cả khi Trung Quốc đã phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Philippines hy vọng một phán quyết có lợi cho họ sẽ gây sức ép lên Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải nhượng bộ./.

Theo AFP






No comments: