Friday, July 31, 2015

Palmer giết sư tử : thợ săn lại thành con mồi (Tuấn Thảo - RFI)





RFI ĐIÊM BÁO :
Tuấn Thảo  -  RFI
Đăng ngày 30-07-2015 

‘‘Mày là một tên sát thủ hèn nhát’’. Chỉ cần một tấm hình duy nhất với dòng chữ ngắn gọn đăng trên báo Le Monde, là đủ để phản ánh nỗi giận dữ ‘‘điên cuồng’’ mà cư dân mạng đang trút vào đầu của ông Walter Palmer. Nha sĩ người Mỹ này bị tố cáo là đã giết chết con sư tử tên là Cecil trong một cuộc săn thú rừng ở Zimbabwe.

Vụ giết sư tử để rồi lột da chặt đầu đã trở thành đề tài nóng bỏng trên báo chí toàn cầu chứ không riêng gì ở Pháp : ông Walter Palmer trở thành kẻ bị căm ghét nhất trên các mạng xã hội, theo hàng tựa của nhật báo Libération. Còn tờ báo Le Figaro thì lại đánh giá các tổ chức bảo vệ thú vật xem ông Palmer như là kẻ thù không đội trời chung.

Từ một tay thợ săn, Walter Palmer nay lại trở thành con mồi. Trong những tiếng đồng hồ vừa qua, cư dân mạng đã sôi sục truy tìm địa chỉ nghề nghiệp cũng như nhà riêng của Walter Palmer. Tấm ảnh chụp đăng trên báo Le Monde cho thấy phòng khám nha khoa của ông đã tạm thời đóng cửa. Ở đằng trước cửa người ta đến đặt những con thú nhồi bông, để nhắc nhở hành động của ông là quá tàn nhẫn, man rợ.

Từ các đoạn phim video trên YouTube, cho tới các mạng như Facebook, Twitter hay Flickr …. hàng trăm ngàn lời bàn luận hay phê phán đang lan truyền với tốc độ chóng mặt, điên cuồng. Hầu hết các ý kiến đều biểu hiện thái độ bất bình hay nỗi tức giận của cư dân mạng đối với hành động của một người ‘‘thợ săn’’ bị coi là thất đức vô hậu. Nhưng các ý kiến không chỉ dừng lại ở mức lên án hay phê phán. Một số ý kiến còn đi xa hơn nữa khi đòi phải ‘‘treo cổ’’ Walter Palmer.

Theo Libération, ông Walter Palmer từng bị kết án, phạt vạ (2.400 đô la) về tội săn bắt gấu đen trái phép tại bang Wisconsin. Trên trang web (Trophy Hunt America) chuyên đăng hình công bố các ‘‘chiến lợi phẩm’’ của các tay thợ săn, người ta có thể thấy các loài thú hoang trong đó có beo gấm, sư tử, tê giác mà Walter Palmer đã triệt hạ. Ông Plamer đã từng đi săn thú nhiều lần tại Zimbabwe, nhưng lần này, ông đã chi 55.000 đô la để săn bắn ‘‘chú sư tử’’ Cecil hồi đầu tháng 7/2015.

Có lẽ cũng vì thế mà trên các mạng xã hội, có ý kiến cho rằng ông Palmer ‘‘vung tiền mua vui’’, đi sát hại những giống loài động vật mà đáng lẽ ra cần được bảo tồn. Nhưng cũng có phản ứng mạnh bạo hơn rất nhiều theo kiểu ‘‘ăn miếng trả miếng’’ của một cư dân mạng ở Na Uy. Hàng chữ có ghi rõ : ‘‘Tao hy vọng mày sẽ chết dưới tay của một người bảo vệ động vật, để trả thù cho tất cả những con thú mà mày đã giết’’.

Theo báo Le Monde, những phản ứng như vậy thật là quá trớn, nhưng cũng may là không phải là số đông. Đa phần các ý kiến chủ yếu đòi trừng phạt những ‘‘tội phạm’’ bằng cách tố cáo họ, đem những kẻ phạm pháp này ra trước toà án. Bày tỏ sự phẫn nộ đã trở thành một hình thức phát biểu rất phổ biến trên các mạng xã hội. Vụ Palmer không phải là vụ đầu tiên gây ra một làn sóng căm phẫn trên mạng Facebook. Chẳng hạn như vào tháng Hai năm 2014 tại Pháp có vụ Oscar, một thanh niên đã đánh đập một chú mèo con rồi tải video lên mạng.

Trước đó vào năm 2010, có trường hợp một phụ nữ Bosnia ném chó con xuống sông, hay một phụ nữ người Anh quẳng mèo con vào thùng rác. Những người này quên rằng trên mạng internet đang có phong trào ‘‘tình nguyện điều tra’’, đó là thường là những nhóm tự bộc phát, gồm những cư dân mạng tình nguyện đi truy tìm danh tính, cũng như nơi cư ngụ của những kẻ hay đánh đập hay ngược đãi thú vật. Trong các trường hợp kể trên, những người này đã bị tố giác, rồi bị toà kết án vì đã có những hành vi như vậy.

Theo Le Monde, phong trào ‘‘tình nguyện điều tra’’ thường đạt mục tiêu ở một số quốc gia còn thiếu dân chủ chẳng hạn như Trung Quốc, bởi vì nó xuất phát từ niềm hy vọng đòi công lý cũng như nỗi bất mãn của người dân muốn nói lên sự thật, vạch trần bộ mặt của giới quan chức tham nhũng. Nhưng trong một số trường hợp, hiệu quả của phong trào này bị hạn chế đôi khi phản tác dụng tại các nước dân chủ thực thi pháp quyền, bởi vì khi đăng lên mạng xã hội số điện thoại, địa chỉ nhà riêng, hay là nêu đích danh một người bị tình nghi có hành động trái phép, thì những người trong cùng gia đình, thường là vô tội cũng sẽ bị vạ lây. Việc suy đoán người này có tội hay vô tội đi ngược lại với một số nguyên tắc pháp lý, đôi khi có nguy cơ cản trở công việc điều tra thực thụ.

Theo Le Monde, vào thời đại thông tin thần tốc, cư dân mạng giờ đây nhanh nhẹn hơn, đi trước tư pháp một bước. Các thành viên Facebook không chờ Zimbabwe mở điều tra, mà cũng chẳng đợi phán quyết của một toà án xem xét đâu là trách nhiệm của ông Palmer và đâu là trách nhiệm của công ty Zimbabwe đã tổ chức cuộc săn bắn. Trong mắt đa số cư dân mạng, ông Palmer có tội. Để tránh các hình thức trả đũa, nha sĩ người Mỹ buộc phải đóng các tài khoản cá nhân trên mạng, ông cũng tạm thời ngưng làm việc để khỏi bị hành hung.
Báo chí Pháp nhìn chung đặt ra nhiều câu hỏi nhưng không thể trả lời dứt khoát. Một điều chắc chắn là các nhóm ‘‘tình nguyện’’ giúp cho dư luận tạo thêm áp lực để đòi giới điều tra phải tìm cho ra những kẻ ‘‘phạm pháp’’. Nhưng cũng có lúc nó lại trở thành một kiểu đánh phủ đầu, đánh hội đồng, khi đám đông cùng hùa nhau tấn công, dẫm đạp một mục tiêu. Trong trường hợp của ông Walter Palmer, thì cho dù không có cung tên súng đạn, cư dân mạng vẫn có thể ‘‘triệt hạ’’ mục tiêu. Cho dù toà án có mở điều tra, xem ông Palmer có tội hay vô tội thì uy tín của nha sĩ người Mỹ này giờ đây coi như là đã tiêu tan.

Vương Vũ : Bắc Kinh trấn áp giới luật sư ‘‘chân đất’’
Bàn về xã hội dân sự tại Trung Quốc, tuần báo L’Obs đăng trên trang Toàn cảnh Thế giới một bài viết cho biết giới luật sư bảo vệ dân quyền đang nằm trong tầm ngắm của chính quyền Bắc Kinh. Theo tác giả bài viết, cách đây hơn một thập niên, các luật sư bảo vệ nông dân hay nữ quyền có thể đếm trên đầu ngón tay. Bằng chứng là vào thời ấy, trong các vụ trưng thu đất đai, khi các gia đình muốn khiếu kiện, thì không có luật sư nào muốn giúp đỡ nông dân vì họ cho rằng vấn đề quá nhạy cảm.

Hơn một thập niên sau, theo bà Eva Pils, chuyên gia về xã hội Trung Quốc tại đại học King’s College tại Luân Đôn, thì tại Hoa lục, hiện chỉ có khoảng từ 200 đến 300 luật sư dân quyền, mà tờ báo coi như một hạt cát trên sa mạc. Trong số 238 luật sư dân quyền đang hành nghề, đa phần đã bị câu lưu, tạm giam, bị công an còng tay đưa đi thẩm vấn trong một chiến dịch trấn áp khá quy mô hồi trung tuần tháng 7 vừa qua. Hầu hết những người này đều được thả ra hai tuần sau đó.

Nhưng hiện vẫn còn 6 luật sư biệt tăm biệt tích, không biết họ đang bị giam ở đâu. Hầu như vào cũng một thời điểm, bỗng nhiên xuất hiện trên đài truyền hình nhà nước, hình ảnh của một số luật sư dân quyền công khai ‘‘thú tội’’. Các luật sư khác thì phải tuyệt đối giữ im lặng, không được phát biểu hay tiếp xúc với báo đài nước ngoài. Đó là điều kiện mà họ buộc phải chấp nhận nếu muốn được chính quyền trả tự do.

Theo tuần báo L’Obs, điểm khởi đầu của đợt trấn áp lần này có liên quan tới  vụ bắt giam luật sư Vương Vũ, từng bào chữa cho 5 nhà đấu tranh đòi nữ quyền tại Trung Quốc. Bà Vương Vũ cũng từng sát cánh với nhiều nhân vật bị chính quyền xếp vào thành phần đối lập hay ly khai, trong đó có nghệ sĩ Ngải Vị Vị, vừa được trả hộ chiếu trong tháng này, nhà trí thức Duy Ngô Nhĩ Ilham Toti từng bị kết án tù chung thân vào năm 2014.

Tại Hoa lục, giới luật sư bảo vệ dân quyền thường được gọi là luật sư chân đất, giống như giới bác sĩ chân trần thời Mao Trạch Đông, lặn lội đi tới các vùng sâu vùng xa để khám bệnh cho dân nghèo. Thời nay, giới luật sư chân đất (trước bà Vương Vũ, có luật sư mù Trần Quang Thành) cũng tìm cách bảo vệ các quyền cơ bản nhất của người dân.

Thế nhưng, theo tuần báo L’Obs, kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2013, ông Tập Cận Bình không những muốn bài trừ nạn quan chức tham nhũng qua chiến dịch ‘‘đả hổ, diệt ruồi’’, mà ông còn muốn hạn chế thậm chí tiêu diệt mọi nỗ lực thành lập một xã hội dân sự tại Trung Quốc, trên danh nghĩa các tổ chức xã hội dân sự có thể nằm trong tầm ảnh hưởng của nước ngoài hay là bị các thế lực thù nghịch thao túng.

Theo tờ báo, Trung Quốc càng muốn vươn lên hàng đầu trên danh sách các siêu cường thế giới, thì chính quyền Bắc Kinh càng siết chặt kiểm soát nội bộ cũng như guồng máy vận hành xã hội. Điều mà cho tới giờ này, ông Tập Cận Bình đã áp dụng một cách triệt để.

Platini tranh chức chủ tịch FIFA

Trên lãnh vực bóng đá, tất cả các báo hôm nay đều nói về sự kiện Michel Platini hôm qua đã chính thức tuyên bố ra tranh cử chức chủ tịch FIFA. Báo Le Figaro chạy tựa : Platini bên thềm cung điện FIFA, hàm ý rằng chỉ cần một bước nữa, ông sẽ vào bên trong để ngồi lên ‘‘ngai vàng’’.

Báo Le Monde đăng tít "Platini, meneur de jeu", so sánh hình tượng của người dẫn bóng với một Platini đang dẫn đầu cuộc chạy đua. Báo Libération thì dành tới 5 trang để nói về tham vọng của Platini. Ở trên trang bìa, tờ báo đăng ảnh chụp Platini thời anh còn là thủ quân đội bóng áo lam. Trên bảng thành tích, cầu thủ người Pháp chỉ còn thiếu duy nhất chức Vô địch bóng đá thế giới. Do vậy Libération chạy tựa bằng hàng chữ ví von : nếu làm chủ tịch FIFA, thì Platini sẽ ghi ‘‘Bàn thắng bằng vàng’’.

Tuy nhiên, trong các bài phân tích bên trong, Libération đánh giá là Platini sẽ phải đối đầu với nhiều thách thức. Theo tờ báo, kể từ khi liên đoàn bóng đá quốc tế bị lôi cuốn vào cơn lốc của những vụ bê bối tài chính và tai tiếng tham nhũng, guồng máy của FIFA như thể bị tê liệt. Và trước mắt, hồ sơ Cúp bóng đá thế giới 2022 dự trù tổ chức tại Qatar, chẳng khác gì một quả bom nổ chậm.

Tờ báo trích dẫn ông Dominique Scala, người có trọng trách tổ chức cuộc bỏ phiếu để bầu lại chủ tịch FIFA vào tháng Hai năm 2016, cho biết hơn bao giờ hết, nội bộ liên đoàn bóng đá quốc tế phải minh bạch trong các khâu kế toán tài chính, và nhất là trong việc ký hợp đồng với các công ty thương mại cũng như với các đài truyền hình, mua bán quyền khai thác, chiếu trực tiếp các trận bóng. Viên chức người Ý phát biểu với những lời lẽ cứng rắn khi cho rằng : trong trường hợp giới điều tra phát hiện những giao dịch khả nghi liên quan tới World Cup 2018 tại Nga và World Cup 2022 tại Qatar, thì ban điều hành FIFA sẽ không ngần ngại xét lại việc tổ chức cúp bóng đá ở hai quốc gia này.

Đối với Libération, trong trường hợp đắc cử, Platini trong vai trò tân chủ tịch FIFA có thể sẽ phải đưa ra những chương trình hành động để làm gương, để chứng minh là thời kỳ Sepp Blatter đã qua rồi. Tờ báo đề nghị một số biện pháp giúp cho FIFA hoạt động một cách minh bạch : chẳng hạn như công bố thu nhập thường niên hay tiền lương hàng tháng của vị chủ tịch FIFA, hạn chế số nhiệm kỳ của người đứng đầu FIFA cũng như giới giám đốc các bộ phận khác cũng là một cách để làm sạch thượng tầng lãnh đạo, tránh tình trạng hối lộ đút lót.

Một mặt phải cải tổ sâu rộng nội bộ, mặt khác phải tháo ngòi quả bom nổ chậm Qatar 2022, nếu như Platini là người đang dẫn bóng và có triển vọng về đầu cuộc chơi, thì như hàng tựa của Libération có ghi rõ : quả bóng không lăn trên sân cỏ mà là đang lăn trên một bãi mìn.
 







No comments: