Thursday, July 9, 2015

Ông Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa nói thật về nhân quyền (Người Việt)





Thursday, July 9, 2015 4:26:38 PM 


WASHINGTON, DC (NV) - Tổng bí thư đảng CSVN vẫn chưa nói thật về thực trạng nhân quyền tại Việt Nam, cũng giống như tất cả các lãnh đạo CSVN khác, trước khi ông khoe rằng người dân Việt Nam bây giờ rất tự do.

Gặp vài giới chức về tự do tôn giáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng như đọc bài diễn văn tại trung tâm nghiên cứu chính trị CSIS ở Hoa Thịnh Đốn chiều 7/7 và chiều ngày 8/7/2015, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, cũng giống như các lãnh đạo CSVN từng đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn những lần trước đây, đã phải đối diện với các chất vấn về nhân quyền.

“Tôi khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng vấn đề quyền con người. Đất nước chúng tôi tuy còn không ít vấn đề cần tiếp tục phải giải quyết, trong đó có vấn đề quyền con người, nhưng chúng tôi đang nỗ lực không mệt mỏi để xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.”
Ông Nguyễn Phú Trọng nói như vậy trong bài diễn văn dài 5,105 từ đọc tại CSIS chiều 8/7/15.

Ngày hôm trước, ông tiếp đặc sứ về tự do tôn giáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Rabbi David Saperstein, và cựu đặc sứ tự do tôn giáo Robert Seiple. Người ta không được biết hai chức sắc Mỹ nói những gì với ông Nguyễn Phú Trọng mà chỉ thấy Vietnamnet thuật lại cuộc tiếp xúc này.

Vietnamnet thuật lời ông Nguyễn Phú Trong nói: "Từ năm 1975 đến nay, số tín đồ tôn giáo tăng gấp 2.5 lần, từ khoảng 10 triệu nay là 24 triệu tín đồ; số vị chức sắc tôn giáo cũng tăng 2.7 lần; số cơ sở thờ tự mọc lên rất nhiều” chứng tỏ là Việt Nam có tự do tôn giáo.
Những năm qua Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ (USCIRF) đều hối thúc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách “Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt” (CPC) vì vẫn đàn áp tôn giáo nghiêm trọng. Bởi vậy, ông Nguyễn Phú Trọng không gặp những vị này vốn là trong một tổ chức độc lập dù thành viên do cả quốc hội và chính phủ chỉ định theo một đạo luật.

Nhân dịp 40 năm cuộc chiến Việt Nam kết thúc, USCIRF công bố bản phúc trình tố cáo chính quyền Việt Nam không ngừng đàn áp các tôn giáo nằm ngoài hệ thống tôn giáo quốc doanh nên vẫn đề nghị như những năm trước đó là đưa Việt Nam vào danh sách CPC.

Khi nói về nhân quyền với các nhà trí thức tại CSIS, ông Nguyễn Phú Trọng bào chữa cho chính sách đàn áp nhân quyền tại Việt Nam là “hai bên còn có những khác biệt về nhận thức”.

Hai tuần lễ trước khi ông Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn tới Hoa Thịnh Đốn, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng đã công bố bản phúc trình hàng năm về tình hình nhân quyền thế giới. Trong phần viết về Việt Nam, Bộ Ngoại Giao Mỹ cho rằng tình hình nhân quyền tại đây vẫn tồi tệ qua các dẫn chứng cụ thể.

Người dân bị công an đánh đập đổ máu trên đường phố, lục soát cướp đoạt tài sản tại nhà, bắt giữ và bỏ tù dân bất chấp luật lệ được kể ra trong bản phúc trình vừa kể. Tuy nhiên, ông Nguyễn Phú Trọng nói với người chất vấn tại CSIS rằng những người bị công an khủng bố hay bỏ tù đó là “họ vi phạm pháp luật”, hoàn toàn ngược với sự thật đã xảy ra và đã được phổ biến rộng rãi trên mạng.

Dịp này, ông Nguyễn Phú Trọng còn nói rằng: “Người dân Việt Nam chưa bao giờ được sống trong bầu không khí dân chủ như hiện nay”. Ông kêu gọi không nên lấy vấn đề nhân quyền “cản trở đà tiến triển tốt đẹp của quan hệ, cũng như ảnh hưởng tới việc xây dựng lòng tin giữa hai nước”.

Trước ngày tổng thống Mỹ tiếp ông, chin dân biểu và bảy thượng nghị sĩ liên bang Hoa Kỳ thuộc cả hai đảng Công Hòa và Dân Chủ thúc giục ông Obama đòi Việt Nam trả tự do cho các người bất đồng chính kiến và các tù nhân đòi tự do tôn giáo. Thế nhưng, người ta không thấy gì xảy ra mấy ngày trước khi ông Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Thịnh Đốn.

Họ kêu gọi ông Obama “Gửi thông điệp rõ ràng cho chính quyền Việt Nam rằng tôn trọng nhân quyền là điều cốt yếu cho mối quan hệ gần gũi hơn về kinh tế và an ninh quốc phòng”. (TN)

----------------------------------

Khánh An-VOA      10.07.2015
.
Trà Mi-VOA      09.07.2015
.
Cát Linh, phóng viên RFA      09-07-2015
.
John Sifton   -   Huffington Post
Nhạc Sĩ Tuấn Khanh lược dịch
Dân Luận  08/07/2015 








No comments: