Thursday, July 9, 2015

Liệu ông Trọng có dám vén mây giữa trời? (Trần Hồng Tâm - Đàn Chim Việt)



05:12:pm 09/07/15 | 
Hơn 40 năm sau khi Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam, và 20 năm sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao, tuần này Tổng thống Obama đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tại phòng Bầu Dục trong Nhà Trắng – Điều mà Hồ Chí Minh khi lập quốc 70 năm trước đây chỉ thấy trong mơ.
Ông Trọng không nắm giữ bất cứ trọng trách trong chính phủ Việt Nam, nên Obama khó thực hiện những nghi thức ngoại giao thông thường. Tuy vậy, Obama lách luật để đón tiếp ông Trọng một cách trọng thị, theo nghi thức của một nguyên thủ.
Tháp tùng ông Trọng gồm hai Ủy viên Bộ Chính trị: Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch Quốc hội, Lê Thanh Hải Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi, tháp tùng ông trong chuyến đi Trung Quốc dạo tháng Tư vừa qua gồm bốn Ủy viên Bộ Chính trị: Đinh Thế Huynh, Nguyễn Thị Kim Ngân, Phùng Quang Thanh, và Trần Đại Quang.
Nếu chỉ tính riêng về số lượng, thì số Ủy viên Bộ Chính trị của đoàn đi Trung Quốc gấp đôi đoàn đi Mỹ. Còn xét về mặt chất lượng thì hai nhân vật Tòng Thị Phóng và Lê Thanh Hải không có nhiều ảnh hưởng trên chính trường Việt Nam bằng Đinh Thế Huynh, Nguyễn Kim Ngân, Phùng Quang Thanh và Trần Đại Quang. Điều này cho thấy trên bàn cân riêng của ông Trọng thì Trung Quốc cũng nặng kí hơn Mỹ rất nhiều.
Ông Trọng là hiện thân của nền bảo thủ, giáo điều trong Đảng Cộng sản Việt Nam, người đứng đầu nhóm chống Mỹ thân Tầu. Tuy thế, Mỹ vẫn dành cho ông sự ưu ái đặc biệt, mà không hề bị chơi xỏ, chơi khăm, gài bẫy, qua mặt như Tầu vẫn thường làm với những nhà ngoại giao Việt Nam từ thời Lê Duẩn (trừ Hồ Chí Minh chưa bị Tầu chơi bẩn lần nào).
Không chỉ bằng đầu môi chóp lưỡi, Mỹ đã dành cho Việt Nam những ân huệ tuyệt vời. Việt Nam không phải là nền kinh thế thị trường. Luật lao động và quyền của người lao động Việt Nam vẫn rất lạc hậu, lương tối thiểu của Việt Nam quá thấp v.v nhưng hình như Mỹ đã bỏ qua. Obama lại lách luật để o bế Việt Nam gia nhập TPP.
Hiện tại, trao đổi thương mại Mỹ – Việt lên tới 35 tỷ Mỹ kim năm. Việt Nam đã trở thành quốc gia hàng đầu ở Đông Nam Á xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ. Dự kiến đến năm 2020, Trao đổi thương mại Mỹ – Việt lên tới 57 tỷ Mỹ kim năm.
Tháng trước hai nước Việt – Mỹ đã nới rộng những quan hệ quốc phòng bao gồm sự hợp tác đào tạo kỹ thuật quân sự, tham dự vào việc cứu nạn, duy trì hòa bình, và đang thương lượng cho Mỹ có quyền tiếp cận những quân cảng của Việt Nam.
Để tìm kiếm mối quan hệ gần gũi với Việt Nam, Tổng thống Obama đã phải chịu sự chỉ trích gay gắt từ lưỡng viện Hoa Kỳ, và những nhà hoạt động nhân quyền. Việt Nam vẫn là một quốc gia độc đảng, độc tài. An ninh Việt Nam thường xuyên đàn áp, sách nhiễu những nhà bất đồng chứng kiến, và đang giam giữ 110 tù nhân lương tâm.
Trong cuộc đàm đạo với ông Trọng, Obama đã thẳng thắn nêu vấn đề nhân quyền, tôn giáo, và sự khác biệt chính trị giữa hai quốc gia, nhưng không thấy ông Trọng đáp lại bằng lời hứa hẹn gì. Trên đất Mỹ, ông Trong đi đến đâu, đều bị hỏi về vấn đề nhân quyền. Ông luôn lặp lại luận điệu: “Việt Nam không có tù nhân lương tâm, những người đang bị giam là những kẻ phạm pháp”.
Phía Việt Nam đưa ra bằng chứng: Năm 2014 và đầu năm 2015, Việt Nam đã thả 50 tù nhân trong tổng số 160 tù nhân chính trị. Phía Mỹ có ghi nhận sự tiến bộ này, nhưng e ngại rằng đó chỉ là sảo thuật để đạt được những thỏa thuận kinh tế, quân sự và chính trị trước mắt như họ thường làm trước đây. Về căn bản Đảng của ông Trọng vẫn không thay đổi bản chất. Vậy mà, Obama vẫn tươi cười thân mật bắt tay, đứng song song bên nhau chụp hình.
Ngày giờ Obama đến thăm Việt Nam vẫn chưa ấn định. Lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vẫn còn hiệu lực. Hiệp ước TPP vẫn đang lơ lửng. Về phía Mỹ đã làm tất cả, trái bóng đang ở chân ông Trọng, liêu ông có dám sút ghi bàn?
Có một vài người lạc quan về thái độ của ông Trọng gần đây. Người ta ví von: Bảo thủ, giáo điều cỡ Trường Chinh, nhưng cuối cùng đã chuyển đổi thành một kiến trúc sư của Đổi Mới ở Đại hội VI năm 1986. Liệu ông Trọng có thể làm nhữ vậy vào Đại hội XII năm 2016 hay không?
Trong yến tiệc khoản đãi ông Trọng lần đầu tiên đến Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden lầy Kiều:
“Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”
Liệu ông Trọng có dám bức phá để lại dấu ấn lịch sử hay không? Liệu ông Trọng có dám “vén mây giữa trời” hay vẫn cứ mờ mịt tăm tối, u mê, lú lẫn, vùng vẫy, ngụm lặn trong mớ lý thuyết giáo điều bảo thủ.
@ Trần Hồng Tâm
@ Đàn Chim Việt

No comments: