Phải nói một cách khách quan là chuyến Mĩ du của bác
Trọng lần này “êm thuyền xuôi mái” hơn các vị trước như các bác Triết, Khải,
Phiêu, Nghị. Bác Trọng không vấp phải những “sự cố” linh tinh như các bác ấy.
Những phát biểu của bác Trọng trong Oval Office và các cuộc gặp măt khác, dù chỉ
là ngôn ngữ ngoại giao, làm cho nhiều người có lí do để hi vọng. Tuy nhiên, hôm
nay xem qua bài diễn văn bác Trọng đọc trước CSIS (1) về người Việt trên đất Mĩ
làm tôi rất … tâm tư.
Nói về cộng đồng người Việt ở Mĩ, bác Trọng nhắn nhủ
chính quyền Mĩ là nên lo lắng cho “thần dân” Việt của bác ấy. Bác nói: “Tôi mong chính quyền Hoa Kỳ quan tâm, tạo điều
kiện thuận lợi cho cuộc sống, công việc và học tập của người Việt Nam tại Hoa Kỳ,
tạo điều kiện để họ hội nhập tốt và đóng góp tích cực cho sự phát triển của Hoa
Kỳ và cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.”
Câu này nghe quen quen. Thật vậy, bác Trọng không phải
là người lãnh đạo VN nói câu này lần đầu; trước bác đã có các vị khác cũng nói
tương tự khi đi công cáng bên Âu châu và Úc châu. Điều này chứng tỏ rằng cái
câu văn đó là sản phẩm của một người nào đó chuyên soạn diễn văn cho các bác
lãnh đạo. Người đó chỉ việc cắt và dán câu văn kinh điển đó cho bất cứ ai đi
thăm chính thức một nước có đông người Việt cư ngụ. Nói cách khác, nó không chỉ
là câu văn sáo ngữ (rhetoric), mà còn là một câu văn vô hồn (mới có chuyện cắt
và dán), chứ nó không thể hiện cái tâm thật của người viết, càng chưa chắc phản
ảnh cái suy nghĩ thật của người nói.
Nhưng công bằng mà nói, tôi nghĩ với sự hiện diện của
gần 2 triệu người Việt trên nước Mĩ, bác Trọng cảm thấy cần thiết nói một câu
gì đó. Một câu để chứng tỏ cho người Mĩ thấy là bác cũng là một người lãnh đạo
đang hội nhập thế giới văn minh, cái thế giới thân thiện và quan tâm đến sự an
sinh và lợi ích của con người (chứ không dùng con người như là một công cụ chiến
tranh). Tôi nghĩ câu phát ngôn của bác Trọng ra đời trong bối cảnh đó.
Sẽ chẳng có gì đáng bàn câu nói kinh điển đó, nếu 40
năm trước đa số người Việt định cư ở Mĩ ra đi một cách êm thắm và trật tự, và
còn giữ tình cảm đẹp với nhà cầm quyền. Nhưng trong thực tế, chúng ta biết rằng
đại đa số người Việt định cư ở Mĩ đã ra đi trong tình cảnh đau đớn, đau khổ,
cay đắng, và đầy nước mắt. Họ mất cha, mất chồng, mất người thân, mất nhà cửa,
mất tài sản, có khi mất tất cả. Họ ra đi trong bối cảnh “vĩnh biệt” quê hương.
Thử nghe một ca khúc nổi tiếng thời thập niên 1980 thì biết:
Sài Gòn ơi, ta có ngờ đâu rằng
Một lần đi là một lần vĩnh biệt
Một lần đi là mất lối quay về
Một lần đi là mãi mãi thương đau.
…
Sài Gòn ơi, ta có ngờ đâu rằng
Một ngày qua là một ngày li biệt
Một ngày qua là ta mất nhau rồi
Một ngày qua là muôn kiếp chia phôi.
Một lần đi là một lần vĩnh biệt
Một lần đi là mất lối quay về
Một lần đi là mãi mãi thương đau.
…
Sài Gòn ơi, ta có ngờ đâu rằng
Một ngày qua là một ngày li biệt
Một ngày qua là ta mất nhau rồi
Một ngày qua là muôn kiếp chia phôi.
Rồi họ sống sót. Một thời gian sau, bằng đôi tay tự
lực cánh sinh cũng như sự bao dung của cộng đồng người Mĩ, người Việt cũng ổn định
cuộc sống, lập ra những khu phố phồn thịnh như ngày nay. Người Việt ở Mĩ ngày
nay đã ổn định, và đóng góp nhiều tỉ USD cho bên nhà. Đó là số tiền có thể xem
là “viện trợ không hoàn lại”. Trong thời gian 40 năm qua, người Việt ở Mĩ và khắp
nơi trên thế giới đã định cư và phát triển hoàn toàn chẳng có dính dáng gì với
chính quyền trong nước, chứ nói gì đến “giúp đỡ” của chính quyền hiện hành. Đó
là chưa kể đến lúc người Việt bỏ nước ra đi, một vị thủ tướng thời đó là Phạm
Văn Đồng đã phỉ báng rằng họ là thành phần ma cố, đĩ điếm. Trớ trêu thay ngày
nay bác Trọng, người trong hệ thống chính quyền đó, lại nhắn nhủ chính quyền Mĩ
là nên chăm sóc cộng đồng người Việt ở Mĩ! Thật không có gì trớ trêu hơn, nếu
không muốn nói là … trơ trẽn.
Tôi tưởng tượng rằng sáng nay, mấy bác HO và tị nạn ở
Quận Cam đang nhâm nhi cà phê và bàn râm ran câu phát ngôn của bác Trọng. Có lẽ
họ xem đó là một câu tiếu lâm hiện đại. Đối với những người đã về VN làm việc
hay kinh doanh hay nghỉ hưu, có lẽ câu đó nên là câu của ông Obama: “Tôi mong
chính quyền Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các người Mĩ gốc Việt
có một cuộc sống an bình, làm việc và kinh doanh, để họ đóng góp tích cực cho sự
mối bang giao giữa Hoa Kì và Việt Nam.” Dĩ nhiên, tôi chỉ nói đùa, chứ ông
Obama đâu có nói theo kiểu… hối lộ như thế.
Thật ra, tôi nghĩ câu nhắn nhủ đó không cần thiết.
Thứ nhất, đó là một câu phát biểu mang tính nhờ vả, hối lộ. Nó cũng giống như
cách nói gửi gắm: này, chúng nó là thần dân của tôi đấy nhé, các anh nhớ quan
tâm chăm sóc chúng nó dùm tôi. Nó cũng giống như quan lớn gửi gấm con cháu cho
một cơ quan khác dưới quyền. Thành ra, đó cũng là cách nói của một kẻ có quyền
cao chức trọng nói với kẻ có quyền thế thấp hơn, và như thế là trịch thượng.
Thứ hai là nó không thích hợp, bởi vì ở Mĩ, nơi các
thiết chế pháp lí khá hoàn chỉnh, nơi mọi người đều bình đẳng trước pháp luật,
nơi có chế độ an sinh đàng hoàng, thì chuyện gửi gấm chỉ làm cho người Mĩ khó
chịu, nếu không muốn nói là mỉm cười. Mang cái tư duy Việt Nam (gửi gấm) sang một
xã hội văn minh rất ư là không thích hợp, và hành động đó nói lên rằng thời
gian hội nhập hình như chưa đủ.
Lần sau, tôi đề nghị các vị lãnh đạo đi công cáng ở
nước ngoài, và nếu họ muốn nói câu gì đó đến người Việt ở địa phương, họ nên tự
mình viết ra, chứ không nên để cho những người soạn diễn văn chuyên nghiệp chấp
bút (vì họ chỉ là những cái máy viết, mà cái máy thì nó không hay và vô hồn).
Tôi thử tưởng tượng mình là bác Trọng, và đang công cáng bên Mĩ, tôi sẽ viết gì
cho đồng hương bên đó. Có lẽ tôi sẽ viết: “Nhân
danh là một người Việt, tôi muốn chân thành gửi đến tất cả đồng hương người Việt
trên đất Mĩ lời chúc sức khoẻ. Tôi biết và hiểu rằng một số trong các bạn vẫn
còn bị quá khứ chi phối đến tình cảm của các bạn dành cho Việt Nam. Tôi không
kêu gọi các bạn quên đi quá khứ đau buồn, tôi chỉ mong muốn các bạn hãy bỏ quá
khứ sau lưng, và cùng chúng tôi ở trong nước chung tay bảo vệ và xây dựng một
nước Việt Nam hùng cường, tự do, dân chủ, và bác ái. Tôi cũng hi vọng các bạn
đóng vai trò cầu nối cho mối bang giao Việt – Mĩ đang càng ngày càng tốt đẹp.”
Các bạn đọc những rhetoric đó thấy thuyết phục chưa?
No comments:
Post a Comment