Huỳnh Thục Vy
11/02/2015
Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc
về chống tra tấn, việc này được ca ngợi bởi Văn phòng Cao ủy LHQ về Nhân quyền
tại Bangkok là "một bước đi quan trọng nhằm bảo đảm việc phòng ngừa và
ngăn cấm việc tra tấn".
Nhưng bất chấp bao nhiêu điều ước quốc tế chế độ này
đã ký kết, điều kiện nhân quyền trong nước vẫn không thay đổi và trong thực tế,
việc phê chuẩn này chỉ được sử dụng như nước cờ tuyên truyền. Việt Nam đã ký kết
gần như tất cả các công ước bảo vệ nhân quyền mà thế giới đã từng ban
hành. Trong thực tế, việc hăng hái phê chuẩn các công ước của Liên Hợp Quốc
không phải là điều gì mới. Khoảng năm 1982, Việt Nam trở thành thành viên của
Công ước LHQ về các quyền Dân sự và Chính trị.
Điều đó đã không thể dừng việc chà đạp nhân quyền của
chính quyền này. Theo Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế, Việt Nam có số lượng tù
nhân chính trị cao nhất - 212 - ở khu vực Đông Nam Á. Báo cáo Nhân quyền
gần đây nhất của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu ra thực trạng đáng quan ngại rằng: "những vi phạm nhân quyền cụ thể bao gồm
sự ngược đãi liên tục của công an đối với nghi phạm trong thời gian bắt
giữ bao gồm cả việc sử dụng vũ lực gây chết người cũng như điều kiện nhà tù khắc
khổ; bắt bớ và giam giữ tùy tiện vì các hoạt động chính trị; và từ chối quyền
được xét xử công bằng và nhanh chóng. Bản chất chính trị, nạn tham nhũng trầm
kha, và sự quản lý kém hiệu quả tiếp tục bóp méo đáng kể hệ thống tư pháp.
"Chính quyền này giới hạn tự do ngôn luận và báo chí và đàn áp các
nhà bất đồng chính kiến; ngày càng hạn chế tự do internet; tiếp tục dính líu
vào các cuộc tấn công các website chỉ trích theo như các báo cáo; duy trì giám
sát các nhà bất đồng chính kiến; và tiếp tục hạn chế các quyền riêng tư và các
quyền tự do hội họp, lập hội và đi lại".
Từ năm 1982 đến nay, không có con số chính thức những
người tìm cách chạy trốn khỏi đất nước nhưng bị bắt, bị đánh đập, bỏ tù và thậm
chí bị giết. Không có con số chính thức và chính xác của các nạn nhân đã bị bức
hại vì đã bày tỏ sự bất mãn với chính quyền. Chúng tôi càng mù tịt về những vụ
việc chính quyền và công an tra tấn người dân thường. Chỉ biết rằng một bầu
không khí vô cùng ngột ngạt đối với đa số người dân Việt Nam vẫn còn tồn tại
ngay cả sau khi Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị đã có hiệu lực.
Không phải hoàn cảnh khốn cùng đẩy hàng trăm ngàn
người dân vượt biển mà chính là chế độ áp bức và chà đạp Nhân quyền trắng trợn
của những kẻ say men chiến thắng sau mùa xuân năm 1975.
Không ngạc nhiên khi tổ chức Phóng viên Không
Biên giới xếp Việt Nam là kẻ thù của Internet. Gần đây, Freedom House, một tổ
chức nhân quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ, công bố bản Báo cáo "Tự do trên thế
giới 2015", trong đó Việt Nam vẫn được xếp hạng là một đất nước không có tự
do, điều này hiển nhiên đặt ra sự nghi ngờ là Việt Nam ký các công ước bảo vệ
nhân quyền để làm gì.
Mặc dù chính quyền tiếp tục vi phạm các công ước mà
họ đã ký kết, Liên Hợp Quốc và các định chế nhân quyền của nó không có biện
pháp thích hợp để đối phó, cho phép Việt Nam tiếp tục ký kết và vi phạm chúng.
Không ai có lợi, ngoại trừ chế độ độc tài.
Bằng chứng là, từ cuối năm 2013, khi Việt Nam đã trở
thành một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, cho đến nay những
người lên tiếng phản đối đã bị bắt và bị kết án, Facebook bị chặn, các trang
web truyền thông tự do bị đặt tường lửa, các địa chỉ email bị hack và các
blogger nổi tiếng từng người một bị bắt giữ.
Rõ ràng, Cao ủy Nhân quyền LHQ đóng một vai trò rất
khiêm tốn trong việc bảo vệ nhân quyền trên thế giới và đặc biệt là ở Việt Nam.
Ngày 23 tháng 10 năm 2014 khi ông Trương Tấn Sang gửi Công ước chống Tra tấn để
Quốc hội phê chuẩn, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang nhấn mạnh rằng: "Chúng
tôi không áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước chống tra tấn tại Việt
Nam".
Và Quốc hội bù nhìn đã không có việc gì để làm ngoài
việc ủng hộ chính phủ, đó là truyền thống lâu đời của cái định chế lập pháp
này. Như vậy, sau lưng của Liên Hợp Quốc, chính quyền Việt Nam đã tìm cách để
vô hiệu hóa Công ước. Việc thực hiện Công ước một cách đầy đủ đòi hỏi sự hiện
diện và sự kết hợp hoạt động của nhiều định chế: Công an, viên kiểm sát, tòa
án, truyền thông tự do và xã hội dân sự. Dưới hệ thống độc đảng hiện nay, các định
chế này được quản lý bởi Đảng Cộng sản. Công an phạm tội mà không bị trừng phạt.
Đối với những người bất đồng chính kiến, công an
luôn được lệnh phải theo dõi, bắt giữ, đánh đập và khủng bố tinh thần. Viện Kiểm
sát và Tòa án chỉ là hai bông hoa giả để trang trí cho chế độ. Nếu không có một
nền pháp trị và các cơ chế để ngăn chặn và trừng phạt những kẻ tra tấn không tồn
tại, thử hỏi, lấy nền tảng nào để thực hiện Công ước chống Tra tấn?
Đất nước này có tất cả các định chế mà một xã hội
dân chủ có thể có, đặc biệt là xã hội dân sự. Nhưng tất cả đều là giả tạo, điều
này gây khó khăn cho người dân để nhận thấy được sự cần thiết phải xây dựng những
định chế thực sự. Nhà cầm quyền sử dụng những định chế giả để chuyển hướng sự
chú ý quốc tế và tước đoạt của người dân sự tài trợ từ quốc tế.
Theo nguyên tắc, khi tham gia vào sân chơi quốc tế,
chấp nhận sự ràng buộc của các Công ước quốc tế, nước kí kết phải có những biện
pháp minh bạch, công khai và có thể kiểm chứng được để tạo ra các định chế mới
nhằm nâng đỡ cho việc thực hiện bản Công ước, đồng thời sửa đổi các văn bản luật
pháp quốc gia sao cho phù hợp với nguyên tắc và quy chuẩn luật pháp quốc tế.
Quyết định của chính phủ “không áp dụng trực tiếp
quy định của Công ước chống tra tấn tại Việt Nam” không là gì khác ngoài một luận
điệu mập mờ, nước đôi nhằm mở ra con đường khác tạo điều kiện cho họ tiếp tục sử
dụng tra tấn như một công cụ đàn áp đối lập và ngăn chặn phong trào đòi dân chủ
tự do tại Việt Nam.
Ở Việt Nam, Hiến pháp không bằng các bộ luật, các bộ
luật không bằng các sắc lệnh dưới luật…
Một luật gia Việt Nam từng tuyên bố rằng: “Ở Việt
Nam có cả một rừng luật nhưng chỉ sử dụng luật rừng” xuất phát từ bối cảnh đó. Ấy
vậy thì một Công ước như Công ước chống Tra tấn liệu có nghĩa lý gì?! Không lẽ
Liên hiệp quốc đổ tiền của, nhân lực và thời gian ra để soạn thảo một văn bản
luật quốc tế công phu như vậy chỉ để làm vật trang trí cho các chế độ độc tài
như Việt Nam ?!
Việt Nam là quê hương của hơn 90 triệu con người.
Chúng tôi, những người hoạt động nhân quyền vẫn sẽ tiếp tục dấn thân tranh đấu
cho Nhân quyền, Nhân phẩm và Tự do cho người dân chúng tôi bất chấp có các công
ước bảo vệ nhân quyền hay không, bất chấp có nhân được sự quan tâm của Liên hiệp
quốc và các định chế nhân quyền của nó hay không.
Thế nhưng, tại sao Liên Hiệp Quốc lại chỉ đóng một
vai trò mờ nhạt như thế trong lịch sử nhân loại? Phải chăng, nó không là gì hơn
ngoài việc là một định chế bảo tồn cái nguyên trạng thế giới hậu đệ nhị thế chiến?
H.T.V.
Buôn Hô, tháng 2 năm 2015
Tác giả gửi BVN
No comments:
Post a Comment