Đăng ngày 14-02-2015 Sửa đổi ngày 14-02-2015 16:47
Về thời sự Châu Á, hai nhật báo Pháp Le Monde và Le Figaro đặc biệt quan
tâm đến đề nghị chính thức của Trung Quốc làm « trung gian hòa giải »
cho xung đột Afghanistan.
Trong chuyến công du Pakistan kéo dài hai ngày, Ngoại trưởng
Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Năm 12/02/2015 vừa qua, trong cuộc họp báo chung
với cố vấn Thủ tướng Pakistan phụ trách an ninh quốc gia và đối ngoại, đã chính
thức tuyên bố « ủng hộ chính phủ Afghanistan trong nỗ lực hòa giải giữa các
đảng chính trị khác nhau, kể cả quân nổi dậy Taliban. Trung Quốc sẵn sàng đóng
vai trò trung gian ».
Báo Le Monde trong bài viết đề tựa « Bắc Kinh đóng vai
trung gian hòa giải tại Afghanistan » giải thích rõ vì sao Trung Quốc quyết
định chính thức can dự nhiều hơn tại Afghanistan. Tờ báo cho biết rõ thêm, chuyến
công du của Ngoại trưởng Trung Quốc tại Islamabad diễn ra vài ngày sau phiên họp
đối thoại chiến lược ba bên đầu tiên giữa Trung Quốc, Pakistan và Afghanistan
được tổ chức bí mật tại Kabul vào ngày 09/02/2015.
Theo nhận định chung của nhật báo, tuyên bố được đưa ra
trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng quan ngại vấn đề bảo đảm an ninh cho
Afghanistan láng giềng, có chung với Trung Quốc 100 km đường biên giới. Nhất là
trước tình hình cơn sốt thánh chiến tại Tân Cương, vùng tự trị có rất đông người
Hồi giáo giáp giới với Trung Á, Bắc Kinh càng lúc càng lo sợ khả năng xảy ra hỗn
loạn tại Afghanistan sau khi các lực lượng NATO được triệt thoái.
Kabul đã nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh có vai trò tích cực
hơn để giúp giải quyết các xung đột. Tổng thống Afghanistan, Asharaf Ghani đã
dành cho Trung Quốc một sự ưu ái, khi chọn Bắc Kinh làm điểm đến thứ nhất cho
chuyến công du nước ngoài đầu tiên hồi tháng 10/2014. Bởi vì, thách thức hàng đầu
dành cho ba quốc gia Pakistan-Afghanistan-Trung Quốc chính là các thành trì của
phe nổi dậy Taliban trong các vùng bộ tộc thiểu số dọc theo biên giới
Pakistan-Afghanistan.
Còn tại Trung Quốc, từ hơn một năm nay, tại Tân Cương,
các cuộc bạo động do một nhóm người Duy Ngô Nhĩ cực đoan thực hiện chống lại sự
hiện diện của người Trung Quốc cũng không ngừng gia tăng. Ngoài vấn đề người
Duy Ngô Nhĩ, Bắc Kinh còn phải đối phó với phong trào Hồi giáo Đông Turkestan,
đang hoạt động mạnh trong vùng và có lẽ đã vượt qua cả bên kia biên giới
Afghanistan kể từ sau vụ quân đội Pakistan tấn công vào vùng Bắc Waziristan hồi
tháng Sáu năm rồi.
Kinh tế : quân bài chủ lực của Trung
Quốc
Câu hỏi đặt ra liệu Bắc Kinh có thể thành công trong vai
trò mới này hay không vào lúc mà Washington, Matxcơva và phương Tây hầu như đã
thất bại trên lãnh địa này ? Theo nhận định của giáo sư Jean-Pierre Cabestan,
trường Đại học Hồng Kông, « Trung Quốc có đủ các quân cờ để mà chơi. Nên nhớ
rằng trước khi chế độ Taliban sụp đổ vào năm 2001, Bắc Kinh cũng đã duy trì một
kênh liên lạc với phe Taliban. Và phe này hiểu rất rõ Trung Quốc ».
Một quan điểm cũng được nhật báo Le Figaro trong bài viết
mang tựa đề « Bước nhảy lớn tại Afghanistan của ngành ngoại giao Trung Quốc »
đồng chia sẻ. Trước hết tờ báo đánh giá đây là lần đầu tiên ngành ngoại giao
Trung Quốc phiêu lưu ra ngoài lãnh thổ để giữ một vai trò có tầm mức lớn đến
như vậy. Một chính sách đối lập hoàn toàn với những gì Bắc Kinh đang làm ở sườn
đông của mình. Ở phía đông, thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc đang làm
cho các quốc gia láng giềng thêm lo lắng và dẫn đến sự đối đầu với Hoa Kỳ. Ngược
lại, ở phía Tây, Bắc Kinh lại được các tác nhân quốc tế lớn rất hoan nghênh.
Tiếp đến, cũng như nhận định của giáo sư Jean-Pierre
Cabestan được Le Monde trích dẫn, nhật báo thiên hữu Le Figaro cho rằng Trung
Quốc nắm đủ trong tay các quân bài ngoại giao và kinh tế để tiến hành thành
công vai trò trung gian. Không như Hoa Kỳ, Bắc Kinh đã nhận được một sự ủng hộ
vững chắc của Islamabad, mong muốn có sự can dự nhiều hơn từ phía Trung Quốc.
Ông Hu Shisheng, chuyên gia Viện Quan hệ đối ngoại đương đại Trung Quốc (China
Institute of Contemporary International Relations), cho rằng: “Chúng tôi
nghĩ rằng Pakistan có khả năng kiểm soát các phe Hồi giáo cực đoan. Trước đây,
Pakistan đã thiếu thiện chí và đã không làm công việc của mình. Nhưng mọi thứ
đang thay đổi ».
Vũ khí lợi hại thứ hai của Bắc Kinh đó là kinh tế. Le
Figaro trích nhận xét của nhà báo Ahmed Rashid, một người rất am tường về
Pakistan và Afghanistan, cho rằng : « trợ giúp kinh tế và tiền của Trung Quốc
chính là những động lực chính đối với Pakistan và Afghanistan ». Đây cũng
là điểm thiếu sót của Hoa Kỳ. Các dự án kinh tế mà Bắc Kinh đem đến cho khu vực
quả thật là một của trời ban và là một luận điểm sốc giúp hai quốc gia
Trung-Nam Á này duy trì được các vụ bạo động.
Quả thật, duy chỉ có Trung Quốc dám gia tăng đầu tư trong
khi rủi ro mất mát ngay ngày hôm sau là rất lớn. Hơn 3,5 tỷ đô-la đã được đầu
tư để mua lại các mỏ đồng tại vùng Aynak, tỉnh Logar. Theo ước tính, các mỏ
khoáng sản vùng này có giá trị lên đến 1000 tỷ đô-la. Điều đó đủ làm rõ dãi
Trung Quốc, một kẻ phàm ăn trong khi sự thèm thuồng về nguyên vật liệu không ngừng
gia tăng, tờ báo viết. Ngoài ra Bắc Kinh còn đầu tư vào dầu khí, với mức nhiều
tỷ đô-la, đồng tài trợ dự án xây đập thủy điện Kunar ở Pakistan, xây dựng cơ sở
hạ tầng như cầu đường hay tuyến đường sắt nối vùng Chaman đông nam Afghanistan
với Kandahar.
Nói tóm lại là bằng mọi cách « Trung Quốc đang tiến
các quân cờ » như hàng tít nhận định trên trang nhất Le Figaro, nhưng « cũng
chưa có gì bảo đảm là họ sẽ không thất bại » theo như nhận xét của ông Shi
Yinhong, giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc ở Bắc
Kinh.
No comments:
Post a Comment