James Jay Carafano, The
National Interest, ngày 7-2-2015
Trần
Ngọc Cư dịch
10/02/2015
Ảnh tư liệu của US Marine Corps do nhiếp ảnh viên Hạ
sĩ J.J. Harpers chụp.
Giữa tự mãn và đối đầu, trước mắt vẫn còn một phương
cách có trách nhiệm để duy trì khu vực châu Á-Thái Bình Dương như một nơi đủ rộng
lớn để đáp ứng các lợi ích quan trọng của cả Bắc Kinh lẫn Washington. Mỹ cần phải
gánh lấy trách nhiệm nặng nề này. Đó là điều tốt. Vì việc này sẽ làm cho Mỹ trở
thành một quốc gia hùng mạnh hơn và một đồng minh đáng tin cậy hơn tại châu Á.
Trong thập kỷ qua, chính quyền Trung Quốc đã chứng tỏ
là phản dân chủ, thiếu thân thiện với thị trường tự do, một kẻ bắt nạt hàng đầu
trên không gian mạng và muốn viết lại hoặc bất chấp các qui phạm quốc tế chứ
không muốn tôn trọng chúng. Nếu không bị chặn đứng, cách điều hành các quan hệ
quốc tế của Bắc Kinh không thể làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hay
an toàn hơn.
Nếu không cùng chia sẻ một khu vực với Trung Quốc, Mỹ
có thể nhắm mắt làm ngơ trước lối ứng xử của Bắc Kinh và để các nước khác tự
mình đối phó với Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc và Mỹ đang dính líu
với nhau.
Không may là, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc
hiện nay không hữu hiệu. Đó là lý do tại sao Trung Quốc nghĩ rằng chính sách của
họ đối với Mỹ đang thành công – và mục đích của Bắc Kinh là giảm thiểu và cho
ra rìa ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương.
Có một đường lối ngoại giao nhằm chỉnh sửa mối quan
hệ này, nhưng nó đòi hỏi Mỹ phải hoạt động đồng bộ hơn nữa với các quốc gia
quan trọng có khả năng mất mát nhiều nhất nếu hành động bắt nạt của Trung Quốc
không chấm dứt. Những quốc gia đó là Ấn Độ, Australia và Nhật Bản.
Ngoài ra, cần phải kể đến yếu tố quân sự trong đường
lối đối ngoại của Mỹ. Mỹ sẽ không được tôn trọng trong khu vực này nếu quân đội
Mỹ không đủ mạnh để bảo vệ các lợi ích sinh tử của mình – nghĩa là đảm bảo quyền
tự do sử dụng không gian chung (trên không, trên biển và trên Internet) cũng
như ngăn chặn các xung đột lớn trong khu vực (mà đặc biệt không dựa vào vũ khí
hạt nhân).
Nhưng cũng có thêm nhiều điều khác nữa trên danh mục
cần phải thực hiện của Mỹ.
Mỹ cần có các nỗ lực ngoại giao và quân sự để đối
phó với các hiểm họa do hành vi của Trung Quốc gây ra. Nhưng chính lối ứng xử vụng
về này của Trung Quốc cũng tạo nhiều cơ hội cho Mỹ.
Để vận dụng tối đa những cơ hội này, Mỹ cần phải
tăng cường thêm hai yếu tố của quyền lực quốc gia: sức mạnh kinh tế và sự tham
gia của dân chúng. Thúc đẩy những yếu tố này chắc chắn là những việc dễ thực hiện
và là những nhiệm vụ hào hứng. Chúng không những ngăn chặn Trung Quốc, mà còn
giúp xây dựng một nước Mỹ hùng mạnh và có sức bật hơn, cũng như cải thiện được
số phận của các nước bạn và đồng minh tại châu Á.
Hành vi của Trung Quốc ngày càng gây tổn thương cho
các mối quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước vốn chia sẻ nhiều lợi ích chung với Mỹ.
Mỹ khỏi cần phải chi tiêu nhiều tiền của như Trung Quốc tại các trung tâm đại học,
trên các mạng lưới truyền hình và cho các phái đoàn công tác. Trung Quốc đã vô
hình trung tạo ra nhiều cơ hội to lớn chống lại chính nỗ lực của mình. Thậm chí
trong khi Trung Quốc càng ngày càng đổ thêm tiền vào chính sách ngoại giao và
các chương trình vận động quốc tế của mình, các lối ứng xử bắt nạt của Trung Quốc
đang hủy hoại thương hiệu của Bắc Kinh [the Beijing brand name]. Mỹ chỉ việc lợi
dụng sự vụng về này của đối phương.
Mỹ khỏi cần phải gay gắt lên án Trung Quốc. Chính
quyền Trung Quốc đã làm việc đó cho chính bản thân mình. Nhưng Mỹ phải đưa ra
những tuyên bố nhất quán hơn và đầy xác tín hơn. Chính phủ Mỹ, khu vực tư và
các tổ chức phi chính phủ – tất cả phải vượt qua nỗi sợ hãi khi lên án lối ứng
xử tồi tệ của Bắc Kinh, không nên e ngại hành động này sẽ làm phật lòng Trung
Quốc. Mỹ không làm mất lòng Trung Quốc trong nhiều năm, nhưng việc này chỉ giúp
tạo ra một không khí trong đó chính quyền Trung Quốc dần dần cảm thấy tự do hơn
trong việc gây tổn thương cho các nước khác.
Mỹ phải tái cam kết sẽ nói thẳng, nói thật với giới
quyền lực Bắc Kinh, lên án các vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo, tham nhũng,
việc đánh cắp sở hữu trí tuệ và thái độ khoan dung của Trung Quốc đối với các
chế độ độc tài. Mỹ còn phải tỏ ra can đảm và tự hào trong việc bảo vệ thương hiệu
của mình, đề cao bản sắc độc đáo của Mỹ, đề cao tự do kinh doanh và thể chế dân
chủ.
Bất luận người Trung Quốc đi đến đâu, người Mỹ phải
có mặt tại đó để nói rằng: “Quí vị đợi cho một phút, đây là quan điểm của chúng
tôi về vấn đề này.”
Thay vì làm lu mờ những dị biệt giữa tham vọng của Bắc
Kinh và lập trường của Mỹ, Hoa Kỳ phải cho các nước bạn và quốc gia đồng minh của
mình một sự lựa chọn rõ ràng giữa các viễn kiến đối với tương lai. Các quốc gia
châu Á-Thái Bình Dương sẽ thể hiện sư lựa chọn của mình và tự vạch ra cho mình
một con đường định mệnh. Hoa Kỳ phải dám cá cược rằng, sẽ có thêm nhiều nước đi
theo đường lối của chúng ta nếu họ có quyền lựa chọn.
Mỹ cũng cần đến một trường hợp nghiêm chỉnh cho thấy
có tăng trưởng kinh tế thật sự. Điều này chỉ được thể hiện tối ưu bằng cách nới
rộng tự do kinh tế trong nước và ở nước ngoài. Bắc Kinh quá vội vàng khi coi cuộc
suy thoái kinh tế của Mỹ là dấu hiệu cho thấy sự xuống dốc tất yếu của Mỹ đã bắt
đầu và đã đến lúc Trung Quốc phải giành lấy chỗ đứng của Mỹ.
“Chỉ số Tự do Kinh tế” năm 2015 cho thấy, sau bảy
năm xuống dốc liên tục, tự do kinh tế tại Mỹ đã ra khỏi vòng xoáy tuột dốc của
nó. Sự phục hưng lại ngành năng lượng của Mỹ đã đóng góp một phần cho xu thế
này. Vào thời điểm Đảng Cộng hòa chiếm được đa số trong Hạ viện, mặc dù Quốc hội
Mỹ vẫn chưa đạt nhiều thành quả, nhưng nó đã làm trì hoãn nghị trình tăng thuế,
chi tiêu thâm thủng của Tổng thống Obama và các chương trình chính phủ mới.
Nếu kinh tế Mỹ thực sự cất cánh, đây sẽ là một thất
bại thực sự của Trung Quốc. Các hợp đồng thương mại có khả năng thúc đẩy tự do
mậu dịch thật sự và các nỗ lực tự do hóa thị trường sẽ đưa đến triển vọng này,
cũng như việc cải tổ thuế khóa, chính sách năng lượng dựa vào thị trường tự do,
và việc giảm bớt gánh nặng khủng khiếp của các luật lệ điều tiết mà ông Obama
đã ràng buộc lên nền kinh tế Mỹ, sẽ mang lại hiệu quả tương tự.
Trong khi đó, Trung Quốc liên tục đánh mất tự do
kinh tế. Trung Quốc đã đầu tư quá tải [overinvested] ở trong nước cũng như ở nước
ngoài, và nhiều dự án đầu tư hiện nay đang gặp nhiều bất cập.
Cơn sốc kép khi gặp phải một tiếng nói đầy tự tin trở
lại của Mỹ và một nền kinh tế rồng cọp của Mỹ, kết hợp với một chính sách ngoại
giao khu vực biết nhìn xa trông rộng và một sự phục hưng sức mạnh quân sự của Mỹ
sẽ làm cho Trung Quốc suy nghĩ lại và tự hỏi, không biết tất cả những đe nẹt ầm
ĩ của mình trong năm qua đã làm cho chế độ Bắc Kinh nom tốt hơn hay xấu hơn so
với ban đầu.
Rốt cuộc, Trung Quốc có thể vẫn là Trung Quốc [vẫn
không thay đổi bản chất]. Nhưng điều đó có thể sẽ không còn quan trọng như hiện
nay, nếu một nước Mỹ vươn dậy lại biết sử dụng tất cả các lợi thế mà mình có được
trong tay để thúc đẩy viễn cảnh tự do, phồn thịnh và hòa bình trong khu vực
châu Á-Thái Bình Dương.
J.
J. C.
Là nhà nghiên cứu trong chương trình E.W. Richardson
của Heritage Foundation, James Jay Carafano còn là Phó Chủ tịch, giám sát việc
nghiên cứu các vấn đề an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại tại viện nghiên
cứu chính sách này.
Dịch giả gửi BVN.
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 06:55
No comments:
Post a Comment