Tuesday, February 3, 2015

Tính “chính danh” của người cộng sản (Theo Fb Nhân Tuấn Trương)





(Theo Fb Nhân Tuấn Trương)

Ông Vũ Minh Giang, từng là thành viên Hội Đồng lý luận của đảng, nói trên BBC về tính chính danh của đảng. Lý lẽ của ông cho thấy đảng CSVN đã không còn người cũng như không có cơ sở nào thuận lý để bênh vực cho sự « chính danh » (để lãnh đạo đất nước). Tất cả đều là ngụy biện.

Những lý lẽ của ông Giang nói đến trong bài báo là :

1/ Chính danh vì đảng « đã lãnh đạo dân tộc giành lại độc lập ».
Điều này không đúng trong thời điểm hiện tại (và dĩ nhiên, tương lai).
Giả sử rằng việc đảng CSVN đã « lãnh đạo dân tộc giành lại độc lập » là một sự thật lịch sử, không có điều gì cần tranh biện. Thì những người cộng sản hôm nay cũng không thể vịn vào lý do này để tiếp tục giành quyền lãnh đạo. Những thế hệ « khai quốc công thần » chống Pháp, chống Mỹ đã lần lượt khuất núi. Những người « có công », tức những người có tham gia vào cuộc chiến, đã không còn bao nhiêu người. Ngay cả thế hệ lãnh đạo hiện thời cũng không có mấy người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến « chống Mỹ ». Ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ là một « du kích quèn », xuất thân là một y tá. Công lao của ông này vào công cuộc « giải phóng miền Nam » quả thật là khiêm nhường. Thế hệ tương lai sẽ không có người nào tham gia vào cuộc chiến.

Như vậy, nếu dựa vào « công lao », thì trong đảng sẽ không có ai có công lao (giành lại độc lập) để đặt nền tảng làm sự « chính danh » để lãnh đạo đất nước hết cả.
Tính chính danh không có « kế thừa ». Nếu không thì chế độ « cộng hòa xã hội chủ nghĩa » cần phải bỏ chữ « cộng hòa » mà thay vào đó là từ « quân chủ ».

2/ Chính danh do được nhân dân bầu lên.
Ông Giang nói rằng « Đầu năm 1946, Đảng Cộng sản đã tổ chức bầu cử Quốc hội và ra Hiến pháp. Hệ thống chính trị Việt Nam có bầu cử và những người của Đảng ra ứng cử vào các chức vụ. »

Điều này (ai cũng thấy) là không đúng sự thật. Thời điểm tổ chức bầu cử quốc hội (1946) đảng CS đã giải tán và số dân biểu đắc cử vào quốc hội một số lớn không thuộc đảng CSVN.
Nhưng cũng giả sử rằng thời điểm đó đảng CS không giải tán và số người trong quốc hội 100% là đảng viên đảng CSVN. Thì tính chính danh của đảng cầm quyền chỉ có hiệu lực trong nhiệm kỳ bầu cử đó mà thôi. Không lẽ nhiệm kỳ đó kéo dài (đến nay đã gần) 70 năm ?

Tất cả các cuộc bầu cử sau này đều là « đảng cử dân bầu ». Tính chính danh không có. Nếu có là do đảng tự phong mà thôi.

3/ Chính danh do « chuyên chính vô sản ».
Bất kỳ đảng cộng sản nào cũng cho rằng họ có « chính danh » để lãnh đạo đất nước, vì họ đại diện cho số đông (nhân dân vô sản) trong xã hội. Nhà nước họ lập nên là « nhà nước vô sản », sử dụng sự « chuyên chính vô sản », tức sự « độc tài » cho tầng lớp vô sản, nhằm triệt tiêu giai cấp bóc lột đem lại sự « công bằng » trong xã hội.

Ông Giang biện luận về việc này như sau :
« Ở các nước có giai cấp tư sản dân tộc họ tương đối mạnh mẽ thì họ chèo lái con thuyền chính trị… Còn ở Việt Nam giai cấp tư sản rất yếu. »
« Ở Việt Nam tư hữu phát triển không giống như nhiều nước, công điền còn tồn tại. Hoàn cảnh lịch sử như vậy thì lý luận của chủ nghĩa cộng sản xem ra phù hợp với tâm lý người dân… »

Lập luận này cho thấy ông Giang hết sức lúng túng để chứng minh tính chính danh của đảng CSVN hôm nay.

Đảng CSVN không còn đại diện cho quyền lợi của « số đông », tức giai cấp công nhân, nông dân, những người lao động nghèo… trong xã hội. Trên thực tế, đảng CSVN là đại diện cho tầng lớp tư bản hoang dã, tầng lớp đầu cơ trục lợi cũng như tầng lớp tư bản nước ngoài…

Người ta vào đảng là để làm quan : một người làm quan cả họ được nhờ. Làm quan thời cộng sản ai cũng là triệu phú, nhà lầu xe hơi. Cả họ người nào cũng no cơm ấm cật.

Xã hội mà đảng CSVN lập nên hôm nay không phải là một xã hội công bằng, mà là một xã hội đầy dẫy bất công, người bóc lột người. Tầng lớp « dân oan » trong xã hội ngày càng đông. Họ là nạn nhân của các cuộc « ăn cướp » đất đai, mà người cầm đầu là quan chức cộng sản nắm quyền.

Đảng CSVN hôm nay hiện thân là một tập đoàn bất lương, mafia.

Họ đã bán rẻ ngay cả linh hồn của họ thì tính chính danh nào còn ?

Trương Nhân Tuấn





No comments: