17.02.2015
Sống ở ngoại quốc đúng 30 năm,
tôi, cũng như bất cứ người Việt nào đang định cư ở hải ngoại, mỗi năm cũng đều
có đến hai cái Tết: Tết Tây và Tết ta. Nhưng với riêng tôi, hình như có sự
thiên vị rõ rệt: Chỉ có Tết ta mới thực sự là Tết.
Sự thiên vị ấy có cái gì như
nghịch lý. Bởi, về phương diện xã hội, Tết Tây dễ thấy hơn Tết ta. Cả mấy tuần
trước, đi đâu cũng thấy không khí Tết: Tết trên đường phố và ở các cửa tiệm.
Trong quan hệ liên cá nhân, Tết cũng hiện diện trong những bức thiệp và những lời
chúc, trong những gói quà người ta nhận được hoặc gửi tặng cho bạn bè đồng nghiệp.
Giao thừa Tết tây lại càng lớn. Ở thành phố Melbourne, nơi tôi sống, vào đêm
giao thừa có cả hàng triệu người đổ xuống đường để cười đùa, hát hò và ngắm
pháo bông. Pháo bông ở Melbourne không lớn và đẹp như ở Sydney nhưng dù sao cũng
rất ấn tượng, đủ để cả triệu người say mê. Trong môi trường đại học, nơi tôi
làm việc, không khí Tết cũng rất rõ rệt qua việc nghỉ lễ kéo dài cả tuần lễ, từ
Giáng sinh đến tận mồng 3 hay mồng 4 tháng giêng. Vậy mà, lạ, tự đáy lòng, tôi
vẫn không thấy đó là Tết. Tôi gửi thiệp hoặc tặng quà cho người này người nọ
như một thứ thủ tục trong quan hệ xã hội và nghề nghiệp. Những lời chúc bằng tiếng
Anh gửi đi hoặc nhận được đều có cái gì như sáo ngữ chứ không có một nội dung cụ
thể nào cả.
Trong khi đó, với Tết Việt Nam
thì lại khác. Trước Tết mấy tuần, đã có chút gì nao nao và nôn nao. Cứ đếm từng
ngày, từng ngày. Để làm gì? Tôi cũng không biết nữa. Những năm Tết Việt Nam rơi
vào giữa tuần, tôi vẫn phải đi làm. Ở nhà cũng không có gì đặc biệt. Không bàn
thờ. Không cúng. Không đến chùa. Không hái lộc. Không xem hướng xuất hành.
Không xông đất. Và cũng hiếm, thật hiếm khi tham gia các hội chợ Tết do các cộng
đồng tổ chức. Vậy mà, năm nào tôi cũng thấy không khí Tết đầy ắp trong nhà. Và,
nhất là, trong lòng: Có cái gì đó cứ nôn nao. Ngay cả khi ngồi một mình, giữa
khuya, trước màn ảnh computer, vẫn có cảm giác như có người, nườm nượp người,
chung quanh. Không phải chỉ có những người còn sống mà cả những người đã chết.
“Những người muôn năm cũ”. Tất cả đều về, đông đúc và ồn ào. Để… đón Tết với
tôi.
Tại sao? Lý do chủ yếu, theo
tôi, là Tết ta gắn liền với ký ức, còn Tết tây thì không. Và vì gắn liền với ký
ức, Tết ta, với chúng ta, không phải là sự kiện mà là một không gian. Chúng ta
có thể tránh được sự kiện, nhưng không tránh được không gian. Không gian bao
trùm lấy chúng ta, hơn nữa, chuyển hóa mọi sinh hoạt thành Tết, hay nói cách
khác, nó Tết-hóa mọi thứ.
Xin lấy chuyện ăn uống ngày Tết
làm ví dụ.
Ở những nơi khác, người ta đón
Tết, mừng Tết; ở Việt Nam, chúng ta ăn Tết. “Ăn”, như ăn tiệc, ăn cưới, ăn giỗ,
ăn liên hoan. Thật ra, chúng ta cũng cử hành nhiều nghi lễ và tổ chức nhiều hội
hè như ở các nơi khác, nhưng việc ăn uống, với chúng ta, bao giờ cũng chiếm vị
trí trung tâm. Người sống ăn. Người chết ăn (cúng). Cả thần linh (ông Táo) cũng
được ăn uống linh đình. Trong ký ức cũng như tâm thức của người Việt, không có
gì liên quan đến Tết mà lại không gắn liền với một số loại thực phẩm nào đó.
Trong sáu hình ảnh tiêu biểu của ngày Tết được nêu lên trong câu đối quen thuộc
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ / Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, có đến
ba thứ, tức một nửa, là thực phẩm. Nhưng đó không phải là tất cả. Cái gọi là
“thịt mỡ” ấy, ở miền Bắc thường là thịt đông; ở miền Nam, là thịt kho tàu; ở miền
Trung, là giò heo hầm chuối chát hoặc thịt ngâm nước mắm. “Dưa hành” chủ yếu ở
miền Bắc, ở miền Trung là củ kiệu và dưa món; ở miền Nam là các loại dưa giá hẹ
muối xổi. Hiện nay bánh chưng phổ biến khắp nơi, nhưng ngày trước, ở miền Nam
và miền Trung, hầu như chỉ có bánh tét.
Nhiều người than thở: Các loại
thực phẩm vốn được xem là đặc sản của Tết đang dần dần mất hết ý nghĩa. Bây giờ,
trong chợ hay siêu thị, từ Việt Nam ra ngoại quốc, ở đâu có đông người Việt, bất
cứ ngày nào, tháng nào, mùa nào cũng có bánh chưng và bánh tét. Thịt kho hay thịt
đông, ngày xưa, chỉ xuất hiện trên các mâm cỗ Tết, bây giờ, là thức ăn hàng
ngày. Thích lúc nào người ta ăn lúc ấy. Chả có gì là đặc biệt nữa.
Thì đành là đúng. Nhưng điều đó
không có nghĩa là ý nghĩa của thức ăn ngày Tết không còn. Còn, ở một điểm: Bình
thường, chúng là thức ăn, ăn cho no hoặc cho khoái khẩu; ngày Tết, chúng là thức
ăn của huyền thoại, ăn để… nhớ.
Như bánh chưng, chẳng hạn. Ngày
thường, chúng ta có thể ăn bánh chưng. Nhưng những lúc ấy, bánh chưng chỉ là
bánh chưng. Người ta ăn vì thích, hoặc nhiều hơn, vì tiện: khỏi phải nấu nướng
và có thể giữ được lâu. Trong không khí ngày Tết, việc mua hoặc nấu bánh chưng
không còn là một chọn lựa ngẫu nhiên hay một ý thích bất chợt, xuất phát từ khẩu
vị, mà là một điều gần như bắt buộc, gắn liền với bổn phận, có tính chất nghi lễ:
Nhà nào cũng có. Tính chất “bắt buộc”, “bổn phận” và “nghi lễ” ấy làm cái bánh
chưng trở thành một biểu tượng, nghĩa là vừa là một vật thể vừa là một ý nghĩa.
Ý nghĩa ấy lại gắn liền với sự tích bánh chưng và bánh dày với Lang Liêu (hay
còn gọi là Tiết Liêu) và vua Hùng Vương thứ 6, với ý niệm về Trời và Đất, về
công cha và nghĩa mẹ, và gần đây, theo một số học giả về Việt học, về tín ngưỡng
phồn thực với hình ảnh của dương vật (bánh chưng, ngày xưa, có hình dài, giống
bánh tét bây giờ) và âm vật (bánh dày).
Từ đó, trong ngày Tết, chỉ
trong ngày Tết, bánh chưng trở thành biểu tượng của truyền thống, và nhờ tính
truyền thống ấy, cái bánh bỗng có chiều dày của thời gian. Nó có ký ức. Trước hết
là ký ức chính thức được ghi trong sử sách: Ăn bánh chưng trong ngày Tết, do
đó, là ăn cùng với Lang Liêu, với các vua Hùng, và với tổ tiên nói chung. Sau nữa
là ký ức cá nhân: Không có người nào sinh ra và lớn lên tại Việt Nam mà lại
không có ít hay nhiều kỷ niệm với bánh chưng, từ kỷ niệm mổ heo đến kỷ niệm nấu
bánh và ăn bánh. Văn chương Việt Nam đầy dẫy những loại kỷ niệm như thế. Ăn
bánh chưng, do đó, là sống lại một quãng đời đã mất.
Cả ký ức cá nhân lẫn ký ức tập
thể ấy đều đưa chúng ta về nguồn: Việt Nam.
Một thứ trái cây khác, như dưa hấu, cũng vậy. Mùa hè, trời nóng, hầu như trong chúng ta ai cũng ít nhiều ăn dưa hấu. Bản thân tôi, có thời gian, mùa hè, hầu như ngày nào cũng ăn dưa hấu. Đi làm về, bước ra khỏi xe vào nhà, mồ hôi đầm đìa, công việc đầu tiên tôi làm là mở tủ lạnh, lấy dĩa dưa hấu cắt sẵn, ngoạm từng miếng. Dưa hấu trôi đến đâu, hơi mát tràn đến đó. Nhưng, những lúc như thế, tôi chỉ ăn dưa hấu. Thuần túy là dưa hấu. Dưa hấu mua từ chợ hoặc siêu thị. Nhưng cũng những miếng dưa hấu ấy, trong ngày Tết, có cái gì khác hẳn. Tôi thường thoáng chút ngần ngại khi phải bổ trái dưa hấu. Tôi muốn đặt nguyên trái trên bàn. Để có không khí. Khi ăn, tôi cắn từng miếng, từng miếng thật chậm. Và Tết nào cũng thế, cũng đều nhớ đến chuyện An Tiêm ngày xưa. Đó là trái dưa hấu của An Tiêm, con nuôi của vua Hùng. Nhớ thế, tôi ngỡ như đang ăn dưa hấu chung với An Tiêm.
Một thứ trái cây khác, như dưa hấu, cũng vậy. Mùa hè, trời nóng, hầu như trong chúng ta ai cũng ít nhiều ăn dưa hấu. Bản thân tôi, có thời gian, mùa hè, hầu như ngày nào cũng ăn dưa hấu. Đi làm về, bước ra khỏi xe vào nhà, mồ hôi đầm đìa, công việc đầu tiên tôi làm là mở tủ lạnh, lấy dĩa dưa hấu cắt sẵn, ngoạm từng miếng. Dưa hấu trôi đến đâu, hơi mát tràn đến đó. Nhưng, những lúc như thế, tôi chỉ ăn dưa hấu. Thuần túy là dưa hấu. Dưa hấu mua từ chợ hoặc siêu thị. Nhưng cũng những miếng dưa hấu ấy, trong ngày Tết, có cái gì khác hẳn. Tôi thường thoáng chút ngần ngại khi phải bổ trái dưa hấu. Tôi muốn đặt nguyên trái trên bàn. Để có không khí. Khi ăn, tôi cắn từng miếng, từng miếng thật chậm. Và Tết nào cũng thế, cũng đều nhớ đến chuyện An Tiêm ngày xưa. Đó là trái dưa hấu của An Tiêm, con nuôi của vua Hùng. Nhớ thế, tôi ngỡ như đang ăn dưa hấu chung với An Tiêm.
Mà đâu phải chỉ có An Tiêm.
Cùng với An Tiêm, còn có Trần Thế Pháp, Vũ Quỳnh và Kiều Phú, những người đầu
tiên chép truyện An Tiêm trong Lĩnh Nam chích quái (thế kỷ 14-15), rồi
Nguyễn Trọng Thuật, tác giả của Quả dưa đỏ (1925), một trong những cuốn
tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam mà tôi đọc hồi nhỏ, những năm đầu của trung học.
Ngoài những tên tuổi lớn ấy, mỗi lần ăn dưa hấu ngày Tết, tôi còn nhớ một người
khác, Lê Quý Long, một người đồng hương của tôi, người, trong cuốn Việt sử
văn vần, xuất bản ở Huế năm 1971, có bài thơ về An Tiêm: “An Tiêm phải bị
cha đày / Sống nơi hoang đảo chuỗi ngày bơ vơ / Một hôm chim lạ tình cờ / Nhả
rơi một hạt ai ngờ giống dưa […] Mang theo dưa hấu nặng nề / Nên bây giờ có khắp
quê hương mình.” Bài thơ đơn giản, như một bài diễn ca, không có gì đặc sắc, vậy
mà, không hiểu sao, đã trên 40 năm rồi, tôi vẫn nhớ. Không trọn vẹn. Nhưng nhớ.
Tôi nghĩ, nhớ được, không phải vì bản thân bài thơ. Mà là vì những quả dưa hấu
ngày Tết: Chúng nhắc.
Những ví dụ nho nhỏ trên cho thấy,
trong ngày Tết, ngay cả những thứ mọn nhất, từ một quả dưa hấu đến một lát bánh
chưng hay bánh tét, đều có hấp lực kéo chúng ta về quá khứ: Nhỏ, là những kỷ niệm
thuộc về cá nhân; lớn, là truyền thống của cả một dân tộc. Chính vì thế, Tết,
chúng ta thường hay hồi tưởng và nhớ vu vơ. Tuy nhiên, đó chỉ là một khía cạnh.
Có một khía cạnh khác, lớn và có ý nghĩa chính trị hơn: mọi thứ trong ngày Tết
đều vun bồi ký ức tập thể trong mỗi người, khiến mỗi người tự thấy mình là một
thành viên của cả một cộng đồng đông đúc, là một đoạn ngắn trong chuỗi dài của
lịch sử dằng dặc. Với ý thức ấy, chúng ta trở về với gốc rễ của chúng ta: Việt
Nam.
Nói Tết ta khác với Tết Tây là
vì thế.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân.
Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản
ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment