Sunday, February 15, 2015

Tân Sơn Nhất cuối năm: Tờ 5 đô ở lại !. (Minh Trí - Việt Nam Thời Báo)





Minh Trí  -   Việt Nam Thời Báo

(VNTB) - “Tui lấy 5 đồng ra kẹp vào hộ chiếu rồi đưa họ. Họ cho qua, không có hỏi han gì nữa, và dĩ nhiên là tờ 5 đô ở lại...”.
The Guide to Sleeping in Airports đã đưa ra bảng “phong thần” các sân bay tệ nhất châu Á, trong đó có Tân Sơn Nhất của Việt Nam, vì nhiều lý do như mức độ sạch sẽ chưa ổn định, không có wifi, nạn nhũng nhiễu…

Biết là vậy, nhưng trên chuyến về Việt Nam ăn Tết, trên những chuyến bay quá cảnh, lắng nghe nhiều ý kiến từ những người Việt đang sống ở nước ngoài, cũng như những du học sinh mới cảm thấy bảng “phong thần” là… cỏn nhẹ nhàng lắm (!?)

“Năm đó tui về, qua cái cửa xét hộ chiếu, họ làm khó làm dễ đủ điều. Họ hỏi “sao cái hình hộ chiếu mờ quá vậy?”. “Cái đó Mỹ cấp cho tui. Có ý kiến gì đi hỏi thằng Mỹ ấy!”. Họ im lặng. Họ quay sang… những trang khác của cuốn hộ chiếu. “Thôi đưa tui lại cái hộ chiếu, tui hiểu rồi...”. Tui lấy 5 đồng ra kẹp vào hộ chiếu rồi đưa họ. Họ cho qua, không có hỏi han gì nữa, và dĩ nhiên là tờ 5 đô ở lại...”.

“Gì chứ mấy cái vụ đó quen thuộc quá rồi. Có năm tôi về, hành lý đem theo mấy thùng quà Tết. Lúc lấy hành lý đi ra, họ hỏi thùng này thùng gì, có người còn phải mở tung mấy cái thùng ra cho họ xốc ra kiểm tra. Lì xì 5 đồng. Thế là xong, họ không “kiểm hàng” nữa”.
Một số người Việt Nam sống ở Mỹ chia sẻ.

Thiết nghĩ, những hành động như thế thật đáng buồn cho Việt Nam. Phải chăng do tiền lương của những người đang làm công vụ quá thấp nên họ phải “kiếm thêm”?

Họ không những làm khó dễ với những người Việt ở nước ngoài mà còn “vặn vẹo” với cả du học sinh.
“Lần đầu tiên đi nước ngoài, mình có biết gì đâu. Lúc đi, sau khi làm thủ tục nhận vé máy bay, cái cô ở hãng kêu mình vô trong coi hành lý. Mình đi vô thì gặp hai anh bận đồ xanh. Họ hỏi mình du học sao đem đồ nhiều? Mình có biết lúc đó họ đòi tiền đâu, khi qua bên này rồi người Việt mới nói nó đòi tiền em đó. Khi ấy, mình trả lời thẳng với họ, du học sinh ở nước ngoài thời gian lâu, không đem nhiều đồ thì lấy gì mà mặc? Họ nhìn nhìn mình rồi cho mình đi…”

Trong một lần chờ quá cảnh tại sân bay Đài Loan, ngồi lắng nghe người Việt Nam ở nước ngoài nói chuyện: “Về tới Tân Sơn Nhất tốt nhất là đưa tiền họ cho lẹ. Xuống tới sân bay, vô quầy kiểm tra hộ chiếu là họ làm khó làm dễ rồi, đưa cho họ 5 đồng. Lúc lấy hành lý đưa cho họ thêm 5 đồng nữa, qua kiểm tra hành lý cũng nhanh hơn…”.

“Có lúc họ đòi tới 10 đồng, thậm chí đến 20 đồng. Tôi hỏi sao ông lấy gì nhiều vậy? Bên đó tui làm kiếm từng đồng, tính từng xu… Nói thì nói vậy thôi chứ đưa tiền cho họ. Không lại bị làm khó dễ…”.

“Năm đó tui từ Canada về Việt Nam, gặp hải quan, họ hỏi sao hình tui mờ vậy. Tui hiểu ý họ đòi tiền nhưng tui thấy vô lý, tui cãi lại. Tui kêu nếu hình mờ sao tui đi nước ngoài được? Các nước khác sao chấp nhận được? Họ im im. Tui nhắc họ sao không trả lời. Họ làm thinh, đóng dấu cho tui nhập cảnh. Tui vẫn lỳ lợm hỏi nữa. Họ kêu thôi anh đi giùm, còn mấy người nữa đang chờ nhập cảnh. Gặp mấy trường hợp như thế thì mình cứ cứng lại, mình đâu có sai, thì việc gì phải đưa tiền cho họ?”.

Người Việt Nam thường không muốn phiền phức, mất thời gian nên thà “đồng tiền đi trước đồng tiền khôn”, vô hình trung đã gián tiếp làm cho hình ảnh của phi trường Tân Sơn Nhất thêm xấu.

“Nếu không làm vậy thì biết làm gì bây giờ? Đưa tiền cho xong…”.

Một người bạn nhắn tin: ông Thăng quản cả sân bay. Hãy gọi điện cho Bộ trưởng Đinh La Thăng khi bị làm khó: 091 321 0367.






No comments: