Tuesday, February 3, 2015

Quan hệ Mỹ-Việt bay lên như rồng? (Bùi Văn Phú)





03.02.2015

Năm nay đánh dấu quan hệ Mỹ-Việt tròn 20 tuổi. Dư luận trong nước đang quan tâm và nhắc nhiều đến sự kiện lịch sử này, vì chính sách xoay trục về Đông Á của Hoa Kỳ cùng những động thái “cắt salami” của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt vụ đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc khu kinh tế của Việt Nam hồi đầu tháng 5/2014 làm Hoa Kỳ quan ngại, Quốc hội Mỹ ra nghị quyết phản đối.

Sự hung hăng trên biển của Bắc Kinh khiến người Việt trong nước xuống đường biểu tỏ lòng yêu nước mà không bị trấn áp như những năm trước, cùng lúc nhiều hãng xưởng của người Hoa tại Việt Nam bị đốt phá.

Trong viễn cảnh xung đột vũ trang trên Biển Đông có thể xảy ra, gần đây có những dấu chỉ cho thấy tương lai quan hệ Việt-Mỹ đang trở nên thắm thiết hơn vì Hoa Kỳ cũng có lợi ích trong khu vực.

Nhìn lại quá khứ, Hoa Kỳ và Việt Nam đã đối đầu nhau trong cuộc chiến kéo dài hơn một thập niên với số thương vong cao cho cả hai dân tộc, 60 nghìn người Mỹ và hai triệu người Việt đã thiệt mạng, lại xảy ra vào lúc cao điểm của Chiến tranh Lạnh, nên hệ lụy để lại là sự nghi ngờ lẫn nhau.

Chiến tranh chấm dứt ngày 30/4/1975 bằng một cuộc di tản hỗn loạn, với hình ảnh Đại sứ Graham Martin ôm cờ Mỹ lên trực thăng rời Việt Nam, chỉ ít giờ trước khi bộ đội cộng sản Bắc Việt với súng ống xe tăng do Liên Xô và Trung Quốc cung cấp tiến vào thủ đô Sài Gòn của Việt Nam Cộng hòa, một đồng minh của Hoa Kỳ trong hai mươi năm.

Ít năm sau, Mỹ và Việt Nam đã có những cuộc gặp để bàn đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao. Tổng thống Jimmy Carter cử Đặc sứ Leonard Woodcock, cựu tổng giám đốc Liên đoàn lao động Mỹ, đến Hà Nội. Sau đó các nhà ngoại giao hai nước là Richard Holbrooke và Phan Hiền đã gặp nhau nhiều lần tại Paris.

Nhưng rồi các sự kiện như Việt Nam liên minh quân sự với Liên Xô, Hà Nội đòi bồi thường chiến tranh, bộ đội Việt Nam chiếm đóng Campuchia; đặc biệt là việc Washington và Bắc Kinh chính thức mở ra quan hệ ngoại giao vào tháng 1/1979 và cuộc chiến biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc vào tháng 2 năm đó đã có tác động tiêu cực, làm đóng băng các thảo luận giữa Washington và Hà Nội.

Năm 1986 Việt Nam công bố chính sách đổi mới kinh tế, mở cửa giao tiếp với phương Tây, khi đó hai bên mới có những gặp gỡ thường xuyên hơn. Tổng thống Ronald Reagan cử cựu tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ, Tướng John Vessey, làm đặc sứ đến Việt Nam.

Việt Nam muốn Mỹ bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ. Hoa Kỳ muốn Hà Nội rút quân khỏi Campuchia, giải quyết vấn đề POW-MIA. Phía Mỹ cũng quan tâm đến tù cải tạo Việt Nam Cộng hòa, đến những đợt trấn áp trí thức, tôn giáo và thuyền nhân vượt biển.

Năm 1992 đánh dấu quan hệ tan băng khi Tổng thống George H.W. Bush (Bush cha) quyết định nới lỏng cấm vận, cho nối lại liên lạc viễn thông giữa hai nước, cho NGO vào Việt Nam hoạt động, các công ty vào nghiên cứu thị trường, người Mỹ được phép du lịch, tiêu tiền ở Việt Nam.

Sau khi Hà Nội rút quân khỏi Campuchia, giải quyết thỏa đáng vấn đề POW-MIA, thả tù cải tạo cho sang Mỹ định cư, chấm dứt làn sóng vượt biển; đặc biệt là sau khi quan hệ Việt Nam và Trung Quốc đã được nối lại, khi đó Hoa Kỳ bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vào tháng 3/1994.

Tháng 7/1995 Tổng thống Bill Clinton quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và đại sứ Mỹ đầu tiên là ông Pete Peterson, cựu phi công chiến đấu từng bị giam 6 năm ở Hỏa Lò. Chọn ông Peterson làm đại diện tại Hà Nội, lãnh đạo Mỹ đã gửi một tín hiệu rõ ràng là Washington muốn lật qua trang sử mới trong quan hệ hai nước, không còn coi nhau như thù nghịch.

Sau 20 năm bang giao, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước lên đến 33 tỉ đôla trong năm 2014, so với chưa đến 500 triệu vào năm 1995. Việt Nam đã gia nhập các tổ chức mậu dịch quốc tế, ký kết hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ. Quốc hội Mỹ đã cho Việt Nam hưởng các quy chế thương mại bình thường PNTR.

Mỗi năm hàng vạn học sinh, sinh viên Việt du học Mỹ với học bổng của Vietnam Education Fund, Fulbright, Asia Foundation hay du học tự túc. Nhiều giáo sư từ các đại học Hoa Kỳ cũng đã đến giảng dạy tại Việt Nam.

Trong lãnh vực an ninh quốc phòng, chiến hạm Mỹ đã nhiều lần ghé cảng Việt Nam, bộ trưởng quốc phòng hai nước có những chuyến viếng thăm và làm việc định kỳ. Năm ngoái Hoa Kỳ nới lỏng một phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam và đã viện trợ hàng chục triệu đôla cho việc phát triển an ninh biển.

Tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa nằm trong danh sách các quốc gia để các tổng thống Mỹ mới lên nhận chức cần thăm viếng như Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines hay Trung Quốc.

Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush (Bush con) đã viếng thăm Việt Nam vào những năm cuối nhiệm kỳ. Các Thủ tướng Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng cũng như các Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết và Trương Tấn Sang đã chính thức thăm nước Mỹ.

Tổng thống Barack Obama chỉ còn trong Bạch Ốc hai năm nữa, nhưng đến nay cũng chưa rõ  nhà lãnh đạo Mỹ sẽ thăm Việt Nam hay không, trong khi ông đã đến nhiều nước Đông nam Á, kể cả Myanmar và Campuchia.

Hoa Kỳ đã chính thức trở lại Việt Nam từ hai thập niên, không với vũ khí như thời chiến tranh mà với kiến thức kinh tế, tài chánh, kỹ thuật và giáo dục.

Việt Nam và Mỹ đã hợp tác nhiều trong kinh tế, mậu dịch qua các hiệp định thương mại quốc tế cũng như song phương. Hai quốc gia đang đàm phán về hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP.

Nhưng lãnh đạo Hà Nội lo sợ “diễn biến hòa bình” sẽ làm thay đổi chế độ nên nền kinh tế còn trong “định hướng xã hội chủ nghĩa” và xã hội Việt Nam còn thiếu những quyền tự do căn bản như phát biểu, hội họp, lập công đoàn để thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh hơn.

Hôm 26/1 vừa qua tại Hà Nội có hội thảo đánh dấu 20 năm thiết lập quan hệ, chủ đề “Vietnam-United States Relationship: For 20 More Successful Years” – Quan hệ Việt-Mỹ: 20 Năm Thành Công Hơn Nữa – với sự tham dự của những nhà ngoại giao đã đóng góp cho việc phát triển bang giao hai nước, gồm đại sứ đầu tiên của hai nước là Lê Văn Bàng và Pete Peterson, những đại sứ kế vị, cùng Đại sứ Mỹ Ted Osius vừa nhận nhiệm vụ và Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc.

Hai thập niên trước ông Ted Osius còn là tham tán chính trị và lãnh sự của Sứ quán Mỹ mới mở tại Hà Nội và ông Hà Kim Ngọc, đã có thời gian tu nghiệp tại Mỹ, còn là phó tổng lãnh sự Việt Nam ở San Francisco. Nay họ là những nhà ngoại giao cấp cao của hai nước, tiếp tục công tác phát triển quan hệ song phương.

Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ năm 2013, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama đã đồng ý nâng quan hệ hai nước lên tầm đối tác toàn diện.

Bang giao hai nước sẽ phát triển đến mức nào trong tương lai? Nhìn vào logo kỷ niệm có thể nghiệm ra vài điều.

Năm 2010, kỷ niệm 15 năm bang giao, phía Mỹ có logo cờ hai nước làm thành cánh diều bay cao. Việt Nam có logo hình tam giác tượng trưng sự vững vàng trong quan hệ.

Năm nay trang nhà sứ quán Việt Nam tại Washington có logo kỷ niệm với cờ hai nước vươn lên trên đỉnh của số 2 và số 0, đánh dấu quan hệ ở tầm cao nhất.

Logo của Mỹ, treo ở hội nghị hôm 26/1 tại Hà Nội, với cờ Hoa Kỳ và cờ Việt Nam nối kết nhau thành số 20 như rồng bay, Mỹ là đầu và đuôi là Việt. Đây là mẫu vẽ của Đoàn Hải Tú, cư dân Thành phố Hồ Chí Minh, đạt giải nhất cuộc thi do sứ quán Mỹ tổ chức.

Bốn mươi năm trước hai nước là thù nghịch. Sau hai thập niên bang giao, quan hệ đã ấm lên, như diều bay cao, vững như chân vạc.

Hai mươi năm tới quan hệ sẽ tốt hơn đến mức nào? Hoa Kỳ có giúp quốc gia cựu thù trở thành rồng như mơ ước, khi mà vị trí địa chính trị của Việt Nam nằm trong khu vực với những con rồng, những quốc gia tự do dân chủ, nhưng ngay sát cạnh là Trung Quốc khổng lồ với cùng ý thức hệ cộng sản?

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.




No comments: