Sunday, February 1, 2015

Nước Pháp và Hồi giáo: qua vụ Charlie Hebdo (Trần Bình Nam)





05:22:pm 31/01/15

 Trích tuần báo THE WEEK số ngày 30/1/2015

Sau vụ al Qaeda khủng bố bắn chết 12 người tại tòa báo Charlie Hebdo ở Paris ngày 7/1/2015 một câu hỏi được đặt ra cho người Hồi giáo ôn hòa sinh đẻ ở Pháp: Có thể vừa làm một người Pháp vừa một người Hồi giáo ngoan đạo không ?

Luật của Pháp không cho nhà nước làm thống kê chính thức về chủng tộc và tôn giáo. Nhưng theo ước lượng hiện có 5 triệu người Hồi giáo ở Pháp, chiếm chừng 7.5% dân số và là cộng đồng người Hồi giáo đông nhất tại Âu châu chỉ thua số người theo Thiên chúa giáo La Mã. Giữa người Pháp và người Hồi giáo có một chút ngờ vực lẫn nhau rất khó diễn tả. Mặc dù chỉ có 27% người Pháp (trong khi 63% người Ý và 46% người Tây Ban Nha) không ưa người Hồi giáo, nhưng 74% người Pháp nghĩ rằng người Hồi giáo không thích hợp với lối sống dân sự của xã hội Pháp. Theo nhận xét của ông Soeren Kern thuộc Viện Gatestone Institute, người Hồi giáo không hội nhập vào xã hội Pháp . Họ sống như những người không quốc tịch .

Hầu hết người A Rập theo Hồi giáo đến từ các thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi. 1,5 triệu người gốc Algeria, 1 triệu gốc Morocco và 400.000 gốc Tunisia . Pháp cho phép họ nhập cư cuối thập niên 1940 sau Thế chiến 2 để giải quyết việc thiếu hụt nhân công. Trong hai thập niên 1950 và 1960 các nước này độc lập, và Pháp giữ quan hệ với các thuộc địa cũ bằng cách áp dụng luật di cư dễ dàng cho người Hồi giáo muốn sang làm việc tại Pháp. Tuy nhiên chỉ là nhu cầu. Người Pháp không mở rộng bàn tay đón người Hồi giáo vì tình thương, và người Hồi giáo qua nhiều thập niên bị thống trị cũng nhìn người Pháp với đôi mắt thiếu thiện cảm.
Người Hồi giáo sống trong những chung cư ở ngoại ô (người Pháp gọi là banlieue) các thành phố lớn như Paris, Lyon, Marseille, và các khu ngoại ô này dần dần trở thành những ghettos của người A Rập.

Tại các khu ngoại ô nạn thất nghiệp cao gấp đôi chỉ số thất nghiệp toàn quốc (20% so với 10%), trong đó lớp tuổi từ 15 đến 24 thất nghiệp đến 40%. Toàn quốc có 751 khu vực của người A Rập được xem là khu “tế nhị”. Tại các khu này cảnh sát nhiều khi bỏ lơ không đến điều tra các vụ đâm chém nhau vì thiếu an toàn. Không khí căng thẳng giữa cảnh sát và người A Rập thỉnh thoảng biến thành bạo động. Mùa thu năm 2005 do một xích mích với cảnh sát, người A Rập bạo động tại nhiều khu ngoại ô kéo dài trong mấy tuần lễ,đốt cháy 10.000 chiếc xe, làm hư hỏng hàng trăm công ốc và mất 230 triệu mỹ kim công quỹ để dọn dẹp. Từ đó đến nay chính phủ Pháp chi tiêu 55 tỉ mỹ kim để cải tiến các khu ngoại ô lụp xụp này, nhưng người A Rập vẫn cho chính phủ chỉ làm lấy lệ chứ không quan tâm thật sự đến đời sống của họ. Theo cái nhìn chung, người A Rập cho rằng người Pháp muốn duy tri các khu ngoại ô để tách biệt cộng đồng người A- Rập ra khỏi cộng đồng người Pháp.

Tại sao người A Rập cảm thấy bị cách biệt ? Đây là kết quả xấu của một nguyên tắc tốt. Vào thế kỷ thứ 19, Công giáo La Mã tại Pháp ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt của xã hội và chính quyền. Cho nên nước Pháp áp dụng nguyên tắc tách biệt tôn giáo ra ngoài sinh hoạt chính quyền, tòa án và trường học (người Pháp gọi là laïcisation). Nhưng người A Rập cho rằng nguyên tắc “tách biệt” được đặc biệt áp dụng để chia cắt họ với xã hội và là một hình thức kỳ thị đạo Hồi. Theo nguyên tắc “tách biệt”, năm 2004 quốc hội Pháp ban hành luật cấm học sinh che mặt và mang các biểu tượng tôn giáo trong lớp học (kể cả thánh gíá) và người Hồi giáo cho là kỳ thị. Năm 2011 Pháp là nước đầu tiên tại Âu châu cấm phụ nữ trùm kín thân mình và mặt mũi ngoài đường phố vì lý do an ninh.

Nhiều người cho rằng, người Pháp quá tự hào về đất nước và văn hóa của mình nên khó chấp nhận người Hồi giáo. Nhà văn Nadir Dendoune sinh ra lớn lên ở Pháp và có ngoại hình chẳng khác gì một người Pháp khác, nói ông không cảm thấy thỏai mái khi người Pháp nào cũng giới thiệu ông là một công dân Pháp gốc Algeria. Ông than phiền: “cứ như thế làm sao tôi cảm thấy tôi là một người Pháp như mọi người Pháp khác được?”

Một kết quả nghiên cứu của đại học Stanford (ở California) năm 2011 cho thấy hai người gốc A Rập có trình độ giống nhau, một người theo Công giáo, một người theo đạo Hồi khi nộp đơn xin việc thì người theo Công giáo thường được gọi phỏng vấn cao gấp 2.5 lần người theo đạo Hồi. Đảng National Front (Đảng Mặt Trận Quốc Gia) cực hữu do bà Marine Le Pen lãnh đạo kỳ thị người Hồi giáo một cách công khai vẫn được phiếu ủng hộ của dân Pháp. Bà Marine Le Pen nói dân A Rập tại Pháp càng ngày càng đông là một hiện tượng xâm lăng nước Pháp như Đức quốc xã. Theo thăm dò bà Marine Le Pen đang dẫn đầu trong các ứng cử viên tổng thống năm 2017.

Số người Hồi giáo tham gia phong trào khủng bố chống Tây phương ở Pháp không nhiều, nhưng là một đe dọa không nhỏ. al Qaeda tuyển mộ các tay khủng bố tại các khu ngoại ô, và nhất là tại các nhà tù. 60% tù nhân là người Hồi giáo. Cho đến nay có khoảng 1.200 người Pháp Hồi giáo đang chiến đấu trong hàng ngũ ISIS tại Syria, đông nhất trong số các nước Âu châu. Và hiện nay Pháp phải đương đầu với các cuộc khủng bố trong nước mà vụ đánh toà báo Charlie Hebdo là một khởi đầu.

Phản ứng của người Hồi giáo ở Pháp đối với vụ Charlie Hebdo là một điều đáng quan tâm. Mặc dù đa số người Hồi giáo chống bạo động, nhưng rất ít người Hồi giáo vỗ ngực theo phong trào “Je suis Charlie” lên án khủng bố. Họ xem việc tờ báo trào phúng vẽ hình châm biếm gíao chủ của họ là một hình thức làm nhục họ. Mohamad Binakdan nhân viên của sở vận chuyển công cọng nói: “Chúng tôi nghèo, chúng tôi thất nghiệp, chúng tôi còn gì ngoài tôn giáo? Và làm sao chúng tôi cười với các bức tranh biếm họa đó được!”

Người Hồi giáo tại Pháp cho rằng có những nguyên tắc áp dụng cho họ nhưng không áp dụng cho người khác. Và điều này rõ nhất trong lĩnh vực “tự do ngôn luận”. Trong khi hàng triệu người có quyền xuống đường bày tỏ sự đồng ý và ủng hộ tờ báo trào phúng Charlie Hebdo đăng những bức hình biếm họa làm đa số người Hồi giáo bực tức, thì cảnh sát Pháp đang điều tra khoảng 100 người bày tỏ (trong ý nghĩ chứ không phải bằng hành động) sự đồng ý với các hành động khủng bố. Nhà trào phúng Dieudonné M’bala M’bala bị cảnh sát bắt khi viết trên Facebook của ông “Tôi cảm thấy tôi giống như Charlie Coulibaly”. Coulibaly là tên khủng bố Amedy Coulibaly đã bắn chết 4 người trong chợ Kosher của người Do Thái 2 ngày sau vụ Charlie Hebdo . Nhiều người A- Rập khác cho rằng thật mâu thuẫn khi vẽ hình Giáo chủ Hồi Giáo đang đi đại tiện hay đang làm tình thì không phạm luật trong khi tuyên bố rằng Holocaust (vụ người Đức tàn sát 6 triệu người Do Thái trong thế chiến 2) chỉ là chuyện bày đặt là phạm luật. Luật sư trong ngành truyền thông Mathieu Davy giải thích sự khác biệt: “Tôi có quyền chỉ trích một ý kiến, một quan niệm hay một tôn giáo, nhưng tôi không có quyền đánh người khác và xúi dục sự căm thù”. Đa số người Hồi giáo cho rằng luật sư Mathieu Davy mâu thuẫn khi tìm cách phân biệt hai phạm trù thực chất không có gì khác nhau!

31/1/2015
© Trần Bình Nam
© Đàn Chim Việt.




No comments: