Wednesday, February 4, 2015

Người Việt vs. Saigon Nhỏ: Hai dòng báo chí khác nhau - Kỳ cuối (Hà Giang/Người Việt)





Hà Giang/Người Việt
Tuesday, February 03, 2015 6:42:48 PM

LTS - Sự kiện công ty Người Việt được tòa xử thắng bà Hoàng Dược Thảo và hệ thống tuần báo Saigon Nhỏ trong vụ kiện phỉ báng là đề tài được dư luận đặc biệt chú ý trong những ngày qua. Ngay sau khi kết quả vụ kiện được công bố, hàng loạt ý kiến, bình phẩm, bình luận, ở nhiều hình thức khác nhau, được dư luận luân chuyển khắp nơi. Người Việt thực hiện loạt bài viết này nhằm trình bày các phương diện luật pháp đáng chú ý của hai vấn đề liên quan mật thiết với nhau: Quyền tự do ngôn luận và quyền được bảo vệ trước những lời vu khống làm tổn hại uy tín. Xin mời độc giả theo dõi.

***

Danh sách nhân chứng của Người Việt khá dài, nhưng sau lời khai của bà Hoàng Dược Thảo, nhân chứng phản bác Bùi Bích Hà, ông Ðinh Quang Anh Thái, bà Hoàng Vĩnh, và ông Phan Huy Ðạt, Luật Sư Hoyt Hart cho rằng “chứng cớ thế đã đủ.” Theo ông, bên nguyên, đến thời điểm đó, đã chứng minh được bằng các chứng cớ rõ ràng và thuyết phục (clear and convincing evidence) là những điều bà Hoàng Dược Thảo viết là sai, và, bà biết là sai mà vẫn viết.

Một trang trong bản “Judgment After Trial by Jury” cho phép luật sư của Nguoi Viet Daily News được khởi sự việc đi thu tiền bồi thường và tiền phạt cho thân chủ. (Hình: Người Việt)

Hai cách làm báo

Trong lúc ngồi ghế nhân chứng, có lần Luật Sư Aaron Morris, đại diện Saigon Nhỏ, hỏi bà Hoàng Vĩnh là sao Người Việt có tờ báo trong tay mà không tự viết bài cải chính những lời viết không đúng sự thật của bà Hoàng Dược Thảo. Nguyên đơn Hoàng Vĩnh trả lời rằng “báo của chúng tôi để phục vụ độc giả, không viết về những chuyện cãi vã cá nhân.”

Ông Phan Huy Ðạt cũng nói về sự khác biệt này giữa hai tờ báo:
“Chúng tôi không xem Saigon Nhỏ là tờ báo cạnh tranh trực tiếp vì cách làm báo của chúng tôi khác với Saigon Nhỏ. Chúng tôi chú trọng đến tin tức, thời sự, loại bài vở trung thực, không thiên vị, khác với những bài viết thường có trên Saigon Nhỏ.” (tài liệu tòa: Nhân chứng PHD, December 12, trang 141, line 19).

Vai trò độc lập của báo Người Việt được giải thích thêm trong đoạn hỏi đáp dưới đây giữa ông Phan Huy Ðạt và Luật Sư Hoyt Hart (tài liệu tòa: Nhân chứng PHD, December 12, trang 108, line 15):

- “Như vậy đường hướng biên tập của tờ báo có bị ảnh hưởng qua kinh nghiệm với những người biểu tình không?” Luật Sư Hoyt Hart hỏi.
- “Không. Ngay từ ngày đầu tiên, tờ báo của chúng tôi đã quyết định theo đuổi việc thực hiện các tiêu chuẩn chuyên nghiệp khắt khe nhất, để có thể là một tờ báo độc lập, ngõ hầu phục vụ lý tưởng giám sát (watchdog) bảo vệ quyền lợi cho tất cả mọi thành phần trong xã hội, vì thế chúng tôi không muốn bị ảnh hưởng bởi bất cứ phe nhóm, đảng phái, hay cá nhân nào.”

Quan điểm làm báo của báo Người Việt trở nên rõ hơn trong phần hỏi đáp giữa ông Phan Huy Ðạt và Luật Sư Hoyt Hart lúc duyệt qua exhibit 5, bài “Saigon Nhỏ trả lời thư yêu cầu cải chánh của ông Phan Huy Ðạt và bà Hoàng Vĩnh,” (tài liệu tòa: Nhân chứng PHD, December 12, trang 133, line 24).

- “Bà ta [Hoàng Dược Thảo - NV] viết tiếp: 'Việc giải thích rõ ai là chủ thực sự của báo Người Việt là của Phan Huy Ðạt, nếu ông muốn có được lòng tin của cộng đồng Người Việt tị nạn cộng sản về lập trường chính trị của báo Người Việt.' Luật Sư Hoyt Hart hỏi: “Ông có muốn lòng tin của cộng đồng Người Việt tị nạn cộng sản không? Ðó có phải là điều ông muốn không?”

Ông Phan Huy Ðạt trả lời “không hẳn thế,” vì “chúng tôi hoạt động trong ngành báo chí, vì thế chúng tôi muốn được lòng tin của độc giả. Như vậy, chúng tôi phục vụ độc giả của mình nói chung, đó là mục đích của tờ báo. Ý của bà Hoàng Dược Thảo muốn nói là bà muốn nói về việc muốn lãnh đạo cộng đồng [Người Việt tị nạn cộng sản - NV]. Chúng tôi không có tham vọng về hướng đó. Chúng tôi đơn giản chỉ muốn là một tờ báo được độc giả tin cậy, chỉ đơn giản vậy thôi.”

Lá thư Sơn Hào

Lá thư của độc giả Sơn Hào, được đăng trong mục “Diễn Ðàn” của báo Người Việt, vào đầu tháng Bảy, 2012, cũng là một đề tài được đề cập đến trong phiên xử.

Trong phần hỏi đáp với luật sư Hoyt Hart, nhân chứng Ðinh Quang Anh Thái giải thích rằng lá thư Sơn Hào có nội dung phản bác bài viết của tác giả Nguyễn Gia Kiểng, được đăng trên mục “Diễn Ðàn” báo Người Việt vào Tháng Tư, 2012.

Theo lời ông Ðinh Quang Anh Thái, bài viết của tác giả Nguyễn Gia Kiểng khẳng định là “kết cục của cuộc chiến Việt Nam [ngày 30 Tháng Tư - NV] không phải là ngày thống nhất đất nước, không phải là một ngày hòa giải hòa hợp dân tộc, và vết thương của cuộc chiến Việt Nam ngày đó không lành. Miền Bắc Việt Nam cưỡng chiếm chính quyền và không ngần ngại trả thù miền Nam Việt Nam bằng cách giam cầm biết bao cựu chiến binh Việt Nam vào các trại tù cải tạo, hàng ngàn và hàng ngàn người miền Nam Việt Nam trốn chạy khỏi Việt Nam và bỏ thân trên biển. Vì thế, ngày ấy [ngày 30 Tháng Tư - NV] không phải là một ngày vui của dân tộc Việt Nam.” (tài liệu tòa: Nhân chứng ÐQAT, December 11, trang 15, line 12).

Trong lời khai của mình, nhân chứng Phan Huy Ðạt trình bày về việc báo Người Việt mời các đại diện của cộng đồng đến để giải thích và xin lỗi về việc đăng lá thư nói trên. Buổi gặp gỡ này được tổ chức ngày 13 Tháng Bảy, 2012 (tài liệu tòa: Nhân chứng PHD, December 12, trang 116, line 13).

- “Trước hết chúng tôi tiếp điện thoại những người gọi vào phiền trách, bày tỏ sự sửng sốt là tại sao chúng tôi lại đăng lá thư đó. Sau đó chúng tôi quyết định mời đại diện cộng đồng đến gặp để giải thích sự việc, xin lỗi là đã làm buồn lòng mọi người. Rồi sau đó chúng tôi đăng một lá thư chính thức xin lỗi trên báo Người Việt.” Ông Phan Huy Ðạt trình bày.

Rồi ông nói thêm, sau lời xin lỗi, tình hình đã lắng dịu, nhưng sau khi bài viết phỉ báng báo Người Việt trên Saigon Nhỏ xuất hiện, cáo buộc sai sự thật rằng tờ báo Người Việt là do cộng sản làm chủ, thì dư luận lại xôn xao.

Nhân chứng Ngô Kỷ

Trở lại với các nhân chứng, sau khi bên nguyên ngừng biện hộ, nhiệm vụ của luật sư bên Saigon Nhỏ giờ đây là phải đưa nhân chứng và vật chứng ra trước tòa để chứng minh những điều thân chủ mình viết là sự thật. Những điều phía Saigon Nhỏ phải chứng minh là: a. Cộng Sản Việt Nam đã mua tờ báo Người Việt, b. ông Phan Huy Ðạt giúp Cộng Sản bằng cách đứng tên làm chủ nhân báo Người Việt, và c. bà Hoàng Vĩnh là người đàn bà vừa không có khả năng trí tuệ vừa có tiếng đồn về tình ái lăng nhăng.

Vào lúc 2:00 giờ chiều ngày 15 Tháng Mười Hai, 2014, Luật Sư Aaron Morris mời ông Ngô Kỷ ra làm nhân chứng. Tiếc thay, lời khai của ông không có điều nào giúp được cho Saigon Nhỏ chứng minh được những điều họ viết về ba nguyên đơn là sự thật.

Về báo Người Việt, ông Ngô Kỷ nói ông biểu tình chống tờ báo này là vì ông nghĩ “họ thân Cộng,” như đoạn hỏi đáp dưới đây (tài liệu tòa: Nhân chứng NK, December 15,trang 98, line 5).
- “Ông đã đứng ở tòa soạn Người Việt để biểu tình chống báo Người Việt bao nhiêu lần?” Luật Sư Aaron Morris hỏi.
- “Khoảng một năm rưỡi, tôi có mặt ở chỗ đó ít nhất là tám tiếng mỗi ngày.” Ông Ngô Kỷ trả lời.
- “Trong thời gian một năm rưỡi?” Luật Sư Aaron Morris hỏi.
- “Phải.”

Về bà Hoàng Vĩnh, dưới sự chất vấn của Luật Sư Hoyt Hart, ông Ngô Kỷ xác nhận rằng ông có lên đài Saigon Cali Radio để nói xấu về cuộc đời tình ái của bà Hoàng Vĩnh. Nhưng cũng như bà Hoàng Dược Thảo đã khai trước đó, ông Ngô Kỷ cũng chỉ nói theo tin đồn, chứ không có chứng cớ gì. (tài liệu tòa: Nhân chứng NK, December 15,trang 106, line 9).

- “Ông có bao giờ chính mắt nhìn thấy bà Hoàng Vĩnh có hành động ngoại tình không?” Luật Sư Hoyt Hart hỏi.
- “Không, chưa bao giờ.” Ngô Kỷ trả lời.

- “Nếu vậy thì ông không biết những lời đồn đãi đó về bà ta là đúng hay không, có phải vậy không? Luật Sư Hoyt Hart hỏi.
- “Như tôi đã nói, đó là tin đồn.” Ngô Kỷ trả lời...

- “Như vậy khi ông nói trong chương trình phát thanh rằng bà Hoàng Vĩnh ngoại tình, và làm đồi trụy một vị lãnh đạo tôn giáo, bản thân ông không biết rằng những điều đó có đúng không, phải không?” Luật Sư Hoyt Hart gặn hỏi.
- “Tôi không biết những điều đó đúng hay không.” Ngô Kỷ xác định.

151 hội đoàn

Vụ kiện giữa Người Việt và Saigon Nhỏ là một vụ kiện phỉ báng, trong đó ba nguyên đơn, báo Người Việt, ông Phan Huy Ðạt và bà Hoàng Vĩnh kiện bà Hoàng Dược Thảo và Saigon Nhỏ vì những lời bà viết sai sự thật và mạ lị họ.

Vụ kiện này không liên quan đến ai khác, nhưng trong suốt phiên xử, cả bà Hoàng Dược Thảo, qua lời khai, và các luật sư của bà, qua những câu hỏi, luôn tìm cách kéo 151 hội đoàn vào cuộc. Họ lập luận rằng chính vì 151 hội đoàn đã ký tên tẩy chay báo Người Việt, nên Người Việt mới bị đuổi ra khỏi buổi tiệc kỷ niệm 10 năm thành lập Tập Thể Chiến Sĩ VNCH, và chính 151 hội đoàn, qua bản lên tiếng số 3, mới tẩy chay báo Người Việt, còn bà Hoàng Dược Thảo không hề có ác ý gì với báo Người Việt.

Khi Luật Sư Aaron Morris chất vấn nhân chứng Phan Huy Ðạt về bản lên tiếng này, ông Phan Huy Ðạt nhận định rằng, trong bản tuyên bố đó, các hội đoàn không hề cáo buộc là báo Người Việt do Cộng Sản làm chủ như lời phỉ báng trong bài viết của bà Hoàng Dược Thảo. Và sau bài viết phỉ báng đó, nhiều người từ chối không muốn giao dịch với báo Người Việt nữa, vì họ nghĩ rằng báo Người Việt là do Cộng Sản làm chủ.

Sau lời khai của nhân chứng Ngô Kỷ, trong lúc bồi thẩm đoàn được nghỉ 20 phút, Luật Sư Aaron Morris, đại diện cho Saigon Nhỏ, lại một lần nữa muốn kéo 151 hội đoàn vào vụ kiện phỉ báng.

Ông Morris thưa với Thẩm Phán Frederick P. Horn rằng ông muốn đưa bản lên tiếng số 3 của 151 hội đoàn, mà ông gọi là exhibit 71, ra trước tòa.

Luật Sư Hoyt Hart phản đối.
Ông nói:
“Tài liệu này không được [bên Saigon Nhỏ - NV] đưa ra trong thời gian discovery [giai đoạn hai bên tìm hiểu sự tình trước phiên xử, theo quy luật 'tiết lộ tài liệu' - NV], và cũng không được nộp vào danh sách 67 exhibits chung của hai bên. Tôi được biết là nhân chứng sắp tới, một luật sư tên Nghĩa, sẽ tìm cách chứng thực nó. Nếu tài liệu này được đưa ra trong giai đoạn discovery, chúng tôi đã có thời gian lấy lời khai của ông ta để hỏi về việc này. Nhìn thoáng qua, đây có vẻ là một tài liệu dài ba, bốn trang, than phiền về báo Người Việt. Xét rằng tài liệu này không được đưa ra trong thời gian discovery, và dựa trên nội dung mà tôi thoáng thấy, chúng tôi phản đối việc đưa tài liệu này ra trước tòa, dựa theo điều khoản 352 về chứng cớ.” (tài liệu tòa: Nhân chứng NXN, December 15, trang 118, line 17).

Ðiều khoản 352 của luật về bằng chứng của tiểu bang California (Evidence code section 352) quy định rằng tòa án có thể quyết định loại trừ một bằng chứng nếu xét rằng có xác suất cao là bằng chứng này sẽ (a) kéo dài phiên xử một cách không cần thiết, (b) tạo ra nguy cơ bồi thẩm đoàn bị hướng dẫn sai lạc.

Thẩm Phán Frederick P. Horn chấp thuận lời phản đối của Luật Sư Hoyt Hart vì các lý do: vật chứng 71 [bản lên tiếng của 151 hội đoàn - NV] không được luật sư Saigon Nhỏ đưa ra trong thời gian “tiết lộ tài liệu” trước phiên xử, theo luật định, và vì Evidence code section 352 nói trên.

Ðến đây, Luật Sư Aaron Morris đổi chiến thuật. Ông hỏi Thẩm Phán Frederick P. Horn rằng “nhân chứng Nguyễn Xuân Nghĩa có được trả lời câu hỏi của ông về thông báo đã được gửi đi không?”

Hãy đọc một đoạn trong tài liệu của tòa về trao đổi giữa Thẩm Phán Frederick P. Horn về vật chứng 71, trong thời gian bồi thẩm đoàn nghỉ giải lao (tài liệu tòa: Nhân chứng NXN, December 15, trang 121, line 24).

- “Khi ông nói về thông cáo đã được gửi đi, có phải ông giờ đây muốn dùng những chữ thông cáo được gửi đi để nói về vật chứng 71?” Thẩm Phán Frederick P. Horn hỏi.
- “Ông có thể gọi nó là một thỉnh nguyện thư, hay một bản tuyên cáo, hay là một công bố cũng được. Thôi hãy gọi nó là thỉnh nguyện thư đi, để chúng ta sau này khỏi lẫn lộn nữa.” Luật Sư Aaron Morris trả lời.

Thẩm phán Frederick P. Horn trả lời:
- “Không! Không thể gọi nó là một thỉnh nguyện thư. Với tôi, trông nó chẳng có gì giống một thỉnh nguyện thư cả. Tôi thực không biết nó là gì, nên mới hỏi ông. Tôi muốn tài liệu tòa ghi rõ điểm này. Tôi vừa mới đọc một phần của cái tựa, và tôi thực sự không hiểu đây là cái gì cả. Vậy ông muốn gọi nó là gì thì gọi. Tài liệu tòa phải ghi rõ rằng tòa không hiểu đây là cái gì hết.”
- “Thường thì khi người ta muốn có một thỉnh nguyện thư, họ đi hỏi mọi người là quý vị có muốn ký vào thỉnh nguyện thư này không.” Luật Sư Aaron Morris giải thích.

- “Tài liệu tòa phải ghi rõ là không có một chữ ký nào trong tài liệu này cả.” Thẩm Phán Frederick P. Horn ra lệnh cho thư ký tòa án.
- “Ðồng ý.” Luật Sư Aaron Morris xác nhận.

- “Không có một chữ ký nào hết. Chỉ có đánh số từ 1 đến 150, tôi không biết phải diễn tả đây là danh sách gì, có tên một vài hội đoàn, có tên nói là cộng đồng người Việt ở Hawaii, có một nhóm văn bút hải ngoại, một số tên lại có vẻ là tên cá nhân... Không có bất cứ một chữ ký nào trên văn kiện này cả.” Thẩm Phán Frederick P. Horn nhấn mạnh.

Nhân chứng Nguyễn Xuân Nghĩa

Cuối cùng, Thẩm Phán Frederick P. Horn quyết định cho phép nhân chứng Nguyễn Xuân Nghĩa bước vào tòa, thử giải thích về “thỉnh nguyện thư” nói trên, trong lúc vắng mặt bồi thầm đoàn. Thẩm Phán Frederick P. Horn cho biết trong trường hợp ông Nghĩa chứng minh được một cách thỏa đáng về ngọn ngành của thỉnh nguyện thư này, việc lấy chữ ký tiến hành ra sao, thì ông sẽ cho phép Luật Sư Aaron Morris có quyền được hỏi ông Nghĩa về thỉnh nguyện thư đó trước mặt bồi thẩm đoàn.

Sau giờ nghỉ giải lao, Thẩm Phán Frederick P. Horn cho bồi thẩm đoàn về nghỉ sớm.

Ðúng 3:25PM ngày 15 Tháng Mười Hai, nhân chứng Nguyễn Xuân Nghĩa bước vào phòng xử. Trước tòa, ông Nghĩa khai rằng để có được thỉnh nguyện thư, ông phải gọi một buổi họp, trong đó có khoảng 200 người tham dự. Sau khi những người tham dự buổi họp bỏ phiếu đồng ý với thỉnh nguyện thư đã được viết sẵn, một số người trong ban tổ chức phải tốn hết hai tuần lễ, chia nhau ra gọi phone, gửi email cho tất cả hội đoàn để bảo đảm là những hội đoàn có tên trong thỉnh nguyện thư đồng ý cho ban tổ chức ghi tên họ vào đó.

Khi Thẩm Phán Frederick P. Horn hỏi ông Nghĩa liệu ông có tài liệu nào ghi lại kết quả của buổi họp, và có tài liệu gì để chứng minh sự đồng ý của những hội đoàn hay cá nhân có tên trong thỉnh nguyện thư không, ông Nghĩa trả lời “có, nhưng để ở văn phòng.”

Dù lúc đó ông Nghĩa không có tài liệu chứng minh, Thẩm Phán Frederick P. Horn vẫn muốn cho bên Saigon Nhỏ có cơ hội được giải thích thêm về thỉnh nguyện thư nói trên. Thẩm Phán Frederick P. Horn quyết định là khi trở lại tòa làm chứng trước mặt bồi thẩm đoàn, nếu ông Nguyễn Xuân Nghĩa mang theo những tài liệu liên quan đến thỉnh nguyện thư đến tòa, thì Luật Sư Aaron Morris có thể hỏi ông về thỉnh nguyện thư đó.

Vào lúc 10:00 sáng ngày 18 Tháng Mười Hai, nhân chứng Nguyễn Xuân Nghĩa trở lại tòa, không mang theo được tài liệu gì chứng minh có sự đồng ý của các hội đoàn và cá nhân trong việc soạn và gửi đi thỉnh nguyện thư nói trên.

Lời khai của nhân chứng Nguyễn Xuân Nghĩa có thể được tóm lược trong 3 điểm chính. Thứ nhất: ông có tham dự vào cuộc biểu tình mà ông mô tả là tính cả người đến lẫn người đi, có khoảng 1000 người chống báo Người Việt hôm 19 Tháng Giêng, 2013 [để phản đối việc báo Người Việt ra mắt cuốn Bên Thắng Cuộc của tác giả Huy Ðức. Báo Người Việt có tường thuật cuộc biểu tình này, viết là có 400 người - NV]; thứ hai: ông có tham dự buổi gặp gỡ để xin lỗi cộng đồng của nhật báo Người Việt sau vụ lá thư Sơn Hào, tổ chức vào ngày 13 Tháng Bảy, 2012; và thứ ba: chính ông là người đề nghị Tập Thể Chiến Sĩ VNCH đuổi nhân viên Người Việc ra khỏi buổi tiệc của họ.

Hãy đọc một đoạn trong tài liệu của tòa về hỏi đáp giữa Luật Sư Aaron Morris, đại diện Saigon Nhỏ và ông Nguyễn Xuân Nghĩa (tài liệu tòa: Nhân chứng NXN, December 18, trang 36, line 4).

- “...Tại buổi gặp mặt ngày 13 Tháng Bảy, nhân viên báo Người Việt có giải thích tại sao họ đã đăng lá thư Sơn Hào đó không?” Luật sư Aaron Morris hỏi.
- “Có. Chúng tôi có một buổi gặp mặt rất lâu, và tôi nghĩ giữa hai bên có đồng thuận với nhau để giải quyết vấn đề, ngay cả việc có đến tòa soạn báo Người Việt để tham dự buổi gặp mặt đó hay không chúng tôi cũng phải họp để quyết định. Và chúng tôi đã đến.” Nguyễn Xuân Nghĩa trả lời...
- “Rồi sau đó báo Người Việt công bố một thư xin lỗi vào ngày 1 Tháng Tám, 2012.” Nguyễn Xuân Nghĩa nói.

- “Lá thư đó có làm ông hài lòng không?” Luật Sư Aaron Morris hỏi.
- “Cá nhân tôi thì có.” Nguyễn Xuân Nghĩa trả lời.

- “Nếu hài lòng sao ông còn tham dự cuộc biểu tình vào Tháng Giêng, tại sao vậy?” Luật Sư Aaron Morris hỏi.
- “Vì có nhiều người và tổ chức khác trong cộng đồng không hài lòng, nên chúng tôi đã có một buổi họp, và quyết định có cuộc biểu tình vào Tháng Giêng.” Nguyễn Xuân Nghĩa trả lời.

Khi phần hỏi cung của Luật Sư Aaron Morris chấm dứt, Luật Sư Hoyt Hart, đại diện Người Việt thưa với tòa là ông không có câu hỏi gì cho ông Nghĩa.
Sau nhân chứng Nguyễn Xuân Nghĩa, luật sư đại diện cho Saigon Nhỏ tuyên bố ngừng phần biện hộ.

Một thủ tục minh bạch

Vào lúc 9:30 sáng ngày 23 Tháng Mười Hai, theo thủ tục tố tụng của nền tư pháp Mỹ, Thẩm Phán Frederick P. Horn đọc chỉ thị cho bồi thẩm đoàn (jury instructions) một cách tỉ mỉ trước khi họ vào phòng bàn luận. Jury instructions là một tập tài liệu dài mấy chục trang, giải thích tường tận về các đặc tính của bằng chứng, của lời khai của các nhân chứng, giải thích các luật liên quan đến phỉ báng, như tin đồn, ý kiến, cá nhân và người nổi tiếng (người của quần chúng), cũng như về các loại bồi thường khác nhau, và tiền phạt (punitive damage) trong trường hợp người phỉ báng có ác ý. Sau khi bồi thẩm đoàn nghe chỉ thị, luật sư hai bên phát biểu những lý luận để kết thúc phiên xử.

Ngoài jury instructions, bồi thẩm đoàn còn nhận được xấp tài liệu gọi là “verdict forms.” Mỗi verdict form liệt kê những câu hỏi các bồi thẩm viên cần phải trả lời YES hay NO cho từng nguyên đơn. Trong vụ kiện này, mỗi verdict form gồm có 9 câu hỏi, như vậy mỗi bồi thẩm viên phải trả lời tổng cộng là 27 câu hỏi cho ba nguyên đơn Người Việt Daily News, ông Phan Huy Ðạt và bà Hoàng Vĩnh.

Ngày 29 Tháng Mười Hai, sau chưa đầy hai giờ nghị án, bồi thẩm đoàn gồm 12 người cùng bỏ phiếu thuận, xác định mức bồi thường cho các nguyên đơn $3,000,000, để đền bù các tổn hại về danh dự, uy tín, và tinh thần. Ngày hôm sau, 10 trong số 12 bồi thẩm viên cũng bỏ phiếu xác định mức phạt thêm bị cáo $1,500,000 để làm gương (punitive damage), vì hành xử bị cho là có ác ý. Tổng số tiền bồi thường và phạt là $4.5 triệu.

Vào ngày 21 Tháng Giêng, 2015, Thẩm Phán Frederick P. Horn ký và nộp vào Tòa Thượng Thẩm tiểu bang California, Quận Cam, bản “Judgment after Trial by Jury,” cho phép luật sư của Người Việt được khởi sự việc đi thâu tiền bồi thường và tiền phạt cho thân chủ.

Có thể nói lịch sử của cả hai tờ báo Người Việt và Saigon Nhỏ đã sang trang.

––
Liên lạc tác giả: hagiang@nguoi-viet.com

------------------------------------

Hồ Sơ Người Việt vs. Saigon Nhỏ
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
----------------------
.
TIN LIÊN QUAN :
Bà Hoàng Thụy Châu, bút danh Đào nương Hoàng Dược Thảo
.
Bia Miệng      January 22, 2015 
.
Vụ báo Người Việt ở California thắng kiện được đưa lên báo Mỹ:
.
.
Lữ Giang      15.1.2015
.
Người Việt  -  January 14, 2015
.
Bà Hoàng Dược Thảo vu khống báo Người Việt là 'cộng sản' 
NGƯỜI VIỆT ONLINE    Published on Sep 30, 2013
.
Họp Báo Vụ Mã Thị Chu: Hoàng Dược Thảo Lên Án Báo Người Việt (Phần 3)
TDBroadcasting   -   Published on Feb 10, 2014
.
Hỏi về chuyện bà Hoàng Dược Thảo kháng cáo.
Lữ Giang - Việt Vùng Vịnh   13 Jan 2015
.
Viet Vung Vinh    11-1-2015
.
.
TẠP CHÍ THẾ GIỚI NGÀY NAY  Thứ Bẩy 10 tháng 01, 2015
.
Hoàng Lan Chi phỏng vấn Cô Lữ Anh Thư về vụ kiện của báo Người Việt
Monday, 12 January 2015
.
.
nguoivietboston   -   January 7, 2015 4:36 PM
.
Michael Do (Đỗ Văn Phúc)     1/06/2015
.
Posted by: Viet VungVinh Posted date: 9:13 PM
.





No comments: