Thursday, February 5, 2015

Nga vĩ đại trong phát minh nhưng lạc hậu trong cách tân (Loren Graham)





Loren Graham
4 Tháng Hai , 2015

Chú chó Laika, động vật sống đầu tiên được đưa lên không gian cùng với tàu Sputnik II của Liên Xô vào tháng 11 năm 1957 (ảnh:NASA)

Nền kinh tế nước Nga phụ thuộc nhiều vào giá dầu giống một số quốc gia khác như Venezuela và Saudi Arabia. Tuy nhiên, Nga khác những quốc gia này ở chỗ Nga có cộng đồng khoa học rất mạnh. Thực tế, các nhà khoa học người Nga là tác giả của một số phát minh vĩ đại trong thế kỉ trước. Dựa vào một nền khoa học xuất sắc, Nga đáng lẽ phải có một nền kinh tế công nghệ cao và đa dạng nhưng nước Nga lại không làm được điều đó.
Sự phụ thuộc này có ý nghĩa quan trọng đối với những quốc gia còn lại trên thế giới, vì một đất nước có vũ khí hạt nhân với những tham vọng lớn có thể hành động không lường trước được khi giá dầu hiện tại đang sụt giảm. Nếu không có một nền kinh tế đa dạng và cộng đồng kinh doanh lành mạnh, quốc gia đó sẽ trở thành quân bài vô giá trị.

Tại sao ngành khoa học xuất sắc của Nga không được ứng dụng vào các sản phẩm công nghệ để bán rộng rãi trên thị trường quốc tế và góp phần vào sự giàu có và ổn định của đất nước?

Phát minh với Cách tân

Chìa khoá để trả lời câu hỏi là hãy nhìn sự khác biệt giữa phát minh và cách tân. Phát minh ra một thứ gì đó nghĩa là bạn có một sản phẩm mới trên  ghế phòng thí nghiêm hoặc một quy trình mới trong máy tính của bạn và nó phải hoạt động được. Nếu bạn làm được điều này, bạn là một nhà phát minh. Trở thành một nhà cách tân lại có nghĩa nhiều hơn thế: dùng sản phẩm hoặc quy trình đó và áp dụng nó thành công trong thương mại để giúp ích cho bạn và xã hội. Lịch sử chứng minh người Nga là những nhà phát minh xuất sắc nhưng lại là những nhà cách tân tồi.

• Người Nga đã nhận được 2 giải Nobel cho những khám phá tia laser nhưng ngày nay không có công ty Nga nào có tầm ảnh hưởng trên thị trường laser quốc tế.
• Người Nga đã tạo ra các bóng đèn điện hoạt động trước cả Thomas Edision, nhưng các công ty của Edision lại thống lĩnh thị trường. Không có công ty Nga nào cạnh tranh.
• Người Nga đã truyền sóng radio trước cả Guglielmo Marconi, nhưng ngày nay họ lại không có vị trí quan trọng nào trong thị trường thiết bị điện tử vô tuyến quốc tế.
• Người Nga đã đưa vệ tinh nhân tạo đầu tiên vào quỹ đạo, nhưng ngày nay họ lại đóng góp ít hơn 1% trong thị trường viễn thông vệ tinh quốc tế.
• Người Nga đã tạo ra máy vi tính kỹ thuật số điện tử đầu tiên ở châu Âu, nhưng có ai mua máy tính của Nga ngày nay?
Và danh sách này có thể tiếp nối và tiếp nối…

Tại sao người Nga rất giỏi trong việc phát triển các ý tưởng khoa học và công nghệ nhưng lại nghèo nàn trong việc thu được các lợi ích kinh tế từ những ý tưởng đó? Câu trả lời không phải là nước Nga thiếu tài năng hay khả năng của các nhà khoa học và kỹ sư, mà là sự thất bại trong phát triển một xã hội mà nơi đó sự tài giỏi của công dân có thể nhận được sự đáp ứng trong phát triển kinh tế.

Tất cả những nhà cầm quyền nước Nga từ hoàng đế Peter đệ Nhất đến tổng thống Vladimir Putin đã tin rằng câu trả lời cho các vấn đề hiện đại hoá là ở chỗ công nghệ, chứ không phải là môi trường xã hội vốn thúc đẩy sự phát triển và thương mại hoá công nghệ.

Một xã hội cách tân mà Nga không có

Sự hiểu lầm của người Nga đã phác hoạ rõ ràng trong tôi trong những năm gần đây khi tôi đến nước Nga cùng với những quản trị viên hàng đầu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) – cũng là trường đại học của tôi. Người Nga không ngừng hỏi chúng tôi rằng làm thế nào để phù hợp với MIT trong phát triển một thứ gì đó lớn lao cho tương lai. Những quản trị viên MIT đã cố gắng giải thích sự thành công của Viện không chỉ phụ thuộc vào văn hoá MIT nói riêng mà còn vào văn hoá của thành phố Boston lẫn nước Mỹ nói chung.

Một chính phủ với hình thức dân chủ, một nền kinh tế thị trường tự do với các nhà đầu tư theo đuổi công nghệ mới, bảo vệ sở hữu trí tuệ, kiềm chế tham nhũng và tội phạm, một hệ thống luật pháp mà những cáo buộc có cơ hội được tuyên bố vô tội, một nền văn hoá hứng chịu lời phê phán và cho phép sự độc lập, sẵn sàng học từ những thất bại để thử  lại một lần nữa – đó là một số đặc trưng vô hình của một xã hội cách tân. Người Nga không thể hiểu điều đó và không ngừng hỏi về những kỹ thuật cụ thể. Cuối cùng, một quản trị viên dẫn đầu của MIT bực tức và buột miệng nói: “Anh muốn sữa mà lại không có con bò!”.

Vào thời điểm hiện tại, ông Vladimir Putin tuyên bố rằng ông ấy muốn hiện đại hoá nước Nga, nhưng cũng giống như những Nga hoàng và những người tiền nhiệm thời Liên Xô, ông ấy cố tách công nghệ ra khỏi hệ thống chính trị – xã hội. Ông cho biết ông ủng hộ trung tâm cách tân Skolkovo, dự án Russian Silicon Valley đắt tiền và nhiều tham vọng được xúc tiến bởi người tiền nhiệm – ông Dmitry Medvedev. Nhưng cùng lúc đó, ông bắt giữ các đối thủ chính trị và các doanh nhân – những người có đủ quyền lực có thể chống lại ông, đàn áp các cuộc biểu tình, lách luật nhằm phục vụ cho mục đích của mình, ký các đạo luật đe doạ những người Nga làm việc ở nước ngoài với tội phản quốc, tạo ra một chế độ độc tài thoái lui. Các chính sách như thế này không dẫn đến một xã hội có những doanh nhân mạo hiểm và những nhà cách tân phá cách. Thay vào đó, chúng dẫn đến một xã hội mà nơi đó những người dân chỉ biết cúi  đầu xuống trong nỗi sợ hãi của việc bị để ý đến.

Với ông Putin, giống như những Nga hoàng và những nhà cầm quyền thời Xô Viết, hiện đại hoá có nghĩa là bắt tay vào công nghệ nhưng lại bác bỏ những nguyên tắc chính trị và kinh tế vốn đẩy các công nghệ này ở những nơi khác đến với thành công về thương mại. Ông muốn sữa nhưng lại không có con bò. Và miễn là chính sách của ông vẫn còn hiệu lực, các thiên tài khoa học của nhân dân Nga sẽ vẫn không được đáp ứng về mặt kinh tế.

Ông Loren là giáo sư khoa lịch sử khoa học của Viện Công nghệ Massachusetts. Bài viết này được đăng trước trên trang TheConversation.com.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Epoch Times.

----------------------

Các Bài Cùng Thể Loại

Liệu Đế Quốc Nga sẽ hồi sinh?     16 Tháng Một , 2015







No comments: