Friday, February 6, 2015

Khủng hoảng Ukraina : Lãnh đạo Pháp – Đức tới Nga trình bày kế hoạch hòa bình (Trọng Thành - RFI)





Trọng Thành  -  RFI
Đăng ngày 06-02-2015 Sửa đổi ngày 06-02-2015 14:17

Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko (giữa) và Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Hollande - REUTERS /Ukrainian Presidential Press Service

Sau cuộc hội đàm tại Kiev hôm qua, 05/02/2015, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức tới Matxcơva để thuyết phục ông Vladimir Putin về một kế hoạch hòa bình mới mà lãnh đạo hai nước khẩn cấp thảo ra, trong bối cảnh xung đột bùng phát tại miền đông Ukraina.

Theo ghi nhận của thông tín viên RFI Muriel Pomponne tại Matxcơva, chính quyền Nga tỏ ra sẵn sàng tạo điều kiện cho sáng kiến của Đức và Pháp. Một cố vấn ngoại giao của Tổng thống Nga Putin tuyên bố Matxcơva sẽ tham gia « các cuộc đàm phán mang tính xây dựng », « tạo điều kiện cho một tiếp xúc trực tiếp giữa các đại diện Kiev và Donbass ».

Về mặt chính thức, Phủ Tổng thống Nga không biết các chi tiết cụ thể của kế hoạch hòa bình nói trên. Theo một số nguồn tin, kế hoạch hòa bình này là một đề xuất nhằm phản hồi một kế hoạch do Matxcơva đưa ra trước đó.

Chính quyền Mỹ có thể đã không được tham khảo ý kiến trước mà chỉ được thông báo về kế hoạch của Pháp và Đức. Washington, về mặt nguyên tắc, ủng hộ một sáng kiến như vậy. Theo một số chuyên gia, sở dĩ kế hoạch được giữ kín là vì Pháp và Đức không muốn làm mếch lòng Tổng thống Nga – vốn không muốn Hoa Kỳ can dự vào hồ sơ này.

Về cuộc đàm phán giữa hai lãnh đạo Pháp – Đức với chính quyền Kiev hôm qua, mà thông tin lọt ra ngoài rất ít, thông tín viên RFI Anastasia Becchio cho biết cụ thể.

« Cuộc thảo luận tại Kiev kéo dài 5 giờ. Lãnh đạo ba nước không đưa ra tuyên bố chung sau các đàm phán. Tối qua, Tổng thống Ukraina Petro Porochenko tỏ ra lạc quan với hy vọng sẽ đạt được một « thỏa thuận ngừng bắn ».
Cơ sở của các đàm phán hôm qua vẫn là thỏa thuận Minsk, đầu tháng 9/2014. Thỏa thuận này đặc biệt dự kiến hai bên xung đột rút vũ khí hạng nặng ra khỏi đường chiến tuyến. Vấn đề là, từ đầu tháng 9 đến nay, đường chiến tuyến đã thay đổi, phe nổi dậy đã mở rộng vùng kiểm soát. Theo các thông tin của nhật báo Đức Süddeutsche Zeitung, nhưng bị chính phủ Đức bác bỏ, Pháp và Đức muốn thuyết phục Kiev chấp nhận thực trạng quân nổi dậy kiểm soát hàng trăm km² mới. Về vấn đề này, Thủ tướng Ukraina Arseni Yatseniuk (trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm qua tại Kiev) nhấn mạnh rằng Kiev sẽ bác bỏ bất cứ kế hoạch nào xâm phạm đến sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập và chủ quyền của Ukraina.
Vấn đề hiện nay là phải có một cuộc ngừng bắn khẩn cấp : số người bị thương vong do bom đạn từ hai phía đang không ngừng tăng lên.
Tại Donetsk, đạn pháo trúng vào nhiều chung cư, bệnh viện, trường học, sân chơi, giết hại và làm bị thương hàng chục dân thường. Cách đó không xa về phía Bắc, phe nổi dậy đang cố gắng bao vây thành phố Debaltseve, hiện nằm dưới sự kiểm soát của Ukraina. Sáng nay, quân nổi dậy thông báo chấp nhận hưu chiến với Kiev để cho phép cư dân đô thị bị kẹt lại có thời gian sơ tán. »

Cùng với sáng kiến ngoại giao Pháp-Đức, Hoa Kỳ tiếp tục xem xét khả năng cấp vũ khí cho quân đội Ukraina, vừa liên tục chịu nhiều tổn thất tại vùng Donbass. Trong cuộc gặp với lãnh đạo Kiev, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Tổng thống Obama « đang xem xét mọi biện pháp, trong đó có khả năng cấp vũ khí phòng ngự » và sẽ đưa ra quyết định « trong thời gian tới ».

Ông John Kerry cảnh cáo Hoa Kỳ « sẽ không nhắm mắt » trước sự hiện diện của thiết giáp và quân nhân Nga trong hàng ngũ phe nổi dậy. Từ Kiev, Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Tổng thống Nga « chọn giải pháp chấm dứt chiến tranh ». Việc trì hoãn quyết định từ phía Mỹ để ngỏ cơ hội cho kế hoạch hòa bình của các lãnh đạo Châu Âu.

Hiện tại, nhiều thành viên NATO, như Đức, Pháp, Ý, Hà Lan… phản đối việc viện trợ vũ khí cho chính quyền Kiev, vì lo ngại xung đột bùng phát, không còn cơ hội cho một giải pháp hòa bình.



No comments: