Wednesday, February 4, 2015

Khổ và khỏe vì dầu (Nguyễn Đạt Thịnh)





Nguyễn Đạt Thịnh
VienDongDaily.Com - 03/02/2015

Thế giới có bốn quốc gia thoải mái, và bốn quốc gia khốn khổ vì dầu mất giá, Nga là một trong bốn quốc gia khốn khổ.

Morgan Stanley nói với Nga: Quý quốc đi đoong rồi - you're doomed- lời phán đoán khiếp đảm đó được cô Alina Slyusarchuk viết trên Twitter. Morgan Stanley là một tổ chức tiền tệ quốc tế có uy tín rất lớn, trụ sở chính đặt tại New York City, chi nhánh đặt tại 42 quốc gia, với 1,300 văn phòng và 60,000 nhân viên.

Slyusarchuk đi vào chi tiết, "Chúng tôi điều chỉnh lại bảng đánh giá tiềm năng tăng trưởng kinh tế của quý quốc năm 2015 đang từ -1.7% tuột xuống -5.6%, và năm 2016 từ mức phục hồi 0.8%, xuống mức suy thoái -2.5%."

Hai nguyên nhân tạo ra suy thoái kinh tế cho Nga là dầu tuột giá và cuộc phong tỏa kinh tế của Liên Âu và Mỹ; Slyusarchuk cho là Nga không có một phương cách chủ động nào để tự thoát ra khỏi tình trạng suy thoái đó, ngoài việc cầu nguyện để dầu lên giá, và để cuộc phong tỏa chấm dứt. Nếu hai ước nguyện này không thành, Nga sẽ khó tránh tình trạng lạm phát trầm trọng.

Cũng trên khả năng nhận xét về Nga, bình luận gia Matt O'Brien viết trên Washington Post, "Tổng thống Obama có thể trở thành một chuyên viên phân tách kinh tế, vì trong bài diễn văn State of the Union ông mô tả tình trạng kinh tế Nga bằng hai chữ te tua.”

Cơ quan tiền tệ S&P (Standard & Poor's) đánh tuột giá đồng ruble Nga xuống tới mức rác (junk), nếu tiền Nga bị coi như rác, thì những công ty Nga cũng rác, chính phủ Nga cũng rác.

Và Nga không vượt qua mức “rác” được cho đến ngày giá dầu vượt trên mức $60 mỗi thùng; nhưng thời giá hiện nay vẫn còn dưới $50, và khả năng tăng giá rất mù mịt.

Venezuela là nước thứ nhì cũng đang khổ vì dầu.

Cô Mary Noriega nói với phóng viên truyền thông, "Việc khổ nhất trên đời là đứng xếp hàng sau 1,500 người để chờ mua thực phẩm."

Ai đã biết ngao ngán vì phải đứng xếp hàng sau 15 người tại quầy trả tiền, trong các chợ thực phẩm, hẳn đồng ý với cô Noriega; ấy là chưa nói đến việc chờ tới phiên trả tiền đi chợ là việc thế nào cũng đến phiên mình, dù có hơi lâu; trong lúc chờ mua thực phẩm trước cửa chợ, mà bên trong chợ lại không có thực phẩm, thì trong thái độ nhẫn nại còn có niềm ưu tư về con cái đói khổ, vì bữa ăn chiều không có gì để nấu.

Venezuela có một nền kinh tế tương đối khá; năm 2012, và nhiều năm trước Venezuela vẫn xuất cảng gần $100 tỉ Mỹ kim; dầu thô chiếm phần quan trọng nhất, sau đó là hóa chất, nông phẩm, và nhiều sản phẩm khác.

Dầu mất giá đang làm người Venezuelans mất đi cuộc sống tương đối vô lo; cô Noriega nói, "Tôi biết tình hình sẽ túng khổ, nhưng không tiên đoán được kiệt quệ có thể khiếp đảm đến mức này." Ưu tư vì giá dầu, khiến người Nga, người Venezuela theo dõi giá dầu lên xuống từng giờ, từng phút.

Một thí dụ cụ thể là họ biết giá dầu $44.50/thùng kéo dài từ 8 giờ tối thứ Năm 1/29 đến 3 giờ sáng hôm sau -thứ Sáu 1/30- mới nhích lên được 10 xu; đến 5 giờ sáng dầu vượt lên được đến mức $45.20 trong tiếng hò reo của người Nga, người Venezuela; nhưng đến 9 giờ sáng dầu lại trở lại giá $44.50 như tối hôm trước; khoảng 2:30 trưa dầu vọt lên đến mức $48.40, để rồi lại rớt trở xuống mức $47.44.

Ngoài Nga và Venezuela, hai nước khác cũng đang khổ vì dầu là Iraq và Iran -cả hai cùng là những quốc gia sản xuất dầu tại Trung Đông. Ngoài việc dầu tuột giá, Iraq còn khốn đốn vì loạn quân IS gây chiến, tấn công chiếm giếng dầu Kirkuk của Iraq; hôm thứ Bảy 1/31/15, nhờ hỏa lực không yểm của Mỹ tấn công quân IS, quân đội Iraq tái chiếm tỉnh Kirkuk, nhưng chưa bắt tay vào việc bơm dầu được, vì nhân viên phục vụ tại đó bị tản mát sau hai cuộc tấn công để chiếm và tái chiếm giếng dầu.

Iran bình yên, không bị chiến tranh tàn phá, nhưng bị Hoa Kỳ phong tỏa không cho bán dầu ra thị trường thế giới; áp lực kinh tế nặng nề đến mức Iran đang nhượng bộ đòi hỏi của Mỹ -không cho Iran tiếp tục thí nghiệm nguyên tử đến trình độ có thể chế ra vũ khí nguyên tử- để được giải tỏa thị trường xuất cảng dầu.

Bốn quốc gia "khỏe" vì dầu mất giá là Hoa Kỳ, Saudi Arabia, Ấn Độ và Trung Quốc; hai nước Ấn Độ và Trung Quốc "khỏe" vì một lý do vô cùng đơn giản: là những quốc gia kỹ nghệ đang vươn lên, họ tiêu thụ dầu rất nhiều, và đa số dầu tiêu thụ là dầu nhập cảng. Giá dầu xuống khiến họ vẫn mua được cùng một số lượng dầu, nhưng chỉ phải trả một giá rẻ hơn.

Một điểm ngộ nghĩnh về thị trường dầu là ngân bản vị duy nhất được sử dụng trong việc mua, bán dầu là đồng Mỹ kim.

Saudi Arabia là quốc gia xuất cảng dầu; dầu tuột giá họ mất lợi tức nhưng lại đang thoải mái với địa vị quốc gia xuất cảng nhiều dầu nhất thế giới. Nếu họ bơm dầu ít đi, để giảm số xuất cảng xuống thì giá dầu sẽ tăng cao hơn, giúp những nước sản xuất dầu sống thoải mái hơn. Nhưng Saudi làm ngược lại, để duy trì tình trạng thặng dư dầu trên thế giới.

Tình trạng xăng, dầu tại Hoa Kỳ phức tạp hơn tình trạng của cả bảy quốc gia đang "khỏe" và đang "khổ" vì dầu mất giá; phức tạp do việc một số người Mỹ khoan khoái vì đang "save" được một nửa số tiền đổ xăng hàng ngày, hay hàng tuần; đáng lẽ phải trả gần $4 một gallon xăng, họ chỉ còn trả $1.80. Tổ chức Bankrate phân tách rồi đưa ra con số tiết kiệm tiền xăng trung bình trong cả năm 2015 của mỗi người Mỹ là $452. Tạp chí Time viết "dầu mất giá tương đương với việc chính phủ tha thuế $750 cho mỗi gia đình." Time còn tính ra là thị trường dầu xăng đang tạo ra tình trạng khỏe khoắn cho người Mỹ bằng với con số $125 tỉ Mỹ kim tax cut.

Tuyệt đại đa số những người được cắt thuế này lại là người nghèo -nói cách khác, những người có nhu cầu tiêu xài, chứ không dành dụm số tiền "trời cho" đó; với $125 tỉ họ sẽ mua xe hơi, mua tủ lạnh, máy lạnh, đi ăn nhà hàng, đi du lịch, ... nói cách khác họ sẽ tạo ra một thị trường sống động trong năm nay và những năm sắp tới, nếu trong túi họ vẫn còn rủng rỉnh những đồng bạc được tha thuế.

Nhưng "họ" chỉ là giới tiêu thụ, giới 99% người Mỹ trung lưu và nghèo; giới doanh nhân, giới tư bản đang "hơi khổ" vì dầu mất giá. Giá dầu dưới $60 mỗi thùng đang làm ngưng 1,366 máy bơm dầu tại Hoa Kỳ, khiến vài chục ngàn người mất jobs.

Dầu mất giá làm kỹ nghệ khoan dầu, bơm dầu tê liệt đã đành, nhưng hoạt động kiến trúc cũng bị ảnh hưởng lây; giới địa ốc nhận định là cơn sốt mua nhà, mướn nhà đang giảm bớt theo giá xăng giảm thấp; hai năm vừa rồi Houston hối hả xây cất để đáp ứng nhu cầu của vài chục ngàn công nhân hãng dầu từ khắp nơi đổ về làm việc tại đây.

Trong cuộc họp hàng năm của Hiệp Hội Nhà Phố Houston (Houston Apartment Association) nhiều viên chức nhận định là tình hình không còn lạc quan như vài tháng trước nữa. Giá mướn nhà sẽ giảm xuống cùng với số nhân công hãng dầu bị cắt, vì các hãng dầu giảm kinh phí.

Hàng chục ngàn apartment đã hoặc đang trong giai đoạn hoàn tất sẽ không có người thuê mướn; nhiều chủ địa ốc đã chiêu khách bằng cách hạ giá, hoặc cho miễn trả tiền mướn tháng đầu.

Ông Kirk Tate, CEO của hãng xây cất Orion nói, giới cho vay tiền bắt đầu bật đèn đỏ đối với giới xây cất; ông Brandt Bowden, hãng Hanover Co. đồng ý là nguồn tài trợ xây cất đang cạn kiệt. Bowden nói ngưng xây cất là hợp lý, vì phí tổn xây cất đang trở thành nặng nề hơn.

Ông Bill Gilmer, giám đốc viện Ước Đoán Bauer tại University of Houston nhận định, "làn sóng những người trẻ, làm việc văn phòng, lương cao, tràn đến Houston trong những năm vừa rồi đang cạn dần. Giá dầu hạ thấp làm làn sóng người đó biến mất."

Giá dầu xăng được định đoạt bằng 3 yếu tố: MỘT LÀ giá dầu thô, con số này chiếm đến 71% giá săng bán ra; do đó xăng lên hay xuống là do giá dầu thô; YẾU TỐ THỨ NHÌ tạo thành giá săng là phí tổn lọc dầu thành xăng, chuyên chở săng đến trạm săng, và phân lời của người bán xăng lẻ, và CHÓT HẾT là 14% tiền thuế, gồm cả thuế liên bang và thuế địa phương.

Dầu tuột giá tạo thuận lợi hay bất lợi cho Hoa Kỳ? Câu hỏi này không trả lời được vì câu trả lời tùy thuộc vào câu hỏi thứ nhì "Hoa Kỳ nào?" Nếu Hoa Kỳ là những nhà tư bản đang phải cho 1,366 máy bơm dầu ngưng hoạt động, và đang phải nhìn hàng ngàn căn apartment sang trọng không có người mướn, thì việc dầu tuột giá là yếu tố bất lợi.

Giải pháp cho máy bơm dầu tiếp tục bơm, và gọi dàn kỹ sư ngoại quốc trở lại Houston trả $1,800 mỗi tháng để mướn những căn apartment đã được nhắm vào nhu cầu của họ khi xây cất cũng dễ thôi: chỉ cần bắt Saudi bơm ít, xuất cảng ít dầu, làm lại cái giá $4/mỗi galông xăng là kỹ nghệ xăng dầu lại trở lại phồn thịnh ngay.

Nhưng nếu Hoa Kỳ là những người tiêu thụ xăng đang mỗi người được miễn thuế $452, mỗi gia đình được miễn thuế $750, thì cứ để dầu Saudi tràn ngập thị trường, để khoản tax cut $125 tỉ tạo một thị trường sôi động chung cho Hoa Kỳ.

Nói cách khác Hoa Kỳ khổ hay khỏe vì dầu tuột giá là câu hỏi không trả lời được, nhưng tình trạng xăng rẻ sẽ chấm dứt năm 2016, nếu một chính khách Cộng Hòa được bầu lên làm tổng thống Hoa Kỳ để bênh vực quyền lợi các nhà tư bản chủ hãng dầu. (nđt)

----------------------------

Các bài trước :






No comments: