Sunday, February 1, 2015

Khi người dân Việt Nam đủ tự tin vào sức mạnh của mình thì CSVN sẽ sụp đổ (Trần Văn Minh)





Trần Văn Minh
Ngày 2 tháng 1 năm 2015

Để người dân phải phục tùng tuyệt đối, đảng CSVN đã xây dựng một hệ thống giám sát rộng lớn đến nỗi có thể nhìn thấy tận gầm giường mỗi gia đình. Ngay cả trong thời đại tin học hiện nay, các thông tin ngoài luồng đều bị kiểm soát và việc chuyển tải hay sở hữu những thông tin “độc hại” cho chế độ đều có thể bị kết tội. Kết quả là đảng CSVN đã khá thành công trong việc gieo nỗi sợ vào lòng người dân Việt Nam, ngay cả sau khi đã ra đi định cư ở ngoại quốc. Nỗi sợ đã và đang làm tê liệt mọi ý tưởng phản kháng, nhất là loại phản kháng đứng lên “lật đổ chế độ”.

Đến nỗi, câu nói “lật đổ chế độ CSVN” đã trở nên “húy kỵ” với nhiều người. Đây là một sự thật vì những lý do sau đây được nêu ra:

– CSVN quá tàn bạo, quá gian xảo, quá thông minh…, không thể có cách nào qua mặt họ để khởi động phong trào đối kháng được. Có thể nói, đây là sự đầu hàng vô điều kiện của kẻ tự nhát mình, sợ bị tổn thương hay suy nhược tâm lý. Thực tế cho thấy, CSVN chẳng “độc tài” hơn những nước cộng sản cũ như Liên Xô, Tiệp Khắc hay các chế độ độc tài không cộng sản như Mubarak ở Ai Cập hay Ben Ali ở Tunisia. Hiện nay, các kẻ độc tài độc hại đó đã bị lật đổ!

– Người dân Việt Nam quá nhát gan, quá hèn, quá thờ ơ… nên không thể nào có phản kháng ở quy mô lớn. Khẳng định này biểu lộ sự bất lực không dám đương đầu với thực tại khó khăn và “đổ lỗi” cho “người dân Việt Nam”. Tuy rằng, sự việc gì cũng có mặt trái của nó nhưng, ít nhất, kẻ chê trách “người dân Việt Nam” nên là người can đảm đầu tiên.

– “Lực lượng” đấu tranh quá yếu, quá thưa thớt, không đủ tiềm lực để làm cuộc thay đổi “lật đổ”. Đây là suy đoán của người không tham gia hoạt động đấu tranh, quan sát với tầm nhìn của người ngoại cuộc, và không có rung cảm với sự an nguy của đất nước. Cần nên biết rằng, trong phương pháp đấu tranh bất bạo động, sức mạnh của lực lượng đối kháng nằm ở trong dân chúng, không phải ở con số những nhà hoạt động dân chủ. Theo lịch sử các cuộc cách mạng mềm đã từng thành công, một khi có thời cơ thuận lợi, với lòng dân đã sẵn sàng, thì một diễn biến bất ngờ có thể dẫn tới cơn thịnh nộ vũ bão như sóng thần của người dân và cuốn trôi chế độ độc tài. Sức mạnh của cách mạng mềm chính là toàn dân nổi dậy.

– Cũng từ suy nghĩ về các yếu kém của người dân Việt Nam, nhiều dư luận cho rằng, mục tiêu đấu tranh “lật đổ” không khả thi vì dễ bị dập tắt ngay từ lúc khởi đầu vận động phong trào phản kháng. Do đó nên tiến hành từng bước theo kiểu “diễn biến hòa bình”, như luận điểm của Tổng thống Obama mới đây khi nối lại bang giao với Cuba, nghĩa là bang giao với Mỹ sẽ giúp cho người dân Cuba tiếp cận với tư tưởng tự do, dân chủ và dần dần chính người dân Cuba sẽ hiểu ra và gây áp lực lên nhà cầm quyền để tạo thay đổi. Lý thuyết tiến hành từng bước được một số người lớn tiếng nêu lên bằng lời kêu gọi rằng, không nên đấu tranh nhằm lật đổ CSVN mà chỉ tranh đấu cho nhân quyền. Với lý do, một khi đạt được nhân quyền thì độc tài CS sẽ tự động sụp đổ. Tuy nhiên, để chứng thực tính hiệu quả của “chiến lược” này, cần phải trở về quá khứ từ năm 1995, khi Mỹ nối lại bang giao với Việt Nam. Đã xấp xỉ 20 năm, thử hỏi, nhà cầm quyền Việt Nam đạt tiến bộ về nhân quyền bao nhiêu và quyền lực của đảng CSVN suy yếu bao nhiêu? Kết quả là cho tới ngày nay, vị thế đảng CSVN chẳng suy yếu đi vì đồng đô la Mỹ đổ vào, hay văn hóa Mỹ làm người dân Việt Nam hiểu hơn về sự quý giá của tự do và đứng lên đòi hỏi quyền làm người. Hai mươi năm đã quá đủ để chứng minh một lý thuyết đúng hay sai. Khi lý thuyết đó không giải quyết được vấn đề, tốt nhất là đi tìm lý thuyết khác.

– Do người dân Việt Nam, cả hải ngoại lẫn quốc nội, đã mất khả năng phản kháng nên chỉ có thế lực ngoại quốc, như Mỹ chẳng hạn, mới có thể giúp thay đổi thể chế ở Việt Nam. Loại lập luận này đã quên đi một sự kiện lịch sử thật đau buồn là việc miền Nam Việt Nam rơi vào tay CS Bắc Việt vào ngày 30/4/1975. Trên bình diện ngoại giao giữa quốc gia với quốc gia, quyền lợi quốc gia là tối thượng. Mỹ có giúp lên tiếng về nhân quyền cho người dân Việt Nam cũng bắt nguồn từ lợi ích của Mỹ, không phải hình ảnh anh hùng cao bồi hết lòng vì đại nghĩa… với một dân tộc khác.

Nếu thế thì,

Phải chăng chế độ CSVN có thể bị lật đổ?

Đúng vậy, theo thiển ý của người viết là chế độ CSVN có thể và sẽ sụp đổ. Sự xác định này không phải là một quẻ bói đầu năm, mà phải được thực hiện bằng hành động với tầm mức của toàn dân. Điều này nói dễ hơn làm. Vấn đề là làm sao đạt tới mục tiêu toàn dân xuống đường hay nổi dậy?

Quả thật, đây là một vấn đề rất khó và gây thắc mắc không ít. Tuy nhiên, nguyên tắc tổng quát đã rõ ràng, đó là sự trỗi dậy của toàn dân. Nhưng trước hết nên bắt đầu ở đâu?

Lòng tin.

Để có được hành động, trước hết người ta cần phải có niềm tin vào khả năng, vào sức mạnh của mình, của người dân. Câu nói “ý dân là ý Trời” luôn luôn đúng. Nhưng có một điều đáng tiếc, số người tin vào chân lý này vẫn chưa là bao nhiêu, và thực tế này đặt ra một thách thức to lớn cho các nhà tranh đấu dân chủ.

Một khi có đa số người dân Việt Nam, cả quốc nội lẫn hải ngoại, tin vào chân lý “ý dân là ý Trời” thì tự nhiên hành động sẽ xảy ra. Đây là công việc xây dựng tiềm lực và tạo tính năng động cho phong trào đối kháng.

Con đường dân chủ còn dài và công cuộc đấu tranh chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu trong tiến trình “lật đổ” CSVN. Khó khăn, trở ngại chồng chất như quả núi sẽ nhẹ đi nếu nhận ra hướng đi và mang theo sự quyết tâm, như câu nói, “đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Nếu mọi người dân Việt Nam tin rằng đảng CSVN là bất hợp pháp và ý thức được sức mạnh của mình thì sẽ đưa tới hành động xóa bỏ độc tài CS ngay lập tức.

Lại một năm trôi qua và một năm mới lại đến. Chế độ CSVN vẫn còn đó và thực tế này có nghĩa là sự phát triển của đất nước vẫn còn lặn ngụp trong thua sút so với các quốc gia láng giềng và nguy cơ bị lệ thuộc Tàu Cộng ngày càng sâu. Những người Việt Nam yêu nước không thể chấp nhận tình trạng kéo dài này, nhưng trước hết hãy tự hỏi chính mình: chúng ta có đủ tự tin vào chính mình hay sức mạnh toàn dân có thể “lật đổ” chế độ CSVN hay không?

Nếu đa số người dân Việt Nam, cả hải ngoại lẫn quốc nội, tin như thế thì CSVN hết đất sống.
Đây là sự thật!

Related





No comments: