Friday, February 6, 2015

Hoa Kỳ sắp có bộ trưởng Quốc Phòng mới (Nguyễn Văn Khanh)





Nguyễn Văn Khanh
Thursday, February 05, 2015 6:41:40 PM

Giờ này tuần tới, Hoa Kỳ có ông tổng trưởng Quốc Phòng mới, vị tổng trưởng thứ tư được Tổng Thống Barack Obama chọn để điều khiển lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới.

Ông Ashton Carter. (Hình: Alex Wong/Getty Images)

Tên ông là Ashton Carter, tốt nghiệp Ðại Học Yale về vật lý và lịch sử trung cổ, làm việc ở Ngũ Giác Ðài đã 30 năm, đảm trách nhiều chức vụ quan trọng khác nhau. Những người từng làm việc với ông đều biết ông là người rất cứng rắn trong công việc, nhưng cũng là người rất dễ dãi với những binh sĩ phục vụ ở chiến trường. Những người biết ông đều biết cách đây 2 năm tên ông nằm trong danh sách những ứng viên có triển vọng để điều khiển ngành quốc phòng của Hoa Kỳ, chỉ bị loại vào giờ chót khi Tổng Thống Barack Obama quyết định chọn bạn đồng viện cũ là Cựu Thượng Nghị Sĩ Chuck Hagel vào chức vụ quan trọng này. Hai tháng trước đây ông Hagel xin từ chức, và lần này, ông Ashton Carter được chọn cho chức vụ mà giới thạo tin ở Washington D.C. nói rằng ông “mơ ước đã lâu.”

Theo thủ tục, được tổng thống đề cử nhưng ông phải được Thượng Viện chấp thuận. Nhìn vào những gì diễn ra trong buổi điều trần của ông trước Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện, mọi người đoán được ngay là ông được sự ủng hộ tối đa của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Trong bài phát biểu mở đầu, Thượng Nghị Sĩ Chủ Tịch Ủy Ban John McCain dành cho ông cảm tình thật nồng hậu, đại để cho biết nước Mỹ “đang cần một người có nhiều kinh nghiệm” như ông Carter, hy vọng ông “đáp ứng được sự trông đợi của người dân Hoa Kỳ trong một giai đoạn đầy khó khăn.” Về phần ông, ông cho biết không chỉ hết lòng phục vụ mà “sẽ đưa những đề nghị thẳng thắn nhất cho tổng thống,” đồng thời làm hài lòng các vị dân cử thuộc cánh diều hâu của đảng Cộng Hòa khi nói rằng ông “đang nghiêng về phía tán thành ý kiến nên trợ giúp võ khí sát thương cho Ukraine,” sẽ có quyết định cuối cùng “sau khi tham khảo ý kiến với các tướng lãnh và cố vấn.”

Những lợi thế chính trị đó cho thấy người sẽ trở thành tân tổng trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ “dễ dàng làm việc hơn so với những khó khăn mà vị tổng trưởng tiền nhiệm Chuck Hagel đã trải qua,” theo nhận xét của Giáo Sư Mark Moore hiện đang làm việc với Viện Nghiên Cứu Brookings Institution ở thủ đô. Giáo Sư Moore noi tiếp, “Từ khi còn giữ những vai trò khác của Bộ Quốc Phòng, ông Carter đã có những quan hệ khá chặt chẽ với Quốc Hội và từng có những đồn đãi cho rằng các vị thượng nghị sĩ Cộng Hòa muốn ông đảm nhận chức tổng trưởng hơn là thấy ông Hagel được giao phó trách nhiệm này vì họ có những bất đồng chính kiến với nhau,” ý muốn nhắc lại chuyện ông Hagel từng lớn tiếng chống đối Tổng Thống George W. Bush khi ông Bush mở cuộc chiến đánh Iraq. Trận chiến chính trị đó “khiến ông Hagel bị chính các bạn đồng viện Cộng Hòa tẩy chay, và khi ông được Tổng Thống Obama chọn, các đồng viện Cộng Hòa cũ của ông bỏ phiếu chống đối.”

Nhưng “Quốc Hội không phải khó khăn mà ông Carter phải đương đầu,” theo nhận định của nhà bình luận Stephen Bruce nổi tiếng với những bài viết chuyên về chính sách và hoạt động chính trường Mỹ. “Ai cũng biết ông Hagel bị Tòa Bạch Ốc đẩy vào chỗ phải xin từ chức vì họ không hài lòng với những điều ông ta trình bày trong những cuộc họp với Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia.” Vẫn theo ông Bruce, “ý kiến của ông Hagel thường đi ngược với ý kiến của những cố vấn thân cận với tổng thống, tiếng nói của ông Hagel trở thành lạc lõng, tới độ khá nhiều phiên họp ông ta chỉ ngồi nghe chứ không lên tiếng đóng góp vì biết có nói cũng chẳng đem lại ích lợi gì,” nói thêm “chính vì thế nên trong buổi điều trần trước Thượng Viện, ông Carter phải nhiều lần nói với những vị nghị sĩ của Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện là ông không phải là người để cho người khác muốn đẩy mình đi đâu thì đẩy, tức không phải là kẻ chịu ngồi yên ngậm miệng ăn lương.”

Nhận xét của ông Stephen Bruce được chia sẻ khá nhiều qua những cuộc trao đổi ý kiến đăng tải trên những trang mạng xã hội. Ngay sau khi buổi điều trần kết thúc, một số người quan tâm đến tình hình chính trị quốc gia đã lên tiếng cho rằng “điều ông Carter muốn làm và điều ông ta có thể làm là hai điều hoàn toàn khác nhau,” đưa dẫn chứng không chỉ mình ông Chuck Hagel mà 2 vị tổng trưởng Quốc Phòng trước đó là các ông Robert Gates và ông Leon Penetta “từng lên tiếng than thở chưa hề thấy một chính phủ tập quyền như chính phủ của Tổng Thống Obama, nơi quyền hành nằm trong tay một số người thân cận với tổng thống.” Cũng qua trang mạng xã hội, có người đặt câu hỏi “liệu ông Carter có thể vượt qua được những trở ngại mà các vị tiền nhiệm của ông ta đã trải nghiệm hay không? Liệu ông ta có chấp nhận cho Tòa Bạch Ốc và Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia quyết định mọi chính sách và kế hoạch quân sự, thay vì phải giao trách nhiệm này cho Bộ Quốc Phòng hay không?”

Câu hỏi đó làm mọi người nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn dành cho PBS, khi được hỏi có lời khuyên nào cho người kế nhiệm, ông Chuck Hagel trả lời điều ông muốn nhắn gửi là “lắng nghe, lắng nghe, lắng nghe ý kiến của các tướng lãnh và của cả binh sĩ để quyết định cho thật đúng.” Lời khuyên này đã được chính các vị nghị sĩ trong Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện nhắc lại, với hy vọng ông Ashton Carter là người lắng nghe.



No comments: