Sunday, February 22, 2015

Diễn Văn của Tổng Thống Vaclav Havel tại Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 21.2.1990



Tác giả : Tổng thống Vaclav Havel
Người dịch : Nguyễn Thanh Mai  -   Tiếng Dân
22/02/2015
LGT : Khi cô đồng nghiệp biết mình dịch bài diễn văn này, cô ấy bảo cô ấy rất mừng là đã được sống qua những năm 90 ở đây, rằng đó là những năm tháng đáng sống. Người Tiệp bấy giờ tự hào vì bài diễn văn của vị tân Tổng thống bấy giờ là Vaclav Havel. TV bây giờ thỉnh thoảng vẫn chiếu lại hình ảnh từ chuyến đi hồi đó: người đàn ông nhỏ bé, dáng vẻ có gì đó rụt rè, chiếc quần ống cộc sau này đã thành biểu tượng của ông.
Nội dung bài viết vẫn còn tính thời sự bởi "... chúng ta vẫn chưa biết đặt đạo đức lên trên chính trị, khoa học và kinh tế. Chúng ta vẫn chưa thể hiểu rằng - để có đạo đức - xương sống duy nhất của tất cả các hành động của chúng ta chính là trách nhiệm. Trách nhiệm với điều gì đó cao cả hơn là gia đình của tôi, đất nước của tôi, nhà máy của tôi, thành công của tôi. Trách nhiệm với trật tự của cuộc sống, nơi mà tất cả các hành vi của chúng ta đều được lưu giữ vĩnh viễn, và là nơi mà chỉ ở đó mọi điều sẽ được đánh giá và một cách công bình"
Từ đó đến nay đã đúng 25 năm.Bài diễn văn có thể nghe lại tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=zplMpbZkEaM
****
Bài diễn văn của Tổng thống Tiệp Khắc Vaclav Havel  tại Lưỡng viện Quốc hội Hoa kỳ
Washington, ngày 21.2.1990
Kính thưa Ông chủ tịch
Kính thưa Tổng thống
Kính thưa các Nghị sĩ và các vị Đại biểu Quốc hội,
Thưa các quý Bà quý Ông,
Dịp quan trọng này, tôi được các cố vấn khuyên nên phát biểu bằng tiếng Séc. Tôi cũng không biết tại sao. Có lẽ họ muốn các bạn thưởng thức âm điệu mềm mại tiếng mẹ đẻ của tôi.
Khi bị bắt lần cuối cùng ngày 27.10 năm ngoái, tôi không biết sẽ bị bắt giữ hai ngày, hay là hai năm.
Khi nghệ sĩ nhạc rock Michael Kocab nói với tôi đúng một tháng trước đây, rằng tôi có lẽ sẽ được đề cử vào chức Tổng thống, tôi đã nghĩ đó là một trong những trò đùa thường tình của ông ấy.
Khi người bạn tôi, diễn viên Jiri Bartoska, trong một buổi mít tinh tại Praha ngày 10.12.1989 đã đề cử tôi  vào Văn phòng Tổng thống để  đại diện cho Diễn đàn Công dân, tôi đã cho rằng sẽ chẳng bao giờ xảy ra việc Quốc hội của chúng tôi vốn do chế độ trước đó để lại, sẽ bầu tôi vào Văn phòng này.  
Khi tôi được mọi người nhất trí bầu làm Tổng thống ở đất nước tôi, mười chín ngày sau đó, tôi không ngờ rằng chỉ chưa đầy hai tháng sau, tôi sẽ đứng phát biểu trước Quốc hội nổi tiếng và hùng mạnh này, và rằng hàng triệu người vốn chẳng biết tôi là ai, sẽ theo dõi trực tiếp bài phát biểu của tôi, và hàng trăm nhà chính khách và các nhà chính trị học sẽ mang từng lời tôi nói để nghiên cứu chuyên môn.
Khi bị bắt giữ ngày 27.10, tôi đang sống tại đất nước có một nhà nước công sản bảo thủ nhất châu Âu, và toàn bộ xã hội như đang ngủ gật dưới một tấm đậy là chế độ toàn trị.  
Hôm nay, sau chỉ chưa đầy 4 tháng, tôi  nói chuyện với các bạn với tư cách là đại diện của một đất nước đã bước theo con đường dân chủ, đất nước  đó đã có đầy đủ tự do ngôn luận, họ đang chuẩn bị bầu cử tự do, họ muốn xây dựng một nền kinh tế thị trường thịnh vượng và muốn có chính sách ngoại giao của riêng mình.
Tất cả những điều đó thật là đặc biệt.
Nhưng tôi ở đây không phải để nói về bản thân, về những cảm giác của mình, hay chỉ nói về đất nước của mình. Tôi nói những điều đã nói chỉ là để minh họa cho những gì đó rất chung, rất quan trọng trong sự việc rất nhỏ nhoi nhưng rất quen thuộc đối với tôi.
Bởi vì chúng ta đang sống trong một giai đoạn hết sức đặc biệt. Giai đoạn mà bộ mặt của thế giới con người bỗng nhiên thay đổi với vận tốc mà mọi đồng hồ đo vận tốc vốn quen thuộc từ trước tới nay  của nghành chính trị học đều trở thành yếu kém.
Chúng tôi, các nhà viết kịch, vốn phải biết cách đưa cả một đời người, hay cả một giai đoạn lịch sử vào một vở kịch vỏn vẹn hai tiếng, còn tạm hiểu được cái vận tốc này. Nếu như điều đó còn là khó hiểu với chúng tôi, thì sẽ là khó hiểu đến nhường nào đối với các nhà chính trị học, những người phần lớn cả đời chỉ nghiên cứu lĩnh vực của những gì có thể xảy ra và sẽ phải có ít kinh nghiệm hơn chúng tôi, những nhà viết kịch, trong lĩnh vực với những gì khó xảy ra.
Tôi sẽ cố gắng giải thích, tại sao tôi lại cho rằng, vận tốc thay đổi ở nước tôi, ở trung và đông Âu và dĩ nhiên ở cả Liên bang Xô viết đã để lại vết tích đáng kể đến như vậy cho bộ mặt thế giới ngày nay như là một tổng thể, và tại sao điều đó lại liên quan đến số phận tất cả mọi người, có nghĩa là cả người Mỹ các bạn. Tôi muốn suy nghĩ về điều đó – trước tiên từ khía cạnh chính trị học, sau đó là từ khía cạnh mang tên triết học.
Trong thế kỷ 20, thảm họa thế giới đã hai lần đe dọa, cả hai lần châu Âu đều là nơi chúng phát sinh và cả hai lần, các bạn những người Mỹ đã phải cùng với những người khác bảo vệ châu Âu, bảo vệ thế giới và cả chính mình. Lần cứu hộ đầu tiên, các bạn đã giúp đỡ chúng tôi, những ngưới Séc và Slovakia, thật nhiều. Nhờ sự ủng hộ của Tổng thống của các bạn lúc bấy giờ là ngài Wilson, Tổng thống đầu tiên của chúng tôi Tomas Garigue Masaryk đã sáng lập ra nhà nước đương đại của chúng tôi. Như các bạn đã biết ông đã sáng lập theo nguyên tắc mà chính Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã được sáng lập, điều này đã được minh chứng qua bản thảo do chính tay ông viết hiện đang  được lưu giữ trong thư viện của Quốc hội.
Trong khi đó nước Mỹ đã phát triển rất nhanh. Họ đã trở thành cường quốc hùng mạnh nhất trên thế giới và đã gánh lấy trách nhiệm phát sinh ra chính từ sự phát triển này. Minh chứng là hàng trăm ngàn công dân trẻ tuổi của các bạn đã ngã xuống trong công cuộc giải phóng châu Âu và những nấm mồ của các phi công và lính Mỹ vẫn còn trên đất Tiệp khắc.
Tuy nhiên đã xảy ra cả những chuyện khác: Liên bang xô viết xuất hiện, họ lớn mạnh dần, và đã biến sự hy sinh vô cùng lớn lao của người dân vốn phải chịu nỗi thống khổ dưới chế độ toàn trị, thành một sức mạnh đã giúp họ sau chiến tranh thế giới thứ hai trở thành cường quốc đứng thứ hai trên thế giới. Nhà nước mà hiển nhiên gây nên nỗi kinh hoàng bởi không ai có thể biết các vị lãnh đạo của họ sẽ nảy ra ý định gì, và lúc nào họ sẽ quyết định xâm chiếm, lôi kéo nước nào vào vùng ảnh hưởng của mình, như cách gọi trong ngôn ngữ chính trị.
Tất cả những điều đó dạy cho chúng tôi cách nhìn thế giới lưỡng cực: như hai khối  sức mạnh vô cùng lớn, trong đó một bên bảo vệ cho tự do và một bên thì reo rắc nỗi kinh hoàng. Châu Âu đã trở thành mặt bằng cọ xát chính giữa hai khối sức mạnh ấy, và vì thế, cũng chính là một kho vũ khí khổng lồ duy nhất bị chia thành hai nửa. Trong đó một nửa kho vũ khí đó đã chảy sang với khối sức mạnh đầy nỗi kinh hoàng, và nửa thứ hai – nửa tự do – nằm bên bờ đại dương và một khi không muốn bị ép ra biển, đã phải cùng với các bạn xây dựng một hệ thống bảo vệ phức tạp mà có lẽ chúng tôi phải hàm ơn vì sự tồn tại của chính mình.
Thế là các bạn có lẽ đã góp phần bảo vệ chúng tôi, những người dân châu Âu, bảo vệ thế giới và qua đó, bảo vệ chính mình ở lần thứ ba: các bạn đã giúp chúng tôi sống được đến ngày hôm nay – mà không phải trải qua một cuộc chiến tranh nóng bỏng -  chỉ qua một cuộc chiến lạnh.
Và nay đang xảy ra điều đang diễn ra: chế độ toàn trị ở Liên bang xô viết và ở phần lớn các nước vệ tinh của nó đang tan rã dần và các dân tộc đang tìm đường đi tới dân chủ và độc lập.
Hồi đầu tiên của vở kịch đáng được lưu tâm này là ông Gorbachov và các cộng sự của mình đã mở đầu cuộc cải cách „“perestrojka“ khi trực diện với hiện trạng đau buồn của đất nước. Hẳn khi đó họ   cũng không thể biết hết tất cả những gì đã bị sự kiện này kéo vào dòng chuyển động và dòng chuyển động này sẽ có thể nhanh đến mức như thế nào. Dĩ nhiên, chúng tôi biết rất rõ về một lượng khổng lồ các vấn đề đang ngày một nổi cộm hơn, vẫn đang ngầm ẩn dưới tấm mặt nạ ngọt ngào bất động của chủ nghĩa xã hội, nhưng không một ai trong chúng tôi có thể biết rằng, sẽ chỉ cần rất ít là các vấn đề này sẽ lộ diện trên toàn bộ các chiều kích của mình và khát vọng của người dân sẽ cất tiếng với toàn bộ nguồn âm lượng của họ. Chiếc mặt nạ đã rớt xuống thật nhanh, khi một núi công việc đổ tới, chúng tôi  đã không có cả thời gian để ngạc nhiên với điều này.
Tất cả những điều này, về mặt lâu dài, có ý nghĩa như thế nào với thế giới? Chắc chắn là có vài ý nghĩa: bởi vì đây là một quá trình lịch sử không thể đảo ngược - như tôi vẫn tin một cách chắc chắn, châu Âu trước hết sẽ một lần nữa đi tìm bản sắc của chính mình và sẽ không chịu để mình lại bị bắt trở thành một kho vũ khí chia làm hai nửa nọ. Có thể điều đó sẽ tạo nên một hy vọng rằng sớm muộn gì, các chàng trai của các bạn sẽ không phải canh giữ và nếu cần thì bảo vệ nền tự do cho châu Âu, bởi vì rốt cuộc châu Âu cuối cùng sẽ có thể tự canh giữ cho chính mình.
Nhưng đó cũng vẫn không phải là điều quan trọng nhất: tôi nghĩ điều quan trọng nhất là những thay đổi mang tính đột phá này cho phép chúng ta cuối cùng được giải thoát khỏi chiếc áo trói ít nhiều lỗi thời của cách nhìn thế giới lưỡng cực, và cuối cùng bước vào kỷ nguyên đa cực. Bởi vào kỷ nguyên này – trong đó sẽ có tất cả - kẻ lớn, người nhỏ - những người nô lệ ngày xưa và cả những ông chủ ngày xưa – để xây dựng điều mà vị Tổng thống vĩ đại của các bạn Abraham Lincoln đã gọi là “The family of Man“ - „Gia đình của loài người“. Các bạn có hình dung điều này sẽ làm nhẹ lòng đến như thế nào cái bộ phận của thế giới mà - dù là lớn nhất – vì sao đó vẫn được gọi là thế giới thứ ba?
Tôi nghĩ, sẽ không hay nếu tôi chỉ đứng đây mà lý thuyết chung chung. Tôi sẽ cụ thể hơn vậy:
1) Như các bạn chắc chắn đã biết, như một truyền thống trong hàng trăm năm, hầu hết các nạn cháy quan trọng ở châu Âu về quân sự và về các mặt khác, thường mở màn và kết thúc  trên chính lãnh thổ Tiệp khắc ngày nay, hoặc có liên quan trực tiếp tới lãnh thổ này. Chiến tranh thế giới thứ hai có thể làm ví dụ cuối cùng cho chúng ta. Điều đó cũng dễ hiểu: dù muốn hay không, đất nước chúng tôi cũng nằm chính giữa châu Âu, chính vì thế chúng tôi không có được tầm nhìn ra biển, và cũng không có lực lượng hải quân thực thụ. Tại sao tôi lại nói điều này: đã như truyền thống, sự ổn định về mặt chính trị tại đất nước này là vô cùng quan trọng đối với toàn thể châu Âu. Và điều ngày nay vẫn đúng. Chính phủ hòa hợp dân tộc, Quốc hội Liên bang đương nhiệm, các cơ quan nhà nước khác và cá nhân tôi xin đảm bảo cho sự ổn định này cho tới kỳ bầu cử tự do được ấn định trong tháng Sáu.
Chúng tôi hiểu tất cả các lý do phức tạp, nhất là tình hình chính trị nội bộ, mà chính vì thế Liên bang Xô viết đã không  thể rút quân khỏi đất nước chúng tôi một cách nhanh chóng như cách các đội quân này năm 1968 đã đổ vào Tiệp Khắc. Chúng tôi hiểu rằng kho vũ khí đã được xây dựng ở đây trong hai mươi năm, không thể qua một đêm mà  kéo đi được hết. Dẫu vậy, trong việc thỏa thuận song phương với Liên xô, và vì sự ổn định về mặt chính trị ở trong nước, chúng tôi vẫn mong đạt được một điều là làm sao cho quân đội xô viết rút đi được nhiều nhất trước kỳ bầu cử. Việc thỏa thuận này càng thành công thì những người kế nhiệm chúng tôi, do cuộc bầu cử này bầu lên, sẽ càng đảm bảo được tốt hơn tình hình chính trị ổn định ở trong nước sau khi bầu cử.
2) Tôi thường hay gặp câu hỏi, ngày nay Hoa Kỳ có thể giúp được gì cho chúng tôi. Câu trả lời của tôi ngược đời như chính cuộc đời của tôi vậy: các bạn sẽ giúp được chúng tôi nhiều nhất một khi các bạn giúp được cho Liên bang xô viết trên con đường đi tới dân chủ mặc dù là tất yếu, nhưng phức tạp vô cùng. Con đường này còn phức tạp hơn rất nhiều so với con đường mà các nước vệ tinh cũ của họ ở châu Âu có thể đi. Có lẽ chính các bạn sẽ biết rõ nhất làm thế nào để nhanh chóng hỗ trợ chủ thể khổng lồ đa dân tộc này phát triển một cách ôn hòa hướng tới nền dân chủ, và hướng tới quyền tự quyết của tất cả các dân tộc của mình. Vì thế, sẽ rất không phải nếu tôi lại đi tư vấn cho các bạn. Tôi chỉ có thể nói, càng sớm, càng nhanh và càng ôn hòa bao nhiêu cho Liên xô bắt đầu bước vào con đường chính trị đa nguyên thực thụ, bước vào con đường tôn trọng quyền của các dân tộc được tự tồn tại và tôn trọng nền kinh tế có khả năng hoạt động, tức là nền kinh tế thị trường, thì sẽ càng tốt hơn, không chỉ cho người Séc và Slovakia, mà còn cho toàn thế giới. Và các bạn sẽ sớm có khả năng giảm bớt gánh nặng ngân sách quân sự mà người dân Hoa Kỳ hiện đang phải gánh. Nói một cách ẩn dụ: hàng triệu (đô la) mà hôm nay các bạn đưa sang phương Đông, sẽ sớm quay trở lại với các bạn qua hàng tỉ (đô la) tiết kiệm được.
3) Không phải là ông nhà văn Séc Vaclav Havel muốn ngày mai thì hủy bỏ hiệp ước Vacsava, ngày kia thì thậm chí dẹp cả NATO, như một số các nhà báo mẫn cán vẫn viết về ông ta. Vaclav Havel chỉ nghĩ đúng như những gì đã nói tại đây: rằng những người lính Hoa Kỳ không phải tiếp tục hàng trăm năm nữa bị xa cách với mẹ, chỉ vì châu Âu không có khả năng trở thành người đảm bảo cho hòa bình thế giới, như lẽ ra họ phải làm được, để bù lại ít nhiều cho việc chính họ đã mang đến cho thế giới hai cuộc đại chiến.
Dù sớm hay muộn, châu Âu cần phải hồi phục trong sự tồn tại của chính mình, và tự mình quyết định họ sẽ cần bao nhiêu quân đội, và quân đội của ai để sự an toàn của chính họ và tất cả những gì liên quan đến sự an toàn của họ, có thể rọi chiếu các tia sáng hòa bình tới toàn thế giới. Vaclav Havel không quyết định những gì mà ông ta không có quyền quyết định. Ông ta chỉ muốn thuyết phục cho hòa bình thực sự và cho con đường ngắn nhất để có hòa bình.
4) Tiệp khắc cho rằng nên sớm tiến hành hội nghị cấp cao đã được dự kiến gồm các nước tham gia tiến trình Helsinky và ngoài những điều đã có trong kế hoạch thực hiện, hội nghị có thể làm một điều gì đó hơn thế: hội nghị có thể quyết định cái gọi là Helsinky 2, dự kiến vào năm 1992, không những có thể được tiến hành sớm hơn, mà trước hết đó có thể là điều gì đó quan trọng hơn rất nhiều so với độ quan trọng của nó mà cho đến nay chúng ta vẫn tưởng. Theo ý kiến của chúng tôi, Helsinky 2 có thể là một cơ cấu nào đó tương đương với một hội nghị hòa bình cho đến nay chưa được tiến hành ở châu Âu, mà sẽ đặt được dấu chấm dứt điểm cho cuộc đại chiến thế giới thứ hai và cho tất cả các hậu quả tồi tệ của nó, sẽ thu nhận được một cách chính thức nước Đức dân chủ trong tương lai hiện đang được hợp nhất vào một cấu trúc mới cho toàn thể châu Âu, và sẽ quyết định về hệ thống an ninh cho toàn châu Âu. Hệ thống này, tất nhiên, sẽ phải có sự liên hệ với bộ phận của toàn cầu có thể mang tên là “của Helsinky“ và sẽ trải dài từ Vladivostock đến Aljaska. Biên giới giữa các nước châu Âu mà sau này sẽ ngày càng mất đi vai trò của mình, cuối cùng sẽ phải được xác nhận một cách hợp pháp thông qua một hợp đồng chung, chính thức. Nền tảng và tiền đề cho một hợp đồng như thế sẽ phải là sự tôn trọng một cách toàn diện đối với quyền con người, tính đa nguyên chính trị thực sự và bầu cử thực sự tự do, đó là những gì quá là tất yếu.
5) Dĩ nhiên, chúng tôi hoan nghênh sáng kiến của Tổng thống Bush, mà về nguyên tắc đã được cả ngài Gorbachev chấp thuận, nhờ sáng kiến này có thể cắt giảm triệt để số lượng quân đội Xô viết và Mỹ ở châu Âu. Đó là động lực tuyệt vời cho các cuộc đàm phán đang diễn ra tại Viên, và nó tạo điều kiện thuận lợi không chỉ cho những cố gắng của chúng tôi nhằm đưa quân đội Xô viết ra khỏi Tiệp khắc sao cho nhanh nhất, mà một cách gián tiếp, nó còn giúp cho ý định cắt giảm đáng kể số lượng binh sĩ trong quân đội Tiệp khắc sao cho thích hợp với tổng số dân số. Nếu như Tiệp khắc bị buộc phải đối kháng với ai đó, chúng ta hy vọng điều này sẽ không xảy đến, thì họ sẽ có khả năng tự bảo vệ với một đội quân nhỏ hơn rất nhiều, bởi vì lần này - sau không chỉ vài chục năm mà là sau cả hàng thế kỷ - hành động quân sự để tự bảo vệ của họ sẽ được ý chí chung, không thể chia cắt được của cả hai dân tộc và của các lãnh đạo nhà nước hậu thuẫn. Chúng tôi sẽ không để mình bị tước mất nền tự do đã được mua bằng một giá rất đắt, nền độc lập và nền dân chủ đang được hồi sinh trở lại. Để cho đầy đủ, tôi xin nói thêm rằng tất cả các bước đi của chúng tôi đều không có ý định gây khó dễ cho các cuộc đàm phán ở Viên, mà ngược lại, chúng tôi chỉ muốn tạo thuận lợi.  
6) Tiệp khắc đang quay về với châu Âu. Vì lợi ích chung, và qua đó lợi ích cho chính mình, họ muốn cùng phối hợp cuộc trở về của mình – về mặt chính trị và kinh tế - với những người bạn hồi hương khác, điều đó có nghĩa là trước hết với hai láng giềng là người Ba lan và người Hung. Để có thể phối hợp các cuộc trở về, chúng tôi làm tất cả những gì có thể làm. Và đồng thời, chúng tôi làm tất cả những gì có thể, để châu Âu có thể chấp nhận chúng tôi – như những đứa trẻ bị lạc lối – một cách thực sự. Điều này có nghĩa là để châu Âu sẽ cởi mở đối với chúng tôi, và để họ có thể biến đổi các cấu trúc của mình - tuy là châu Âu về mặt hình thức, nhưng trên thực chất là Tây Âu – theo hướng này. Tuy nhiên không phải là để châu Âu bị phương hại, mà ngược lại, là vì sự phát triển của châu Âu.
7) Tôi đã phát biểu trước quốc hội Tiệp khắc và tại Quốc hội đẹp hơn rất nhiều về mặt kiến trúc này, tôi xin được nhắc lại rằng: sau rất nhiều năm – chỉ là vệ tinh vô nghĩa của ai đó - Tiệp Khắc đã có nhiều gian dối để phủ nhận việc mình cũng phải gánh một phần trách nhiệm với thế giới. Vì thế ngày nay họ phải có rất nhiều việc phải làm để bù lại. Nếu tôi có nói thật dài và về rất nhiều việc quan trọng, thì cũng chỉ vì, cùng với những người bạn công dân mình, tôi cũng mang mặc cảm mắc lỗi vì sự thụ động từ trước tới nay vốn rất đáng bị lên án của chúng tôi, và đơn giản vì ý thức mắc nợ.
8) Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng: chúng tôi rất mừng vì đất nước của các bạn đã ngay lập tức cố gắng hỗ trợ nền dân chủ trẻ trung mới được khôi phục của chúng tôi. Cả hai dân tộc chúng tôi đều cảm động đón nhận những đề đạt hào phóng mà ngài bộ trưởng Baker đã truyền đạt lại với chúng tôi tại trường Tổng hợp Praha, một trong những ngôi trường cổ nhất của châu Âu, cách đây mấy hôm. Chúng tôi sẵn sàng đàm đạo về việc này.
Thưa các quý Bà và quý Ông,,
tôi làm Tổng thống mới được hai tháng và chưa được học qua bất cứ trường đào tạo Tổng thống nào. Trường học duy nhất của tôi là cuộc đời. Do đó tôi không muốn các bạn phải nghe quá nhiều các lý luận chính trị, mà tốt hơn tôi xin chuyển sang một lĩnh vực gần gũi với mình hơn. Tôi gọi nó là khía cạnh triết lý của những thay đổi đang diễn ra trong một góc nhỏ của thế giới, nhưng có ảnh hưởng đến tất cả mọi người.
Một khi con người là con người, dân chủ - trong ý nghĩa đầy đủ của từ, sẽ luôn chỉ là lý tưởng, mà có thể - như với đường chân trời – tiếp cận tốt hơn hoặc tồi hơn, tuy nhiên không bao giờ có thể đạt tới được một cách hoàn toàn. Vì vậy cả các bạn nữa, cũng chỉ tiến gần đến nền dân chủ. Các bạn có hàng ngàn những vấn đề khác nhau như tất cả các nước khác. Tuy nhiên các bạn có một lợi thế lớn: các bạn liên tục được tiếp cận dân chủ trong hơn 200 năm qua và con đường của các bạn chưa bao giờ bị chế độ độc tài làm đứt đoạn. Mặc dù các giá trị nhân văn trong truyền thống lịch sử của người Séc và người Slovakia đã có thể theo dõi thấy ngay từ thiên niên kỷ đầu tiên sau công nguyên, họ chỉ được tiếp với nền dân chủ vỏn vẹn 20 năm giữa hai cuộc thế chiến và bây giờ 3 tháng rưỡi, kể từ ngày 17.11 năm ngoái.
So với chung tôi, lợi thế của các bạn là hiển nhiên.
Chế độ độc tài kiểu cộng sản mang đến cho hai dân tộc chúng tôi, Séc và Slovakia – cũng như tất cả các dân tộc khác của Liên xô và nhiều nước khác, mà Liên bang Xô viết đã chinh phục được trong thời gian tồn tại của mình, vô vàn mạng người, một bảng màu đa dạng những nỗi thống khổ của con người, sự lạc hậu trầm trọng về kinh tế và nhất là sự sỉ nhục vô cùng nặng nề đối với các giá trị con người. Chế độ này đã mang lại những nỗi kinh hoàng, mà các bạn đã may mắn không phải biết đến.
Đồng thời chế độ này cũng cho chúng tôi - mặc dù hẳn không chủ định - điều gì đó tốt đẹp: đó là khả năng đặc biệt để nhìn đôi lúc được xa hơn so với những ai đã không phải trải qua kinh nghiệm cay đắng này. Người mà không thể di dịch được và không thể sống bình thường dù chỉ một chút, do họ bị những tảng đá khổng lồ đè nặng, thường có nhiều thời gian hơn để ngẫm nghĩ về những hy vọng của mình, so với người không bị đá đè.
Qua đó tôi muốn nói gì: chúng tôi sẽ phải học hỏi rất nhiều điều của các bạn, từ cách giáo dục con cái, qua cách bình chọn đại biểu, và đến cả cách tổ chức cuộc sống kinh tế để có thể tiến đến sự thịnh vượng, chứ không phải đến với nỗi đói nghèo. Nhưng đó không phải chỉ là sự giúp đỡ của người có học vấn, có quyền lực và giàu có đối với kẻ không có gì và do đó không có gì để đóng góp.
Cả chúng tôi cũng có gì đó để đóng góp: đó là kinh nghiệm của mình và những nhận thức bắt nguồn từ kinh nghiệm.
Đó là đề tài cho những cuốn sách, trong đó nhiều cuốn đã được viết và nhiều cuốn rồi sẽ được viết. Do đó tôi chỉ giới hạn trong một suy nghĩ.
Kinh nghiệm đặc thù mà tôi sẽ nói ở đây, đã mang lại cho tôi một điều cực kỳ chắc chắn: ý thức đến trước sự tồn tại chứ không phải là ngược lại, như các nhà Mácxít vẫn khẳng định.
Do đó cả sự cứu rỗi đối với thế giới con người này cũng nằm không phải ở đâu khác ngoài chính trong trái tim con người, trong suy nghĩ của con người, trong sự khiêm nhường và trong trách nhiệm của con người.
Không có cuộc cách mạng toàn cầu trong ý thức, con người sẽ không có gì thay đổi được theo chiều hướng tốt hơn, cả trong lĩnh vực cuộc sống con người và con đường dẫn thế giới này đến thảm họa, cho dù là thảm họa về môi trường, về xã hội, về dân số  hay là thảm họa toàn bộ của một nền văn minh, sẽ là không thể tránh khỏi. Nếu ngày hôm nay, chúng ta không bị một cuộc thế chiến nào đe dọa, và trái đất cũng không bị đe dọa bùng nổ vì những ngọn núi vũ khí hạt nhân tích lũy vô nghĩa, thì điều đó cũng không có nghĩa là chiến thắng cuối cùng đã đến. Chiến thắng còn lâu mới tới.
Chúng ta còn xa mới tới „Gia đình của loài người“, thậm chí nhiều phần chúng ta đã rời xa lý tưởng này chứ không phải tiếp cận dần đến nó. Các lợi ích cá nhân, ích kỷ, của quốc gia, của dân tộc, của nhóm đoàn và – nếu các bạn muốn – cả lợi ích của công ty vẫn thường xuyên được ưu tiên một cách đầy nguy hiểm so với các lợi ích thực sự của chung và của toàn cầu. Chúng ta vẫn bị ảnh hưởng của một ấn tượng bệnh hoạn và vô cùng kiêu ngạo rằng con người là đỉnh cao chứ không phải là một phần của tạo hóa, do đó có thể làm bất cứ điều gì. Vẫn còn rất nhiều người nói rằng họ không vì bản thân, mà là vì sự nghiệp chung trong khi đó có thể chứng minh rõ ràng rằng họ làm vì bản thân chứ chẳng hề vì việc chung. Chúng ta vẫn hủy hoại hành tinh, vốn đã được giao phó cho chúng ta, và hủy hoại cả môi trường xung quanh nó. Chúng ta vẫn nhắm mắt trước những mâu thuẫn xã hội, văn minh, và mâu thuẫn giữa văn hóa của các dân tộc hiện đang ngày càng gia tăng trên thế giới. Đôi lúc chúng ta nói rằng cái cỗ máy khổng lồ không tên tuổi mà chính chúng ta tạo ra cho mình, nó không phục vụ cho chúng ta mà ngược lại, nó bắt ta làm nô lệ, nhưng chúng ta vẫn không làm bất cứ điều gì để thay đổi chuyện này.
Nói cách khác, chúng ta vẫn chưa biết đặt đạo đức lên trên chính trị, khoa học và kinh tế. Chúng ta vẫn chưa thể hiểu rằng - để có đạo đức - xương sống duy nhất của tất cả các hành động của chúng ta chính là trách nhiệm. Trách nhiệm với điều gì đó cao cả hơn là gia đình của tôi, đất nước của tôi, nhà máy của tôi, thành công của tôi. Trách nhiệm với trật tự của cuộc sống, nơi mà tất cả các hành vi của chúng ta đều được lưu giữ vĩnh viễn, và là nơi mà chỉ ở đó mọi điều sẽ được đánh giá và một cách công bình.
Người phiên dịch giữa chúng ta và đấng tối cao này là những gì mà truyền thống gọi là lương tâm của con người.
Nếu các hành vi chính trị của tôi đều tuân thủ mệnh thức mà lương tâm của tôi mách bảo, thì tôi sẽ không thể làm hỏng quá nhiều. Ngược lại, không làm theo tiếng nói này, thì ngay cả 10 trường đào tạo Tổng thống với hai ngàn các nhà khoa học chính trị tốt nhất giảng dạy, cũng không giúp đỡ nổi cho tôi.
Đó là lý do tại sao tôi đã quyết định và - sau một thời gian dài từ chối  - đã nhận gánh trách nhiệm chính trị nặng nề này.
Tôi không phải là người trí thức đầu tiên hay cuối cùng đã có quyết định tương tự. Ngược lại tôi cảm thấy rằng sẽ càng ngày càng có nhiều người như thế. Nếu như niềm hy vọng của thế giới nằm trong phạm vi ý thức con người, thì sẽ lại càng là dễ hiểu, rằng chính các nhà trí thức không thể né tránh vô thời hạn trách nhiệm chung của mình đối với thế giới và che giấu sự chán ghét đối với chính trị bằng cách tỏ ra cần một sự độc lập.
Thật dễ dàng mang sự độc lập vào trong kế hoạch và đồng thời để cho người khác thực hiện kế hoạch đó. Nếu như tất cả đều nghĩ như vậy thì chẳng bao lâu sẽ chẳng còn ai độc lập.
Tôi nghĩ rằng, người Mỹ các bạn có lẽ sẽ cảm thông với dạng lý luận này. Chẳng phải là các nhà tư tưởng tài giỏi nhất của đất nước các bạn, mà thực chất có thể nói là các nhà trí thức, những người đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng, bản Hiến chương nhân quyền và bản Hiến pháp của các bạn và những người – và là chủ yếu – đã gánh lấy trách nhiệm thực tế trong việc thực thi tất cả những việc đó?  Người công nhân từ Branik ở Praha mà đã được tổng thống của các bạn nhắc đến trong Báo cáo về tình hình của Liên bang trong năm nay, không phải là người duy nhất ở Tiệp Khắc, và trên thế giới, đã có được cảm hứng từ những văn bản vĩ đại đó. Những văn bản này truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta. Chúng truyền cảm hứng cho chúng tôi bất kể một thực tế là nó đã hơn 200 năm già cỗi. Chúng truyền cảm hứng để chúng tôi trở thành những người công dân.
Khi Thomas Jefferson viết rằng "Từ sự đồng thuận của các công dân, chính phủ của các nhà nước định ra quyền hạn công bằng của mình“, thì đó là một hành động đơn sơ và quan trọng của một nhà tư tưởng.
Ý nghĩa của hành động đó còn ở chỗ là đã được tác giả của nó bảo đảm bằng chính cuộc sống của mình. Đó không chỉ là lời nói, mà là cả hành động.
Tôi xin kết thúc như tôi đã bắt đầu: lịch sử đã tăng tốc. Tôi tin rằng lại một lần nữa, các nhà tư tưởng sẽ ghi nhận sự tăng tốc này, đặt cho nó cái tên và biến lời nói thành hành động.
Xin cám ơn Quý vị.
****




No comments: