Wednesday, February 18, 2015

Cuối năm, khép lại câu chuyện buồn! (Huyền Trang, VRNs)





Huyền Trang, VRNs
Đăng ngày: 18.02.2015

VRNs (18.02.2015) – Sài Gòn – Hai gia đình, người ngoài Bắc, kẻ trong Nam, nhưng cùng một hoàn cảnh có người con trai duy nhất lao động chính trong gia đình lại rơi vào vòng lao lý với bản án oan sai: Tử hình!

Đó là câu chuyện của hai gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng, ở Hải Dương và gia đình Hồ Duy Hải, ở Long An.

Điểm chung trong vụ án của Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải là cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, và Tòa án đã sử dụng lời khai nhận tội của Hải và Chưởng, làm chứng cứ duy nhất để kết tội mà bỏ qua các chứng cứ khách quan của vụ án.

Riêng vụ án Nguyễn Văn Chưởng, chứng cứ quan trọng nhất để xác định Chưởng vô tội là thời gian xảy ra vụ án tại Hải Phòng thì Chưởng đang có mặt tại Hải Dương. Tuy nhiên, các cơ quan điều tra lại không giám định các cuộc gọi trong điện thoại của Chưởng, để xác minh “tọa độ” nơi Chưởng có mặt là ở Hải Dương, không phải ở Hải Phòng. Đây là chứng cứ ngoại phạm chứng minh Chưởng vô tội nhưng các cơ quan điều tra đã bỏ qua.

Cũng vậy, trong vụ án Hồ Duy Hải, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đã bỏ qua nhiều chứng cứ khách quan chứng minh Hải ngoại phạm, như cơ quan điều tra thu được nhiều dấu vân tay ở hiện trường nhưng không trùng với 10 dấu vân tay của Hải; các tang vật như cái thớt và con dao được cơ quan tiến hành tố tụng mua ở chợ mang về làm vật chứng… Thế nhưng, các cơ quan điều tra đã bỏ qua các chứng cứ này.

Họ -gia đình các tử tù oan sai- đã không quản ngại đi từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc để tìm công lý cho con trai mình, bất chấp tuổi già, sức yếu. Tuổi già là tuổi được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, an vui bên con cháu nhưng ông bà Nguyễn Trường Chinh – song thân của tử tù Nguyễn Văn Chưởng và bà Nguyễn Thị Loan – mẹ của tử tù Hồ Duy Hải với tấm thân gầy còm, tóc bạc, ròng rã đi khiếu kiện cho con trai suốt 7 – 8 năm qua, nhưng vẫn vô vọng vì cho đến nay chưa có kết quả gì.

Khi nghe tin Nguyễn Văn Chưởng bị bắt vì tội ‘giết người, cướp của’ thì cả gia đình ông Nguyễn Trường Chinh, họ hàng và bạn bè của Chưởng rất hoang mang, họ luôn tin rằng Chưởng vô tội. Ông Chinh cho biết: “Một người bạn của Chưởng tên là Trường sẵn sàng làm chứng cho Chưởng không giết Thiếu tá Sinh, bởi vì tối ngày 14.07.2007 Chưởng và Trường đang ở Hải Dương. Khi họ hàng, làng xóm và bạn bè của Chưởng đi tham dự cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, có những lúc họ đã rộ lên phản đối [những cách hành xử vô lý của Tòa án], và có những lúc họ vỗ tay hoan hô khi Luật sư nói đúng sự thật. Chính Luật sư đã nói lên trước tòa phúc thẩm rằng, tòa này là tòa của các ông chứ không phải của VN. Pháp luật VN để trong túi chứ không đưa ra đây xử. Nếu không phiên tòa này phải được đình chỉ để điều tra xét xử lại.”

Bà Bích, mẹ của Nguyễn Văn Chưởng, tiếp lời: “Mọi người nói gia đình tôi phải đi kêu oan cho con tôi đến cùng để giải oan cho Chưởng, chứ không để người ta giết một người vô tội như vậy”.

Còn gia đình Hồ Duy Hải suốt mấy năm sống trong cảnh dị nghị của hàng xóm khi họ chưa có cơ hội tìm hiểu vụ án của Hải. Chị Thủy, em gái Hồ Duy Hải, bày tỏ: “Tôi tin tưởng anh Hải không có hành vi giết người. Những người hàng xóm chia sẻ với gia đình là Hải không phạm tội, cứ tin tưởng vào chính quyền thì Hải sẽ được trả tự do. Nhưng, cứ chờ, cứ chờ… và cho đến ngày hôm nay, gia đình không còn tin vào chính quyền nữa. Nhiều bạn bè ủng hộ tôi, nhưng có một số không hiểu vấn đề và dị nghị gia đình nên tôi rất buồn. Tôi có niềm tin là anh tôi vô tội, cho nên tôi tiếp tục đi học để có tương lai gánh vác phụ gia đình, bởi vì nghỉ học cũng chả làm được gì.”

Cả hai gia đình đi kêu oan suốt 7 – 8 năm trong sự thờ ơ của các cơ quan công quyền nhưng họ kiên quyết đi kêu oan cho con trai họ đến cùng.

Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, quả quyết: “Tôi phải đi đòi lại công lý và nhân quyền cho con tôi. Tôi không thể để người ta giết con tôi làm vật tế thần cho người khác. Luật pháp VN không cho phép những người có chức có quyền làm như vậy.”

Bà Nguyễn Thị Rưỡi, dì của Hồ Duy Hải, tâm sự: “Đi kêu oan suốt mà người có chức có quyền thờ ơ, không quan tâm tới người dân. Buồn dữ lắm. Gia đình tôi khẳng định con cháu tôi oan, nên cả gia đình kiên trì kêu oan cho cháu mình đến hơi thở cuối cùng.”

Ông Chinh cương quyết: “Tôi gửi rất nhiều thư kể cả thư tôi viết bằng máu của tôi gửi đi khắp nơi nhưng chưa có cơ quan nào hồi âm. Thậm chí gia đình tôi bán hết cả đất vườn, cầm cố nhà, vay mượn, nợ nần đi kêu oan cho con tôi nhưng vẫn chưa có kết quả gì. Nếu họ quyết thi hành án tử cho con trai tôi thì cái thân già này quyết đấu tranh đến cùng, để dành lại công lý cho con kể cả Hồ Duy Hải nữa, bởi vì mạng sống con người quá thiêng liêng và quý giá không có gì có thể đánh đổi được.”

“Nếu các ông quyết thi hành án tử cho con trai tôi thì tôi xin được chết thay cho con tôi.” Đó là ý nguyện của bà Bích -người mẹ mang nặng đẻ đau, vất vả nuôi nấng anh Chưởng.

Gia đình Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải xuất thân từ những người nông dân ‘bán mặt cho đất, bán lưng cho trời’, vất vả đi làm thuê làm mướn kiếm cơm qua ngày nên chẳng có thời gian quan tâm đến các vấn đề thời sự xã hội VN. Nhưng từ khi con trai họ lâm vào sự oan khiên, họ đã nhận thức thấm đẫm sự bất công trong nền tư pháp ở VN và nhận xét rằng, những người bảo vệ pháp luật lại chính là những người vi phạm pháp luật.

Ông Chinh nhận xét: “Nếu họ làm đúng luật thì Nguyễn Văn Chưởng không bị oan sai. Mọi người từ ông Chủ tịch nước đến người dân đều bình đẳng trước pháp luật thì người dân VN sẽ không bị oan.”

“Suốt tám năm qua, tôi đi kêu oan mà chưa được gặp một ông nào để được trình bày cái nỗi oan của gia đình.” Bà Bích uất ức nói.

Ba Loan tức tưởi: “Ở VN không có công lý, nếu có, thì con trai tôi và Nguyễn Văn Chưởng sẽ không ở tù một ngày nào hết, họ sẽ phóng thích con tôi. Nói chung là Long An xử luật rừng và muốn giết ai là giết.”

Trong hành trình kêu oan, nhờ sự kiên trì, bền vững của cả hai gia đình đã giúp cho dư luận hiểu rõ hơn những tất khuất, những tình tiết uẩn khúc trong hai vụ án này. Nhờ đó, công luận trong và ngoài nước đã quan tâm, lên tiếng, yêu cầu nhà cầm quyền ngưng thi hành án và điều tra xét xử lại đối với Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải.

Ông Chinh nhận định: “Khi dư luận quan tâm đến vụ việc của gia đình thì đó là lời cảnh báo đối với thế lực ngầm đã làm sai, bởi vì vụ án của Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải là điển hình cho những án oan ở VN. Khi đã cứu được hai tử tù này thì nhiều vụ oan sai khác sẽ được cứu thoát.”

Chị Thủy nói: “Nhiều người hiểu, ủng hộ gia đình hãy tiếp tục đấu tranh cho đến cùng. Gia đình tôi rất vui vì đã được tiếp thêm sức mạnh cho gia đình để đòi tự do cho anh Hải.”

Cả hai gia đình sẽ đồng hành với nhau dành lại quyền làm người và quyền được sống cho những người con của họ.

Ông Chưởng nhắn nhủ với gia đình bà Loan: “Hai gia đình hợp nhất lại để là tiếng kêu chung cho toàn thế giới biết được sự oan khuất gia đình và mong muốn mọi người quan tâm đến chúng tôi.”

Bà Loan chia sẻ với gia đình ông Chinh: “Tôi và vợ chồng của anh quyết tâm đi kêu oan đến hơi thở cuối cùng, quyết không lùi bước, vì không thể để hai đứa trẻ vô tội bị chết oan.”

“Tôi mong đất nước VN đừng có những án oan, để đất nước được bình yên và sẽ không còn người cha người mẹ nào phải đau khổ như tôi và gia đình anh Chinh.” Bà Loan ước mong.
Đã hơn 7 mùa xuân đi qua, cả hai gia đình sống trong sự lo âu, nhớ nhung người con trai trong ngục tù.

Ông Chinh và bà Bích gửi lời nhắn đến con trai: “Con ơi, hãy cố lên. Con không giết người. Con và bố cùng chiến đấu để tìm lại công lý cho con.” Bà Bích tiếp lời: “Con ơi, hãy cố lên. Ở ngoài này, mẹ cũng cố lên để đòi lại quyền làm người cho con.”

Gia đình Hồ Duy Hải gửi những lời ước nguyện đến anh. Bà Loan nói: “Mẹ sẽ kêu oan cho con đến hơi thở cuối cùng để đòi lại công lý cho con. Mẹ sẽ không khuất phục để cho người ta đem con ra làm vật tế thần cho người khác. Mẹ sẽ quyết tâm, con hãy yên lòng.” Chị Thủy chia sẻ: “Anh sẽ được trả tự do. Anh hãy cố lên, hãy giữ vững tinh thần, đừng nghe những lời dụ dỗ của người khác.” Bà Rưởi thốt lên: “Hải ơi, con bị oan, con sẽ sớm được trả tự do.”

Cuối năm, khép lại câu chuyện buồn!

Những câu chuyện buồn được kể ra vào một buổi chiều cuối năm với ước vọng khép lại những câu chuyện buồn, để thắp lên niềm hy vọng, niềm tin tưởng vào sự thật và công lý. Một năm mới niềm vui sẽ chiến thắng nỗi buồn, tình thương sẽ chiến thắng oan khiên, sự thiện sẽ chiến thắng sự ác, ánh sáng sẽ chiến thắng bóng tối, và chắc chắn sự sống sẽ chiến thắng cái chết.

Huyền Trang, VRNs





No comments: