Wednesday, February 25, 2015

Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương / 24/02/2015 (Nguyễn Thế Phương)





Nguyễn Thế Phương
Posted on 24/02/2015

Báo cáo của RAND tuần trước đề cập tới tham nhũng như là một yêu tố cản trở mạnh mẽ hiệu quả quá trình hiện đại hoá quân đội của Trung Quốc. Nhiều học giả và các nhà phân tích quốc tế, đặc biệt là tại Việt Nam, cũng nhắc tới tham nhũng như là một điểm yếu “cốt tử” làm suy giảm uy tín của quân đội nước này. Tuy nhiên, vẫn có tranh luận về việc liệu tham nhũng có tác động lớn như thế nào tới khả năng tiến hành chiến tranh của Trung Quốc.

Trung tá Lục quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu Dennis J. Blasko, người từng phục vụ trong trong cơ quan tình báo quân đội, cho rằng mặc dù tham nhũng xảy ra tràn lan song đó thực sự vẫn chưa phải là thảm hoạ đối với quân đội Trung Quốc. Theo Blasko thì “cho tới hiện nay, có rất ít các chỉ huy của những đơn vị tác chiến từ cấp tiểu đội trở lên bị bắt trong các chiến dịch chống tham nhũng”.

Ông cũng lưu ý thêm rằng: “Trong khi quân đội Trung Quốc đang tăng tốc quá trình hiện đại hoá cũng như tăng cường quy trình huấn luyện, nhiệm vụ của cấp sĩ quan tác chiến trở nên nặng nề hơn, yêu cầu quân nhân phải được giáo dục và huấn luyện đầy đủ”. Theo quan điểm của Blasko, quá trình hiện đại hoá quốc phòng gây áp lực lớn lên các chỉ huy cao cấp, khiến họ không dám trở nên quá “tham nhũng”. Hiện tại, các vụ án tham nhũng chỉ xảy ra chủ yếu tại các cấp sĩ quan ở “hậu phương” (theo Tân Hoa Xã thì con số này là 90%)– những người trực tiếp tham gia vào quá trình cung ứng vũ khí trang thiết bị hay đứng đầu các cơ quan phụ trách chính trị và cung cấp nhu yếu phẩm cho quân đội. Lấy ví dụ về vụ tham nhũng gần đây liên quan tới Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Từ Tài Hậu, khi ông bị cáo buộc nhận hối lộ để thăng chức và bổ nhiệm cho cấp dưới. Là sĩ quan cấp cao nhất từ trước tới nay bị điều tra, song Từ Tài Hậu chưa bao giờ là chỉ huy của một đơn vị tác chiến nào cả. Ông dành toàn bộ sự nghiệp công tác trong Tổng cục Chính trị của quân đội Trung Quốc.

Harry J. Kazianis trên tạp chí National Interest vừa qua cũng đã có một bài viết hết sức thú vị về kịch bản chiến tranh có thể xảy ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Theo Kazianis, mặc dù hiện tại tỷ lệ xảy ra xung đột là khá thấp, nhưng Bắc Kinh hoàn toàn có thể gây ra thiệt hại nặng nề tới lợi ích của Hoa Kỳ và đồng minh tại Châu Á – Thái Bình Dương. Ông giả định rằng, Trung Quốc sẽ tấn công một cách dứt khoát và kiên định. Mục tiêu của Bắc Kinh là hạn chế khả năng giáng trả hiệu quả của Hoa Kỳ và đồng minh. Ở đây, Trung Quốc quyết định không dùng vũ khí hạt nhân, và giới hạn chiến trường ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Bước một của chiến dịch, sẽ là việc quân đội Trung Quốc cố gắng “làm mù” hoàn toàn quân đội Hoa Kỳ. Đây là bước đi chiến lược quan trọng mà hầu hết các học giả đã giả định một khi chiến tranh xảy ra. Các hệ thống chỉ huy và kiểm soát (command and control – C2), nằm trong tổng thể khái niệm C4ISR (command, control, communications, computers, intelligence, surveillance và reconnaissance) – niềm tự hào trong nghệ thuật chiến tranh Hoa Kỳ – sẽ bị áp chế đầu tiên. Hệ thống C2 và C4ISR hiện đại gúp cho quân đội Hoa Kỳ có thể phối hợp tác chiến đa binh chủng hỗn hợp một cách nhịp nhàng và hiệu quả nhất, ví dụ như chia sẻ thông tin tình báo về vị trí và khả năng của đối thủ theo thời gian thực với đồng minh, sử dụng “bom thông minh”, và các khả năng khác dựa trên ưu thế vũ khí công nghệ cao của Washington. Bắc Kinh sẽ tạo ra một dạng “sương mù chiến tranh” bằng việc tiến hành một cuộc chiến tranh mạng khổng lồ nhắm vào các hệ thống C2 của Hoa Kỳ trên khắp thế giới thông qua một bên thứ ba nào đó (hay ít nhất khiến nó trông giống như được tiến hành bởi bên thứ ba). Tiếp theo, trước khi Hoa Kỳ kịp nhận thấy điều gì đang diễn ra, Trung Quốc sẽ tấn công hệ thống vệ tinh trên quỹ đạo nhằm ngăn chặn khả năng thu thập tin tức tình báo.

Bước hai của chiến dịch sẽ là tấn công cấp tập bằng tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, các tên lửa chống hạm và các “sát thủ tàu sân bay”. Đây sẽ là phiên bản của chiến lược “shock and awe” (tạm dịch là áp đảo hoàn toàn) kinh điển. Mục tiêu? Các sân bay, bến cảng và các cơ sở chỉ huy và thông tin tác chiến tại khắp khu vực Thái Bình Dương. Trung Quốc sẽ cố gắng gây thiệt hại nhiều nhất có thể chỉ trong một đợt tấn công, và do đó sẽ khiến cho Hoa Kỳ và đồng minh khó có khả năng đáp trả. Cách đáp trả của Hoa Kỳ? Sẽ rất, rất tốn kém. Chiến lược đối phó sẽ phải là một sự kết hợp giữa tăng cường phòng thủ tại các căn cứ quân sự, khả năng sữa chữa và giáng trả nhanh chóng, khả năng phân tán lực lượng và phòng thủ tích cực (thông qua các hệ thống phòng thủ tên lửa như Patriot hay THAAD).

Vậy còn Nhật Bản? Vai trò quân sự của nước Nhật là gì trong quá trình kiềm chế Trung Quốc? Tokyo sẽ đối phó thế nào với chiến lược hải dương của Bắc Kinh? Mặc dù sở hữu một số lợi thế nhất định, tuy nhiên xét về mặt quân sự, Tokyo đang gặp bất lợi lớn hơn so với Bắc Kinh. Theo giáo sư Toshi Yoshihara đến từ Học viện Hải chiến Hoa Kỳ, Nhật Bản có thể thiết kế cho riêng mình một chiến lược “chống xâm nhập, chống tiếp cận” (A2/AD) mang bản sắc Nhật Bản. Một chiến lược như vậy sẽ xem xét tới vai trò của Nhật Bản như là quốc gia án ngữ lối ra Thái Bình Dương, cũng như tận dụng lợi thế địa lý của quần đảo Nhật Bản nhằm triển khai lực lượng phòng vệ biển tại các điểm nóng như dọc theo chuỗi đảo Ryukyu, bao bọc hải quân Trung Quốc xung quanh biển Hoa Đông cho đến khi hải quân Hoa Kỳ và đồng minh có thể tập hợp được đầy đủ lực lượng mạnh nhất. Mục tiêu ngắn hạn của chiến lược này là nhằm tạo ra một thế bế tắc về mặt quân sự, ngăn chặn Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương thông qua các chiến thuật A2/AD.

Con át chủ bài của toàn bộ chiến lược A2/AD mang bản sắc Nhật Bản chính là tác chiến dưới mặt biển, nếu xem xét trên điểm yếu mà báo cáo mới đây của RAND đã tiết lộ về lực lượng tàu ngầm Trung Quốc. Lực lượng tàu ngầm Nhật Bản được trang bị các tàu ngầm tấn công phi hạt nhân tối tân lớp Soryu, với 5 chiếc đã được đưa vào trang bị. Trong năm 2010, hải quân Nhật Bản tuyên bố sẽ gia tăng hạm đội tàu ngầm của mình từ 16 lên 22 chiếc. Trên thực tế, có những bằng chứng cho thấy Tokyo đang theo đuổi một chiến lược A2/AD. Hai tàu khu trục chở trực thăng lớp Izumo có lượng giãn nước 20.000 tấn, có khả năng mang tới 15 trực thăng sẽ nâng cao khả năng chống ngầm và bảo vệ lãnh hải. Thêm vào đó, Nhật Bản cũng có kế hoạch đưa vào trang bị 20 máy bay chống ngầm Kawasaki P-1, cũng như gia tăng gấp đôi số tàu chiến trang bị Aegis từ 4 lên 8. Các tàu Aegis này sẽ cải hiện khả năng phòng không hạm đội, vốn là một yếu tố quan trọng trong chiến lược A2/AD. Ngoài những trang thiết bị chủ chốt, Tokyo cũng quan tâm tới việc gia tăng năng lực của hạm đội tàu quét mìn cũng như các tàu tấn công nhanh.   

--------------------------

TIN LIÊN QUAN :














No comments: