Nguyễn Trần Bạt
05/02/2015
Có thể nói, Việt Nam là một dân tộc có mối thiện cảm
rất tốt đẹp với người Nhật Bản. Không phải chỉ có thế hệ hôm nay mà từ lâu rồi,
chúng ta đã phát hiện ra Nhật Bản là tấm gương để chấn hưng đất nước của mình.
Cụ Phan Bội Châu và Hoàng thân Cường Để - một trong những thành viên rất quan
trọng của Hoàng tộc nhà Nguyễn đã nhận ra tấm gương ấy. Trong bối cảnh hiện
nay, kinh tế thế giới khủng hoảng, đất nước gặp nhiều khó khăn, chúng ta buộc
phải có những thay đổi căn bản và quyết liệt. Nhìn nhận lại những bài học từ Nhật
Bản là một việc giúp chúng ta có cái nhìn thực tiễn để bắt đầu cho sự đổi mới
sâu sắc, toàn diện.
1.
Học tính quyết liệt trong cải cách đời sống chính trị
Người Nhật có những đặc tính, những cách thức, những
ưu điểm mà một dân tộc muốn phát triển không thể không có những thứ đó. Có thể
nói, lịch sử hiện đại hoá nền chính trị, nền kinh tế và nền văn hóa Nhật Bản được
tiến hành gần như song song hoặc nếu có chậm thì chỉ chậm hơn một chút so với
việc thống nhất nước Mỹ. Còn ở Việt Nam chúng ta, mặc dù có Tự Đức là một vị
vua tương đối tích cực, ông cũng có ý thức nhất định về việc đổi mới nền chính
trị của đất nước, nhưng những đổi mới của ông mới chỉ là những dấu hiệu cải tiến
về hình thức chứ chưa đạt đến sự thay đổi về bản chất. Trong khi đó, vua Minh
Trị của Nhật Bản đã làm những cuộc cải cách lớn và triệt để cho nền chính trị
Nhật Bản. Từ những cuộc cải cách này, Nhật Bản nhanh chóng vươn lên thành một
cường quốc của thế giới. Đấy là một minh chứng cho thấy, chúng ta phải mạnh dạn
nói rằng Việt Nam muốn ra khỏi tình trạng lạc hậu như hiện nay thì không có
cách gì ngoài cải cách chính trị. Cho nên, học người Nhật trước hết là học tính
quyết liệt trong cải cách đời sống chính trị, học sự dũng cảm của người Nhật
trong cải cách chính trị theo hướng thừa nhận dân chủ.
Người Nhật rất hiếu khách, cởi mở và chân thành
Cải cách chính trị là động lực quan trọng nhất, cơ bản
nhất, nền tảng nhất và quyết định nhất đối với toàn bộ tiến trình phát triển,
và phải cải cách chính trị theo hướng dân chủ hoá một cách hợp lý. Tại sao tôi
lại dùng chữ "hợp lý"? Bởi vì đấy là một việc đòi hỏi đầu tư rất tốn
kém. Để có được nền chính trị tiên tiến, trước hết chúng ta phải đầu tư vào
giáo dục, đầu tư vào việc xây dựng các thể chế, đầu tư vào việc cải cách các cơ
sở hạ tầng cơ bản. Tất cả những việc ấy đều tốn kém cho nên chúng ta không thể
làm ồ ạt được. Làm cho tiên tiến một khu vực nhưng trong khi đó không đầu tư
thoả đáng để làm tiên tiến các khu vực khác thì các khu vực được ưu tiên ấy trở
thành miếng mồi xâu xé và không chừng nó còn gây mất đoàn kết xã hội.
Nhiều người cho rằng, trong khi cải cách chính trị
là cải cách ở tầng trên và bao giờ cũng chậm hơn ở dưới thì người dân phải biết
lách luật để tạo ra những điều kiện cho sự thay đổi từ dưới lên, ví dụ khoán 10
là cách lách luật của người nông dân. Nhưng tôi cho rằng, đối với thân phận của
một dân tộc, giải pháp phải có chiều dài lịch sử thoả đáng và phải dựa trên những
nguyên lý triết học thoả đáng. Không thể tạo ra một lộ trình phát triển ổn định
của một dân tộc bằng cách nhặt những yếu tố hợp lý mà nhân dân nghĩ ra. Những sự
lách luật như vậy có thể đạt được một số kết quả có tính chất thực dụng, nhưng
nó tàn phá nền văn hoá tôn trọng nhà nước và pháp luật, nó tạo ra một xã hội cơ
hội và vô kỷ luật. Nó biến nhà nước trở thành một kẻ chờ đợi sáng kiến xã hội
và cung cấp một dịch vụ để hợp pháp hoá những cái đó, và gọi đấy là thành tựu
chính trị. Làm sao gọi những thành tựu được tạo ra trong trạng thái vô chính
phủ của đời sống xã hội là tiến bộ xã hội được? Nếu chúng ta tự hào vì việc
ấy thì chính chúng ta tự xác nhận mình là những kẻ phản tiến bộ. Tại sao chúng
ta lại có một hệ thống chính sách để chúng ta phải lách nó? Tại sao sự tiến bộ
của chúng ta lại phải được tạo ra bằng cách phá vỡ kỷ luật nhà nước? Nếu xét về
phương diện lý thuyết thì đấy là những giải pháp hoàn toàn không có giá trị phổ
quát. Bởi đem so những lợi ích thu được từ việc lách luật với sự tàn phá hiệu lực
của nhà nước, cái nào quan trọng hơn? Một dân tộc trên quy mô nhà nước cũng như
trên quy mô các bộ phận nhân dân mà được đào tạo trong những tình huống vô kỷ
luật như vậy thì nó phá vỡ tiêu chuẩn cao nhất của lịch sử phát triển văn minh
nhân loại, đó là sự tôn trọng các trật tự công cộng. Vì thế, cải cách chính trị
không phải được tiến hành bằng những sự lách luật, nó phải được hoạch định trên
cơ sở những nghiên cứu khoa học và những mục tiêu cụ thể.
Nhiều người e ngại thừa nhận dân chủ thì mất dần giá
trị, bản sắc của nền văn hoá của mình, mất cả quyền lãnh đạo của mình, đấy là sự
suy nghĩ của những kẻ lười nhác.
Chúng ta đã thấy người Nhật không hề mất gì. Người
Nhật trở thành một quốc gia phát triển nhờ sự dân chủ hoá xã hội của họ. Nếu
không xác định được mục tiêu của cải cách chính trị ở Việt Nam là để dẫn tới
dân chủ thì mọi cuộc cải cách, mọi sự đổi mới đều không có ý nghĩa. Dân chủ
chính là xác lập những quy tắc công khai để kiểm soát quyền lực của nhà nước, bởi
nếu nhà nước mà có quyền lực tuyệt đối thì mọi cố gắng đều không thể mang lại sự
thay đổi nào đáng kể mà chỉ để giải quyết những vấn đề lặt vặt trước mắt mà
thôi.
2.
Học cách tổ chức một xã hội nề nếp
Trong xã hội chúng ta hiện nay, có một số ý kiến mặc
định rằng đặc tính của người Việt Nam là quá tự do, không chịu chấp hành quy tắc,
khi bị chỉ trích, người Việt Nam thường phản ứng trước mà không chịu lắng nghe.
Trong khi đó đặc tính của người Nhật là rất quy chuẩn và luôn tuân thủ nguyên tắc.
Với những đặc điểm ấy, phải chăng sẽ rất khó để người Việt áp dụng được những
bài học của người Nhật. Tôi không nghĩ vậy. Chúng ta đã có những người Việt viết
hoa, chúng ta đã có những người Việt có giá trị. Nếu tiếp xúc với những thế hệ
trí thức được đào tạo vào những năm 30 của thế kỷ trước, bất kỳ ai cũng có thể
thấy đấy là những mẫu mực về nhân cách. Tôi có mặt ở Hà Nội ngay sau năm 1954,
tôi biết người Việt Nam ở những năm 50 của thế kỷ trước không như vậy, và cả
trước đó cũng thế. Người Việt Nam đã từng có những nề nếp, những quy chuẩn cực
kỳ chặt chẽ. Trong gia đình, những hành động từ lúc ăn cơm cho đến lúc đi ngủ,
lúc ngủ dậy, lúc uống trà, đều có các tiêu chuẩn văn minh của nó. Người Việt
Nam chúng ta trước những năm 50 đã biết khẳng định giá trị bằng chất lượng các
dịch vụ của mình. Chúng ta đã từng có một nền văn minh đòi hỏi chất lượng các dịch
vụ: chất lượng dịch vụ làm con, chất lượng dịch vụ làm cha, chất lượng dịch vụ
làm mẹ, chất lượng dịch vụ làm vợ, chất lượng dịch vụ làm quân, chất lượng dịch
vụ làm quan. Tất nhiên nó cũng thay đổi cùng với thời gian, đặc biệt vào thời kỳ
sau này, nó thay đổi với tốc độ tha hoá rất nhanh. Sau Đổi mới, từ năm 1986 đến
1995, chúng ta đi từ một xã hội nhốn nháo sang một xã hội tương đối nề nếp. Lúc
ấy, chúng ta có một không gian chính trị chưa thể gọi là hoàn toàn tiến bộ,
nhưng đấy là một không gian có nề nếp. Nhưng từ 1995 đến bây giờ, dường như
chúng ta không giữ được như thế nữa, chúng ta bắt đầu tha hoá lại. Gần đây xã hội
của chúng ta trở nên hết sức nhộn nhạo, ngay cả kỷ luật quan trọng nhất là kỷ
luật của đời sống chính trị cũng có nhiều vấn đề. Chúng ta đang sống trong một
không gian chính trị không nề nếp, trong đó, nhiều người không ý thức được
nghĩa vụ, trách nhiệm và các giới hạn.
Tuy nhiên, hiện tượng nhốn nháo hiện nay là sản phẩm
của một giai đoạn văn hoá, nó không phải là sản phẩm của riêng dân tộc Việt
Nam, nó không phải là đặc tính của bất kỳ dân tộc nào, nó là kết quả của sự thiếu
tự do. Chúng ta bừa bãi chứ không phải tự do. Tự do có cả mặt quyền và mặt
nghĩa vụ. Tự do là một không gian đã được nhân tạo hoá để nâng đỡ cảm hứng sống
và phát triển, nhưng đồng thời cũng kiểm soát sự lộng hành. Cho nên phải nói rằng
về mặt hình thức, đấy là một hiện tượng suy thoái như những gì chúng ta quan
sát được, còn về bản chất, sự suy thoái ấy là do chúng ta đã phá vỡ các tiêu
chuẩn văn minh mà xã hội từng có bằng chính trị. Chính trị đóng vai trò rất lớn
trong việc xúc tiến sự tha hoá cũng như sự tiến bộ trong đời sống văn hoá,
trong đời sống dân sự, cả trong nề nếp sinh hoạt của khu vực công cũng như khu
vực tư. Vì thế, cần phải cải cách thoả đáng đời sống chính trị để xây dựng lại
ý thức tôn trọng trật tự công cộng, trong đó bao gồm cả trật tự sinh hoạt và trật
tự văn hoá. Người ta phải biết kính trọng người cao tuổi, biết thương yêu trẻ
con, biết kính trọng người tài, biết xấu hổ về việc mình dốt. Tóm lại phải biết
hành động mà nền tảng của hành động là chính trị.
Tôi nghĩ rằng không có bất kỳ cách gì để giữ gìn nề
nếp, để giữ gìn nhân cách, để xây dựng một xã hội nề nếp nếu không bắt đầu từ cải
cách chính trị. Không có cách gì trì hoãn cải cách chính trị mà có thể phát triển
đời sống tinh thần của dân tộc để chúng ta trở thành một dân tộc đáng kính trọng.
Nếu chúng ta không nhận ra điều ấy thì chúng ta không biết cách để phục hồi lại
những giá trị đáng quý của dân tộc mình. Tất cả những việc đấy, người Nhật đã
làm như một tấm gương. Người Nhật tiến hành dân chủ hoá xã hội nhưng trong mọi
cải cách, người Nhật vẫn giữ được những trật tự khẳng định tiêu chuẩn và khẳng
định chất lượng của nền văn hoá Nhật Bản, vẫn giữ được chữ "Lễ". Lễ
như một quy tắc giao tiếp để khẳng định những tiêu chuẩn xã hội. Tuy "Lễ"
chỉ là hình thức nhưng chúng ta buộc phải làm và phải bắt đầu từ đấy.
Học người Nhật, chúng ta phải học tính cội rễ của họ
trong cải cách chứ không phải học việc lắp ráp những yếu tố có vẻ hợp lý vào thời
điểm hiện nay. Học người Nhật là học cách tổ chức ra nền tự do trong những điều
kiện nó không xâm hại và không làm biến mất những đặc trưng văn hoá. Tự do
chính là công nghệ để trả lại cho con người năng lực hình thành những nhân cách
thoả đáng với tương quan giữa họ và những dân tộc khác trên thế giới. Người Nhật
biết tổ chức ra tự do trong điều kiện văn hoá của họ và họ thành công. Người Nhật
là một trong những dân tộc thông minh để giữ được mình mà vẫn tự do, đấy là
kinh nghiệm lớn nhất. Và những kinh nghiệm của người Nhật chỉ cho chúng ta thấy
rằng, tự do không tàn phá bất kỳ phẩm hạnh nào, đặc tính nào của bất kỳ dân tộc
nào, tự do chỉ xúc tiến để những đặc tính ấy, phẩm hạnh ấy đạt đến ngưỡng phát
triển của nó một cách tự nhiên.
3.
Học sự tôn trọng con người
Khi nghiên cứu sự vi phạm về chất lượng của nền kinh
tế và nền sản xuất ở các nước đang phát triển, tôi nhận ra rằng nguyên nhân
chính là ở các nước này, nhân quyền chưa được tôn trọng. Có rất nhiều sự việc
cho thấy điều ấy. Tại sao có hiện tượng bỏ melamine vào sữa, tại sao có hiện tượng
nhiễm độc thực phẩm? Bởi vì con người không được giáo dục về nhân quyền, bởi vì
con người chưa được tôn trọng. Hiện nay, chúng ta vi phạm những lợi ích của
nông thôn, nông dân để đổi lấy một sự nghiệp công nghiệp hoá không có thành tựu.
Về cơ bản, người tạo ra toàn bộ vinh quang cho hoạt động xuất khẩu của người Việt
vẫn là người nông dân và người công nhân bán chuyên nghiệp có nguồn gốc nông
dân, đó là những lực lượng cửu vạn trùng trùng điệp điệp. Và chính cuộc di dân
vĩ đại đến các xí nghiệp ấy đã tạo ra các sản phẩm xuất khẩu mà chúng ta kể
thành tích là xuất siêu. Bây giờ thử tìm xem liệu có người đô thị nào chấp nhận
đi làm thợ may xuất khẩu đế lấy 700 – 800 nghìn/tháng không? Không có. Giai cấp
công nhân quốc doanh mà chúng ta vẫn tự hào không tạo ra bất kỳ sản phẩm gì để
xuất khẩu, còn giai cấp công nhân tạo ra thành tựu đổi mới, tạo ra thành tích
xuất khẩu là giai cấp công nhân cửu vạn, đó là giai cấp hình thành bằng sự tàn
phá cơ cấu xã hội nông thôn. Chúng ta thử nghĩ xem, trong điều kiện khủng hoảng,
người nông dân không kiếm được công việc ở các đô thị công nghiệp nữa thì họ biết
về đâu? Họ không thể quay trở về các sân golf được. Phải nói thật rằng đấy là một
tình cảnh đáng khóc. Nhìn sang nước Nhật, chúng ta có thể thấy thái độ đối với
con người của họ rất khác. Người Nhật không có những dòng di cư ngược như vậy,
người Nhật chín chắn đến mức họ tạo ra giai cấp công nhân gắn bó với xí nghiệp
đến mức thoái hoá. Con người lưu luyến công ty đến mức mấy thế hệ như vậy thì tức
là chất lượng nhân văn trong chính sách xây dựng các công ty phải rất lớn. Tuy
sự gắn bó mấy thế hệ ấy là tiền đề của sự thoái hoá năng lực sáng tạo và họ buộc
phải cải cách lại một chút, nhưng về mặt công nghệ con người là họ đúng.
Khi không tôn trọng nhân quyền và không giáo dục con người về nhân quyền thì người ta không thể sản xuất ra hàng hoá có chất lượng để phục vụ con người. Đã đến lúc chúng ta phải nhận thấy sự thiếu nhân quyền ảnh hưởng đến chất lượng của nền kinh tế và nền sản xuất như thế nào. Vì thế, học người Nhật, chúng ta còn phải học thái độ tôn trọng con người, tôn trọng nhân dân của họ. Điều này thể hiện rõ trong chính sách ưu tiên chất lượng hàng nội địa của Nhật Bản. Hàng nội địa Nhật Bản bao giờ cũng tốt hơn hàng xuất khẩu. Người Nhật ở nước ngoài thường về nước để mua đồ dùng. Thái độ, chính sách tôn trọng quyền ưu tiên của người sản xuất như vậy chúng ta không có. Người làm ra sản phẩm phải được ăn cái ngon nhất, dùng cái tốt nhất. Vì con người không quen sử dụng cái tốt nhất thì không thể sản xuất ra cái tốt nhất được. Trong lúc ô tô lắp ráp trong nước không bán được, chúng ta vẫn nhập khẩu những xe tốt cùng hãng ở nước ngoài về. Bởi vì Toyota xuất Mỹ khác Toyota xuất Châu Âu, Toyota xuất Châu Âu thì khác Toyota xuất Bắc Á, cuối cùng mới là Toyota xuất khẩu khu vực Đông Nam Á.
Chỉ nguyên một chính sách sai là tạo ra một dòng nhập
khẩu, tức là tạo ra lỗ hổng để nhập siêu. Cho nên khắc phục nhập siêu không phải
là kìm hãm hàng nhập khẩu, mà là ưu tiên những hàng hoá chất lượng được bán với
giá hợp lý trong thị trường nội địa. Chú trọng xây dựng thị trường nội địa, chú
trọng xây dựng nền kinh tế bản thể để tạo ra sự ổn định của đời sống xã hội
chính một trong những cách thức quan trọng nhất tạo ra tiền đề căn bản để con
người được tôn trọng.
4.
Học sự kiên nhẫn và ý chí của người Nhật Bản
Chúng ta đều biết rằng, sau chiến tranh thế giới thứ
hai, là một nước thua trận, bị tàn phá nặng nề, Nhật Bản có nỗi đau khổ, nhục
nhã của một nước thua trận, thậm chí đã có hàng vạn người Nhật tự sát. Nhưng Nhật
Bản là một dân tộc kỳ lạ, họ thắng ngay sau khi thua. Gạt bỏ nỗi đau của kẻ
thua trận và thừa nhận những sai lầm của mình, người Nhật dồn toàn tâm toàn ý
xây dựng lại đất nước của mình từ sau thế chiến thứ hai. Họ sáng suốt đến mức
chấp nhận trở thành một quốc gia không còn quyền lực chính trị. Họ đã từ chối một
số trách nhiệm chính trị, hay nói cách khác, họ ra khỏi cái tiếng của cường quốc
chính trị để làm giàu cho đất nước của mình. Họ "cho thuê" nền chính
trị một thời gian để làm việc của mình, và bây giờ, họ được mời trở lại như một
cường quốc chính trị, được khuyến khích, được thúc giục trở thành một cường quốc
chính trị.
Người Nhật lao động chuyên cần, tận tâm và nhiều sáng kiến
Học tập người Nhật là học tập sự kiên nhẫn của họ. Từ
chối một số trách nhiệm chính trị đối với thế giới nhưng không phải người Nhật
không ý thức được nghĩa vụ của họ đối với các vấn đề phát triển. Năm 1985,
trong triển lãm xuất khẩu của Nhật ở Tokyo, ông Kyosera - chủ tịch hãng đồ sứ lớn
nhất của Nhật có một bài diễn văn khai mạc mà tôi không bao giờ quên được.
Trong đó, khi nói về khoa học công nghệ, ông ấy nói rằng người Nhật đã sử dụng
những tiến bộ kỹ thuật của thế giới cho sự phát triển của nước Nhật, và đã đến
lúc nước Nhật phải trả lại cho thế giới những gì mà nước Nhật đã lấy. Cho nên
nước Nhật phải tiên phong, phải đầu tư vào những nghiên cứu cơ bản để đóng góp
nghĩa vụ của mình trong việc phát triển nền khoa học thế giới. Nước Nhật có những
con người ý thức được cả những chuyện như vậy. Chúng ta không phải không có những
người tiên phong trong nhận thức, nhưng đôi khi chúng ta nhìn vào địa vị của
người ta và bảo rằng anh không xứng để nói lên điều ấy mà không biết rằng, với
tư cách là một nhà khoa học, người ta phải biết vượt qua các giới hạn. Nếu
không có những con người bứt phá ra khỏi các giới hạn thông thường thì làm sao
dân tộc chúng ta phát triển được? Người Nhật khiêm tốn nhưng họ đi hết từ giới
hạn này đến giới hạn khác, họ phá vỡ mọi giới hạn để có những mặt vượt trên cả
nước Mỹ, mặc dù họ ngoan ngoãn nằm dưới cái ô bảo hộ chính trị của nước Mỹ. Và
người Mỹ kính trọng người Nhật vì họ biết rằng, ngoan ngoãn nấp dưới cái ô
chính trị của nước Mỹ là một sự kiên nhẫn khổng lồ của một dân tộc có niềm tự
hào ghê gớm. Học người Nhật chúng ta phải học cái tỷ trọng của lòng tự trọng
dân tộc và cách thể hiện cơ bản là sự táo bạo trong ý nghĩ, sự kiên nhẫn và
chăm chỉ trong làm việc.
Chúng ta chưa thể nói chuyện học kỹ năng, vì chúng
ta chưa có đủ phẩm chất để học ngay kỹ năng được. Chúng ta phải học cách hun
đúc ý chí, hun đúc nhân cách của con người. Khi không giáo dục con người một
cách toàn diện thì chúng ta sẽ có một cấu trúc xã hội không lành mạnh. Trên cơ sở
cấu trúc không lành mạnh ấy thì không thể thiết kế ra chương trình phát triển
nào lành mạnh được. Hiện nay chúng ta chưa có đội ngũ những nhà công nghệ thật,
chúng ta cũng chưa có đội ngũ những nhà tài chính thật, vì thế chúng ta chưa tạo
ra được lực lượng trụ cột cho nền kinh tế Việt Nam. Nhưng người Việt Nam có
năng lực phục vụ những trụ cột, người Việt Nam nếu có được một hệ thống giáo dục
tốt thì sẽ cung cấp nhân công rất tốt, nhân công như một phương tiện kinh tế để
tạo ra sự phát triển của Việt Nam. Chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi một giai đoạn
để củng cố xã hội dưới dạng đào tạo ra những người lao động có chuẩn mực về văn
hoá, có chuẩn mực về xã hội, có chuẩn mực về giao tế, có chuẩn mực về nghề nghiệp,
trên cơ sở đấy chúng ta mới có thể nói tới các công ty thật được. Nói cách
khác, trong khi chưa cạnh tranh được với tư cách là công ty thì người Việt Nam
phải cạnh tranh với tư cách là người lao động. Khi xã hội chưa tham gia cạnh
tranh với tư cách của những người lao động cá thể thì mọi công ty chỉ là những
kẻ phiêu lưu ở sòng bạc thế giới mà thôi. Chúng ta chưa có đủ phẩm chất để cạnh
tranh với thế giới. Có cạnh tranh chẳng qua là người thợ của chúng ta khéo,
đóng được những đôi giầy theo đúng tiêu chuẩn, may được những cái áo đúng chuẩn
mực, nhưng đấy mới chỉ là xuất khẩu những năng lực thô sơ của người Việt, chưa
có sản phẩm Việt Nam. Chúng ta chưa có năng lực để tạo ra cả công nghiệp lẫn
tài chính. Vì thế, chúng ta cần học tập ý chí của người Nhật, ý chí của họ hình
thành và phát triển trong sự im lặng tuyệt đối của một dân tộc tự trọng. Không
có sự yên tĩnh thì không có sự phát triển đích thực. Cái sai lầm của chúng ta
là cứ tưởng thổi kèn to và đánh trống lớn thì tạo ra sự phát triển, đấy là sai
lầm của một giai đoạn văn hoá.
Kết
luận
Giai đoạn từ năm 2009 trở đi được coi là một giai đoạn
nhiều thử thách đối với Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Trước những khó khăn thách thức của khủng hoảng, của hội nhập quốc tế mà chúng
ta không có một bộ máy đủ chuyên nghiệp, không có một tổ hợp kiến thức đủ
chuyên nghiệp, không có một sự chuyển động linh hoạt đủ chuyên nghiệp thì chúng
ta không thể ứng phó được, không thể thành công được. Cần phải nhận thức được
đòi hỏi ấy. Để làm được điều đó, chúng ta không có cách nào khác ngoài một sự cải
cách, đổi thay quyết liệt.
Chúng ta cần học hỏi những bí quyết, những bài học
mà các quốc gia phát triển đi trước đã làm. Nhật Bản là một tấm gương, chúng ta
học Nhật Bản để phát triển, và hơn thế, xây dựng mối quan hệ tốt với Nhật Bản
chính là một trong những yếu tố giúp chúng ta cân bằng với các quan hệ quốc tế
quan trọng và khó khăn khác trong khu vực.
Nguồn:
Bài viết năm 2009.
No comments:
Post a Comment