Wednesday, February 11, 2015

Chúng ta đã đặt 5 giả thiết sai về Trung Quốc (Michael Pillsbury)





Michael Pillsbury
Trà Mi lược dịch

Có lẽ với một chút tự hào, họ đã tiết lộ sự thất bại một cách có hệ thống, có ý nghĩa, và nguy hiểm nhất về tình báo trong lịch sử nước Mỹ. Và vì chúng ta không hề nghĩ rằng kế sách Marathon đã khởi động từ lâu nên Mỹ đang thua trận.

Michael Pillsbury là giám đốc của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược của Trung Quốc của Viện Hudson và là một cố vấn hàng đầu về chính sách quốc phòng. Ông đã làm việc về chính sách Trung Quốc và các vấn đề tình báo cho Nhà Trắng cho nhiều chính phủ Mỹ. Bài sau đây là một đoạn trích từ cuốn sách của ông, “The Hundred-Year Marathon”.

Tôi là một trong những người đầu tiên cung cấp thông tin tình báo cho Nhà Trắng về Trung Quốc, từ năm 1969.

Trong nhiều chục năm qua, đôi khi tôi đóng một vai trò nổi bật thúc giục chính quyền của cả hai đảng, viện trợ kỹ thuật và quân sự cho Trung Quốc.

Phần lớn, tôi chấp nhận các giả định của giới ngoại giao hàng đầu và các học giả của Mỹ, hiển hiện ở những cuộc thảo luận chiến lược, bình luận, phân tích và phương tiện truyền thông của Mỹ.

Chúng tôi đã tin rằng viện trợ của Mỹ cho một Trung Quốc yếu kém mà giới lãnh đạo của TQ nghĩ như chúng tôi sẽ giúp Trung Quốc trở thành một cường quốc dân chủ và hòa bình mà không có tham vọng thống trị khu vực hoặc thậm chí toàn cầu.

Tất cả các giả thiết đằng sau niềm tin đó đã sai một cách nguy hiểm.

Sự sai lầm của những giả thiết ngày càn hiện rõ ràng hơn vì những gì Trung Quốc đang làm và, quan trọng không kém là những gì Trung Quốc không làm.

Giả thiết sai thứ nhất: Ràng buộc sẽ mang lại hợp tác toàn diện
Bốn mươi năm nay, các đồng nghiệp của tôi và tôi tin rằng “ràng buộc” với Trung Quốc sẽ khiến Trung Quốc hợp tác với phương Tây về một loạt các vấn đề chính sách. Không có chuyện đó. Thương mại và công nghệ tưởng là là sẽ đưa đến sự hội tụ quan điểm của Trung Quốc và phương Tây về vấn đề trật tự khu vực và toàn cầu. Cũng không có luôn. Tóm lại, Trung Quốc đã không đáp lại gần như tất cả các kỳ vọng lạc quan của chúng tôi.

Ví dụ, về các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Không có mối đe dọa an ninh và mối nguy hiểm nào lớn hơn đối với Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta so với sự phát triển của các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nhưng Trung Quốc đã chẳng giúp được gì trong việc kiểm tra tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên và Iran.

Sau cuộc khủng bố 9/11, một số nhà bình luận tin tưởng rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ từ đó thống nhất vì các mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố, giống như họ đã đến gần với nhau vì bóng ma chiến tranh với Liên Xô. Những hy vọng hợp tác để đối đầu với “mối nguy hiểm chung” của khủng bố, như Tổng thống George W. Bush đã mô tả trong diễn văn trước quốc dân hồi tháng 1 năm 2002, bằng cách “xóa bỏ thù xưa” đã không thay đổi thái độ của Trung Quốc. Hợp tác Trung-Mỹ về vấn đề này thật ra khá hạn chế trong phạm vi và ý nghĩa.

Giả thiết sai thứ nhì: Trung Quốc đang trên con đường tiến tới dân chủ
Chắc chắn Trung Quốc đã thay đổi trong ba mươi năm qua, nhưng hệ thống chính trị của nó đã không tiến hóa theo chiều hướng mà chúng tôi, những người ủng hộ chính sách “ràng buộc”, đã mong đợi và dự đoán. Ý tưởng cho rằng những hạt giống dân chủ đã được gieo ở cấp thôn làng trở thành sự hiểu biết phổ thông trong giới quan sát Trung Quốc tại Mỹ.

Lần đầu tiên lòng tin của tôi bị lung lay là vào năm 1997, khi tôi là một trong số những người khuyến khích đến thăm Trung Quốc để chứng kiến các cuộc bầu cử “dân chủ” trong một ngôi làng gần thành phố công nghiệp Đông Hoản. Khi đến thăm, tôi đã có một cơ hội để nói chuyện bằng tiếng phổ thông với các ứng cử viên và xem cuộc bầu cử thực sự diễn tiến ra sao. Các quy tắc bất thành văn của cuộc chơi đã nhanh chóng hiện ra: các ứng cử viên không được phép tụ họp, không được quảng cáo trên truyền hình, và không có bích chương vận động.

Họ không được phép chỉ trích bất kỳ chính sách nào của Đảng Cộng sản, mà cũng không được chỉ trích đối thủ của họ về bất kỳ vấn đề gì. Sẽ không có cuộc tranh luận kiểu Mỹ về thuế khóa hay về ngân sách chi tiêu hoặc về tương lai của đất nước. Điều duy nhất một ứng cử viên có thể làm là so sánh đức hạnht cá nhân của mình với phẩm chất của đối thủ. Vi phạm các quy tắc đó được coi là tội phạm.

Giả thiết sai thứ ba: Trung Quốc là cánh hoa mong manh

Năm 1996, tôi là một phần của một phái đoàn Mỹ đến Trung Quốc trong đó có Robert Ellsworth, cố vấn hàng đầu về chính sách đối ngoại cho Robert Dole, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa.

Trong một cuộc trao đổi quan điểm, tưởng chừng như thẳng thắn, với các học giả Trung Quốc, chúng tôi đã nói rằng Trung Quốc đang trong tình trạng nguy hiểm về kinh tế và chính trị nghiêm trọng – và tiềm năng sụp đổ đang lẩn quẩn quanh đây. Những học giả Mỹ đã chỉ ra vấn đề nghiêm trọng về môi trường của Trung Quốc, tình trạng bất ổn của người dân tộc thiểu số, và sự thiếu khả năng cũng như nạn tham nhũng trong giới lãnh đạo chính phủ – cũng như giới lãnh đạo không có khả năng để thực hiện những cải cách cần thiết.

Sau này tôi biết rằng Trung Quốc đã tiếp đón các nhóm học giả Mỹ, các nhà lãnh đạo kinh doanh, và các chuyên gia chính sách khác trong những lần viếng thăm gọi là “dành riêng”, rồi họ cũng đã nghe lại những thông điệp như cũ về suy sụp sắp tới của Trung Quốc. Nhiều người trong các phái đoàn vừa kể sau đó lặp đi lặp lại những “khám phá” đó trong những bài báo, sách, và bình luận tại Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, thực tế rõ ràng là GDP mạnh mẽ của Trung Quốc được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng ít nhất là 7 hoặc 8 phần trăm, từ đó sẽ, sớm nhất, vượt mặt Hoa Kỳ vào năm 2018, theo các nhà kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, của Tổ chức kinh tế hợp tác và Phát triển, và Liên Hiệp Quốc. Thật không may, các chuyên gia về chính sách Trung Quốc như tôi đã quá gắn bó với những ý tưởng về một “sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc” khiến ít người trong chúng tôi tin rằng những lời dự báo ấy. Trong khi chúng ta lo lắng về khủng hoảng của Trung Quốc thì nền kinh tế cả họ đã tăng hơn gấp đôi.

Giả thiết sai thứ tư: Trung Quốc muốn – và – giống như chúng ta

Trong sự ngạo mạn, người Mỹ chúng ta thích tin rằng nguyện vọng của mọi quốc gia khác là để được giống như Hoa Kỳ. Trong những năm gần đây, điều này đã ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Chúng ta cứ bám vào tâm lý đó để đối ứng với Trung Quốc.

Trong những năm 1940, một nỗ lực được chính phủ Hoa Kỳ tài trợ bởi để tìm hiểu tư tưởng của Trung Quốc. Và có một kết luận là Trung Quốc không xem chiến lược giống như cách của người Mỹ. Trong khi người Mỹ có xu hướng hành động trực tiếp, người Trung Quốc đã thường hành động gián tiếp hơn là trực tiếp, chuộng sự mơ hồ và lừa dối hơn sự rõ ràng và minh bạch. Một kết luận khác cho rằng văn học Trung Quốc và những bài viết về chiến lược đánh giá cao sự dối trá. [Như thấy trong Tam thập lục kế rút ra từ thời Chiến quốc, Tam Quốc – TM]

Hai mươi nămsau, Nathan Leites, nổi tiếng với nghiên cứu văn hóa phân tâm học, nhận định:
Tắc phẩm của Trung Quốc về chiến lược từ Tôn tử tới Mao Trạch Đông đã nhấn mạnh đến sự lừa dối hơn nhiều học thuyết quân sự khác. Lừa dối là kế sách của Trung Quốc nhằm vào việc làm cho đối thủ có hành động bất lợi và mất chú ý bảo vệ sự toàn vẹn kế sách của chính mình.

Giả thiết sai thứ năm: Phe diều hâu của Trung Quốc yếu

Trong những năm cuối thập niên 1990, dưới thời chính quyền Clinton, tôi được Bộ Quốc phòng và CIA giao nhiệm vụ để tiến hành một cuộc xem xét nghiệm chưa từng để biết khả năng của Trung Quốc để đánh lừa Mỹ và hành động của TQ từ trước đến nay trong phạm trù này.

Sau mọt thời gian, tôi đã khám phá ra những đề nghị của phe diều hâu Trung Quốc (ưng phái, 鹰派) với lãnh đạo Trung Quốc để đánh lừa và thao túng giới hoạch định chính sách của Mỹ để có được thông tin tình báo và quân sự, công nghệ, và viện trợ kinh tế. Tôi học được rằng nhóm diều hâu đã tư vấn cho giới lãnh đạo Trung Quốc, bắt đầu từ Mao Trạch Đông, để trả thù cho một thế kỷ bị sỉ nhục và khao khát thay thế Hoa Kỳ làm lãnh đạo kinh tế, quân sự và chính trị của thế giới vào năm 2049 (kỷ niệm một trăm Cách mạng Cộng Sản).

Kế hoạch này được biết đến qua cái tên “Cuôc chạy đường dài Một trăm năm”. Đó là kế hoạch mà giới lãnh đạo Đảng Cộng sản thực hiện từ khi có quan hệ với Hoa Kỳ.

Khi tôi trình bày những khám phá của tôi về những khuyến nghị của phe diều hâu Trung Quốc về tham vọng của Trung Quốc và chiến lược dối trá, nhiều người trong giới phân tích tình báo và chính quyền Mỹ đã tỏ vẻ hoài nghi. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường xuyên trấn an các quốc gia khác rằng “Trung Quốc sẽ không bao giờ trở thành một bá chủ.” Nói cách khác, Trung Quốc sẽ là quốc gia mạnh nhất, nhưng không thống trị bất cứ ai hay cố gắng thay đổi bất cứ điều gì.

Tuy nhiên, sức mạnh của cuôc chạy đường dài một trăm năm, là những hành động tàng hình. Mượn chữ của bộ phim Fight Club, nguyên tắc đầu tiên của Marathon là không nói về Marathon. Thật vậy, gần như chắc chắn rằng không có một kế hoạch tổng thể nào đang được dấu kín dưới hầm ở Bắc Kinh vạch ra chi tiết của Marathon. Marathon đã được giới lãnh đạo Trung Quốc biết rõ nên không cần phải viết thành văn để tránh khỏi việc bị lộ. Nhưng Trung Quốc đang bắt đầu nói về các khái niệm này (Marathon) một cách cởi mở hơn – có lẽ vì họ biết rằng có thể đã quá muộn cho Mỹ theo kịp.

Tôi quan sát thấy cót sự thay đổi trong thái độ của Trung Quốc trong ba lần viếng thăm TQ trong những năm 2012, 2013, và 2014. Theo tập quán, tôi đã gặp gỡ với các học giả của những think tanks chính của TQ, những người mà tôi đã biết từ nhiều chục năm qua. Tôi trực tiếp hỏi họ về một “Trật tự mới do Trung Quốc dẫn đầu thế giới” – một thuật ngữ mà họ sẽ bác bỏ ngay một vài năm trước đó, hoặc ít nhất họ cũng không dám nói lớn tiếng. Tuy nhiên, thời gian này có nhiều người nói công khai cho rằng trật tự mới, hoặc sự hồi xuân, đang đến, đến nhanh hơn người ta đã chờ đợi. Khi nền kinh tế Mỹ đã bị vùi dập trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Trung Quốc tin tưởng dài dự đoán sự suy thoái không thể phục hồi của Mỹ đã bắt đầu.

Cũng những người đó, những người đã từng trấn an tôi là Trung Quốc chỉ mong có được vai trò lãnh đạo khiêm nhường trong một thế giới mới đa cực đang thành hình – và Đảng Cộng sản chỉ đang thực hiện mục tiêu dài hạn để khôi phục lại vị trí “hợp lý” của Trung Quốc trên thế giới. Trong thực tế, họ nói với tôi rằng họ đã lừa dối tôi và chính phủ Mỹ. Có lẽ với một chút tự hào, họ đã tiết lộ sự thất bại một cách có hệ thống, có ý nghĩa, và nguy hiểm nhất về tình báo trong lịch sử nước Mỹ. Và vì chúng ta không hề nghĩ rằng kế sách Marathon đã khởi động từ lâu nên Mỹ đang thua trận.

Trích từ cuốn “The Hundred-Year Marathon”: Chiến lược bí mật của Trung Quốc để thay thế Mỹ như một siêu cường toàn cầu của tác giả Michael Pillsbury, do Henry Holt và Công ty, LLC. phát hành ngày 10 tháng hai năm 2015. Bản quyền © 2015 Michael Pillsbury. Tất cả quyền được bảo lưu.

© 2015 DCVOnline


Nguồn: Top US analyst: We made 5 dangerously wrong assumptions about China. Michael Pillsbury, Trích từ “The Hundred-Year Marathon”. businessinsider.com. Feb. 9, 2015,







No comments: