Wednesday, February 18, 2015

Câu chuyện một tướng Mỹ và hai phi công Việt Nam Cộng Hòa (Hà Giang/Người Việt)





Hà Giang/Người Việt
Wednesday, January 21, 2015 8:15:59 PM

Về thăm mái nhà xưa Indiantown Gap

Cổng trại Indiantown Gap, Tháng Mười Một, 2014. (Hình: Hà Giang)

Vẫn biết đây sẽ là điểm dừng đầy cảm xúc, nhưng phải đến lúc xe rẽ vào quốc lộ 81 (I-81), lăn bánh trên con đường dẫn vào cổng trại, nhìn thảm lá vàng xen lẫn nâu và đỏ úa, phủ kín hai bên đường, và những dãy barracks màu trắng quen thuộc cắt ngang khung trời, tôi mới lạc hẳn vào vùng ký ức.

Tôi rời trại tiếp cư Indiantown Gap, Pennsylvania, cuối Tháng Chín, 1975, vào một ngày mùa Thu cách đây gần 40 năm.

Indiantown Gap giờ vẫn thế. Vẫn bầu trời nhiều sương, vẫn lá rơi tan tác, nhưng ngày ấy tôi đi tìm tương lai, còn hôm nay, tôi về tìm kỷ niệm. Kỷ niệm của mình, và của hơn 22,000 người Việt tị nạn, đã nương náu nơi đây, trong thời gian chờ tìm người bảo trợ và làm thủ tục định cư tại Mỹ.

Indiantown Gap là tên gọi ngắn của Fort Indiantown Gap, một trong những trung tâm chính của quân đội và lực lượng Vệ Binh Quốc Gia Pennsylvania, được xây cách đây hơn 80 năm. Ngày 14 Tháng Năm, 1975, lãnh đạo của Indiantown Gap được Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ thông báo nơi đây sẽ phải trở thành một trong bốn trung tâm tiếp cư cho người Việt tị nạn. Sáng ngày 19 Tháng Năm, một dự án thi hành được lãnh đạo trại nộp lên. Nửa đêm hôm đó, dự án được chấp thuận, và ngày 27 Tháng Năm, Indiantown Gap đón nhận 341 người Việt tị nạn đầu tiên đến trại.

Bốn mươi năm là một khoảng đời dài, nhưng tôi không làm sao quên được những ngày đầu tiên ở đây. Làm thủ thục nhập trại xong, chúng tôi, mỗi người nhận được một căn cước tị nạn, được phát hai cái chăn len quân đội, hai tấm vải trải giường, một chiếc áo gối, và được dặn kỹ: “Đây là những thứ chính phủ Hoa Kỳ cho mượn, khi ra đi phải trả lại cho trại.”

Cụ Charles B. Oellig, giám đốc bảo tàng viện Indiantown Gap (phải) cho phóng viên
Người Việt xem tài liệu về sinh hoạt trong trại tị nạn. (Hình: Kalynh Ngô)

Buổi tối ra đường, ai cũng quàng lên người chiếc chăn màu xanh cứt ngựa này, dù thời tiết buổi tối Pennsylvania vào cuối Tháng Năm chỉ trên dưới 60 độ F. Chiếc chăn trong thế giới chúng tôi lúc đó bỗng trở thành một loại đồng phục. Hễ cứ thấy người nào chùm nó lên người khi ra đường, là có thể đoán đúng: Họ đã hoàn tất thủ tục nhập trại.
Cũng không bao giờ quên được cảnh ngày ba buổi rủ nhau xếp hàng lãnh cơm. Cơm thì bữa vừa miệng, bữa không, nhưng cứ đến giờ là chúng tôi ai cũng chăm chỉ xếp hàng. Hàng càng dài càng tốt, vì như thế mới có dịp chuyện trò lâu với người cùng cảnh ngộ. Nói đến ăn cơm, cũng không thể không nhớ đến nét mặt đầy thương cảm của những người lính Mỹ ân cần múc thức ăn đưa vào tận khay cho chúng tôi.

Ông Phùng Trọng Dũng (phải) vợ và người con trai bảy tháng trước phòng làm giấy
tờ tại trại tị nạn Indiantown Gap, 1975. (Hình: Đại Tá David Smoker cung cấp)

Người Việt tị nạn ngày ấy được ở các khu (area) 3, 4, 5 và 6. Mỗi khu có vài chục barracks bằng gỗ, mỗi barrack chứa hàng trăm gia đình. Trong không gian dành cho mỗi gia đình, với diện tích khoảng 3.75 mét vuông một đầu người, vợ chồng con cái chia nhau ngủ trên những chiếc giường tầng. Phân cách các gia đình là một tấm ván cao chưa tới đầu người. Đêm đến, người ta có thể nghe thấy tiếng hàng xóm hai bên thì thầm nói chuyện, rù rì cầu kinh, tiếng thút thít khóc, thậm chí cả tiếng thở dài. Và cả những cái vặn mình trăn trở.
Khu này đến khu kia cách nhau khá xa, phải được xe buýt của trại đưa đi. Ngồi trong chiếc xe buýt cao, qua những con đường ngoằn ngoèo, chúng tôi có thể thấy được những khoảng đồi thơ mộng trước mặt, lá phong đỏ ối hai bên đường.

Ngoài việc xếp hàng đi ăn cơm, chúng tôi cũng hay bận rộn đứng đón xe buýt đi lang thang từ khu này đến khu kia. Đi để tìm người quen, để xem chiếu bóng, để vào thư viện, để dò la tin tức, nhưng quan trọng hơn cả, để tự trấn áp những nỗi hoang mang trong lòng, những băn khoăn về tương lai và nỗi lo lắng cho người thân còn ở lại. Đi vì không thể ngồi yên một chỗ.

***
“Miên man trong trí nhớ, xe đã đưa chúng tôi đến Visitor Center lúc nào không hay. Nữ Đại Tá Angela King Fizer thuộc phòng Quan Hệ Công Chúng (Public Affairs) đón chúng tôi bằng cái bắt tay và nụ cười niềm nở: “Welcome back to Indiantown Gap,” bà nói.

Một đám đông dân Mỹ mang biểu ngữ “Welcome to America” đến phi trường Harrisburg International Airport, thành phố Harrisburg, Pennsylvania đón chào đoàn tị nạn đầu tiên đến tiểu bang này, 27 Tháng Năm, 1975. (Hình: Critical Past)

Làm thủ tục an ninh xong, chúng tôi mỗi người được cấp một thẻ báo chí, một bản đồ, sau khi nghe dặn dò chỉ được phép lái xe và chụp hình trong khu mình vừa được cho phép đi thăm.

Chúng tôi lái xe đi vòng vòng ở những khu ngày xưa có người Việt sinh sống. Những barracks được xây từ thời Đệ Nhị Thế Chiến, giờ hầu hết đã được tân trang lại. Ở khu 3, họa hoằn lắm mới còn lại vài barracks còn giữ được hình dạng nguyên thủy.

Xe đang từ từ lăn bánh, một barrack với những bậc thang ở cửa không hiểu sao trông rất quen thuộc hiện ra trước mắt khiến tim tôi đập mạnh. Đòi xe dừng lại, tôi bước xuống ngồi lên bậc thang cao nhất, chống cằm tư lự, như đã làm không biết bao nhiêu lần trong thời gian ở đây.

Nét mặt lo lắng hoang mang của một phụ nữ Việt trên chuyến xe buýt từ Harrisburg,
Pennsylvania về Indiantown Gap, 27 Tháng Năm, 1975. (Hình: Cựu Đại Tá George Padar cung cấp)

Cảnh cũ còn đây, người xưa đâu rồi? Những đồng hương của tôi ngày ấy đã tan biến vào dòng đời khắp nơi trên nước Mỹ, chắc giờ không còn ai ở quanh đây?

Kho tàng lịch sử

Bảo tàng viện. Cái tên rất oai, nhưng bảo tàng viện của Indiantown Gap lại nằm khiêm nhường trong một barrack cũ kỹ như bao barracks khác xung quanh. Bước lên những bậc thang gỗ đã bạc màu sơn dẫn vào cửa, cảm tưởng đầu tiên của tôi là bảo tàng viện của trại sao nghèo đến thế.

Cụ Charles B. Oellig, 78 tuổi, giám đốc viện bảo tàng, cũng là sử gia của trại, một thiện nguyện viên làm việc toàn thời gian ở đây từ năm 1998, đón chúng tôi như đón khách quý, hay đúng hơn, như đứa con đi xa lâu ngày trở về nhà.

Một nhóm trong số người Việt tị nạn đầu tiên đến trại Indiantown Gap, Pennsylvania, 27 Tháng Năm, 1975. (Hình: Critical Past)

“Nghe nói cháu tị nạn ở đây bốn mươi năm trước phải không? Cảm ơn cháu đến thăm.” Cụ hỏi nhưng như không cần nghe câu trả lời, và tiếp, “Từ hồi tôi làm việc ở đây đến giờ, tính ra có lẽ cháu là người thứ 30 về thăm trại.” Câu nói của cụ làm tôi chạnh lòng. Chúng tôi hơn 22,000 người ở đây, mà mới chỉ có 30 người tìm về?

Nghe tôi giải thích lý do đến thăm, cụ reo vui, “Cháu ở đây được bao lâu? Nửa ngày thôi à? Gần đây có Đại Tá về hưu David Smoker, con trai của cố Thiếu Tướng Frank H. Smoker, người thành lập ra bảo tàng viện này, và cũng là người bảo lãnh một người phi công Việt Nam, rồi nhận làm con nuôi một gia đình phi công Việt khác. Cháu có nán lại để gặp ông ta được không? Để tôi gọi điện thoại cho Đại Tá Smoker ngay.”

Sau khi đưa chúng tôi đi một vòng xem những phòng trưng bày ở tầng dưới, cụ Oellig bảo lên lầu vào kho lưu trữ. Ở đây, cụ hãnh diện khoe nhiều tài liệu liên quan đến vận hành của trung tâm tị nạn, trong đó quý giá nhất là hai tập giấy lớn có bìa cứng, gồm đủ mọi số báo “Đất Lành,” được phát hành mỗi ngày, từ ngày mở cửa cho đến ngày đóng trại, để cung cấp tin tức cho mọi người.

Tờ báo Đất Lành, được phát hành hàng ngày tại trại Indiantown Gap để phục vụ người Việt tị nạn. (Hình: Hà Giang)

“Cách đây lâu rồi, một người Việt Nam đến tìm tôi cho xem hai tập báo này, hỏi có muốn mua không? Tôi gật đầu ngay, dù lúc đó chưa biết sẽ xoay tiền thế nào,” cụ tâm sự.

Nhìn chúng tôi chăm chú lật từng trang báo, cụ gật gù hài lòng, dặn dò trước khi bước đi: “Cứ tự nhiên xem đi nhé. Tôi đi tìm tên, số phôn và email của những người liên quan để còn kịp đưa cho các cháu.”

Báo Đất Lành, số ra ngày Thứ Sáu, 30 Tháng Năm, 1975: Hướng dẫn các thủ tục giấy tờ.
Số ra ngày Thứ Bảy, 31 Tháng Năm: Ân nhân bảo trợ là gì? Trách nhiệm của người bảo trợ.
Số ra ngày Chủ Nhật, 1 Tháng Sáu: Giá vàng $180/ounce, tìm hiểu các cuộc phỏng vấn của cơ quan thiện nguyện.
Số ra ngày Thứ Hai, 2 Tháng Sáu: Phải làm gì sau khi tới trại Indiantown Gap?

Người Việt tị nạn dò tên mình trong danh sách những người đã được cấp thẻ căn cước tại trại Indiantown Gap, 8 Tháng Sáu, 1975. (Hình: Critical Past)

Lật thêm một vài trang, đồng nghiệp tôi dừng tay, buột miệng, “Có đi đến đây mới thấy thật thương người Mỹ!”

Chúng tôi vùi đầu vào kho tàng lịch sử ấy một thời gian không biết bao lâu. Và chỉ thỉnh thoảng dừng lại khi cụ Oellig dẫn vào một người để giới thiệu. Họ là những người làm việc ở Indiantown Gap, ở độ tuổi 60, là cựu chiến binh, và ai cũng nhắc đến những người tị nạn Việt Nam với ít nhiều thiện cảm.

Đang loay hoay trả tiền mua cuốn “Back at the Gap, the history of Indiantown Gap” để giúp cụ Oellig gây quỹ cho bảo tàng viện, trước khi chuẩn bị ra về, một người đàn ông cỡ tuổi 60 hối hả bước vào.

“Đại Tá David Smoker đến kịp rồi!” Cụ Oellig reo lên.

Đại tá Smoker cho biết ông đi họp ở gần đây, nghe lời nhắn của cụ Oellig nên ghé qua ít phút để “giúp nhà báo” liên lạc với “gia đình người em nuôi Việt Nam của chúng tôi.”
“Dũng và Lợi ở gần đây lắm, ngay trong quận Lebanon này, cách đây chỉ khoảng 15 miles thôi.”

Một binh sĩ phục vụ tại trại Indiantown Gap trong chiến dịch Operation New Life, ân cần trao đĩa cơm cho người Việt tị nạn tại trại Indiantown Gap, 27 Tháng Năm, 1975. (Hình: Critical Past)

Giờ thì đến lượt Đại Tá Smoker gọi điện thoại. Để lại lời nhắn cho gia đình người em nuôi xong, Đại Tá David Smoker bắt đầu câu chuyện, “Dũng, Lợi gọi bố mẹ tôi là Mom and Dad. Họ gặp mẹ tôi mỗi tuần vài lần, còn nhiều hơn tôi gặp mẹ nữa.” Ông David đùa, rồi kể tiếp, “Cha tôi hồi đó là phi công. Vào cuối thập niên 1950, ông lái máy bay vận chuyển C-121 đi khắp thế giới, trong đó có năm chuyến vào Việt Nam. Năm 1975, chúng tôi cư ngụ ở khu gia binh trong trại này. Khi người Việt đến đây tị nạn, mẹ tôi là một thiện nguyện viên làm việc ở thư viện trong khu 4. Tại đây cha mẹ tôi gặp ông Liêm Trường, một phi công lái trực thăng trong quân đội VNCH.”

“Tôi thì lúc đó là một kỹ sư quân đội 23 tuổi, cũng làm việc ở khu 4, đào đường đặt ống nước. Chúng tôi từ những ngày đầu tiên đã cảm nhận là người Việt Nam rất hiền hòa dễ thương, và lập tức bị họ thu hút,” ông nói.

“Thoạt đầu cha mẹ tôi chỉ bảo lãnh cho Liêm Trường, người phi công độc thân. Nhưng rồi khi họ gặp anh Dũng, chị Lợi, thấy họ có đứa con nhỏ chưa đầy một tuổi, người vợ lại có thai, nên không nỡ bỏ họ bơ vơ.”

Đã bắt tay tạm biệt, và dợm bước đi, ông David Smoker còn quay lại, “À quên, người con trai út của Dũng và Lợi giờ là sĩ quan trong Không Quân Hoa Kỳ. Tôi hãnh diện về cháu lắm. Cô nhất định phải tiếp xúc với họ để nghe họ kể chuyện.”

Thấy thương người Mỹ

Gần hai tuần sau chuyến đi, tôi mới liên lạc được với chị Lợi qua điện thoại.

Một barrack tiêu biểu trong khu 4 của trại tị nạn Indiantown Gap, Pennsylvania, nơi tạm trú của người Việt tị nạn trong khi chờ được định cư ở Hoa Kỳ. (Hình: Hà Giang)

Sau khi nghe tôi giới thiệu, chị reo lên với chồng: “Anh, anh ơi, cô nhà báo Người Việt gọi nè.”

Rồi trở lại với tôi, chị nói, “Bà bảo trợ em cũng đang ở đây nè, đang nhắc về chị, thì điện thoại chị gọi tới. Thật là hay.”

Tôi xin phép được chào bà quả phụ Frank H. Smoker. Chị Lợi quay qua bảo con, “Go ask Grandma if she can come to the phone.” (Con hỏi bà xem bà có nói chuyện điện thoại được không?)

Cụ bà Smoker nói chuyện thân tình, lịch sự, và chỉ nghe giọng nói ân cần của bà, tôi chợt thoáng hiểu ra tại sao gia đình người phi công này từ bao nhiêu năm nay đã không rời khỏi nơi đầu tiên đến Mỹ.

Chị Lợi kể, “Nhà em hồi xưa ở trong quân đội, ảnh lái trực thăng đưa người ra hàng không mẫu hạm. Lúc đó họ không cho ảnh chở vợ con ra tàu, phải chở lính đi trước, rồi mới quay về chở gia đình trong sư đoàn đi sau. Nhưng khi ra tới hàng không mẫu hạm thì không còn xăng về nữa, ảnh bỏ luôn chiếc máy bay. Tụi em ở nhà, cứ chờ hoài chờ hoài không thấy, tưởng ảnh rớt xuống biển rồi. Thế là lạc nhau, qua tới bên Guam mới gặp lại. Lúc đến trại Indiantown Gap, tụi em có đứa con trai đầu mới được bảy tháng.”

Ông Phùng Trọng Dũng (phải) với vợ và đứa con bảy tháng trong ngày đầu tiên được đón về nhà người bảo trợ là cố Thiếu Tướng Frank H. Smoker (trái), tại khu gia binh Indiantown Gap, 1975. (Hình: Ông Phùng Trọng Dũng cung cấp)

Nhắc đến ông bà Smoker, anh Dũng hồi tưởng, “Cảm động nhất là ngày chúng tôi được báo không được bảo trợ đi tiểu bang Georgia nữa, dù trước đó họ đã nhận. Tôi buồn và lo lắng lắm, tâm sự với người bạn tên Liêm. Anh Liêm đã được gia đình Thiếu Tướng (lúc đó còn là đại tá) Frank H. Smoker bảo trợ ra trại trước đó mấy tuần, và trở vào trại làm ở Trung Tâm Tiếp Khách (Visitor Center). Ngay đêm hôm đó, vào lúc 9 giờ tối, ông Smoker cùng với Liêm đến tận barrack tôi ở để gặp, và nói sẽ bảo trợ gia đình tôi về với gia đình ông ấy. Ông Smoker lúc đó là “Commander of the Pennsylvania Air National Guard” ở Gap. Tôi cảm động nhận lời và ngay sáng hôm sau ông ấy làm thủ tục giấy tờ đưa chúng tôi về nhà.”

Chị Lợi kể tiếp, “Bảo lãnh ra, tụi em ở với ông bà được một năm. Lúc đó buồn lắm. Mất gia đình, mất nhà, mất nước, mất hết, buồn thê thảm. Em khóc hoài, đi đâu khóc đó. Ông bà thấy mình buồn, cứ Tết đến lại mời nhiều gia đình người Việt xung quanh đến nhà ông bà tổ chức ăn Tết. Sau khi ở chung một năm, có việc làm, tụi em ra ngoài mướn nhà ở, thì ông xã em lái xe đi làm bị đụng xe, tưởng chết. Ông bà lúc đó lại gọi về bảo bọc. Lại về nhà ở với ông bà thêm mấy tháng nữa. Ông bà tốt quá, coi mình như con ruột, coi mấy đứa con mình như cháu ruột. Mấy đứa con tụi em, tụi nó lớn lên với ông bà, thương mến ông bà lắm, coi như là ông bà nội, ông bà ngoại. Bởi thế nên tụi em không muốn đi đâu, cứ sống ở đây từ hồi đó đến giờ.”

Ông Phùng Trọng Dũng (phải, đứng), chị Lợi (ngồi với con), và Đại Tá Frank Smoker
(thứ hai từ phải, đứng) và vợ ông là bà Kathleen Smoker (thứ hai từ phải) cùng bạn là phi công Liêm Trường (thứ hai từ trái), tại thư viện Indiantown Gap, 1975 (Hình: Đại Tá David Smoker cung cấp)

Anh Dũng nói thêm, “Ông bị bệnh qua đời đã hơn ba năm nay. Bà giờ còn một mình, chúng tôi càng không muốn rời bỏ quận Lebanon này.”

Vâng, không thể bỏ đi được, vì ở với ông bà bảo trợ, chị Lợi và anh Dũng tìm ra được một gia đình thứ hai, mà không ai muốn bỏ gia đình mà đi.

Anh Dũng cho biết hai đứa con trai của anh chị vì ảnh hưởng của “ông’’ (Smoker) đã cùng gia nhập chương Air Force ROTC (chương trình đào tạo sĩ quan Không Quân Hoa Kỳ) khi vào học Penn State University. Người con lớn tên Mạnh nay đã 40 tuổi, ở trong không quân hơn 5 năm và ra với cấp bậc Đại Úy, còn người con út tên Tiến, 33 tuổi, hiện còn trong quân ngũ với cấp bậc Thiếu Tá, hiện là phi công lái phi cơ chuyển vận C-17. Còn người con gái tên Thảo, 38 tuổi, tốt nghiệp đại học năm 1996 ngành Nursing, có việc làm tốt.

Gia đình ông Phùng Trọng Dũng chụp hình lưu niệm với vợ chồng ông bà bảo trợ trong dịp con trai út là Tiến Phùng lên lon Thiếu Úy trong Không Quân Hoa Kỳ năm 1999. Từ trái: Mạnh Phùng, cố Thiếu Tướng Frank Smoker, bà Kathleen Smoker, Thảo Phùng, Lợi Phùng, Dũng Phùng. (Hình: Đại Tá David Smoker cung cấp)

Nói về người Mỹ, anh Dũng kết luận, “Tôi nghĩ rằng người Mỹ họ rất tốt và đa số đều có lòng vị tha, rộng lượng, trừ một thiểu số rất nhỏ kỳ thị mình. Xã hội nào chẳng vậy.”

Người Mỹ họ có tình hay người Việt mình có nghĩa? Chắc là cả hai. Có lẽ thế. Dù sao, càng ngẫm nghĩ, tôi thật càng thấy thương người Mỹ.







No comments: