Hà Giang/Người Việt
Tuesday,
February 10, 2015 8:09:16 PM
WESTMINSTER
(NV) - Sau thời gian gần 4 tháng ở Hoa Kỳ, blogger Ðiếu Cày Nguyễn Văn Hải, hôm
Thứ Ba, chính thức thông báo tin mà nhiều người trông đợi, đó là việc Câu Lạc Bộ
Nhà Báo Tự Do sẽ “hoạt động trở lại.”
Sau
nhiều trăn trở trước những sự kiện xảy ra tại Việt Nam như việc ngư dân Thanh
Hóa đi ra Hoàng Sa đánh cá bị ngư dân Trung Quốc bắn, và hàng trăm người dân
oan kéo nhau đi khắp nơi khiếu nại đòi đất bị chiếm đoạt, nhưng “không một tờ
báo nào dám đưa tin cả,” blogger Ðiếu Cày cùng các blogger Uyên Vũ, Thiên Sầu,
Huy Cường và Xuân Lập, quyết định thành lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do vào ngày
19 Tháng Chín, 2007, với mục đích tạo điều kiện cho mọi người dân cất lên tiếng
nói.
Ðiếu Cày (phải) trong buổi phỏng vấn với ký giả Hà
Giang tại tòa soạn nhật báo Người Việt. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Làm
báo tự do ở một nơi mà nhà cầm quyền không cho phép có tự do báo chí là một lý
tưởng, mà vì theo đuổi, nhiều sáng lập viên và thành viên của Câu Lạc Bộ Nhà
Báo Tự Do đã phải trả một giá rất đắt. Với blogger Ðiếu Cày, giá đó được tính bằng
hơn 7 năm dài tù tội, và cuối cùng, để được tự do, ông phải chấp nhận cuộc sống
lưu vong.
Giờ
đây, tại một nơi xa lạ, khi còn phải vất vả đối phó với những chi tiết của việc
tái định cư, ở lúc tuổi không còn trẻ, blogger Ðiếu Cày vẫn hân hoan cho biết đang
được một số thân hữu cùng chung chí hướng, tiếp tay làm sống lại sinh hoạt của
“câu lạc bộ” ngày xưa.
“Chúng
tôi quyết định giữ cái tên Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, dù đây là nơi có nền tự do
báo chí.” Blogger Ðiếu Cày giải thích vì đây là “một cái tên đã trở thành
quen thuộc” với nhiều người.
Câu
lạc bộ! Cái tên làm người ta hình dung ra một hội quán, nơi các thành viên báo
chí tấp nập lui tới, gặp gỡ.
Nhưng,
với nụ cười hiếm hoi trên khuôn mặt luôn đăm chiêu, blogger Ðiếu Cày kể rằng thật
ra không phải thế. Ông cho biết lúc đó, theo luật của Việt Nam, muốn lập một hội
báo chí thì phải có “100 nhà báo hiện đang làm việc với báo chí nhà nước,” một
điều “không thể nào xảy ra được,” vì thế, ông và các đồng sáng lập viên đã chọn
cái tên “câu lạc bộ” để tránh khỏi phạm luật.
Blogger
Ðiếu Cày cho biết trước khi thành lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, ông đã sử dụng
blog, từ thời Yahoo 360 để chia sẻ hình ảnh của những chuyến đi đó đây khắp Việt
Nam. Nhưng chính cũng qua những chuyến đi đó, mà ông có dịp thấy rõ hơn hiện
tình đất nước, trong đó đặc biệt tình cảnh của người ngư dân bị Trung Quốc bị tấn
công mà không một ai bảo vệ, khiến ông bắt đầu băn khoăn với câu hỏi làm sao để
có hàng trăm hàng ngàn tờ báo tự do, chống lại chính sách bưng bít thông tin của
truyền thông nhà nước.
Nhớ
lại bối cảnh ra đời của câu lạc bộ, blogger Ðiếu Cày ngậm ngùi:
“Năm 2006, năm 2007
có nhiều sự kiện xẩy ra, như việc ngư dân Thanh Hóa đi ra Hoàng Sa đánh cá bị
ngư dân Trung Quốc bắn, phải chạy về đất liền, nhưng không một tờ báo nào đưa
tin. Lúc đó blogger Phạm Thanh Nghiên từ Hải Phòng đã vào Thanh Hóa để viết
bài, và đưa lên blog mình, thì sau này cô ấy đã bị 4 năm tù. Và ngay trước văn
phòng 2 của Quốc Hội ở Sài Gòn, hàng nghìn người dân từ các tỉnh miền Tây lên
biểu tình đòi quyền lợi về đất đai cả tháng trời, nhưng không một tờ báo nào của
chính quyền đăng tin. Lúc đó chúng tôi hiểu rằng toàn bộ hệ thống truyền tin đã
nằm trong tay chính quyền cộng sản, và họ đã làm ngơ trước những nỗi khổ của
người dân, vì vậy chúng tôi thảo luận với nhau nhiều, về vấn đề tại sao báo chí
Việt Nam lại không cất lên tiếng nói của người dân, và làm cách nào để đưa lên
tiếng nói của họ.”
Là
những blogger, ông và các bạn nhận ra rằng với những trang blogs được nhiều người
đọc, người dân sẽ có thể cất lên tiếng nói, kêu gọi được sự chú ý quan tâm của
nhiều người, và “có ý tưởng sử dụng blog để làm báo từ lúc đó.”
“Ở
bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, khi có một sự kiện xảy ra thì không thể có ngay một
nhà báo đến phỏng vấn đưa tin, nhưng ở đâu cũng có người dân, chỉ với một điện
thoại nhỏ bé họ có thể quay phim, chụp ảnh, ghi âm lại sự kiện và gửi tới cộng
đồng, như vậy là họ đã làm báo, họ chính là những nhà báo công dân.”Ông nhớ đã
cùng bạn bè suy nghĩ.
Dần
dà ý niệm “mỗi blogger là một nhà báo công dân” trong ông thành hình. Với sự
phát triển không ngừng của kỹ nghệ thông tin, Blogger Ðiếu Cày nhớ đã từng mơ sẽ
có hàng trăm, rồi hàng nghìn nhà báo công dân chống lại các tờ báo nhà nước.
Từ
bài tường trình đầu tiên của nhóm Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do là tin sập cầu Cần
Thơ, nhóm Blogger Ðiếu Cày đã nhanh chóng lọt vào sự chú ý của nhà cầm quyền Hà
Nội.
Vì
vậy, thế giới ít người ngạc nhiên khi chưa kịp đẩy mạnh phong trào, blogger Ðiếu
Cày bị bắt, các đồng sáng lập viên và nhiều thành viên nòng cốt khác như
blogger Tạ Phong Tần, người bị bắt giam, người gặp đủ mọi khó khăn. Sinh hoạt của
Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do gần như bị tê liệt.
“Tôi từng là nạn nhân
trong một cái một hệ thống truyền thông bị định hướng. Khi nhiều sự kiện xã hội
được soi dõi bằng báo chí, thì chúng ta sẽ có dân chủ. Muốn đấu tranh cho dân
chủ, phải bắt đầu từ đấu tranh cho tự do báo chí. Tôi đã ra được đến đất tự do
rồi thì phải tiếp tục con đường mình đã chọn.” Ông tâm sự.
Bảy
năm là một thời gian dài. Kỹ nghệ thông tin đã có những bước tiến nhảy vọt, và
các trang mạng xã hội giờ đây đã trở thành một sinh hoạt hàng ngày không thể
thiếu của hàng tỉ người trên thế giới. Ðược hỏi về sinh hoạt tương lai của Câu
Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, blogger Ðiếu Cày tỏ ra lạc quan.
“Có thể nói tự do báo
chí đang ở trong một hướng đi tốt. Từng hoạt động ở trong nước, từng bị tù tội,
hiểu được nhu cầu, những thử thách của các blogger trong nước phải đối diện,
tôi tin rằng sự có mặt của tôi tại một nơi mà tự do báo chí là việc hiển nhiên,
chắc chắn sẽ giúp được nhiều cho phong trào.” Blogger Ðiếu Cày nhận định.
“Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự
Do rất cần và mong đợi sự hỗ trợ của mọi cơ quan truyền thông, chúng tôi không
cạnh tranh báo chí, không có mục đích thương mại.” Ông nói.
Blogger
Ðiếu Cày cho biết hiện ban biên tập gồm nhiều thành viên ở Mỹ đang nỗ lực để
cho ra đời một website mới, hy vọng sẽ được trình làng một ngày gần đây.
––
Liên lạc tác giả: hagiang@nguoi-viet.com
Liên lạc tác giả: hagiang@nguoi-viet.com
No comments:
Post a Comment