19.02.2015
Cuối
tuần qua tôi đi chơi Hội Tết San Francisco. Đây là Hội Tết lần thứ 19 của cộng
đồng người Việt tại thành phố này, những năm trước được tổ chức tại khu Little Saigon
trên đường Larkin, từ hai năm qua dời về United Nations Plaza, gần toà thị
chính.
Năm
nay là Tết Ất Mùi. Đã bốn lần qua can Ất kể từ Tết Ất Mão 1975 là cái Tết cuối
cùng của Việt Nam Cộng hòa. Đó cũng là dấu mốc thời gian 40 năm từ ngày người tị
nạn Việt đến Hoa Kỳ định cư.
Ngày
nay nhắc đến cộng đồng người Mỹ gốc Việt, được biết đến nhiều nhất là Quận Cam ở
miền nam Caifornia và San Jose ở miền bắc. Nhưng San Francisco đã là tụ điểm
sinh hoạt đấu tranh của người Việt California trong những năm đầu, trước cả Quận
Cam, trước cả San Jose vì tính cách quốc tế của thành phố này.
Ngày
Chủ Nhật 8/2 tại thư viện chính của thành phố có chương trình “40 Years: a Commemoration of the
Vietnamese Refugee Resettlement” – 40 Năm: Kỷ niệm Định cư Người Việt Tị nạn –
gồm triển lãm, hội thảo, văn nghệ do Trung tâm Văn hoá Âu Cơ và thư viện San
Francisco phối hợp tổ chức.
Là
một trong số những người Việt đầu tiên đến định cư tại vùng Vịnh San Francisco,
tôi tham gia hội thảo cùng với kỹ sư
Khương Hữu Điểu, cựu thứ trưởng kinh tế Việt Nam Cộng hoà và luật sư Mỹ Linh Nguyễn, là hai người
thuộc thế hệ thứ nhất và thứ hai còn tôi thuộc thế hệ 1.5.
Kỹ
sư Điểu nói về nền kinh tế Việt Nam Cộng hòa và lí do người Việt ra đi là vì “Kissinger đã bán đứng miền Nam cho cộng sản,
sau chuyến đi Trung Quốc uống chè với Chu Ân Lai vào năm 1972”. Luật sư Mỹ
Linh Nguyễn, con gái của một gia đình thuyền nhân vượt biển được sinh ra ở Mỹ,
tốt nghiệp Đại học Berkeley và trường luật Hasting, nói về nguyên do tại sao cô
gắn bó với truyền thống văn hoá Việt.
Phần
trình bày của tôi về hành trình đến Mỹ và trải nghiệm, hiểu biết của mình về cộng
đồng người Việt San Francisco, bắt đầu từ cuộc di tản năm 1975 với 130 nghìn
người; làn sóng vượt biển, vượt biên với hơn một triệu trong đó khoảng 300 nghìn
người đã không đến được bến bờ; rồi chương trình định cư cựu tù cải tạo H.O., định
cư con lai, vượt biển hồi hương ROVR.
Tôi
rời Việt Nam chiều 29/4/1975 trên một con tàu không máy. Sau nhiều ngày lênh
đênh trên biển và ba tháng qua nhiều trại tị nạn, tôi đến định cư tại thành phố
Berkeley vào tháng 8/1975 cùng với gia đình ông anh họ là thẩm phán Trần An
Bài.
Lúc
đó không quen ai ở San Francisco, thành phố du lịch nổi tiếng với cây cầu
Golden Gate bắc ngang cửa vịnh và chỉ cách Berkeley 15 phút lái xe. Còn San
Jose cách Berkeley một giờ xe vẫn là nơi xa lạ.
Đi
học ESL ở Berkeley Adult School gặp vài người Việt như gia đình cô Nga Vũ, ông
bà Đỗ Điện Thoại là chủ cơ sở Kim Sơn ấn quán chuyên in vé số ở Sài Gòn, có ông
giáo Nguyễn Văn Sáng nguyên là trưởng ấp ở khu Ngã ba Ông Tạ, quê tôi. Có kỹ sư
Chương mới từ Đức qua. Vào đại học cộng đồng College of Alameda biết thêm anh
Chương (còm), anh Thông Trần, chị Bích anh Thuận, anh em Sơn Trần là những đồng
hương đầu tiên quanh vùng Đông Vịnh (East Bay).
Năm
1977 chuyển lên Đại học Berkeley, khi đó mới quen vài sinh viên từ San
Francisco như các anh Dư Minh Trọng, Nguyễn Trọng Vũ, Khánh Nguyễn là những người
được bầu vào ban chấp hành Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học Berkeley sau khi
hội thành lập đầu năm 1979. Anh Trọng làm tổng thư ký đầu tiên, sau đó anh Vũ
làm trưởng ban sinh hoạt và anh Khánh làm chủ tịch. Tôi làm trưởng ban văn hoá
và trưởng ban học tập vài nhiệm kỳ. Tôi và anh Khánh, nay là một trong những cột
trụ của của Trung tâm Âu Cơ, đã cùng nhau tham dự nhiều sinh hoạt cộng đồng.
Mỗi
độ tháng Năm trong trường có tuần lễ di sản văn hoá châu Á Thái Bình Dương,
chúng tôi qua San Francisco mượn đồ kỷ niệm từ Việt Nam như lư đồng, tranh ảnh
của gia đình anh Vũ hay của bác Nguyễn Phú Biên, nguyên giám đốc Mỹ Vân Film ở
Sài Gòn, để trưng bày tại Spoul Plaza cùng với các hội sinh viên bạn.
Sinh
viên làm văn nghệ lần đầu tiên vào tháng Tư 1980 với kịch thơ Hận Nam Quan và
phải mượn khăn đóng áo dài của học giả Đào Đăng Vỹ, nhờ Đoàn vũ Gia đình Phật tử
Oanh Vũ từ San Francisco giúp cho chương trình vài màn múa. Đàn tranh nhờ chị
Ngọc Dung, cựu giáo sư trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn; sáo trúc nhờ anh Bùi
Duy Long từ San Jose.
Vào
thời điểm đó thật là khó kiếm ra nón lá, áo tứ thân hay những nhạc cụ Việt. Mấy
bạn sinh viên nam nữ hát hò ba miền, mặc áo bà ba cũng phải đi mượn từ nhiều
nơi.
Qua
sinh hoạt sinh viên và cộng đồng tôi biết được một số người Việt sống ở San
Francisco, có đô trưởng cuối cùng của Sài Gòn là Chuẩn tướng Đỗ Kiến Nhiễu, có
cựu Đại tá Nguyễn Khuyến, các giáo sư Lê Thức Lân, Chung Hoàng Chương, bác Lê
Văn Hoàn là một dịch giả, anh Đặng Đức Cảnh là cựu sĩ quan. Có anh Nguyễn Đức
Long từ trường City College of San Francisco cũng thích làm báo sinh viên nên
chúng tôi thân nhau.
Với
người Việt tị nạn lúc đó, San Francisco là trung tâm để đấu tranh cho nhân quyền
ở quê nhà vì có các cơ sở ngoại giao và đông du khách.
Dịp
30/4 biểu tình trước toà thị chính. Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12 biểu tình tại
United Nations Plaza rồi tuần hành ra đường Market là trung tâm du lịch.
Tổng
lãnh sự quán của Liên bang Xô-Viết trên đường Green cũng là nơi đồng bào tập họp
biểu tình cùng với những sắc dân Lithuania, Latvia, Estonia vào tháng Bảy, dịp
tưởng niệm “Ngày những Quốc gia bị Cộng sản Chiếm đóng”.
Từ
năm 1998, khi có Tổng Lãnh sự quán Việt Nam thì các cuộc biểu tình tập trung về
đây. Cơ sở ngoại giao của Trung Quốc trong một thập niên qua cũng thường có người
Việt kéo đến biểu tình phản đối Bắc Kinh hung hăng gây hấn trên Biển Đông.
Về
ẩm thực, những năm cuối thập niên 1970 quanh Berkeley, Oakland chưa ai mở quán
ăn Việt. Khi đó tôi chỉ biết San Francisco có ba nhà hàng Việt là Golden
Turtle, Mai và Cordon Bleu. Rùa Vàng nổi tiếng với bún bò Huế, Mai với những
món xào. Tiệm Mai là nơi tôi hay đưa các bạn Mỹ đến để giới thiệu với họ về ẩm
thực Việt Nam. Hai tiệm này ở khu đường Geary, Clement, giữa các đường số 5 và
12. Cordon Bleu trên đường Polk bán thức ăn Việt nấu kiểu Pháp và giá cao nên
sinh viên ít ghé. Khu Tenderloin có một số người Việt nhưng chưa thấy quán ăn.
Ngày
nay với đông người Việt sinh sống, khu Tenderloin hiện có 3 trăm cửa hàng của
người Việt trên những phố loanh quanh đó. Trụ sở tuần báo Mõ San Francisco của
ông Huỳnh Lương Thiện, đã phát hành đến số 1430, cũng ở đây. Năm 2004, thành phố
chính thức đặt tên khu vực đường Larkin từ Eddy đến O’Farrell là Little Saigon.
Nơi
đây có đủ các món ăn bình dân của người Việt, lâu đời có phở Thái Bình Dương,
phở bắc chính gốc là Tower Turtle đã 15 năm tuổi, có Bánh mì Lee’s, có cơm phở
Hà Nam Ninh, dịch vụ chuyển tiền, tiệm tạp hóa, rau cỏ, cây trái.
Ở
những khu sang trọng trong thành phố cũng có quán Việt như Slanted Door của
Charles Phan đã hân hạnh đón Tổng thống Bill Clinton ghé ăn, có nhà hàng Ana
Mandara với đầu bếp nổi tiếng Khải Dương, có quán Le Colonial.
Xuân
về, những năm đầu xa xứ người Việt San Francisco đón tết trong hội trường một
trường học ở khu Sunset do Trung tâm Định cư Đông Nam Á tổ chức, lúc đó ông
Michael Huỳnh làm giám đốc, rồi đến ông Vũ-Đức Vượng, ông Philip Nguyễn. Hội chợ
chỉ chừng hơn chục gian hàng, bán vải áo dài, hoa, bánh chưng, giò lụa. Chưa có
các loại mứt. Văn nghệ đơn sơ cây nhà lá vườn.
San
Francisco đất hẹp nhưng người đông, với 840 nghìn cư dân. Cư dân gốc Việt khoảng
20 nghìn, không đông như San Jose, nhưng từ 15 năm qua Hội Tết San Francisco tại
Little Saigon đã là một sinh hoạt văn hoá thu hút hàng vạn khách du xuân đến từ
nhiều nơi và lễ khai mạc đều có sự tham dự của thị trưởng, nhiều giám sát viên,
quan chức thành phố và dân cử tiểu bang.
Trung
tâm Văn hóa Âu Cơ hoạt động từ 25 năm qua, với các lớp dạy tiếng Việt, nhạc cụ
cổ truyền, ca vũ cho các em thiếu nhi. Qua tham gia sinh hoạt với trung tâm, luật
sư Mỹ Linh Nguyễn đã có thể nói tiếng Việt suông sẻ và biết trân quí những nét
đẹp của văn hoá Việt.
Âu
Cơ đã cùng với Trung tâm Cộng đồng Việt Nam, Hội H.O., Hội Cao niên, Hội Phụ nữ
đóng góp nhiều cho Hội Tết, Trung Thu, Giỗ tổ Hùng Vương và cho các sinh hoạt
đa văn hoá của thành phố để phô diễn những nét đẹp truyền thống Việt.
Năm
2008 một người gốc Việt là ông Steve Ngô trúng cử Hội đồng Giáo dục San
Francisco Community College và tái đắc cử năm 2012. Làm việc tại tòa thị chính,
cuối thập niên 1970 đã có ông Vũ Đắc. Hơn một thập niên qua có ông Phạm Thư
Đăng là một công chức cấp cao.
Hôm
đi chơi Hội Tết Ất Mùi tình cờ gặp anh Hoàng là một người đã sống và làm việc ở
San Francisco lâu năm. Anh là nhân viên sở xã hội, sau đó làm cho sở nhân lực
thành phố và nay đã về hưu. Nói chuyện mới biết hành trình đến Mỹ của chúng tôi
có nhiều điểm giống nhau. Anh là cựu chiến sĩ hải quân, rời Việt Nam đến Subic
Bay ở Philippines, rồi qua Guam, qua trại tị nạn Camp Pendleton, trước khi được
bảo trợ ra định cư ở Santa Cruz. Ở đó không lâu thì anh dọn về San Francisco.
Tôi
cũng đã có những ngày đầu xa quê hương sống trong những trại tị nạn đó. Gặp
nhau kể lại hành trình đến Mỹ, ôn lại kỷ niệm đời sống trại tị nạn với những tối
đi xem phim hoạt hình, những trận đá bóng, những dụ dỗ xách động đòi hồi hương
cách đây bốn mươi năm nhưng vẫn còn xôn xao trong trí nhớ như mới xảy ra hôm
qua. Từ ngày rời Camp Pendleton đến nay tôi mới gặp được một người láng giềng
cùng trại 5 với mình.
Ngày
25/4 tới đây bộ chỉ huy Camp Pendleton sẽ mở cửa cho người tị nạn trở lại thăm.
Tôi sẽ về lại nơi đó. Sau 40 năm.
©
2015 Buivanphu.wordpress.com
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
--------------------------
VIDEO
:
vietvungvinh Published on Feb 15, 2015
No comments:
Post a Comment