Tư
liệu:
Thứ Bảy, ngày 13 tháng 12 năm 2014
Tinh
thần cầu học: Sự khác biệt giữa Việt Nam và Nhật Bản
Tâm
tính và tinh thần cầu học của quốc gia sẽ đưa lại những ngã rẽ khác nhau, hoặc
phú cường hoặc tụt hậu.
*
Cả Việt Nam và Nhật Bản đều chung không gian văn hóa
Đông Bắc Á, đều có hàng ngàn năm coi Trung Hoa như trung tâm văn minh thế giới.
Nhưng sự khác biệt về tinh thần cầu học đã đem lại số phận khác nhau cho hai quốc
gia, hai dân tộc.
Góc quay lịch sử bắt đầu từ thời cận đại khi gió Tây
thổi bạt Đông(1).
Bản tính dân tộc
Người Nhật là một dân tộc kiêu ngạo, quật cường và
hãnh tiến. Bốn hòn đảo lớn (Hokkaido, Honshu, Shikoku và Kyushu) mà họ sinh sống
giàu có đủ tính biệt lập, bão biển, động đất, … Yếu tố tự nhiên như thế hun đúc
nên bản tính người Nhật “vừa nghiêm khắc vừa mơ mộng”, tuân thủ kỷ luật
xã hội và bảo vệ đến cùng các giá trị Nhật Bản.
Là quốc gia trơ trọi giữa biển khơi nên người Nhật
thực dụng và ham mạo hiểm. Họ học hỏi rất nhiều từ Trung Hoa nhưng không chịu
ràng buộc và không biết “sợ” Trung Hoa.
Vua Trung Hoa xưng Thiên tử, Vua Nhật xưng Thiên
hoàng. Khi hùng mạnh lên, người Nhật sẵn sàng viễn chinh thẳng đến Trung Hoa lục
địa, tướng Toyotomi Hideyoshi từng xâm lược Triều Tiên (cuộc chiến 1592 -1598)
công khai nhắm tới nhà Minh, Lữ Chân (tiền thân của nhà Thanh sau này), Ấn Độ.
Năm 1895, Minh Trị Thiên Hoàng cử quân đánh bại Bắc Dương quân cùng hạm đội Bắc
Dương hùng mạnh của nhà Thanh (2), sáp nhập Đài Loan; Nhật Bản xâm
lược Trung Hoa trong những năm 1937 – 1945; tranh bá Thái Bình Dương với Hoa Kỳ.
Bại trận trong Thế chiến II, những samurai cúi đầu đưa thanh gươm vào bao để mấy
thập niên sau Nhật Bản thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới.
Tất cả đã thể hiện phần nào đặc tính Nhật Bản quyết
liệt và ham chinh phục.
Trong khi đó người Việt sở hữu vùng châu thổ và
trung du Bắc Bộ, mở mang lãnh thổ xuống phương Nam. Được thiên nhiên ưu đãi,
người Việt chỉ cần cày cấy, làm lụng thì ăn mặc không phải lo lâu dần hình
thành tâm tính an phận thủ thường, “dĩ thực vi thiên” (3), óc khám
phá, ham chinh phục ngày một suy yếu (xem thêm Trần Trọng Kim: Việt Nam Sử Lược).
Người Việt nhìn chung cần cù, chuộng hòa bình thích
thanh nhàn, không có tham vọng lớn, không có lòng chinh phục và óc mạo hiểm.
Còn người Nhật thì dám vượt lên áp lực của quá khứ, cầu học để phát triển quốc
gia thịnh vượng.
Câu chuyện trăm năm
Vì tâm tính như vậy nên người Nhật cầu học, vượt
sóng gió, mạo hiểm sinh mạng để tìm lấy những giá trị văn hóa văn minh vun trồng
thêm cho cốt cách của dân nước “mặt trời mọc”. Còn người Việt chỉ biết ngồi nhà
chờ người ta mang tới.
Từ cải cách TaiKa năm 646 đến thời Nara (710 – 794),
người Nhật tới Trung Hoa du học. Phố Đường được hình thành ở Nhật Bản, kinh
thành Naran được xây dựng theo lối Trường An (kinh đô Đế quốc Đường). Các du học
sinh Nhật Bản học và làm quan cho Nhà Đường mấy chục năm đưa về tổ quốc các kiến
thức về văn hóa (bao gồm cả tôn giáo) học thuật, kỹ nghệ Trung Hoa.
Bước vào khúc quanh của lịch sử của thời cận đại, để
bảo vệ và xây dựng quốc gia hùng cường người Nhật lại vượt trùng dương đến Tây
Âu, Hoa Kỳ học hỏi kỹ nghệ, triết học, chính trị, tổ chức và trang bị quân đội…
Điều gì cần cho quốc gia phú cường thì họ đều học lấy và đem về ứng dụng.
Bên cạnh những nhà chính trị và ngoại giao xuất
chúng, họ có nhà tư tưởng Fukuzawa Yukichi (1835 – 1901). Ông không hoạt động
chính trị, xây dựng Keio nghĩa thục (sau là đại học Keio nổi tiếng), cổ vũ cho
tư tưởng "thoát Á", nói rằng người Nhật muốn hùng mạnh phải thoát ra
khỏi cái không gian bí bách "cổ lai hi" Á châu. Fukuzawa Yukichi kêu
gọi người Nhật chung số mệnh với nền văn minh phương Tây, hãy "cùng nhau
bơi nổi trên biển văn minh ấy, cùng nhau tạo ra một làn sóng văn minh ấy, cùng
nhau nỗ lực xây dựng và hưởng lạc những thành quả của nền văn minh ấy?".
Quyến luyến với những gì xưa cũ, chung vai sát cánh với Trung hoa - Triều Tiên
(khi đó) đồng nghĩa với việc bị phương Tây khinh rẻ và tạo nên một "đại bất
hạnh với người Nhật Bản".
Từ thoát Á, dứt khoát đoạn tuyệt cái cũ kỹ mà chưa đầy
30 năm sau khi Thiên Hoàng Minh Trị lên ngôi, Nhật Bản đã sánh vai với các cường
quốc phương Tây.
Còn Việt Nam ta thì khác hẳn. Theo guồng quay lịch sử
cứ cái gì người Việt cần thì rồi sẽ tới, không theo chân các đoàn quân xâm lược
thì cũng theo những đoàn thuyền buôn, nhà truyền giáo. Người Việt ngồi nhà đợi
người ta đem đến rồi tiếp nhận tất thẩy theo lối cưỡng bách, thụ động.
Tâm lý trông chờ, thụ động khiến cho nền triết học của
người Việt không có được tư tưởng đặc sắc, Đông – Tây mỗi thứ đều có chút ít,
không chịu học đến nơi đến chốn. Thời cận đại trong khi người Nhật đạp sóng gió
cầu học khắp phương Tây thì Đại Nam (quốc hiệu Việt Nam từ thời Minh Mạng) coi
Tây Dương là thứ rợ bạch quỷ, di mọi.
Khi đó với Đại Nam với sự cai trị của Nguyễn Triều
những giáo điều cũ kỹ hằn sâu trong tư duy mỗi cá nhân rồi gông cùm tư duy xã hội
bằng những mỹ từ đạo đức của Nho gia; cái đẹp giả lỗi thời bao phủ lên một nội
hàm già cỗi và không còn sức sáng tạo, sức làm mới. Những nhà canh tân như Nguyễn
Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Lộ Trạch… đã không biết cách để có thể dấy lên
một tinh thần cầu học, cổ vũ giới trí thức "cùng bơi trên biển văn
minh" phương Tây, quanh đi quẩn lại chỉ biết
kiến nghị, kiến nghị và kiến nghị.
Không đủ cơ tầng về giai cấp, về động lực xã hội cuối
cùng đành "Nhất thất túc thành thiên cổ hận/Tái hồi đầu thị bách niên
cơ" (4). Vèn vẹn 30 năm (kể từ 1858), Đại Nam mất nước,
chung số phận với những quốc gia không thể "thoát Á".
Cho đến ngày Phan Chu Trinh xướng “khai dân trí”,
“chấn dân khí”, “hậu dân sinh”; Phan Bội Châu lãnh đạo Đông du thì cũng chỉ là
cầu học đánh trả lại những ông thầy, học để thoát khỏi kiếp người dân thuộc địa.
Nói đến Nhật Bản là nói đến sự khác biệt hẳn về tinh
thần cầu học. Người Nhật thì cầu học, chủ động học; người Việt thì sẵn có, bị
buộc phải học theo. Người Nhật học là vì tự cường quốc gia, người Việt học là để
đánh trả lại “những ông thầy”. Người Nhật học là để trở thành cường quốc, người
Việt học là để thoát khỏi kiếp bị trị hay những nghèo hèn cá nhân. Người Nhật
xuất dương là để du học, để chinh phục (thời trước 1945 là bằng võ lực, giờ là
để làm giàu), người Việt xuất dương là để kiếm việc làm thuê, thoát khổ cho
riêng mình.
Cho tới tận sau năm 1945 tinh thần cầu học, vượt lên
những áp lực lịch sử lại một lần nữa đưa đến những kết quả khác nhau cho cả hai
dân tộc Việt Nam và Nhật Bản. Người Nhật thất bại để rồi thức tỉnh, còn người
Việt? Tương lai thịnh vượng sẽ đến với mảnh đất chữ S này nếu chúng ta dấy lên
và vun trồng một khát vọng cầu học vì thịnh vượng quốc gia!
------------------------------------------
Chú
thích:
1. Gió Tây thổi bạt
gió Đông: Vào thời Cận Đại văn minh phương Tây đã lấn át văn minh phương Đông,
Tư Bản phương Tây xâm lược và biến các quốc gia phương Đông thành thuộc địa.
2. Hạm Đội Bắc Dương
là thành quả của phong trào Dương Vụ, trước thời điểm 1895 đây là Hạm đội mạnh
nhất Á Châu và đứng hàng thứ 8 thế giới.
3. "Dân dĩ thực
vi thiên": Dân coi cái ăn như trời.
4. "Nhất thất túc
thành thiên cổ hận/Tái hồi đầu thị bách niên cơ" nghĩa là: "Một bước
lỡ, thành mối hận ngàn thu/Ngoảnh đầu nhìn lại cơ đồ trăm năm" Hai câu thơ
tuyệt mệnh của Nguyễn Trường Tộ nhà cải cách bậc nhất Việt Nam thời cận đại.
Theo
Văn Hóa Doanh Nhân
Được đăng bởi T.
Phuong Anh Vu vào lúc 19:41
No comments:
Post a Comment