Saturday, December 20, 2014

Tại sao giá cả hàng hóa cơ bản đang giảm? (Jeffrey Frankel, Project Syndicate)





Jeffrey Frankel, Project Syndicate
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp    
Posted on 18/12/2014 by The Observer

Nguồn: Jeffrey Frankel, “Why Are Commodity Prices Falling?Project Syndicate, Dec. 15, 2014.

Giá dầu đã giảm mạnh 40% kể từ tháng 6 – tin tốt cho các nước nhập khẩu dầu mỏ, nhưng lại là tin xấu đối với Nga, Venezuela, Nigeria, và các nước xuất khẩu dầu khác. Một số người cho rằng dầu sụt giá là do sự bùng nổ năng lượng đá phiến của Mỹ. Những người khác lại cho là do OPEC thất bại trong việc đạt được thỏa thuận về hạn chế nguồn cung.

Câu chuyện không chỉ có thế. Giá quặng sắt cũng giảm. Giá vàng, bạc, và bạch kim cũng tương tự. Điều này cũng đúng đối với giá đường, bông, và đậu tương. Thực tế là giá cả của hầu hết các mặt hàng cơ bản tính bằng đồng đô la đã giảm kể từ nửa đầu năm nay. Mặc dù một loạt các yếu tố ngành hàng cụ thể ảnh hưởng đến giá cả của từng loại hàng hóa, việc xu hướng sụt giảm rộng như vậy – thường tương tự như trường hợp tăng giá lớn – cho thấy các yếu tố kinh tế vĩ mô đang có tác động.

Vậy thì những yếu tố kinh tố vĩ mô nào đang khiến giá cả hàng hóa cơ bản tụt giảm? Có thể là do giảm phát. Nhưng dù lạm phát là rất thấp, thậm chí ở mức âm ở một số quốc gia, thì phải có một điều gì khác hơn thế đang diễn ra bởi giá cả hàng hóa cơ bản đang giảm trong tương quan so với mức giá cả nói chung. Nói cách khác, giá cả hàng hóa cơ bản thực tế đang giảm.

Cách giải thích phổ biến nhất là do tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, bởi thế nhu cầu năng lượng, khoáng sản, và các sản phẩm nông nghiệp cũng giảm theo. Thật vậy, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại và dự báo GDP đã bị điều chỉnh giảm xuống kể từ giữa năm ở hầu hết các nước.

Nhưng Mỹ là một ngoại lệ điển hình. Sự tăng trưởng của Mỹ dường như đã đứng vững, với tốc độ tăng trưởng hàng năm ước tính vượt quá 4% trong hai quý cuối cùng. Tuy nhiên ngay cả giá cả hàng hóa cơ bản ở Mỹ cũng đang sụt giảm. Chẳng hạn, Chỉ số Giá cả Hàng hóa cơ bản tính bằng đồng euro của tờ The Economist thực tế là đã tăng so với năm trước; chỉ có chỉ số tính bằng đồng đô la – thứ thu hút mọi sự chú ý – là đi xuống.

Điều đó khiến chúng ta nghĩ tới chính sách tiền tệ, một yếu tố quyết định giá cả hàng hóa mà tầm quan trọng của nó thường bị bỏ quên. Nhiều người dự đoán việc thắt chặt tiền tệ sẽ diễn ra tại Mỹ, bởi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã chấm dứt gói nới lỏng định lượng hồi tháng 10 và có khả năng sẽ tăng lãi suất ngắn hạn trong năm tới.

Điều này nhắc chúng ta nhớ lại một mẫu hình lịch sử quen thuộc. Việc tỉ lệ lãi suất thực tế (lãi suất sau khi trừ lạm phát) giảm trong những năm 1970, 2002-2004, và 2007-2008 đi kèm với việc giá cả thực tế tăng; còn việc lãi suất thực tế ở Mỹ tăng mạnh những năm 1980 đã đẩy giá cả hàng hóa tính theo đồng đô la sụt giảm.

Có gì đó trực quan trong ý tưởng rằng khi Fed “in tiền,” dòng tiền đổ vào nhiều nơi trong đó có hàng hóa cơ bản và do đó đẩy giá cả hàng hóa cơ bản tăng lên, bởi vậy mà giá cả sẽ giảm khi lãi suất tăng. Nhưng chính xác thì cơ chế nhân quả ở đây là gì?

Trên thực tế, lãi suất thực tế ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa thực tế qua bốn kênh (bên cạnh các tác động mà nó tạo ra thông qua mức độ hoạt động kinh tế). Thứ nhất, lãi suất cao làm giảm giá cả các mặt hàng có thể lưu trữ được bằng cách gia tăng khuyến khích khai thác trong hôm nay hơn là ngày mai, qua đó thúc đẩy tốc độ khai thác dầu mỏ, quặng vàng, hay gỗ. Thứ hai, lãi suất cao cũng khiến các công ty giảm ham muốn tích trữ hàng tồn kho (ví dụ như dầu trong các bể chứa).

Thứ ba, các nhà quản lý danh mục đầu tư đáp lại sự gia tăng lãi suất bằng cách chuyển từ hợp đồng hàng hóa cơ bản (mà bây giờ được coi là một “loại tài sản”) sang trái phiếu chính phủ. Cuối cùng, lãi suất cao củng cố đồng nội tệ, do đó làm giảm giá nhập khẩu các mặt hàng cơ bản được buôn bán quốc tế (ngay cả khi giá cả của chúng chưa giảm nếu tính bằng ngoại tệ).

Lãi suất của Mỹ chưa thực sự tăng lên trong năm 2014, vì vậy hầu hết các cơ chế này chưa trực tiếp hoạt động. Nhưng các nhà đầu cơ đang suy tính trước và chuyển dịch khỏi các mặt hàng cơ bản hiện nay với dự đoán lãi suất tương lai cao hơn trong năm 2015; kết quả là sự tăng giá đáng lẽ diễn ra trong năm tới đã đến sớm hơn vào hôm nay.

Kênh thứ tư, tỉ giá, đã bắt đầu hoạt động. Viễn cảnh Mỹ thắt chặt tiền tệ trùng hợp với động thái tăng cường kích thích tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Nhật Bản. Kết quả là đồng đô la đã tăng giá so với đồng euro và đồng yên. Đồng euro đã giảm 8% so với đồng đô la kể từ nửa đầu năm nay và mức giảm của đồng yên là 14%. Điều đó giải thích tại sao giá cả hàng hóa cơ bản tính bằng đồng đô la giảm trong khi tính bằng các loại tiền tệ khác lại tăng.

Jeffrey Frankel là giáo sư Trường Quản lý nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard, từng là thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Bill Clinton. Ông điều hành Chương trình Tài chính quốc tế và Kinh tế vĩ mô tại Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ, nơi ông là thành viên của Ủy ban Xác định Chu kỳ Kinh tế (Business Cycle Dating Committee), là cơ quan chính thức của Mỹ chuyên xác định thời điểm suy thoái và phục hồi của nền kinh tế.




No comments: