Monday, December 1, 2014

SÚC MẠNH TƯ PHÁP MỸ (Nguyễn Đạt Thịnh - VienDongDaily)



Nguyễn Đạt Thịnh
(VienDongDaily.Com - 29/11/2014)

Hoa Kỳ có nhiều loại sức mạnh -sức mạnh hành pháp, sức mạnh lập pháp, sức mạnh tư pháp, sức mạnh quân sự, sức mạnh khoa học, sức mạnh truyền thông, v.v., tất cả những sức mạnh này đều có chung một nguyên tắc: đó là những bộ máy chỉ quay một chiều; bộ máy sẽ nghiền nát bất cứ người nào, dù nhân vật đó quyền lực đến đâu; càn ngang bất cứ chướng ngại nào dù chướng ngại đó to lớn kềnh càng cỡ nào; nếu người và chướng ngại ngăn cản không để bộ máy quay tròn.

Điển hình cụ thể mới nhất của sức mạnh tư pháp là quyết định của một đại bồi thẩm đoàn tiểu bang Missouri hôm thứ Hai 11/24 -quyết định không truy tố anh cảnh sát da trắng Darren Wilson, về việc anh bắn chết một thiếu niên da đen, cậu Michael Brown.

Đại bồi thẩm đoàn là một tổ chức tư pháp độc lập, không liên hệ, không thống thuộc với tòa án; trọng trách của đại bồi thẩm đoàn là điều tra một diễn biến vừa xẩy ra, rồi quyết định có truy tố người, hay những người liên can đến diễn biến đó không. Đại bồi thẩm đoàn có quyền đòi hỏi và đọc mọi tài liệu liên quan đến nội vụ,có quyền triệu gọi và nghe những nhân chứng hữu thệ trình bầy.

Trọng trách của đại bồi thẩm đoàn là quyết định xem có đủ yếu tố để truy tố một người hay một nhóm người ra trước tòa án hay không; chữ đại trước 3 chữ bồi thẩm đoàn, có nghĩa là nhiều người -từ 12 đến 23 công dân thành viên; trong lúc số thành viên của một bồi thẩm đoàn xử án, thường ít hơn 12 người.

Trong vụ cảnh sát viên Wilson, ngay sau khi công tố viên hạt Ferguson -ông Bob McCulloch đọc quyết định của đại bồi thẩm đoàn không truy tố Wilson, mọi người, nhất là những người có trách nhiệm về an ninh tại thị trấn Ferguson đều tiên đoán được phản ứng của người Mỹ đen, thành phần cư dân đông nhất tại đây.

Cảnh sát viên da trắng Darren Wilson

Phản ứng đầu tiên là bà Lesley McSpadden, mẹ cậu Brown òa khóc, thân nhân, thân hữu cậu kêu gào kể lể oan tình, rồi bạo động nổ bùng tại Ferguson và nhiều nơi khác trên khắp lãnh thổ Hoa Kỳ.

Đêm thứ Ba 11/25 là đêm bạo loạn tại Ferguson, xe bị đốt, nhà bị đập phá, cửa tiệm bị cướp, nhiều người bạo động phạm thêm tội hôi của.

Sáng thứ Ba 11/25, thống đốc Missouri Jay Nixon quyết định tăng cường, nâng số vệ binh đã được gửi đến vùng St. Louis từ trước lên đến tổng số 2,200 người, và nới rộng quyền hạn của vệ binh trong việc bảo vệ an ninh.

Tại Hoa Thịnh Đốn, St. Louis, và ngay tại Ferguson, hàng chục, hàng trăm viên chức chính phủ, tôn giáo, lãnh tụ cộng đồng, ồn ào lên tiếng, đa số phản đối phán quyết của đại bồi thẩm đoàn; những người đồng ý với phán quyết này giữ thái độ im lặng.

Người không thể im lặng là thống đốc Nixon; giữa cảnh đổ nát của thị trấn Ferguson ông họp báo, tuyên bố, "Không chấp nhận cảnh cướp phá, và cũng không để một công dân nào phải sống trong cảnh hỗn loạn." Nixon phản ứng mạnh, nhưng cũng không làm gì hơn là bảo vệ phán quyết của đại bồi thẩm đoàn Missouri.

Người không im lặng được là Bộ Trưởng Tư Pháp từ nhiệm, ông Eric H. Holder Jr.; Ferguson đã trở thành vấn đề riêng của ông; ông đã đích thân tới Ferguson, đã nghe nhiều giai thoại cảnh sát da trắng vô cớ bắt giam người da đen, phóng tay viết ticket phạt người da đen lái xe, nhưng ông vẫn không làm gì được để giúp đỡ cư dân Ferguson sống dưới quyền cảnh sát da trắng.

Buồn bực vì bất lực trước sức mạnh tư pháp địa phương, ông xin từ nhiệm và người thay thế ông, bà Loretta E. Lynch đã được Thượng Viện nhanh chóng tấn phong.

Sáng thứ Ba 11/25, ông than thở với nhân viên cộng sự là tình hình trở thành tồi tệ đến mức không giải quyết được nữa, sau cuộc bạo loạn đêm hôm trước. Ông bảo họ là có một khác biệt rất lớn giữa những cuộc biểu tình ôn hòa và một cuộc bạo loạn thiếu căn bản pháp lý, và thiếu chính nghĩa tranh đấu chống kỳ thị chủng tộc.

Holder là viên chức Liên Bang có lập trường chống kỳ thị rõ rệt nhất; ông cũng tuyên bố mạnh nhất về nhu cầu giải quyết ách nạn này. Trong một cuộc họp báo vội vã, được tổ chức chiều thứ Ba -sau những diễn biến "hết thuốc chữa" tại Ferguson- Holder tuyên bố với phóng viên truyền thông ông sẽ du hành thăm viếng nhiều thị trấn Hoa Kỳ để thuyết trình về nhu cầu duy trì tính bất bạo động trong những cuộc xuống đường đòi hỏi công bằng sắc tộc.

Holder cũng mạnh miệng chỉ trích những người đã đem bạo động và hỗn loạn đến Ferguson. "Tiến bộ chỉ đến qua hình thức đấu tranh bất bạo động," ông nói. "Những người vừa xuống đường biểu tình, vừa ngăn chặn được bạo động, phải được vinh danh là những bậc anh hùng đấu tranh."

Chào đời năm 1951, Holder cùng trưởng thành song song với cuộc đấu tranh cho nhân quyền của người Mỹ đen; năm nay 63 tuổi, ông có nhiều kinh nghiệm về những chiến thuật đàn áp, những công cụ cảnh sát như dùi cui, vòi rồng, đạn thật, đạn cao su, lựu đạn cay và chó săn. Do đó ông chủ trương đấu tranh bất bạo động để tránh bị đàn áp bằng võ lực -trò chơi biểu dương và bảo vệ sức mạnh tư pháp.

Một nhân vật khác, cũng vì tôn trọng sức mạnh tư pháp mà không can thiệp vào diễn biến Ferguson là Tổng Thống Obama. Không can thiệp được bằng uy tín và sức mạnh vô biên của một vị tổng thống, ông thảo luận về nguồn gốc của kỳ thị chủng tộc.

Obama cho là nguyên nhân tạo ra tình trạng bi đát tại Ferguson không phải là tử thi cậu thiếu niên Michael Brown bị bắn, nằm phơi xác ngoài công lộ, mà là chính sách của mọi tầng lớp chính phủ -từ cấp thị trấn lên đến cấp tiểu bang, liên bang- chính sách vẫn còn chủ trương bóc lột người da đen, như đã bóc lột ông nội, bà ngoại họ vài thế hệ trước.

Dĩ nhiên nhận xét của Obama rồi cũng sẽ tạo ra nhiều thành quả, nhưng những thành quả này không ứng dụng tức khắc. Lần trước, ông trực tiếp hơn trong vụ cậu thiếu niên Trayvon Benjamin Martin bị anh an ninh George Zimmerman giết chết tại Florida.

Lần đó ông nói, "Nếu tôi có một đứa con trai, chắc con tôi cũng giông giống Trayvon." Lần này phản ứng của ông "nguội" hơn -ông chỉ nói chuyện triết học và lịch sử.

Hai chính khách Mỹ đen nhiều quyền lực nhất nước Mỹ cũng chỉ có thể đứng ngoài nhìn vào những diễn biến lớn đang xảy ra tại thị trấn Ferguson nhỏ xíu, mà không can thiệp gì được. Thống Đốc Nixon vận dụng vệ binh cũng chỉ để bảo vệ quyết định của 23 người vô danh họp thành một đại bồi thẩm đoàn tại bang Missouri.

Đại bồi thẩm đoàn chỉ là một bánh xe răng trong guồng máy tư pháp Hoa Kỳ; bánh xe răng cứ quay tự động, cứ vô cảm nghiền nát mọi chống đối. Ngày nào bộ máy tư pháp còn hoạt động nghiêm chỉnh, ngày đó bánh xe răng "đại bồi thẩm đoàn" cũng không thể trật đường rầy được; nhưng thản hoặc nếu có sai lầm thì trách nhiệm sai lầm không do bánh xe, mà do con người gây ra.

Con người đó, trong vụ đại bồi thẩm đoàn quyết định miễn tố cảnh sát viên Wilson, là ông Robert P. McCulloch, công tố viên quận St. Louis -thị trấn Ferguson nằm trên lãnh thổ quận này. Ông có bổn phận cung cấp mọi dữ kiện về nội vụ cho đại bồi thẩm đoàn, nếu ông cung cấp những dữ kiện không đúng, thì phán quyết của đại bồi thẩm đoàn cũng sẽ sai lệch.

McCulloch là con người, có tình cảm, có lập trường chính trị như mọi con người khác, và đó là điểm yếu nhược của bộ máy tư pháp Hoa Kỳ -loại yếu nhược không thể tránh. (nđt)





No comments: