Thursday, December 4, 2014

Sự giao thoa giữa quyền lực cứng và quyền lực mềm trong chính trị (Joseph Nye)



Joseph Nye
Tạp chí Thanh Niên Phía Trước
Posted on Dec 4, 2014

Quyền lực cứng và quyền lực mềm đôi khi củng cố và đôi khi cản trở lẫn nhau. Một quốc gia muốn được công chúng ủng hộ thường không muốn sử dụng quyền lực cứng khi cần thiết; nhưng một quốc gia cậy thế mà không màng đến quyền lực mềm của mình thường sẽ gặp phải sự đối đầu khi sử dụng quyền lực cứng. Không có quốc gia nào muốn bị thao túng, ngay bởi cả quyền lực mềm. Đồng thời, như đã nêu trên, quyền lực cứng có thể giúp tạo dựng huyền thoại về sự bất khả chiến bại và tính thiên mệnh vốn thu hút các quốc gia khác. Năm 1961, Tổng thống John F. Kennedy vẫn tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân cho dù các cuộc thăm dò công luận tỏ ra phản đối, vì ông e ngại thế giới nghĩ rằng Liên Xô đang chiếm ưu thế trong cuộc chạy đua vũ trang. Kennedy “sẵn sàng đánh đổi một phần uy tín ‘mềm’ của Hoa Kỳ để thu được uy tín quân sự.”Có một sự kiện vui là năm 2003, chỉ vài tháng sau khi xảy ra các cuộc biểu tình phản chiến ở Luân Đôn và Milan, các buổi trình diễn thời trang tại hai nơi này cho các người mẫu mặc quần áo lính biệt kích Mỹ và họ làm nổ hàng loạt bong bóng. Như một nhà tạo mẫu nhận xét, các biểu tượng của Hoa Kỳ“vẫn là tấm mền an ninh tốt nhất.”

Xuyên suốt lịch sử, các quốc gia nhược tiểu thường liên kết với nhau để cân bằng và giới hạn quyền lực của một quốc gia mạnh hơn đang gây uy hiếp. Nhưng không phải luôn luôn như vậy. Đôi khi các nước yếu bị thu hút và đi theo một nước mạnh, nhất là khi họ không có lựa chọn nào khác, hoặc do nước đó có cả sức mạnh quân sự lẫn quyền lực mềm hỗ trợ. Hơn nữa, như chúng ta đã thấy, quyền lực cứng đôi khi cũng có khía cạnh mềm và thu hút. Như Osama bin Laden đã nói trong một băng video, “Khi người ta thấy một con ngựa khỏe và một con ngựa yếu, theo bản tính tự nhiên, họ chọn con ngựa khỏe.” Cũng dùng phép ẩn dụ tương tự, chúng ta thường thương hại kẻ yếu hơn là đánh cược cho họ.

Cuộc Chiến tranh Iraq năm 2003 là một ví dụ về sự giao thoa giữa hai dạng quyền lực này. Một số động lực gây chiến tranh dựa trên khả năng răn đe của quyền lực cứng. Người ta nói rằng khi Donald Rumsfeld nhậm chức, ông cho rằng Hoa Kỳ “trong cái nhìn của thế giới chỉ là một con cọp giấy, một gã khổng lồ yếu ớt không thể nào chịu nổi một cú đấm” và vì vậy, ông quyết tâm thay đổi cách nhìn này. Chiến thắng về quân sự của Mỹ trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần trước đã giúp thúc đẩy cuộc đàm phán hoà bình Trung Đông tại Oslo, và chiến thắng năm 2003 tại Iraq đã có thể có một kết quả tương tự. Hơn nữa, các quốc gia như Syria và Iran có lẽ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ủng hộ các hoạt động khủng bố khác trong tương lai. Tất cả đều là những lý do quyền lực cứng được dùng để phát động chiến tranh. Nhưng cũng có một loạt các động lực khác liên quan đến quyền lực mềm. Những người theo trường phái tân bảo thủ cho rằng có thể dùng quyền lực của Hoa Kỳ để xuất khẩu dân chủ qua Iraq và biến đổi chính trị tại Trung Đông. Nếu thành công, chiến tranh sẽ tự hợp thức hoá sự tồn tại của nó. Như William Kristol và Lawrence Kaplan đã nói, “Sự thống trị đâu có gì là sai trái nếu như ta dùng nó để phục vụ các nguyên tắc đúng đắn và những lý tưởng cao cả?”

Người ta tranh cãi về cuộc chiến tranh Iraq một phần do họ cố lý giải tính hợp pháp của cuộc chiến này. Ngay cả khi không có đối trọng về quân sự (như hiện nay, Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất), các quốc gia khác vẫn có thể liên kết với nhau và tước đi tính chính danh trong các chính sách của Hoa Kỳ, và qua đó làm suy giảm quyền lực mềm của Mỹ. Pháp, Nga và Trung Quốc tỏ ra bực bội trước tính đơn cực về quân sự của Mỹ và kêu gọi một thế giới đa cực. Theo quan điểm của Charles Krauthammer, Iraq “tạo cơ hội cho Pháp hình thành thách thức nhất quán đầu tiên đối với sự thống trị đó.” Ngay cả khi không đối đầu trực tiếp với sức mạnh quân sự của một siêu cường, các nước yếu hơn mong rằng họ có thể cản trở Hoa Kỳ bằng cách làm cho Hoa Kỳ phải tốn kém nhiều hơn khi sử dụng quyền lực cứng. Cho dù không thể ngăn cản Hoa Kỳ phát động chiến tranh, nhưng bằng cách làm cho Hoa Kỳ mất tính chính danh thông qua nghị quyết thứ hai của Hội Đồng Bảo An, họ đã làm cho cuộc chiến tranh này tốn kém hơn.

Quyền lực mềm không chỉ giới hạn trong đấu trường Liên Hiệp Quốc. Ngoài Liên Hiệp Quốc, ngoại giao và các phong trào hoà bình đã biến đổi cuộc tranh luận trên thế giới từ những tội lỗi của Saddam chuyển sang mối đe dọa của đế quốc Mỹ. Điều đó khiến cho các quốc gia đồng minh khó có thể cho phép Hoa Kỳ sử dụng căn cứ quân sự, hoặc hỗ trợ Hoa Kỳ, và vì vậy, làm suy giảm quyền lực cứng của Hoa Kỳ. Những ví dụ như đã đề cập ở trên bao gồm việc quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho phép Mỹ quá cảnh quân đội trên lãnh thổ của họ, và Saudi Arabia không sẵn lòng cho Mỹ sử dụng các căn cứ không quân mà họ đã cho phép từ năm 1991.

Do việc triển khai sức mạnh quân sự Hoa Kỳ trong tương lai đòi hỏi việc sử dụng lãnh thổ cũng quyền bay quá cảnh của các quốc gia khác, những hành vi cân bằng quyền lực mềm như vậy có thể ảnh hưởng thực tế lên quyền lực cứng. Khi mà việc ủng hộ Hoa Kỳ khiến các chính trị gia mất phiếu bầu của dân chúng, ngay cả các lãnh tụ vốn thân Mỹ cũng sẽ khó lòng chấp nhận các thỉnh cầu của Hoa Kỳ. Thêm vào đó, việc qua mặt Liên Hiệp Quốc đã làm tăng chi phí kinh tế cho Mỹ sau khi cuộc chiến kết thúc, khiến nhà báo Fareed Zakaria nhận xét rằng “Chính sách đối ngoại kiểu đế quốc chủ nghĩa đãnđem lại kết quả trái ngược. Khi cuộc chiến tranh Iraq kết thúc, chính quyền Mỹ đã chối bỏ bất kỳ hình thức đối tác thực sự nào với thế giới. Mỹ liên tục coi thường Liên Hiệp Quốc.”

Mùa hè năm 2003, chính quyền Bush thoạt đầu phản đối việc Liên Hiệp Quốc giữ một vai trò quan trọng trong việc tái thiết Iraq. Việc này tính ra làm cho Hoa Kỳ tốn đến hơn 100 tỷ đô la, hay khoảng 1.000 đô la trên một hộ gia đình Mỹ. Trong đa phần các sứ mạng gìn giữ hoà bình, Liên Hiệp Quốc tài trợ phần lớn chi phí cho các quốc gia đóng góp quân đội. Trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, liên minh do Tổng thống George H. W.Bush tạo dựng trang trải 80% toàn bộ phí tổn; và trong những vụ can thiệp của Tổng thống Clinton tại nước ngoài, Hoa Kỳ chỉ phải gánh vác 15% phí tổn gìn giữ hoà bình và tái thiết.[45] Khi không có sự ủy thác của Liên Hiệp Quốc, một số quốc gia từ chối tham gia gìn giữ hoà bình tại Iraq, và đối với một số quốc gia tham gia như Ba Lan, Ukraine, Nicaragua, El Salvador, Honduras cùng những nước khác, ước tính Hoa Kỳ đã phải trang trải 250 triệu đô la để giúp họ tham gia.

Một số người theo chủ nghĩa tân bảo thủ biện luận rằng giải pháp họ chọn lựa nhằm né tránh Liên Hiệp Quốc và làm cho Liên Hiệp Quốc mất đi tính chính danh. Đối với những người này, phá được Liên Hiệp Quốc cũng được xem như là một thắng lợi. Họ đánh giá cuộc Chiến tranh Iraq như “một mũi tên trúng hai con chim”: vừa lật đổ được Saddam, vừa làm tổn hại đến Liên Hiệp Quốc. Một số còn kêu gọi thành lập một liên minh mới bao gồm các quốc gia dân chủ để thay thế Liên Hiệp Quốc. Những phản ứng như vậy quên đi một điều là sự chia rẽ chính là giữa các quốc gia dân chủ, và Hoa Kỳ có thể gây ảnh hưởng nhưng không thể một mình quyết định quan điểm của thế giới về tính chính danh của Liên Hiệp Quốc. Hơn nữa, cân bằng mềm nhằm tạo áp lực lên quốc hội của các nước dân chủ có thể được thực hiện bên ngoài khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc. Internet tạo điều kiện cho các phong trào chống đối nhanh chóng triệu tập các nhóm phi tổ chức với cơ cấu lỏng lẻo thay vì những tổ chức có thứ bậc như trước đây. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, tổ chức một cuộc xuống đường đòi hỏi phải chuẩn bị nhiều tuần lễ, có khi cả mấy tháng trời, các tờ truyền đơn, biểu ngữ, các cuộc điện thoại; trải qua bốn năm các cuộc xuống đường này mới có số đông đáng kể, thoạt đầu là 25.000 người, rồi lên đến nửa triệu người vào năm 1969. Để tiện so sánh, 800.000 người tại Hoa Kỳ và 1,5 triệu người tại châu Âu đã tụ họp vào một ngày cuối tuần tháng 2 năm 2003 trước khi cuộc chiến bắt đầu.

Mặc dù những cuộc phản kháng này không đại diện cho cả “cộng đồng quốc tế”, nó gây ảnh hưởng đến quan điểm của các nhà báo, nghị viên và các nhân vật có thế lực tại các quốc gia quan trọng; quan điểm của nhóm này tiêu biểu cho “cộng đồng quốc tế” nêu trên. Mặc dù khái niệm về một cộng đồng quốc tế là không chính xác, ngay cả những người vốn bác bỏ mối quan ngại trên thế giới về phương cách mà Hoa Kỳ đã dấn thân vào cuộc chiến, có vẻ cũng chấp nhận ý kiến nêu trên khi họ cho rằng tính chính danh của Hoa Kỳ sẽ được chấp nhận một khi thu được kết quả khả quan tại Iraq. Cách chính danh hóa hậu kỳ này có thể giúp tái tạo quyền lực mềm của Hoa Kỳ vốn bị đánh mất khi tham chiến, nhưng đồng thời nó cũng cho thấy rằng tính chính danh là quan trọng. Trong những trường hợp khó khăn hơn như với Iran hay Bắc Triều Tiên, Tổng thống Bush tranh thủ quan điểm của cái gọi là “cộng đồng thế giới” mà một số cố vấn của ông cho là “viển vông.” Cuộc đấu tranh liên tục để giành tính chính danh cho thấy sự quan trọng của quyền lực mềm. Đạo đức có thể là sức mạnh trong thực tế.

Chiến tranh Iraq có tác động ban đầu hoàn toàn tiêu cực lên công luận của thế giới Hồi Giáo. Đài truyền hình Al Jazeera (nguồn lực quyền lực mềm của chính phủ Qatar, cũng là nơi đồn trú quyền lực cứng của Hoa Kỳ) chiếu những cảnh dân thường đổ máu hết ngày này qua ngày khác. Một nghị viên Ai Cập nhận xét, “Quý vị không thể tưởng tượng nổi những cuộc hành quân tại Baghdad và các thành phố khác gây phẫn nộ trong công chúng đến mức nào.” Tại Pakistan, một cựu viên chức ngoại giao đã tường trình rằng “việc Hoa Kỳ xâm chiếm Iraq là món quà tặng cho các đảng phái Hồi Giáo tại đây. Những người trước đây vốn xem thường các đảng phái này thì nay lại đi theo họ thành đoàn.” Tình báo Mỹ và các nhân viên công lực cho hay Al Qaeda và các nhóm khủng bố khác tăng cường việc tuyển mộ trên ba đại lục bằng cách “xoáy vào sự giận dữ ngày càng gia tăng đối với việc Hoa Kỳ mởchiến dịch tấn công Iraq.” Sau khi cuộc chiến kết thúc, các cuộc thăm dò công luận cho thấy công chúng ủng hộ bin Laden hơn trước, và Hoa Kỳ ngày càng mất lòng dân ngay tại các quốc gia thân cận với Hoa Kỳ như Indonesia và Jordan. Trong khi đó, các cuộc thăm dò ý kiến tại châu Âu cho thấy phương cách Hoa Kỳ tiến hành cuộc chiến tranh Iraq đã làm tiêu tan sự thông cảm và thiện chí dành cho Hoa Kỳ sau ngày 11 tháng 9. Hiện nay còn quá sớm để có thể đánh giá những thắng lợi về quyền lực cứng trong cuộc chiến tranh Iraq về lâu dài có hơn được những tổn thất về quyền lực mềm hay không, hay những tổn thất này có lâu dài không. Tuy nhiên cuộc chiến tranh này đã là trường hợp nghiên cứu rất thú vị về sự tương tác giữa hai hình thái quyền lực này.

Hướng về tương lai, nhiều điều phụ thuộc vào hiệu quả chính sách của Mỹ nhằm xây dựng một Iraq tốt đẹp hơn và quá trình vận động hoà bình tại Trung Đông. Ngoài ra, nhiều điều cũng phụ thuộc vào việc những thất bại tình báo và sự thổi phồng chính trị những bằng chứng tình báo này có gây tổn hại lâu dài đến uy tín của chính phủ Hoa Kỳ khi Hoa Kỳ tiếp cận các quốc gia khác để được giúp đỡ trong những trường hợp như Iran và Bắc Hàn, cũng như trong cuộc chiến tranh chống khủng bố hay không. Tuần báo Anh The Economist nhận định rằng, “Điệp viên phạm sai lầm, chính trị gia thổi phồng… Cuộc chiến tranh, theo nhận định của chúng tôi, đã được biện minh. Nhưng khi vận động sự ủng hộ, ông Bush và ông Blair đã không thẳng thắn với công chúng.”

Những người hồ nghi biện luận rằng các quốc gia cần hợp tác do quyền lợi của họ, vì vậy dù có mất đi quyền lực mềm cũng không phải chuyện to tát. Những người này quên mất một điều là hợp tác cũng có nhiều mức độ khác nhau, và mức độ đó phụ thuộc vào sự thu hút hay ghét bỏ. Họ cũng quên mất một điều là các thành tố phi quốc gia cũng như tổ chức khủng bố không phụ thuộc vào quan điểm của chính quyền. Vào năm 2002, trước khi xảy ra chiến tranh Iraq, đã có phản ứng trước chính sách cứng rắn của Hoa Kỳ tại bán đảo Triều Tiên, dẫn đến giảm sút nhiều – chỉ trong vòng ba năm – tỷ lệ dân chúng Hàn Quốc ủng hộ liên minh với Hoa Kỳ, từ 89% xuống còn 56%. Điều đó sẽ đưa đến những khó khăn trong việc giải quyết tình trạng Bắc Triều Tiên vốn dĩ có nhiều rủi ro. Cho dù là tại Trung Đông hay Đông Á, quyền lực cứng và quyền lực mềm liên hệ chặt chẽ với nhau trong thế giới ngày nay.

– Trích
Quyền lực mềm: Phương tiện để thành công trong chính trị thế giới -





No comments: