Nguyễn
Văn Khanh
Tuesday,
December 02, 2014 4:47:54PM
Tin
cuối cùng trong ngày: trong vòng 24 giờ đồng hồ sắp tới
Tổng Thống Barack Obama sẽ công bố cho dân chúng biết
danh tánh người được chọn làm tổng trưởng Quốc
Phòng, thay thế cho ông Chuck Hagel vừa mới từ chức cách
đây một tuần lễ. Khi tiết lộ tin này, viên chức làm
việc với Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia nhất định không
cho biết người được chọn điều khiển Ngũ Giác Ðài
là ai, nhưng “bật mí” “đây là người hầu như ở
Washington D.C. ai cũng từng nghe nói tới.”
Ông
Ashton Carter trong một lần điều trần tại Quốc Hội.
(Hình: AP Photo/J. Scott Applewhite, File)
Từ
sáng hôm qua, Thứ Ba mùng 2 Tháng Mười Hai 2014, tin rò rỉ
từ Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện tung ra đã cho biết
người được Tổng Thống Barack Obama chọn là ông Ashton
Carter, một cựu viên chức quốc phòng rất quen thuộc với
chính trường thủ đô, từng đảm trách những vai trò
khác nhau trước khi rời chính quyền để về làm việc
cho một công ty tư vấn an ninh, quốc phòng. Tin này vừa
được các hãng thông tấn loan tải chừng vài phút đồng
hồ thì đến lượt chủ tịch ủy ban là Thượng Nghị
Sĩ Dân Chủ Carl Levin đưa ra nhận xét đầu tiên, ca ngợi
tổng thống Hoa Kỳ “chọn đúng người, đúng việc,”
ngay sau đó là Thượng Nghị Sĩ Cộng Hoa John McCain cũng
lên tiếng nói người có thể được chọn “là người
không gây tranh cãi,” ý muốn nói cả đảng Dân Chủ lẫn
đảng Cộng Hòa đều ủng hộ quyết định của Tổng
Thống Obama.
Cho
đến buổi trưa cùng ngày, phát ngôn viên Jay Carney của
Tòa Bạch Ốc một mặt từ chối xác nhận tin ông Carter
sẽ nắm Bộ Quốc Phòng, cho rằng tổng thống vẫn đang
cân nhắc nhưng nói thêm nếu được chọn “ông ta là
người xứng đáng, biết rõ những gì cần phải làm và
là người được cả 2 đảng ủng hộ mạnh mẽ.” Ông
phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc cũng bảo thêm “ông Carter
từng phục vụ ở Bộ Quốc Phòng, làm tròn trách nhiệm
quốc gia và tổng thống trao phó.”
Tin
ông Ashton Carter sẽ lãnh trách nhiệm điều khiển ngành
quốc phòng không gây ngạc nhiên cho mọi người, cho dù
ông không dẫn đầu danh sách do Tòa Bạch Ốc tiết lộ.
Nhưng từ cuối tuần rồi sau khi cả hai nhân vật đứng
đầu bảng là bà Michele Flournoy và Thượng Nghị Sĩ Dân
Chủ Jack Reed lên tiếng cho biết không muốn lãnh trách
nhiệm trong lúc này, chính các giới chức thân cận với
tổng thống Hoa Kỳ cho hay “ông Carter dẫn đầu số ứng
viên còn lại.” Lý do: ông từng giữ vai trò thứ trưởng
Quốc Phòng, từng đặc trách vấn đề ngân sách và điều
khiển chương trình mua võ khí để hiện đại hóa quân
sự, thực hiện đúng kế hoạch giúp Hoa Kỳ cắt giảm
số quân số mà không giảm khả năng chiến đấu. Ông
cũng từng làm phụ tá tổng trưởng dưới thời Tổng
Thống Bill Clinton và hồi 2008 là người giữ trách nhiệm
nhận Bộ Quốc Phòng từ tay chính phủ Cộng Hòa Geroge W.
Bush chuyển giao cho chính phủ Dân Chủ của Tổng Thống
Barack Obama. Qua những vai trò quan trọng đó, ông quả là
người rất quen thuộc với giới theo dõi thời cuộc ở
thủ đô Washington D.C., nhưng khác hẳn với những vị
tiền nhiệm, ông không phải là nhân vật nổi bật ở
cấp quốc gia.
Năm
nay 60 tuổi, Ashton Carter chỉ thật sự được giới truyền
thông Hoa Kỳ nói tới ở những ngày đầu khi Tổng Thống
Obama mới tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2. Lúc đó, ông
Tổng Trưởng Leon Panetta đã nộp đơn xin nghỉ việc để
rời Washington D.C về với gia đình ở mạn Bắc
California, tạo cơ hội cho ông Thứ Trưởng Carter trở
thành nhân vật sáng giá nhất trong danh sách những người
có thể thay thế. Chỉ một tuần sau đó, mọi chú ý được
dành cho ông Chuck Hagel, một người bạn thân của tổng
thống lúc 2 người còn làm việc chung với nhau ở Thượng
Viện, tên tuổi của ông Carter trở thành lu mờ sau ngày
Tổng Thống Obama quyết định chọn người đồng viện
cũ. Ông đồng ý ở lại làm việc chung với người sếp
mới, nhưng chỉ một năm sau đó ông xin từ chức mà
không nêu lý do, trong đơn chỉ viết câu “đã đến lúc
tôi nên ra đi, nhường vị trí này lại cho người khác.”
Ðiều đó được giới quan sát chính trị ở thủ đô
giải thích là “có sự bất đồng giữa ông số 1 và
ông số 2,” cho dù đến giờ vẫn chưa ai rõ hai ông
Hagel và Carter “đụng” nhau ở những điểm nào.
Không
chỉ là vị tổng trưởng quốc phòng đầu tiên chẳng có
liên hệ gì đến cuộc chiến Việt Nam (ông tốt nghiệp
đại học năm 1976, tức 3 năm sau ngày cuộc chiến kết
thúc), ông còn là một trong số rất hiếm những vị nhà
lãnh đạo ngành quốc phòng mà chưa có 1 ngày trong quân
ngũ. Mặc dù không hề khoác áo lính nhưng ông làm việc
ở Ngũ Giác Ðài từ năm 1981, khởi đầu với vai trò một
nhân viên chuyên về kỹ thuật quốc phòng (ông tốt
nghiệp tiến sĩ vật lý) trước khi giữ những vị trí
quan trọng hơn ở các chương trình hỏa tiễn phòng thủ
(kể cả hỏa tiễn nguyên tử) và góp phần soạn thảo
kế hoạch giúp chính phủ vẫn tiếp tục hoạt động
trong trường hợp chiến tranh nguyên tử xảy ra.
Những
vai trò đó không chỉ giúp ông cơ hội thăng tiến, mà
còn trở thành người có nhiều kinh nghiệm nhất về
chiến lược, chiến thuật, đặc biệt là sự hiểu biết
tường tận về những loại võ khí hiện đại nhất mà
quân đội Hoa Kỳ và đồng minh đang sử dụng. Chính vì
thế khi nghe tin ông sẽ được tổng thống đề cử làm
tổng trưởng quốc phòng, một cựu nhân viên dưới quyền
ông ví von “rõ ràng đây là lần đầu tiên nước Mỹ
có một người lính đi từ binh nhì lên tới đại tướng.”
“Ði
từ binh nhì lên đến đại tướng” cũng là điều được
ông viết trong bản tóm tắt sự nghiệp đăng trên trang
web của trường Ðại Học Harvard, nơi ông từng giảng
dạy về môn hành chánh công quyền và môn an ninh quốc
phòng. Ông kể lại thủa còn bé ở Philadelphia, ông đã
từng làm nhiều việc khác nhau trước ngày đặt chân vào
ngưỡng cửa đại học, chẳng hạn như “11 tuổi đã đi
làm cho một tiệm rửa xe, chẳng bao lâu bị đuổi việc
vì tội nói xấu chủ.” Sau đó, ông làm nhiều nghề
khác, từ nghề bơm xăng cho đến làm nhân viên trên chiếc
tầu chuyên chở khách đi câu, cũng như từng làm cố vấn
tâm lý cho một tổ chức chuyên khuyên bảo những người
chán đời, có ý định tự tử.
Với
những nhà báo có dịp làm quen với ông trong những ngày
đầu của chính phủ Obama, ông Carter được công nhận là
người điềm đạm, dễ tính, sẵn sàng trả lời hầu
hết những câu hỏi họ muốn biết. Có lần, một nhà
báo kể lại cho những đồng nghiệp khác nghe chuyện
“từng có lúc thấy ông ngồi trầm tư như một triết
gia, cũng có lúc thấy ông say sưa tranh luận như một nhà
hùng biện, nhưng cũng từng có lúc được nghe nhân viên
dưới quyền ông cho hay lúc bực bội, ông sếp của họ
cũng cằn nhằn, chửi thề, y hệt như một anh thanh niên
mới lớn vừa ghi tên nhập ngũ.”
No comments:
Post a Comment