Saturday, December 27, 2014

Khó khăn kinh niên (Nguyễn Đạt Thịnh)





Nguyễn Đạt Thịnh
(VienDongDaily.Com - 25/12/2014)

Kinh niên là tình trạng kéo dài miên viễn của một nỗi đau khổ -như nghèo túng, bệnh tật, hay hoạn nạn; nỗi đau khổ kinh niên của Hoa Kỳ là tình trạng nhiều người Mỹ đen phạm pháp -nhiều hơn những người Mỹ khác. Tình trạng đó đưa đến cái hậu quả không thể tránh là Mỹ đen va chạm với cảnh sát nhiều hơn, ra tòa nhiều hơn, ngồi tù đông hơn.

Thỉnh thoảng những va chạm này trở thành trầm trọng, bùng lên như một thời sự nóng bỏng, điển hình là vụ anh cảnh sát Mỹ trắng Darren Wilson bắn chết cậu thiếu niên Mỹ đen Michael Brown tại Ferguson trong cuộc biểu tình ngày mùng 9 tháng Tám 2014.

Chỉ riêng việc cảnh sát bắn chết Mỹ đen, cũng đã đủ gây khích động cho đa số người Mỹ đen; "cảnh sát da trắng" là yếu tố thêm vào, nấu cho mau sôi nồi nước đã sẵn nóng phẫn uất. Nhưng người Mỹ đen vẫn kiên nhẫn chờ đợi -họ chờ quyết định của đại bồi thẩm đoàn Saint Louis -quận hành chánh của bang Missouri mà thị trấn Ferguson nằm trong đó; dù sao họ cũng vẫn còn tin tưởng vào nền luật pháp Hoa Kỳ

Đại bồi thẩm đoàn là một tổ chức nhân dân gồm từ 12 đến 23 cư dân địa phương, mang đặc quyền điều tra, rồi quyết định truy tố hay không truy tố một hành động tội phạm. Công tố viện chỉ thi hành quyết định của đại bồi thẩm đoàn.

Chữ "đại" đứng trước 3 chữ "bồi thẩm đoàn" chỉ có nghĩa là đại bồi thẩm đoàn đông người hơn bồi thẩm đoàn xét xử trong các phiên tòa -tối đa chỉ gồm có 12 vị bồi thẩm.

Công tố viên quận St. Louis -ông Bob McCulloch- đứng ra triệu tập một đại bồi thẩm đoàn để cứu xét việc truy tố hay không truy tố cảnh sát viên Wilson. Ngày 24 tháng 11, 2014, trả lời cuộc phỏng vấn của đài phát thanh KTRS ông loan tin đại bồi thẩm đoàn quyết định không truy tố Wilson.

Biểu tình bạo động bùng nổ tại Ferguson và nhiều thị trấn khác; bên cạnh người Mỹ đen, người Mỹ trắng cũng xuống đường phản đối việc không truy tố cảnh sát giết người.

Viên biện lý đặc trách vụ án -ông Bob McCulloch- nói với phóng viên AP, "Nhiều nhân chứng hữu thệ buộc tội Wilson, đã cung khai bất nhất, hôm nay họ nói một đằng, hôm sau họ nói đằng khác; hoặc nhân chứng đi ngược với bằng cớ, họ khai những điều không phù hợp với diễn biến xẩy ra."

McCulloch còn nói, "Nhiều nhân chứng quả quyết là nạn nhân bị bắn vào phía sau lưng," dụng ý nói không những không võ trang, mà Brown còn không ở trong thế đối diện để có thể gây nguy hiểm cho cảnh sát viên Wilson- mà Brown vẫn bị bắn chết.

Có nhân chứng còn khai với đại bồi thẩm đoàn là Wilson bắn những viên đạn cuối cùng để giết Brown sau khi nạn nhân đã ngã xấp mặt xuống đường.

Cuộc giải phẫu tử thi cho thấy Brown không bị bắn chết trong lúc bỏ chạy; 9 viên đạn bắn trúng cậu, một viên trúng đầu, giết cậu ngay tức khắc.

Mục đích cuộc điều tra của đại bồi thẩm đoàn là tìm nhân chứng và bằng cớ để xác định (1) tội trạng giết người có xẩy ra không? và (2) có đủ bằng cớ để tin là phạm nhân đã giết người không? Nhân danh công tố viện, hai biện lý Kathi Alizadeh và Sheila Whirley trình bầy với đại bồi thẩm đoàn 24 tập hồ sơ dầy trên 5,000 trang giấy, ghi nhận lời khai của 60 nhân chứng trong suốt 25 ngày.

Thành phần đại bồi thẩm đoàn gồm có 3 người Mỹ đen (một người đàn ông, hai người đàn bà) và 9 người Mỹ trắng (6 người đàn ông, 3 người đàn bà); thành phần Mỹ trắng, Mỹ đen trong đại bồi thẩm đoàn phản ánh thành phần dân chúng tại quận St. Louis (với 70% người Mỹ trắng), nhưng lại không phản ánh thành phần dân chúng tại thị trấn Ferguson (với 66% người Mỹ đen). Trong thời gian luận tội, thành viên của đại bồi thẩm đoàn không sống ly cách như thường lệ, và tòa cũng không tiết lộ chi tiết về thân thế của các thành viên đại bồi thẩm đoàn.

Hôm 21 tháng Tám, nghị sĩ tiểu bang Missouri, cô Jamilah Nasheed kêu gọi bãi nhiệm công tố viên McCulloch, kèm theo bản kiến nghị có 70,000 chữ ký.

Biện hộ cho gia đình nạn nhân Brown, luật sư Benjamin Crump tuyên bố trong một cuộc họp báo, "Cần truy tố ngay cả phương thức luận tội, vì phương thức này phạm tội kỳ thị."

Khó khăn cảnh sát Mỹ trắng bắn chết người Mỹ đen biểu tình tại Ferguson không chấm dứt tại Ferguson, và cũng không giới hạn vào 2 mầu da trắng, đen nữa; khó khăn lan tràn qua Nữu Ước với việc 2 người Mỹ da mầu -không đen mà cũng không trắng- bị giết chỉ vì họ là cảnh sát.

Nạn nhân là 2 cảnh sát viên Wenjian Liu và Rafael Ramos; họ đang ngồi trong xe, xe đậu trên đường Tompkins Avenues, vùng Bedford-Stuyvesant làm bổn phận bảo vệ an ninh cho thành phố Nữu Ước, thì bị anh Mỹ đen Ismaaiyl Brinsley nổ súng bắn vào đầu và ngực họ; cả 2 cùng chưa kịp rút súng ra để tự vệ.

Ngay sau khi giết 2 cảnh sát viên, anh sát nhân Brinsley, 28 tuổi, chạy xuống hầm xe lửa ngầm, tự tử cũng bằng khẩu súng mạ bạc anh dùng để giết 2 cảnh sát viên không liên can gì đến việc giết anh Mỹ đen Brown.

Trong tang lễ 2 cảnh sát viên Ramos và Liu tại nhà thờ Saint Patrick hôm Chủ Nhật 21 tháng Chạp, 2014, đức Hồng Y Timothy Dolan cầu nguyện, "Cầu xin tình đoàn kết, thái độ bình tĩnh, tư chất văn minh, và hợp lý hướng dẫn chúng ta, như chúng ta hằng được hướng dẫn để xử sự." Lời cầu nguyện mà cũng là lời kêu gọi của ngài nghe đầy lo lắng, nhưng cũng vô cùng tin tưởng.

Như mọi người Mỹ khác -dù Mỹ đen hay Mỹ trắng- Hồng Y Dolan biết việc 2 cảnh sát viên bị giết -mà ngài gọi là "một cuộc hành quyết tàn bạo và vô lý"- chỉ là hậu quả của việc anh Mỹ đen Brown vừa bị cảnh sát giết chết.

Ai cũng biết điều đó, nhưng mọi người -nhất là các viên chức tôn giáo, chính trị, hội đoàn- tìm mọi cách làm nhẹ đi cái liên hệ "từ nguyên nhân đến hậu quả", để tránh tình trạng lấy oán báo oán, oán oán chập chùng.

Tuy nhiên, sợi giây oan nghiệt đi từ việc "người Mỹ đen phạm pháp, bị cảnh sát da trắng bắn chết, khiến người Mỹ đen xuống đường biểu tình bạo động, rồi giết cảnh sát," có thể không bắt đầu từ yếu tố "người Mỹ đen phạm pháp."

Tìm xa hơn, để thấy nguyên nhân của việc "người Mỹ đen phạm pháp," các nhà xã hội học, các vị lãnh đạo tôn giáo, các chính khách, có thể thấy số thiếu nhi Mỹ đen thiếu sự giáo dục của người cha đẻ nhiều hơn số thiếu nhi Mỹ trắng và Mỹ da mầu.

Và tìm xa hơn nữa, chúng ta có thể thấy gốc rễ của vấn đề là trẻ con không được giáo dục để tránh xa việc biết dục tình quá sớm; nhiều đứa bé 14, 15 đã có con; thông thường chúng nuôi con một mình, hoặc bỏ đứa bé lại sống với bà ngoại.

Tình trạng thiếu giáo dục của những cô mẹ trẻ, và tình trạng đứa con họ sinh ra bị bỏ lún cho người khác nuôi sống, không thể nào tạo ra được một xã hội với những công dân học thức, tôn trọng pháp luật.

Cái khó khăn to lớn "Mỹ đen phạm pháp bị cảnh sát Mỹ trắng bắn chết, rồi tay súng Mỹ đen giết cảnh sát để trả thù" sẽ mãi mãi còn là khó khăn kinh niên, là sợi giây oan nghiệt của Hoa Kỳ, bất chấp lời cầu nguyện của Hồng Y Timothy Dolan, và những nhà tu khác.

Điển hình là ngay ngày hôm nay, thứ Tư 24 tháng Chạp 2014, cũng tại tiểu bang Missouri, một người Mỹ đen bị cảnh sát Mỹ trắng bắn chết vì anh này rút súng ra, nhắm vào mặt viên cảnh sát.

Khó khăn chỉ mất tính "kinh niên" ngày nào quý vị có trách nhiệm về giáo dục tìm được cách dạy đứa bé gái đừng sinh ra những đứa bé khác mà chúng không có khả năng giáo dục hay nuôi dưỡng. (nđt)

Các tin khác
• Đánh giá tướng lãnh (23-12-2014)
• Ca ngợi đối thủ (21-12-2014)
• Nhắm Mắt, Nói Liều (18-12-2014)
• Tác phong bà lớn (15-12-2014)
• Văn hóa hiếp dâm (15-12-2014)
• Forget và Forgive (09-12-2014)
• Ác Mộng (03-12-2014)
•  Đánh xả láng (02-12-2014)
.
.
.

No comments: