Friday, December 12, 2014

'Hành trình đến tự do' và cơ hội hòa giải Luật sư Vũ Đức Khanh



Luật sư Vũ Đức Khanh
Gửi cho BBCVietnamese.com từ Canada
11 tháng 12 2014

Thượng viện Canada hôm 8/12 đã thông qua Dự Luật "Hành trình đến Tự do" với 45 phiếu thuận, 4 phiếu chống và 14 phiếu trắng.

Điều đáng quan tâm là 4 phiếu chống đến từ Đảng Tự do Canada mặc dù vị lãnh đạo Khối đối lập chính của Thượng viện là Thượng nghị sỹ James Cowan thuộc Đảng Tự do Canada, đã bỏ phiếu trắng.

Trong lời phát biểu giải trình trước Thượng viện về lá phiếu của mình, ông nói: "Tôi bỏ phiếu trắng để bày tỏ sự không có ý kiến về nội dung của dự luật, ủng hộ hoặc chống lại nó…"
"Tôi dùng lá phiếu trắng để biểu thị sự bất mãn chống lại cách thức mà dự luật này đã được xử lý… Tôi hy vọng chúng ta sẽ suy nghĩ về điều đó. Đây không phải là cách mà chúng ta nên làm tại đất nước này."
"Công việc của chúng ta là nên cẩn thận xem xét khi làm luật vì thế chúng ta cần được nghe những người muốn bày tỏ ý kiến, cho dù họ ủng hộ hay chống lại hoặc chỉ đơn giản là đặt câu hỏi về pháp luật…"

Dự Luật "Hành trình đến Tự do" đã được Thượng nghị sỹ Ngô Thanh Hải và Thượng nghị sỹ Enverga đồng bảo trợ đưa ra Thượng viện hồi tháng Tư năm nay với tên nguyên thủy là "Tháng Tư Đen".

Tuy nhiên, theo tin hành lang thì các thượng nghị sỹ thuộc Đảng Bảo thủ những người ủng hộ TNS Ngô Thanh Hải cũng không hiểu rõ ý nghĩa của nó nên đã đề nghị đổi lại. Theo một nguồn không xác nhận thì chính Thủ tướng Canada Stephen Harper đã đề nghị thay đổi thành “Hành trình đến Tự do” để được người dân Canada hiểu đầy đủ ý nghĩa hơn.

Trong phần mở đầu dự luật ghi rõ là để “bày tỏ sự trân trọng về một ngày quốc lễ để tưởng niệm đến việc di cư của các người dân tỵ nạn Việt Nam và sự chọn lựa sinh sống và được sống tại Canada của họ sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ và chấm dứt chiến tranh Việt Nam”.

Điều 2 của dự luật ghi: “Khắp đất nước Canada và hàng năm và mỗi năm, ngày 30 tháng Tư (30/4) sẽ được biết đến như là ‘Ngày Hành trình đến Tự do’."
"Ngày này để “mọi người nhớ đến và tưởng niệm những mạng người đã bị mất và những kinh nghiệm đau đớn mà những người tỵ nạn phải trải qua trong cuộc di cư của người dân Việt và sự được chấp nhận cho người Việt được sinh sống tại Canada và được chính phủ Canada chấp thuận, và cũng là để nhớ đến sự đóng góp của người dân Canada - và người Việt mà số dân này hiện nay có vào khoảng 300.000 người trong xã hội Canada.”

Phải công tâm nhìn nhận rằng nếu không có những nỗ lực vô biên của Thượng nghị sỹ Ngô Thanh Hải cũng như sự cảm thông nghĩa tình của nhiều chính khách Canada, dự luật này khó lòng được Thượng viện Canada thông qua.

Đây là lần đầu tiên người Việt tại Canada và hải ngoại, những người tỵ nạn cộng sản được chính thức nhìn nhận và vinh danh. Chúng ta phải thành thật cám ơn họ thật nhiều vì chặng đường phiá trước còn dài và nhiều chông gai.

Dự luật này sẽ được ra Hạ viện Canada để thảo luận và thông qua nhưng không biết đến bao giờ và bao lâu cho nên chúng ta cũng cần học bài học kinh nghiệm quý báu hôm nay chuẩn bị cho tương lai.

Tự do ngôn luận: Con đường tiến tới dân chủ

Tự do, dân chủ là những giá trị phổ quát mà chúng ta cũng như đất nước Canada trân quý và bảo vệ.
Việc một số thượng nghị sỹ ủng hộ dự luật này nhưng đã từ chối không mời Đại sứ Cộng sản Việt Nam tại Canada ra điều trần trước Thượng viện là một khiếm khuyết quan trọng đối với những giá trị mà chúng ta tôn vinh.

Tuy về mặt quy trình pháp luật, Thượng viện không có gì sai vì dẫu sao ngài Đại sứ cũng đã có cơ hội giải trình bằng công văn với Thượng viện. Việc không có mặt trước Thượng viện tuy không được hoàn hảo cho lý tưởng dân chủ nhưng không có gì quá nghiêm trọng.

Cộng sản Việt Nam luôn đòi hỏi được tôn trọng và đòi thực thi dân chủ nhưng họ thì không bao giờ chấp nhận tôn trọng và thực thi dân chủ với ai.

Cá nhân tôi từng đề nghị với Đại sứ quán Việt Nam tại Canada để được đối thoại về những vấn đề còn tồn đọng của lịch sử Việt Nam cận đại như câu chuyện về “thảm trạng thuyền nhân” sau biến cố 30/4 nhưng có bao giờ Đại sứ quán Việt Nam quan tâm thậm chí một lá thư hồi âm cũng chưa có.

Nhiều người Việt đã bỏ mạng trên biển trong làn sóng tỵ nạn sau 30/4/1975

Tuy nhiên, chúng ta không thể cổ vũ cho tự do, dân chủ mà lại từ chối nó, nhất là với những người thường phỉ báng nó.

Nếu như Thượng viện Canada để cho Đại sứ Việt Nam đến điều trần tôi vẫn tin rằng dự luật vẫn được thông qua, thậm chí số phiếu thuận có thể còn cao hơn nữa.

Tôi tin chắc rằng không có một vị thượng nghị sỹ Canada nào không biết gì về ngày 30/4cũng như thảm cảnh thuyền nhân hoặc thành tích nhân quyền tồi tệ của cộng sản Việt Nam. Cái mà họ phản đối là cách xử lý vụ việc.

Thượng nghị sỹ Jim Munson, người cũng bỏ phiếu trắng phát biểu như sau: “Tại sao tôi bỏ phiếu trắng? Là vì dự luật này là về “con đường tiến tới dân chủ.” Đó phải là con đường tự do ngôn luận."
"Mối quan tâm của tôi đơn giản là: Hãy coi đó là một bài học mà mỗi khi chúng ta có một cuộc trò chuyện trong một đất nước dân chủ, tự do như Canada, cả hai mặt của vấn đề cần được lắng nghe, ít nhất, và sau đó chúng ta có thể bỏ phiếu theo cách chúng ta muốn bỏ phiếu."
"Một phần của con đường dẫn tới dân chủ là con đường tự do ngôn luận.”

Canada phê phán cộng sản Việt Nam độc tài, chuyên chế không tôn trọng quyền tự do ngôn luận không thể từ chối quyền này với nhà nước cộng sản Việt Nam cho dù chúng ta có thích hoặc không thích họ.

Chúng ta có chính nghĩa thì không lý do gì chúng ta phải sợ. Hãy để cho đại diện Hà Nội phát biểu rồi chúng ta biểu quyết. Đó là cách cư xử, làm việc của chúng ta xứng đáng một Canada tự do, dân chủ.

Dự luật này sẽ được đưa ra Hạ viện Canada vào những ngày tháng sắp tới. Thử thách vẫn còn nguyên đó và tôi tin rằng chúng ta sẽ lấy bài học hôm nay làm kinh nghiệm.

Con đường mà Thượng nghị sỹ Ngô Thanh Hải đã làm đã giúp chúng ta đi trên nửa đoạn đầu quan trọng, phần còn lại là trách nhiêm chung của chúng ta những công dân Canada gốc Việt.

Chúng ta cần đoàn kết với Thượng nghị sỹ Ngô Thanh Hải và đảng Bảo thủ của ông hầu đảm bảo đủ số phiếu tối thiểu thông qua nhưng đây cũng là cơ hội để chúng ta vượt qua những dị biệt, bất đồng chính kiến cùng chung sức vận động các đảng chính trị khác của Canada như đảng Tân Dân chủ và đảng Tự do giúp thông qua dự luật.

Đối với các dân biểu Canada, dự luật này tuy có tầm quan trọng đối người Canada gốc Việt nhưng không phải là ưu tiên của họ.

Cho nên, nếu chúng ta không vận động kỹ vừa có chiều rộng lẫn chiều sâu thì có nhiều khả năng dự luật sẽ bị đình hoãn một cách oan uổn vì những thủ thuật chính trị của các đảng ở Hạ viện.

Cơ hội hòa giải

Hành trình đến Tự do” phải là của tất cả mọi người vì Canada là một xứ sở tự do dân chủ nơi không những tôn trọng ý kiến đa số mà cả ý kiến thiểu số.

Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận ngay cả đó là những người cộng sản luôn phỉ báng quyền này.

Hành trình đến Tự do” phải đứng trên những dị biệt đảng phái chính trị vì chúng ta muốn mọi người hôm nay cũng như những thế hệ mai sau hiểu rõ hơn về ngày lịch sử này, ngày cộng đồng người Việt lập cư trên đất nước Canada thanh bình tự do dân chủ và thịnh vượng.

Nó cũng giúp người Canada gốc Việt có cơ hội nhìn thẳng vào sự thật, làm hòa với quá khứ để cùng nhau chung sức xây dựng tương lai một nước Việt Nam tự do, dân chủ và thịnh vượng như Canada, và cũng để cám ơn Canada một xứ sở thanh bình, nhân bản đã rộng lượng cưu mang cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản trong những giờ phút kinh hoàng nhất của cuộc đời họ.

Thượng nghị sỹ Ngô Thanh Hải có nói: “Đối với những người Canada gốc Việt và đông đảo cộng đồng người Việt hiện đang sinh sống ở nước ngoài, ngày 30/4 được mô tả như một ngày Việt Nam rơi vào quyền lực của một chế độ cộng sản độc tài, áp bức, không đếm xỉa gì đến nhân quyền..."
"Chúng tôi nhớ đến ngày 30/4 như một ngày đen tối bởi vì nó đại diện cho một ngày buồn đau mà chúng tôi đã bị mất nước, mất gia đình, bạn bè, tự do và quyền dân chủ của mình. Nó kỷ niệm một ngày mất mát và đau buồn.”

Có ai có mất mát, đau thương trên chuyến "Hành trình đến Tự do" này mới cảm thông với Thượng nghị sỹ Ngô Thanh Hải, mới thấu hiểu được vì sao một đạo luật như thế này là liều thuốc chữa lành cơn bệnh mà gần 40 năm qua hàng triệu người Việt phải mang nó trong lòng.

Đưa ra trước ánh sáng và nói lên sự thật không phải là để trả thù trả oán gì ai hay để tiếp tục gieo thù hận mà để giúp chữa lành vết thương cũ, tạo cơ hội làm hòa với nhau và cuối cùng để sự thật phải được tôn trọng. Đó cũng là di sản yêu thương, nhân bản, tình tự dân tộc mà chúng ta để lại cho thế hệ tương lai.
.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, một luật sư sống tại Canada.
.
.
Tin liên quan :

---------------------------




Dự luật Canada xuyên tạc lịch sử, vì chính trị cá nhân
Vietnamnet

Ông Lê Hải Bình nói dự luật S219 có nhữngnội dung sai trái, xuyên tạc lịch sử, khơi lại quá khứ đau buồn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam, nhằm phục vụ những mục đích chính trị cá nhân.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình trả lời VietNamNet sáng nay về dự luật S219 được Thượng viện Canada thông qua mới đây.

Dự luật do thượng nghị sĩ gốc Việt Thanh Hai Ngo bảo trợ, được thông qua hôm 8/12, theo đó công nhận ngày 30/4 là quốc khánh để kỷ niệm dòng người di cư Việt Nam tới Canada và việc Canada tiếp nhận họ.

Ông Hải Bình khẳng định dự luật bao gồm những nội dung sai trái, xuyên tạc lịch sử, khơi lại quá khứ đau buồn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam, nhằm phục vụ những mục đích chính trị cá nhân

"Việc Thượng viện Canada thông qua dự luật này đã đi ngược lại tình cảm của nhân dân Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại Canada cũng như quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Canada"” - người phát ngôn nêu rõ.

Dự luật còn phải được đưa ra ở Hạ viện và chưa rõ có khả năng được xem xét hay không.

Trước đó, hôm 9/12, tờ Canadian Press dẫn lời ông Vũ Viết Dũng, Tham tán công sứ về chính trị của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada trả lời phản ứng qua email nói rằng nếu được Hạ viện thông qua, dự luật sẽ có "tác động ngược" tới quan hệ song phương đang phát triển giữa Việt Nam và Canada, cũng như tới các nỗ lực nhằm mở rộng và làm sâu sắc quan hệ hai bên, kể cả quan hệ thương mại và đầu tư.

Nhà ngoại giao Việt Nam cũng cho rằng dự luật sẽ gửi đi thông điệp sai lầm tới công chúng Việt Nam và cộng đồng quốc tế về thiện chí của Canada với Việt Nam. Ông Dũng cho biết, Đại sứ Việt Nam tại Ottawa Tô Anh Dũng đã bày tỏ sự lo ngại với Bộ trưởng Ngoại giao Canada John Baird về dự luật này tại cuộc gặp ở Quốc hội Canada hôm 8/12.

Ông Dũng nói rằng, Chính phủ Việt Nam, kể cả Đại sứ quán, đã nhiều lần phát biểu với các cấp khác nhau của chính phủ Canada và các nhà lãnh đạo quốc hội để bày tỏ sự lo ngại nghiêm trọng về ngôn ngữ và ý định của dự luật này.

Tờ báo trên cho hay, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Đại sứ Tô Anh Dũng đã gửi các thư tới Chính phủ Canada bày tỏ sự lo ngại về dự luật.

Trong khi đó, Hội đồng Thương mại Canada – Việt Nam cũng gửi thư tới Ủy ban Nhân quyền Thượng viện nói rằng dự luật sẽ tác động tiêu cực tới quan hệ ngoại giao với Việt Nam, làm chia rẽ cộng đồng người Canada gốc Việt, do đó tác động tiêu cực tới thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Canadian Press dẫn lời Dai Trang Nguyen, Giám đốc Hội đồng, cho rằng dự luật chỉ phản ánh quan điểm của chưa tới 5% người Canada gốc Việt và sẽ thúc đẩy cái nhìn “của quá khứ, của sự hận thù, sự tiêu cực, dẫn tới sự phớt lờ những con người của thế hệ tương lai”.

Tờ này dẫn lời lãnh đạo đảng Tự do trong Thượng viện, thượng nghị sĩ James Cowan cáo buộc chính phủ đã cản trở Đại sứ Việt Nam phát biểu trước Thượng viện về sự quan ngại của ông. Trả lời báo chí hôm 9/12, ông Cowan đặt câu hỏi làm thế nào Chính phủ Canada có thể phê chuẩn một dự luật gây tranh cãi như vậy trong lúc muốn tăng cường quan hệ kinh tế với châu Á, trong đó có Việt Nam.

"Chúng ta đang nỗ lực cải thiện quan hệ với Việt Nam. Chúng ta đã ký một biên bản ghi nhớ về tăng cường liên kết thương mại và văn hóa. Tại sao các vi lại muốn khơi lên sự chia rẽ này. Tôi không thể hiểu nổi?".”

Xuân Linh
Vietnamnet

---------------------------

12-12-2014

Chiều nay dạo một vòng báo chí thấy có bản tin về viên phát ngôn ngoại giao VN phản đối "dự luật S219 có những nội dung sai trái, xuyên tạc lịch sử, khơi lại quá khứ đau buồn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam" (1) làm tôi tò mò tìm hiểu chuyện gì xảy ra.

Đọc dòng phía dưới thì thấy nói rằng dự luật S219 công nhận ngày 30/4 là "quốc khánh để kỉ niệm dòng người di cư Việt Nam đến Canada và việc Canada tiếp nhận họ." Nếu vậy thì cũng chẳng có gì quá đáng, vì đó là chuyện nội bộ Canada.

Nhưng hình như dự luật S219 không phải là ngày quốc khánh, mà có liên quan đến … tự do. Đài BBC cho biết dự luật S219 do thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải đề xướng và được thông qua ngày 8/12 là "đề cập tới Ngày Con đường tới tự do, hay còn gọi là Ngày tháng Tư đen khi hàng nghìn người Việt rời khỏi Việt Nam để tìm tự do." (2). Trang web của Nghị viện Canada (3) có viết rõ dự luật là để tưởng niệm ngày 30/4 hàng năm là "Journey to Freedom Day" (Ngày Hành trình đến Tự Do). Chính hai chữ "Tự do" này làm cho Chính phủ Việt Nam không hài lòng.

Theo Vietnamnet thì đại sứ quán Việt Nam tại Canada đã tỏ ra quan ngại trước sự phê chuẩn của dự luật. Quan ngại vì dự luật sẽ có "tác động ngược" tới quan hệ song phương đang phát triển giữa Việt Nam và Canada, cũng như tới các nỗ lực nhằm mở rộng và làm sâu sắc quan hệ hai bên, kể cả quan hệ thương mại và đầu tư. Một loại ngôn ngữ đe doạ. Nói cách khác, Việt Nam đe doạ Canada là nếu hạ nghị viện thông qua dự luật thì sẽ ảnh hưởng đến đầu tư của Canada ở Việt Nam.

Mấy năm gần đây, Chính phủ Việt Nam tỏ ra rất khó chịu trước những biểu tượng liên quan đến "thuyền nhân". Vụ gây ra nhiều bất bình nhất là một nhóm người tị nạn ở Mĩ dựng bia tưởng niệm các thuyền nhân Việt Nam đã bỏ mạng trên đường vượt biên tìm tự do ở Nam Dương và Mã Lai. Bia đề dòng chữ (tiếng Anh): "Tưởng niệm hàng trăm ngàn người Việt đã bỏ mình trên con đường đi tìm tự do trong thời gian 1975-1996. Dù họ chết vì đói khát, hãm hiếp, bị kiệt sức hay vì bất cứ lí do nào khác, chúng tôi đều cầu nguyện để họ yên nghỉ dài lâu. Sự hi sinh của họ sẽ không bao giờ bị lãng quên." Tôi nghĩ những dòng chữ đó chẳng có vấn đề gì, và cũng chẳng đề cập gì đến chính quyền Việt Nam. Thế nhưng Chính phủ Việt Nam rất tức giận, họ gây áp lực cho chính phủ Nam Dương và Mã Lai phải dẹp bỏ hai tấm bia đó. Lúc đó có lẽ vì không muốn chuốc lấy phiền phức nên Nam Dương và Mã Lai đã phá huỷ 2 tấm bia tưởng niệm.

Nay thì đến dự luật S219 bên Canada cũng gây khó chịu cho Chính phủ Việt Nam. Nhưng Canada không phải là Mã Lai hay Nam Dương, nên chưa biết phản ứng của Canada ra sao. Tôi không biết Canada đầu tư vào Việt Nam bao nhiêu, nhưng chắc không nhiều. Trong thực tế, Việt Nam chẳng bao giờ đủ cái mà tiếng Anh gọi là "economic leverage" để đe doạ Canada. Tôi nghĩ chắc Việt Nam, là một nước nghèo và quen xin tài trợ, cần Canada hơn là Canada cần Việt Nam. Vậy thì lời đe doạ của Việt Nam chẳng có ý nghĩa gì. Tuy nhiên, phản ứng giận dữ của Việt Nam càng làm cho người ta nghi ngờ về triển vọng hoà hợp và hoà giải dân tộc.

-----------------------





1 comment:

Unknown said...

Bill S219, Journey to Freedom can choose any day but not April 30th. April 30th, 1975 marks the end of the Vietnam War and the start of the eventual exodus of several million Vietnamese out of Vietnam. The Vietnam War was a tragedy full of great suffering and the loss of American, Vietnamese, and Southeast Asian lives. Approximately 250,000 members of the Republic of Vietnam Armed Forces and 58,000 members of the United States Armed Forces were killed. After April 30, 1975, more than 250,000 members of the Republic of Vietnam Armed Forces were sent to reeducation camps where more than 20,000 died. Then nearly 800,000 boat people tried to escape communism and risked their lives in small, dangerous boats to travel to resettlement camps in Hong Kong, Malaysia, Indonesia, Thailand, and the Philippines. All these people can’t describe Journey to Freedom. They escaped the communists and did not even know where they were heading. The Red Cross estimated that during that time, at least 300,000 Vietnamese died on the high seas. April 30th is a day to remember the countless lives lost during the Vietnam War era, and to hope for a more humane and just life for the people of Vietnam. As we much teach our children and future generations important lessons from the Vietnam war, including how the plight of the Vietnamese refugees following the end of the war serves as a powerful example of the values of freedom and democracy.

If you want to view the statistics mentioned in this comment, then refer this webpage: http://leginfo.legislature.ca.gov/faces/billNavClient.xhtml?bill_id=201120120ACR138