CTV Phía Trước chuyển ngữ
Posted
on Dec 24, 2014
Bỗng
một ngày, thế giới chìm ngập trong dầu. Sản xuất tăng vọt nhưng vẫn không vượt
qua được lượng cầu về dầu trên toàn thế giới, đã dẫn đến việc lượng dầu dự trữ
tăng vọt còn giá dầu thì giảm mạnh. Giá dầu rớt 40% xuống còn mức trên dưới
60 USD một thùng kể từ tháng 6 đến nay là cú sốc lớn nhất đối với nền kinh tế
toàn cầu trong năm 2014. Những sự kiện tương tự trong quá khứ vẽ nên một bức
tranh về những hậu quả có thể vừa sâu sắc vừa kéo dài. Thông thường, các nhà
kinh tế sẽ cộp dấu “tích cực” lên danh sách các sự kiện này nhưng thực tế, các
mối nghi ngờ đang nổi cộm rõ ràng hơn bao giờ hết.
Quy
mô của cú sốc giá dầu hiện tại khó có thể lớn hơn nữa. Trong khi thị trường tài
chính và dư luận bị cuốn vào những căng thẳng địa chính trị gia tăng và các diễn
biến mới nhất trong các chính sách của ngân hàng trung ương ở Mỹ, châu Âu và Nhật
Bản, thì các nguồn lực lớn hơn trong thị trường dầu mỏ lại hoàn toàn bị lờ đi.
Vào cuối tháng 10 năm nay, "mối quan tâm chủ yếu" của Quỹ Tiền tệ Quốc
tế lại là nguy cơ xảy ra đợt tăng giá dầu đột biến do những căng thẳng địa
chính trị. Thay vào đó, cầu tăng yếu hơn song song với sản xuất tăng đã buộc
các nhà cung cấp phải cạnh tranh lẫn nhau để tìm kiếm các khách hàng tiềm năng.
Theo
Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, bất chấp thời tiết mùa đông ở Bắc bán cầu, trữ
lượng dầu mỏ của các quốc gia nhiều dầu đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 2
năm vừa qua,. Giá dầu thô West Texas Intermediate đã giảm từ hơn 100 USD một
thùng vào tháng 6 xuống còn ít hơn 60 USD một thùng, với giá dầu Brent của châu
Âu cũng xảy ra tình trạng tương tự. Việc giá tăng nhẹ ngày hôm qua cũng không
thể làm mờ đi sự thật về quỹ đạo ngày càng đi xuống của giá cả.
Thay
vì những căng thẳng địa chính trị ở Ukraine và Iraq gây ra sự thiếu hụt dầu mỏ
và giá dầu tăng vọt, như dự kiến trong kịch bản của IMF, nguyên nhân đều đi từ
kinh tế dẫn đến chính trị. Sự giảm giá dầu hiện đang có nguy cơ đẩy đời sống
nhân dân và tài chính công của Nga tới điểm cực hạn, và hình ảnh nước Nga hiện
lên là một quốc gia mất giá và hiếu chiến với vũ khí hạt nhân vào đầu năm 2015.
Tại Trung Đông, các quỹ tài trợ cho các cuộc xung đột luẩn quẩn ở Iraq và Syria
đối mặt với những áp lực lớn hơn, hứa hẹn sẽ gây căng thẳng cho tất cả các bên
liên quan. Khi đó, Mỹ ít có khả năng muốn đóng vai “cảnh sát toàn cầu” vào lúc
này, vì nước này có thể đáp ứng gần 90 % nhu cầu năng lượng từ các nguồn trong
nước, từ lần tăng 70 % gần đây nhất vào năm 2005.
Ảnh
hưởng rộng khắp của việc sụt giảm giá dầu lên nền kinh tế toàn cầu vốn đã rất
“nổi tiếng”. Ảnh hưởng này sẽ đóng vai trò như một yếu tố kích thích quốc tế,
tuy nhiên sẽ tái phân phối dầu một cách mạnh mẽ từ các nước sản xuất dầu tới
tay người tiêu dùng. Mức giá mới càng duy trì được lâu, những ảnh hưởng tới cơ
cấu các ngành công nghiệp trên thế giới sẽ càng sâu sắc.
Tuy
nhiên lần này, các nhà kinh tế đang tích cực tranh luận về việc: có phải thế giới
đã thay đổi và các yếu tố có tính chuyển động khác – chẳng hạn như mức độ lạm
phát giảm và đồng đô la mạnh – sẽ gây nghẽn guồng máy vận hành của các mối quan
hệ kinh tế thông thường.
Nhưng
khi giá dầu sụt giảm, sẽ không có một quy luật thép nào có thể tiếp tục phát
huy đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Ảnh hưởng chủ yếu ở đây là sự tái
phân phối dầu khổng lồ từ các nhà sản xuất dầu – phía đang nỗ lực khai thác
vàng đen nhưng lại nhận được ít nguồn lợi hơn – tới những người tiêu dùng được
hưởng lợi từ chi phí vận chuyển và năng lượng rẻ hơn, từ đó cho phép họ tiêu
nhiều tiền hơn vào hàng hóa và các dịch vụ, hoặc để tiết kiệm số lợi nhuận của
họ.
Hầu
hết các nhà kinh tế đều đồng tình với tuyên bố mới trong tháng này của
Christine Lagarde, giám đốc điều hành IMF: “Đây là một tín hiệu khả quan cho nền
kinh tế toàn cầu”. Tác động tích cực đến tăng trưởng sẽ tăng lên vì người tiêu
dùng dầu có xu hướng chi tiêu nhiều hơn so với lượng cắt giảm tiêu thụ của các
nhà sản xuất.
Tác Động Toàn Cầu
Gabriel
Sterne của trường đại học Oxford Economics giải thích, “Các nhà sản suất có thặng dư tài chính và sẽ không cắt giảm, trong khi
giá cả thấp sẽ phân phối lại thu nhập cho những người có xu hướng tiêu thụ và đầu
tư cao hơn”. Quy mô của các tác động toàn cầu rất quan trọng. Theo ước tính
của khoa kinh tế trường đại học Oxford Economics, giá dầu giảm 20% thì tăng trưởng
toàn cầu sẽ tăng 0.4 % trong vòng 2 đến 3 năm. Kích thích chủ chốt của IMF cho
thấy một sự tác động tương tự, nếu giá giảm 40% thì tăng trưởng kinh tế thế giới
sẽ giảm 0.5 % so với dự báo của IMF cho năm 2014 – 2016 so với năm vừa qua. Sau
đó, tăng trưởng được khuếch đại nếu nó tạo được sự tự tin liên tiếp cho các
công ty và khuyến khích các công ty đầu tư và chi tiêu nhiều hơn.
Tuy
tác động thông thường lên nền kinh tế thế giới là rất lớn, nhưng vẫn luôn bị lấn
át bởi các biến động theo chiều hướng có lợi cho một số quốc gia và bất lợi đối
với một số quốc gia khác. Các quốc gia thu lợi lớn sẽ là các quốc gia đồng thời
sử dụng một lượng năng lượng khổng lồ và phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu dầu.
Theo tính toán của cơ quan xếp hạng tín dụng Mỹ Moody’s, các quốc gia “đang chiến
đấu với lạm phát cao và các khoản nợ trợ cấp dầu lớn, chẳng hạn như Indonesia
và Ấn Độ, sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ môi trường giá thấp hơn”.
Khi
quan sát 45 nền kinh tế khác nhau, Oxford Economics đồng tình rằng các nền kinh
tế của các nước nhập khẩu dầu mới nổi có vẻ như sẽ trở thành các quốc gia hưởng
lợi nhiều nhất. Hầu hết các nền kinh tế tiên tiến cũng sẽ được hưởng lợi đáng kể,
mặc dù là các quốc gia này ít phụ thuộc vào dầu mỏ trong GNP (tính theo đồng đô
la) nên tăng trưởng theo tỉ lệ của các quốc gia này nhỏ hơn. Một lợi ích nữa
cho các nền kinh tế mới nổi là sự sụt giảm của giá nhiên liệu, cho phép họ cắt
giảm trợ cấp nhiên liệu, loại bỏ áp lực đáng kể từ nguồn tài chính công. Lord
Stern của trường Kinh tế London cho biết: “Đây chính là thời điểm thích hợp để
loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và tăng cường giá nhiên liệu carbon.
Đối
với các nước xuất khẩu dầu, tất nhiên, triển vọng lại ảm đạm hơn. Những nước có
xu hướng chi tiêu hơn là tiết kiệm các nguồn thu từ dầu, để điều chỉnh thích
nghi với thực tế mới. Moody’s ước tính, Nga và Venezuela sẽ bị ảnh hưởng nặng nề
nhất, vì 2 nước này có “chi tiêu phát sinh lớn, về mặt chính trị có thể gây
thách thức nếu cắt giảm”. Nước sản xuất dầu lớn nhất, Saudi Arabia, có bộ đệm
tài chính lớn hơn cả vì nước này thiên về tiết kiệm hơn là chi tiêu. Thị trường
tiền tệ đã phản ứng khá tàn nhẫn đối với các quốc gia dễ tổn thương, ví dụ như
đồng Rup đã bị đẩy xuống 40 % so với đồng đô la trong vòng 6 tháng qua.
Cho
đến nay, mọi việc đều diễn ra bình ổn. Nhưng hiện đang có thêm nhiều nguồn dư
luận cho rằng kỳ vọng về tăng trưởng toàn cầu là một sự huyễn hoặc. Theo
Stephen King, nhà kinh tế đứng đầu của ngân hàng HSBC, tình hình cầu ảm đạm ở
Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu trong suốt mùa hè qua là nguyên nhân chính của sự
sụt giá, do đó câu chuyện truyền thống “giá càng giảm càng tốt, giá càng cao
càng có hại” không còn đúng với thời điểm này.
Stephen
King lập luận rằng chủ nghĩa lạc quan sau khi giá dầu giảm trong dự toán kinh tế
dựa trên sự phát triển tích cực từ phía cung cho các nước phát triển ở phương
tây, nhưng "có rất nhiều tình huống mà giá dầu giảm đơn thuần báo hiệu một
tình trạng bất ổn lớn hơn".
Mối lo giảm phát.
Theo
quan điểm của Stephen King, phần lớn các lần tăng trưởng trong quá khứ nhờ giá
dầu đến từ việc lãi suất thấp kết hợp với lạm phát giảm, điều đó không thể xảy
ra khi chính sách tiền tệ đã cố gắng hết sức để kích thích nền kinh tế. Nếu các
hộ gia đình ở Trung Quốc, Châu Âu và Nhật Bản cảm thấy có lý do tiết kiệm bất cứ
nguồn lợi nhuận nào, tăng cầu của thế giới sẽ bị hạn chế nghiêm trọng.
Và
một trong những lý do người tiêu dùng ngày càng ít thiện chí mở hầu bao ra là
trong thời gian này, “con dao” lạm phát thấp đã “gần kề đến cổ”các nước tiên tiến.
Trong khi giá ổn định hoặc giảm xuống là dấu hiệu tích cực đối với mọi người,
thì nó cũng có khả năng đe dọa một giai đoạn ứ đọng kéo dài, nếu các hộ gia
đình chỉ thích “chờ đợi và quan sát” trước khi chi tiêu.
Lo
lắng dẫn đến thái độ chi tiêu của các hộ gia đình về khả năng giá có thể thấp
hơn vào ngày mai có thể khiến các công ty ngày càng trì hoãn đầu tư và các hộ
gia đình hoãn lại quyết định chi tiêu. Và kết quả là tăng trưởng kinh tế lẹt đẹt
và giá chỉ giảm nhẹ.
Mối
đe dọa không dễ dàng biến mất. Theo ước tính của Oxford Economies, với
giá dầu 60 USD/thùng, 13 quốc gia Châu Âu sẽ chứng kiến tỉ lệ lạm phát của họ
giảm xuống mức âm, ít nhất là tạm thời trong năm 2015.
Nhận
thức được mối nguy hiểm về việc giá dầu có thể tạo ra thất vọng và đau đớn kéo
dài, Peter Praet, nhà kinh tế đứng đầu của ngân hàng Trung ương châu Âu cho rằng,
chính sách tiền tệ Châu Âu không có lợi thế giả định việc giá dầu giảm sẽ tăng
thu nhập và chi tiêu trong thời gian này. Ông cho biết: “Trong những trường hợp như thế này, chính sách tiền tệ cần phải khởi động
chương trình phản ứng ngay”.
Một
số lý do khác cho thấy việc sụt giảm động lực tăng cầu thông thường có thể do
việc đồng đô la tăng mạnh, đảm bảo rằng giá dầu nội địa bên ngoài nước Mỹ đã
không giảm vì bất cứ điều gì giống như con số 40% được nhắc đến ở đầu bài.
Bên
cạnh đó, lịch sử cũng đưa ra một số bằng chứng về khả năng xuất hiện các mối lo
ngại mới. Năm 1986, giá dầu giảm hơn một nửa sau khi OPEC không thể kiểm soát
nguồn cung, gây ra một làn sóng kinh tế toàn cầu, đẩy tăng trưởng toàn cầu lên
đến đỉnh điểm 4,6 % vào năm 1988, một tỉ lệ mà mãi cho đến năm 2000 mới lại đạt
được.
Năm
2008, điểm yếu nghiêm trọng của cầu của thế giới đã dẫn đến sụt giảm giá dầu từ
133 đô la xuống còn 40 đô la/thùng, nhưng ngay cả với những sự lo ngại về giảm
phát, dầu rẻ hơn đã giúp phục hồi tăng trưởng vào năm 2010.
Sau
đó, lịch sử lại cực kỳ thiên vị quan điểm truyền thống về tiềm năng của dầu giá
rẻ trong việc kích thích nền kinh tế toàn cầu ở cả thời điểm tốt lẫn bất lợi.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cũng biết rằng, lịch sử chưa từng đóng vai trò chỉ dẫn
tốt đối với nhiều xu hướng kinh tế trong 6 năm vừa qua.
Mặc
dù tăng trưởng toàn cầu hiện nay có nhiều khả năng xảy ra hơn so với trước kia,
nhưng không có sự đảm bảo nào về việc dầu giá rẻ sẽ tạo ra điều thần kì cho hiện
tại giống như trong quá khứ.
Từ Trung Quốc tới Venezuela và các nước ở giữa – Ai thua? Ai thắng?
Mexico
đang mở rộng lĩnh vực đầu tư dầu khí của mình sang đầu tư tư nhân, sau gần 80
năm đầu tư dầu khí nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước. Nhưng đất nước này lại
đang chứng khiến đầu tư bị chèn ép do sụt giảm giá dầu. Các công ty đang cạnh
tranh các cơ hội khoan giếng có giá trị 100 triệu USD nói rằng họ có thể cân bằng
các lợi ích của họ. Tình hình khả quan cho Mexico là việc nhập khẩu chiếm một nửa
lượng cầu về xăng nên giá dầu rẻ lại là một điểm cộng. Thị phần nhiên liệu thô
chỉ chiếm tỉ lệ dưới 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mexico, và một chương
trình bảo hiểm rủi ro được cho là sẽ bảo vệ nhiên liệu dầu thô khỏi những tác động
của sụt giá trong năm 2015. Giá mỗi thùng dầu của Mexico giảm đi 20%
trong năm tới sẽ cộng thêm ít hơn 1% vào GDP. “Không đáng kể nhưng vẫn có thể kiểm soát được, nhìn từ góc độ tài
chính”.
MỸ
Sự
sụt giảm giá dầu có thể sẽ làm chậm lại cuộc cách mạng dầu khí đá phiến, nhưng
vẫn là tin tốt cho nền kinh tế Mỹ, khi lượng tiền mặt tiết kiệm được dày cộm
trong các ví tiền của hàng trăm triệu khách hàng. Giá dầu sụt giảm cho đến nay
sẽ giúp cho công dân Mỹ tiết kiệm khoảng 75 tỉ USD mỗi năm để chi tiêu cho các
mặt hàng khác – khoảng 0,7% tổng lượng tiêu dùng của Mỹ. Các nhà phân tích đưa
ra dự đoán về sự sụt giảm trong đầu tư vào dầu, nhưng Goldman Sachs đã chốt con
số ở khoảng không quá 0.1% GDP. Giá dầu thấp đã khiến các nhà kinh tế tự tin
hơn vào triển vọng cho năm 2015, với việc HSBC nâng dự báo tăng trưởng năm tới
từ 2,6 % lên 2,8 %. Dầu rẻ hơn sẽ đẩy lạm phát vốn đã thấp sẵn xuống, nhưng Cục
Dự trữ Liên bang Mỹ đang giải quyết tác động đó như thể nó chỉ xảy ra một lần.
CHÂU ÂU
Châu
Âu nhập khẩu khoảng 88 % số dầu tiêu thụ, nhưng thành quả từ việc giá dầu giảm
khá khiêm tốn. Ngay từ ban đầu, giá năng lượng thấp xuất hiện như cứu tinh đối
với ngành công nghiệp Châu Âu trong khi ngành công nghiệp này đang đấu tranh để
duy trì khả năng cạnh tranh với Mỹ. Về giá cả tiêu dùng, Mario Draghi, chủ tịch
Ngân hàng Trung ương châu Âu, gọi giá dầu rẻ hơn là “một động thái tích cực rõ
ràng”. Jens Weidmann, một thành viên của hội đồng quản trị ngân hàng này mô tả
giá dầu thô thấp “giống như một gói kích cầu nhỏ”. Nhưng ông Draghi cũng nhanh
chóng xác định các rủi ro khi EU lo ngại rằng lạm phát đang thấp một cách báo động
và có thể chuyển sang hướng giảm phát. Nhiều quốc gia đã trông chờ vào lạm phát
để giảm bớt gánh nặng nợ nần vốn đang kiềm chế sức chi tiêu trong nước.
Ông
Drahi cảnh báo rằng giá dầu thấp có thể “ảnh hưởng nghiêm trọng” tới vấn đề tiền
lương thấp. Giá dầu rơi tự do cũng đã gây thiệt hại cho sàn chứng khoán Châu Âu
đặc biệt là chỉ số chứng khoán mạnh FTSE của London. Các nhà phân tích hy vọng
rằng các dự án lớn ở Châu Âu, chẳng hạn như dự án tại vùng Bắc Hải của Anh, sẽ
được hoãn lại. Đức, nền kinh tế dẫn đầu của Châu Âu, đang dần chuyển sang sử dụng
năng lượng tái tạo, nhưng xăng dầu vẫn chiếm khoảng một phần ba mức tiêu thụ
năng lượng của nước này. Tuy nhiên, giá dầu rẻ và sự suy giảm của đồng Euro đã
thúc đẩy niềm tin của nhiều doanh nghiệp. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo có
trụ sở tại Munich, Đức, GDP của Đức được kì vọng sẽ tăng trưởng 1.5 % trong năm
2015, trong đó, theo một dự báo tuần trước của các viện nghiên cứu, một phần tư
của một điểm phần trăm (percentage point) là do sự sụt giảm giá dầu. Ifo cho biết,
giá dầu giảm sẽ tăng cường hoạt động kinh tế tổng thể "đặc biệt thông qua
sự gia tăng sức mua nội địa."
ANH
Với
việc việc giảm khai thác dầu nhanh chóng ở vùng Bắc Hải, nước Anh đã giành chiến
thắng một cách rất khiêm nhường từ sự sụt giảm mạnh giá dầu. Đối với Aberdeen,
thủ đô dầu mỏ của Scotland và Anh, triển vọng có vẻ không khả quan kể từ khi
thành phố chuyên về khai thác granite lại chuyển sang chuyên về công nghệ
khai thác dầu dưới đáy biển - thứ ngày càng trở lên không kinh tế so với dầu
giá rẻ. Nhưng mất mát của Aberdeen chỉ là phần còn lại của sự tăng trưởng của
nước Anh. Giá dầu thấp đã kéo lạm phát xuống 1% và giảm bớt áp lực về ngân sách
cho hộ gia đình và doanh nghiệp, nâng cao sự tự tin và cải thiện triển vọng tăng
trưởng cho năm 2015. Công nghiệp dầu mỏ chỉ chiếm trực tiếp khoảng dưới 2%
trong GNP, và mặc dù các ngành công nghiệp dịch vụ phụ trợ cũng rất quan trọng,
nhưng không thể thay đổi toàn cảnh về lợi nhuận hợp lý dành cho đại đa số doanh
nghiệp không nhận được đền bù thỏa đáng từ những tổn thất lớn trong ngành
công nghiệp dầu mỏ. Đối với các nguồn tài chính công, triển vọng ít lạc quan
hơn vì ngành công nghiệp dầu mỏ bị đánh thuế nặng, do đó, chi tiêu nhiều hơn ở
các lĩnh vực khác sẽ không đủ bù đắp các tổn thất khác trong doanh thu dầu mỏ.
Đối với các nhà dân tộc chủ nghĩa ở Scotland, mất nguồn thu từ dầu mỏ sẽ chấm dứt
mọi tranh cãi trong tương lai về việc liệu tương lai của Scotland có sáng lạn
hơn không nếu trở thành một quốc gia độc lập.
NA UY
Na
Uy nổi lên với vị thế là một trong những thị trường tốt nhất dành cho bất kỳ
nhà sản xuất nào. Oslo không chỉ có quỹ thịnh vượng lớn nhất thế giới – lớn gấp
đôi nền kinh tế với giá trị 870 tỉ USD – mà nó cũng có thể chịu được một mức
giá thấp hơn. Theo Fitch, thậm chí nếu dầu ở mức giá 40 đô la một thùng, Oslo vẫn
sẽ cân bằng ngân sách, ngưỡng thấp nhất cho tất cả các nhà sản xuất dầu được đảm
bảo bởi cơ quan đánh giá. Nhưng chính quyền Na Uy vẫn đang lo ngại về sự phụ
thuộc của đất nước Bắc Âu này về dầu mỏ. Ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất
bất ngờ xuống mức thấp kỉ lục trong tháng trước mặc dù thị trường nhà ở bong
bóng. Thống đốc ngân hàng trung ương, Oystein Olsen lo ngại rằng, giá dầu dưới
70 đô la một thùng có thể đẩy các công ty đến việc cắt giảm đầu tư và trì hoãn
các dự án. Thăm dò Bắc Cực – được chào hàng như ranh giới dầu lớn tiếp theo của
Na Uy sau Biển Bắc – được coi là đặc biệt nguy hiểm đối với nhà sản xuất lớn nhất
ở Tây Âu.
NGA
Đối
với nền kinh tế Nga, sự sụt giảm của giá dầu và khủng hoảng Ukraina đã thổi
bùng lên một cơn bão hoàn hảo. Dầu mỏ và khí đốt chiếm 75% kim ngạch xuất khẩu
quốc gia, và hơn một nửa nguồn thu ngân sách, tiền tệ của nước này theo sát bước
chân của thị trường dầu mỏ. Đồng Rúp, vốn đã sụt giảm giá trị dưới áp lực của
những rủi ro địa chính trị, đã giảm mạnh kể từ khi giá dầu mỏ tụt dốc không
phanh. Kết quả là, gánh nặng 600 tỉ đô la nợ nước ngoài của các ngân hàng và
công ty Nga, đang nặng hơn từng ngày –lo ngại thậm chí còn nghiêm trọng hơn vì
các lệnh trừng phạt của Phương Tây ngăn cấm hầu hết những người đi vay tái cấp
vốn từ khoản nợ này với Mỹ hoặc các ngân hàng Châu Âu. Với Nga, vì phụ thuộc
vào việc nhập khẩu hầu như tất cả mọi thứ ngoại trừ hàng hóa, lạm phát đã tăng vọt
lên 9.4% và dự kiến sẽ đạt 10% vào cuối năm 2014.
THỔ NHĨ KỲ
Mehmet
Simsek, Bộ trưởng Tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng nước này không còn bị coi
như là một trong “top 5 nước yếu” của các nền kinh tế mới nổi. vì sự sụt giảm
giá dầu giúp thu hẹp thâm hụt tài khoản vãng lai của Ankara, một điểm yếu kinh
tế có tiếng. Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu dựa vào nhiên liệu nước ngoài – chi phí nhập khẩu
năng lượng năm 2013 là 56 tỷ đô la – nhưng theo các quan chức, thâm hụt thu hẹp
đi khoảng hơn 400 triệu đô la cho mỗi 10 đô la giảm ở giá dầu. Tác động tới người
tiêu dùng chưa hiệu quả, vì một số loại thuế Thổ Nhĩ Kỳ đứng vào hàng cao nhất
thế giới. IMF đã cảnh báo rằng nền kinh tế vẫn còn “nhạy cảm với những thay đổi
trong điều kiện tài chính bên ngoài”, và rằng những cải thiện cơ bản sẽ đòi hỏi
sự tiết kiệm nhiều hơn và cải cách cơ cấu đầy tham vọng. Vào tuần trước, Ankara
đã báo cáo l con số tăng trưởng gây thất vọng lớn, trong khi đồng Lira giảm xuống
một mức thấp so với đồng đô la ngày hôm qua giữa các mối lo ngại về các quy định
pháp luật và nguồn thông tin kinh tế mạnh của Mỹ. Yếu tố cuối cùng là lời cảnh
báo về một đợt tăng lãi suất của Mỹ, và các luồng quỹ chuyển hướng đi kèm của
các thị trường mới nổi, có thể có nhiều ảnh hưởng hơn bất kì lợi ích nào của Thổ
Nhĩ Kỳ từ việc trượt giá dầu mỏ
IRAN
Teheran
vốn đã phải vật lộn với các tác động của các lệnh trừng phạt của phương tây về
chương trình hạt nhân của đất nước này, trước khi dầu mỏ bắt đầu lao dốc. Chính
phủ của tổng thống Iran Hassan Rouhani đang tìm cách cân bằng lại nền kinh tế để
giảm thiểu sự phụ thuộc vào dầu mỏ trong ngân sách 93 tỉ USD trong năm 2015, từ
khoảng 50% xuống còn gần một phần ba – đó sẽ là mức thấp nhất trong nhiều thập
niên qua. Khi không có triển vọng tăng giá dầu nào trong tương lai gần đây, vẫn
còn có thể tạo thêm áp lực để trì hoãn thỏa thuận hạt nhân trước hạn chót vào
tháng 6. Các biện pháp trừng phạt ngân hàng của Mỹ đã khiến Iran mất đi một nửa
số doanh thu từ dầu mỏ. Nhưng một thỏa thuận có thể sẽ cho phép Iran, quốc gia
nắm giữ trữ lượng dầu lớn thứ tư thế giới, có thể bán được nhiều năng lượng thô
hơn và tiếp cận với khoảng 100 tỷ USD dự trữ ngoại hối mà nước này đã bị cấm tiếp
cận. Nếu Iran thất bại, suy thoái nền kinh tế và bất ổn xã hội có thể xảy ra.
Ả RẬP
SAUDI
Đệm
tài chính được đưa ra nhằm bù đắp tác động của bất kỳ thâm hụt nội bộ tiềm năng
nào, nhưng Ả Rập Saudi – nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới – vẫn sẽ là một
trong những quốc gia vùng vịnh bị ảnh hưởng nhiều nhất do giá dầu giảm. Theo
Moody’s, tại mức giá dầu 60 USD một thùng, vương quốc có biên lai về dầu chiếm
85% xuất khẩu và 90% doanh thu tài chính trong năm 2013, sẽ bị thâm hụt tài
khóa tương đương với 14% GDP. Dự trữ ngoại hối khổng lồ, ước tính gần 740 tỉ
USD, sẽ bù đắp một số tác động tiêu cực ngay cả khi giá dầu giảm mạnh hơn,
nhưng một kịch bản được đề cập nhiều như vậy vẫn có nghĩa: khả năng siết chặt
chi tiêu cho các chương trình xã hội vốn đã tăng lên đáng kể theo tình trạng bất
ổn liên quan đến cuộc nổi dậy ở Ả Rập. Mặc dù vậy, Riyadh đã tận dụng lợi thế
lãnh đạo của mình trong OPEC để ngăn cản những lời kêu gọi cắt giảm sản xuất.
NHẬT BẢN
Nhật
Bản là quốc gia có lợi thế rõ ràng từ việc dầu thô rớt giá. Trong năm tài khóa
vừa qua tới tháng 3 năm 2014, quốc gia nghèo nhiên liệu này đã dành ra 28,4
ngàn tỉ Yên tương đương với 236 tỉ USD vào nhiên liệu khoáng sản. Trong đó có
90% liên quan tới dầu mỏ, cứ mỗi 10% giá dầu giảm trên một thùng đại diện cho cổ
tức trị giá khoảng 2,6 ngàn tỉ Yên. Và 30% giá giảm sẽ mang lại lượng tiền mặt
tương đương so với lượng tiền mà chính phủ đưa ra trong năm 2014, khi chính phủ
tăng thuế tiêu thụ lên 3 điểm phần trăm. Trong thực tế, theo Hideo Hayakawa, cựu
trưởng phòng kinh tế của Ngân hàng Nhật Bản, thâm hụt ngân sách quốc gia ep hẹp
đã “được thanh toán đầy đủ từ nước ngoài”. Nhưng giá dầu thấp là tín hiệu đáng
mừng cho ngân hàng Nhật Bản BoJ, vì đó có thể là trở ngại cho quá trình mục
tiêu lạm phát tăng đến mức 2%.
TRUNG QUỐC
Trung
Quốc hưởng lợi ít hơn so với kỳ vọng từ việc giá dầu giảm, dù nước này là quốc
gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Một phần là do sự phụ thuộc lớn vào than
đá, nghĩa là hầu hết các ngành kinh tế đều có liên quan đến giá dầu thông qua
lĩnh vực vận tải. Giá dầu diesel và giá xăng được nhà nước đặt ra, ngừng bám đuổi
sát nút giá dầu ở khoảng 80 USD một thùng. Đây là tin tốt cho các nhà máy lọc dầu
của nhà nước CNPC và Sinopec, nhưng lại không thực sự tốt đối với các tài xế và
doanh nghiệp. Các ngân hàng chính sách Trung Quốc cũng tiếp xúc nhiều với các
nước xuất khẩu dầu lớn như Venezuela. Vì thế, Bắc Kinh rất dễ bị tổn thương khi
giá dầu giảm đánh một đòn trúng đến khả năng trả nợ của các nước
đó.
ẤN ĐỘ
Phụ
thuộc lớn vào nhập khẩu dầu mỏ và bị bao vây trong nhiều năm bởi thâm hụt ngân
sách và lạm phát cao, Ấn Độ là phía hưởng lợi rõ ràng từ giá dầu giảm. Đến
tháng 10, chi phí nhập khẩu dầu đã giảm xuống còn 164 tỉ USD trong vòng 12
tháng trước đó, từ mức đỉnh điểm 169 tỉ USD trong tháng 7, và dự kiến sẽ còn giảm
hơn nữa. Chính phủ của thủ tướng Narendra Modi đã tận dụng cơ hội để từ bỏ các
khoản trợ cấp dầu diesel cho người lái và nâng thuế đối với cả xăng lẫn dầu
diesel. Giá dầu giảm cũng đã cắt giảm thương mại, tài khoản vãng lai và thâm hụt
ngân sách, trong khi đó với sự trợ giúp của giá dầu lạm phát đã giảm - xuống
còn 4,4% trong tháng 11 – dẫn đến tỉ lệ lãi suất thấp hơn và thúc đẩy đầu tư. Ấn
Độ cũng không phải hứng chịu tác động nặng nề từ một số yếu tố tiêu cực như sự
tác động đồng thời tới khối các nền kinh tế lớn mới nổi Brics như Nga: hàng
hóa, chủ yếu là dầu mỏ, chiếm hơn một nửa kim ngạch nhập khẩu của Ấn Độ và chỉ
có 9% kim ngạch xuất khẩu, chủ yếu là thực phẩm.
NIGERIA
Nigeria
nổi lên với tư cách là nền kinh tế lớn nhất châu Phi phần lớn nhờ vào sự tăng
trưởng nhanh chóng của lĩnh vực dịch vụ. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn phụ thuộc
vào dầu mỏ, trong hơn 60% doanh thu nhà nước và hơn 90% kim ngạch xuất khẩu. Vì
vậy, đang tồn tại một cơn bão quần tụ trong lòng nước sản xuất hàng đầu châu
Phi này. Song song với tình trạng hỗn loạn là sự leo thang của các lực lượng nổi
dậy Hồi Giáo ở các khu vực phía bắc. Sản xuất dầu cũng sụt giảm – công suất
trung bình thấp hơn 2,4 triệu thùng/ngày, do tình trạng trộm cắp quy mô công
nghiệp và thiếu đầu tư sau 5 năm tê liệt pháp lý về cải cách công nghiệp. Các
nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài đã bị tình trạng này khiến cho sợ hãi, chính phủ
đã cắt giảm chi tiêu cho năm 2015; cho đến nay, thị trường chứng khoán đã giảm
23%, và đồng Naira đã tiếp tục chịu áp lực sụt giá kể từ khi mất 8% giá trị vào
tháng trước.
VENEZUELA
Theo
ước tính của các chuyên gia kinh tế, Venezuela đã mất 700 triệu USD cho mỗi đồng
đô la sụt giảm trong giá dầu. Thậm chí trước lần sụt giảm mới nhất, đã có suy
đoán cho rằng quốc gia có dầu mỏ chiếm đến 96% doanh thu xuất khẩu này có nguy
cơ vỡ nợ. Những lo ngại đã gia tăng trong nhiều tuần gần đây. Nền kinh tế dự kiến
sẽ giảm còn khoảng 3% trong năm nay, trong khi người dân đang phải vật lộn với
tình trạng thiếu hàng hóa cơ bản và lạm phát đang ở mức 63%. Tổng thống
Venezuela, Nicolás Maduro đã tuyên bố giá hợp lý cho một thùng dầu là 100 USD,
nhưng theo ước tính của các nhà phân tích tại tập đoàn tư vấn kinh tế
Ecoanalítica có trụ sở đặt tại Caracas, nước này cần giá dầu Brent ở trên mức
130 USD để cân đối ngân sách. Để bù đắp một số tổn thất, các chuyên gia ngành
công nghiệp tuyên bố, Venezuela cần tăng cường sản xuất từ 2,4 triệu thùng đến
2,8 triệu thùng một ngày. Nhưng ngay cả khi hoàn cảnh xảy ra có lợi nhất thì
Venezuela cũng phải mất nhiều năm để mọi hoạt động đi vào trạng thái ổn định.
____________________________
Dựa
theo báo cáo của nhóm: Andres Schipani tại Caracas, Kathrin Hille tại
Moscow, Daniel Dombey tại Istanbul, Jude Webber tại Mexico City, Najmeh
Bozorgmehr tại Tehran, Robin Harding tại Washington, Ben McLannahan tại Tokyo,
Lucy Hornby tại Beijing, Richard Milne tại Stockholm, Victor Mallet tại New
Delhi, Jeevan Vasagar tại Berlin, Christian Oliver tại Brussels, William Wallis
và Anjli Raval tại London
Copyrights
© 2007-2014 TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC - http://www.phiatruoc.info
No comments:
Post a Comment