Friday, December 19, 2014

Gặp gỡ Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ (Bùi văn Phú)






“Phải giải thể chế độ cộng sản Việt Nam”, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã phát biểu như thế trong buổi gặp gỡ truyền thông và thân hữu chiều ngày 6-12 tại San Jose. Ngày hôm sau, ông cũng lên tiếng kêu gọi như thế trong buổi lễ trao Giải thưởng Nhân quyền 2014 do Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam tổ chức.

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, bên trái, và kỹ sư Đỗ Thành Công

Tiếp xúc lần đầu tiên với truyền thông bắc California, ông Vũ cũng nói rằng chính phủ Hoa Kỳ “rất vui và vinh dự được mời ông sang Mỹ để tiếp tục đấu tranh vì dân chủ nhân quyền cho Việt Nam.”
Trước khi ra tù, trước mặt sĩ quan an ninh và đại diện sứ quán Mỹ, ông Vũ đã cố gắng nói bằng tiếng Anh: “I am determined to fight the Vietnamese communist regime to the end.” (Tôi quyết tâm chống lại chế độ cộng sản Việt Nam cho đến cùng) và sự việc này đã được công an ghi hình đầy đủ. Ông Vũ kể.

Gặp giới chức ngoại giao Mỹ, ông nói khi sang Hoa Kỳ ông sẽ “dành toàn tâm, toàn ý để tranh đấu cho dân chủ nhân quyền cho Việt Nam và chính phủ Mỹ không được ngăn cản”. Ông Vũ nói dù sang Mỹ hay đi bất kỳ nơi đâu thì mục tiêu chính của ông cũng là giải thể chế độ cộng sản Việt Nam.

Sự kiện Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đến California mới đây gây chú ý vì từ ngày rời nhà tù để sang Mỹ “chữa bệnh” cách đây 8 tháng, đây là lần đầu tiên ông có những tiếp xúc với cộng đồng người Việt tại California.

Lúc đầu ông dự định có họp báo ở Quận Cam vào chiều thứ Năm 4-12 do Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam tổ chức. Giờ chót cuộc họp báo không diễn ra vì ông Vũ “bị bệnh bất ngờ”. Lý do đó cũng đưa đến việc huỷ buổi ăn trưa và hội luận tại một nhà hàng ở San Jose vào thứ Bảy 6-12, theo như thơ mời của ban tổ chức gồm quí anh chị Đỗ Thành Công, phát ngôn nhân của Đảng Dân chủ Nhân dân; anh Nguyễn Trung Cao, đại diện Khối 8406 và chị Hoàng Mộng Thu thuộc Biệt đoàn Văn nghệ Lam Sơn.

Tuy nhiên, chiều thứ Sáu 5-12 Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và vợ là luật sư Nguyễn Thị Dương Hà đã bay từ nam California lên San Jose và được một số nhân vật cộng đồng đón tại phi trường. Tối hôm sau ông Vũ đã có buổi gặp gỡ thân hữu và truyền thông. Vì thế một số người không tin ông Vũ thực sự “bị bệnh” để hủy cuộc họp báo ở nam California và buổi hội luận ở San Jose.

Buổi gặp gỡ tối 6-12 được tổ chức tại nhà của kỹ sư Đỗ Thành Công, một người đã bị an ninh Việt Nam bắt giam hơn một tháng vào năm 2006 khi anh về Việt Nam. Tháng 6 năm ngoái, ông Vũ tuyệt thực trong tù, anh Công cũng tuyệt thực trước Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở San Francisco để biểu tỏ sự ủng hộ. Hôm nay hai người mới có cơ hội gặp nhau lần đầu.

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, thứ hai từ bên phải, trong buổi gặp gỡ ở San Jose tối 6-12-2014

Trong buổi nói chuyện, ông Vũ kể về gia thế. Phụ thân của ông là nhà thơ Huy Cận và bác cũng là cha nuôi là nhà thơ Xuân Diệu, hai thi sĩ được nhiều người Việt biết đến. Theo ông Vũ, bố ông là bộ trưởng đầu tiên đã cùng Hồ Chí Minh kí vào Bản Tuyên ngôn Độc lập. Theo cộng sản suốt 50 năm nhưng bố ông luôn chống tham nhũng. Ông Vũ nhớ lại: “Khi bố đi công tác nước ngoài, nhận công tác phí tiêu không hết thì ông đem về trả lại cho bộ tài chính để nhà nước lo cho dân”.

Về người bác, ông kể: “Nhà thơ Xuân Diệu khi đi nói chuyện về thơ ở một địa phương thấy dân khổ, cán bộ hà hiếp dân, ông phản ánh lại với chủ tịch huyện khiến ông này nổi cáu muốn huỷ buổi nói chuyện. Bác ông về báo cáo với trung ương và ông này đã bị cách chức”.

Bố và bác của ông là những người đã tham gia cách mạng từ năm 1938, khi còn là học sinh ở Huế. Chú ông là sĩ quan Quân đội Nhân dân. Ông nội bị đấu tố trong cải cách ruộng đất, nhờ lí lịch gia đình theo cách mạng nên không bị giết, được giảm từ địa chủ xuống trung nông, bị giam trong chuồng trâu, bỏ đói. May nhờ có một người quen đêm lén đem cơm cho ăn mà sống sót.

Thời ông Vũ làm cán bộ ngoại giao, năm 2004 gặp gỡ cố vấn Trung Quốc về quân sự cũng như kinh tế, ông có hỏi và được biết là chính Hồ Chí Minh đã thi hành chính sách cải cách ruộng đất theo hướng dẫn của Trung Quốc, có muốn cưỡng lại cũng không được.

Ông Vũ nói rằng “Bố tôi hết lòng với cộng sản, nhưng trước tội ác của cộng sản, cách này cách kia ông cũng tâm tư lắm chứ.”

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ nhận mình thuộc gia đình có truyền thống cách mạng, trí thức. Là cán bộ ngoại giao, nếu ông cứ dựa vào đó để tiến thân thì cuộc đời ông sẽ lên. Nhưng ông muốn thay đổi cách làm việc của bộ máy nhà nước, nhiều lần ông đã có những đề nghị với cấp trên, nhưng tình trạng tham nhũng, hiệu năng làm việc kém cũng không thay đổi. Vì thế ông dựa theo hiến pháp và luật pháp Việt Nam để tìm cách thay đổi hệ thống qua việc ứng cử chức bộ trưởng văn hóa, ứng cử đại biểu quốc hội.

Ông cũng đã kiện ủy ban nhân dân Huế trong dự án đồi Vọng Cảnh, kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về dự án Bôxít.

Ra ứng cử, ông bị ngăn chặn từ địa phương. Ở tổ dân phố, những người đấu tố ông, nói ông không có đủ tư cách, không tham gia quét rác, không thăm dân. Những lí do theo ông là vớ vẩn để không cho ông ra tranh cử. Nhưng cũng có một phần ba dân ở địa phương ủng hộ ông.

Sau nhiều cố gắng nhưng không thể thay đổi, ông thấy chỉ còn cách là giải thể chế độ cộng sản.
Ông Vũ công tác tại bộ ngoại giao từ năm 1979 đến năm 2009 là khi ông bị bắt giam với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” vì những bài viết, vì qua các báo đài quốc tế ông đã phát biểu quan điểm chống lại chính sách của nhà nước. Ông bị kết án bảy năm tù.

Trong tù ông tranh đấu cho quyền lợi của tù nhân. Bị giam chung với tù hình sự là những kẻ đâm thuê chém mướn, ông đã giảng giải cho họ nghe về tệ nạn tham nhũng của chế độ, của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà theo ông nếu chế độ sụp đổ, ông sẽ đưa ông Dũng ra tòa xử theo luật.

Thời gian ở tù, ông Vũ đã thu phục được sự ủng hộ của nhiều tù nhân. Cả giám thị Bùi Ngọc Bình, giám thị trại 5 là Đại tá Lê Duy Sáu cũng xem ông như là anh hùng.

Từ bên phải: Ông bà giáo sư Nguyễn Chính Kết, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ và luật sư Nguyễn Thị Dương Hà trong buổi lễ trao Giải thưởng Nhân quyền tại San Jose ngày 7-12-2014. Ông Hà Vũ được Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam trao giải này năm 2011, bà Thanh Thuỷ năm 2009 và giáo sư Nguyễn Chính Kết năm 2006

Hỏi về bí mật quanh Hội nghị Thành Đô, ông Vũ không nghĩ Việt Nam sẽ thành thuộc địa của Trung Quốc.
“Nhưng đó là một hiệp ước đầu hàng Trung Quốc về biên giới lãnh thổ và trên vịnh Bắc Bộ. Nhà nước cứ em chả, em chả, em không biết. Nhưng Hoàng Sa không dám đòi và Trường Sa tiếp tục bị mất.”
“Trước tình hình đó, chúng ta phải nhanh chóng giải thể chế độ cộng sản Việt Nam thì mới giữ được nước”, ông phát biểu.

Trong hoàn cảnh chính trị như thế nào tại Việt Nam thì ông sẽ trở về? Ông Vũ không trả lời thẳng câu hỏi này, cũng như vài câu hỏi khác, mà nói lòng vòng. Khi nhà báo Huỳnh Lương Thiện nhắc ông trả lời thẳng vào câu hỏi, ông phát biểu:
“Tôi không phải tranh đấu cho một ngày về mà là giải thể chế độ cộng sản Việt Nam để chúng ta cùng về, bắt tay với người dân trong nước xây dựng dân chủ, tiến hành những cuộc bầu cử tự do với sự giám sát quốc tế. Ngày về đó là ngày về của tất cả mọi người Việt Nam, không phải của riêng tôi. Đó là ngày về không phải chỉ của người nước ngoài mà là ngày về của chính người Việt Nam trong nước, ngày về với chế độ tự do dân chủ.”

Phát biểu của ông đã nhận được sự vỗ tay tán thưởng của khách tham dự buổi họp mặt.

Dịp này Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cũng lập lại những điều ông đã viết trên báo hay trong các khuyến cáo gửi cho chính phủ Hoa Kỳ và ông tin vào sức ép và sức mạnh của Mỹ sẽ giúp Việt Nam có dân chủ nhân quyền và thoát ảnh hưởng của Trung Quốc.

Liên quan đến đối thoại về nhân quyền, ông đề nghị để có tiến bộ trong quan hệ hai nước, Việt Nam phải hủy bỏ những điều luật 79, 88 và 258 luật hình sự.

Như nhiều tổ chức hoạt động cho dân chủ, nhân quyền khác, ông cũng đòi bỏ điều 4 Hiến pháp mà nhà nước Việt Nam coi đó là một âm mưu nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Trong buổi gặp gỡ, có những lúc ông Vũ hơi cường điệu. Như khi nói về chính sách xoay trục của Mỹ, ông cho đó là đề nghị của ông với Hoa Kỳ trước đây; hay những khuyến cáo về dân chủ và nhân quyền, nếu chính phủ Mỹ làm theo ý ông chắc chắn sẽ đem lại thắng lợi.

Điều này được cựu Đại tá Vũ Văn Lộc, giám đốc cơ quan IRCC, nhắc khéo với ông rằng người Việt ở Mỹ cũng đã và đang làm những việc đó từ bốn thập niên qua.

Trong một tiếp xúc bên ngoài buổi gặp gỡ, hỏi về sự kiện nhà văn Nguyễn Quang Lập vừa bị bắt, ông Vũ nhận định đó là những đấu đá phe nhóm trong nội bộ trước kỳ đại hội đảng sắp diễn ra, như đã từng xảy ra trước đây.

(ảnh trong bài của tác giả)
© 2014 Buivanphu

Gặp gỡ Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ * Liên quan đến đối thoại về nhân quyền, ông đề nghị để có tiến bộ trong quan hệ hai nước, Việt Nam phải hủy bỏ những điều luật 79, 88 và 258 luật hình sự.




No comments: