Thursday, December 25, 2014

Cuba : Những hy vọng đổi đời (Trọng Thành - RFI)





Trọng Thành  -  RFI
Đăng ngày 25-12-2014 Sửa đổi ngày 25-12-2014 17:13

Noel 2014 : Một tin vui lớn đối với người dân Cuba. Mỹ chấm dứt nửa thế kỷ cấm vận – Reuters

Dịp Noel năm nay đối với rất nhiều người dân Cuba có một ý nghĩa lịch sử vô cùng đặc biệt, sau hòa giải bất ngờ giữa Washington và La Habana, cho phép chấm dứt hơn nửa thế kỷ cấm vận. Báo La Croix số kép dịp Noel, ngày 24-25 tháng 12/2014, có bài phóng sự « Người Cuba hy vọng một tương lai tốt hơn », truyền đến độc giả các cảm xúc và dự toán của một số người Cuba sau biến cố 17/12.

Leonardo, một chủ công ty môi giới bất động sản vô cùng phấn chấn với tin mừng này kể từ một tuần nay. Ông hy vọng quan hệ được tái lập với Hoa Kỳ sẽ cho phép bán được nhà cho các công dân Mỹ, cho dù trong hiện tại cấm vận chưa hoàn toàn được dỡ bỏ và không có gì cho thấy người Mỹ có quyền mua nhà tại Cuba. Người Cuba chỉ mới được phép buôn bán nhà cửa từ năm 2011.

Đối với Franck, một sinh viên tin học vừa ra trường, tương lai kinh tế Cuba chắc chắn sẽ cải thiện. Anh hy vọng mở một nhà hàng riêng, một dự định cho đến nay chỉ có rất ít người Cuba dám nghĩ đến. Mở một cửa hàng chăm sóc sắc đẹp hay làm đầu cũng là ước mơ mới của Judi, 24 tuổi, hiện đang làm thợ sửa móng tay. Judi cũng tin nếu tình hình cải thiện, thậm chí cô còn có cơ hội sang Mỹ.

Cha Pablo, phụ trách một nhà thờ nhỏ ở vùng lân cận thủ đô La Habana thì nhận xét : « Nhờ Chúa và Giáo hoàng Phanxicô – người có vai trò lớn trong sự tái hòa giải -, người dân Cuba kể từ nay có nhiều cơ sở để hy vọng ».

Bài phóng sự kết thúc với những suy nghĩ của Celia, một phụ nữ lớn tuổi, có bằng tiến sĩ, và có người cha chủ đồn điền cafe, từng ủng hộ lực lượng « cách mạng ». Celia – người ủng hộ cuộc cách mạng tại Cuba trong quá khứ (vì trước đó có quá nhiều người thất học và đói khổ) – dè dặt trước khả năng thay đổi ngay trước mắt, sau khi quan hệ với Hoa Kỳ được bình thường hóa. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng nếu như nhà cách mạng Che Guevara sống lại, ông cũng sẽ ủng hộ việc khép lại một trang sử đã qua.

Trả lời câu hỏi của La Croix về việc liệu tính chính đáng của chế độ hiện hành, với các đàn áp nhắm vào những người chống lại chế độc đảng còn được duy trì, sau khi kẻ thù biến mất ? Celia cho biết, việc chấm dứt cấm vận sẽ là thời khắc của sự thật. Bà nói : « Ở đây, chế độ (cộng sản) quy cho Hoa Kỳ là nguyên nhân mọi đau khổ của chúng tôi. Nhưng một khi cấm vận được dỡ bỏ, chúng ta sẽ thấy mỗi bên phải chịu trách nhiệm như thế nào về phần mình ».

----------------------


Đăng ngày 23-12-2014 Sửa đổi ngày 23-12-2014 17:39

Ngày 17/12, Mỹ và Cuba cùng thông báo sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao, vốn bị cắt đứt từ đầu những năm 1960. Vatican và chính sách ngoại giao kín đáo của Tòa Thánh có thể vui mừng về sự kiện này vì chính Nhà Trắng đã tiết lộ là trong tháng 10 vừa qua, Vatican đã bí mật tổ chức, đón tiếp một cuộc gặp quyết định giữa hai phái đoàn Mỹ và Cuba. Vậy vai trò của Vatican, của Giáo hội Công giáo Cuba như thế nào trong tiến trình cải thiện quan hệ giữa Cuba và Mỹ ? Trước mắt, việc bình thường hóa quan hệ song phương có tác động ra sao đến hoạt động của Giáo hội Công giáo tại Cuba ?

RFI phỏng vấn cha Luc Lalire, Thư ký phụ trách khu vực Châu Mỹ La tinh của Hội đồng Giám mục Pháp.

RFI : Xin chào cha Luc Lalire, xin cha nhận định về vai trò của Vatican trong việc thúc đẩy Cuba và Mỹ, vốn là hai kẻ thù, giờ đây chấp nhận xích lại gần nhau ?
Cha Luc Lalire : Theo tôi, trước tiên, cần xác định rõ vai trò của Giáo hội tại Cuba. Trên hòn đảo này, Giáo hội vừa có vai trò to lớn, vừa bị chính quyền liên tục áp bức, như người Công giáo vẫn bị ngăn cản, không được bổ nhiệm vào những chức vụ quan trọng. Thế nhưng, Giáo hội và chính quyền vẫn duy trì quan hệ. Mặt khác, Đức Hồng Y Ortéga, làm Tổng Giám mục từ năm 1981, là người có vai trò chính trị quan trọng tại Cuba.
Vatican vừa có quan hệ với Giáo hội địa phương vừa có bang giao với chính quyền Cuba. Cho dù mối quan hệ giữa Tòa Thánh và chính quyền Cuba khá phức tạp, nhưng La Habana vẫn luôn luôn có một đối tác đối thoại quan trọng là Vatican.

RFI : Cuba cũng đã đón tiếp hai Giáo Hoàng, Gioang Phao Lồ đệ nhị năm 1998 và Benedicto 16 vào năm 2012.
Cha Luc Lalire : Đúng vậy, quan hệ giữa Cuba và Vatican đã có bước nhẩy vọt với chuyến công du của Đức Giáo Hoàng Gioang Phao Lồ đệ nhị. Chuyến đi được thực hiện bởi vì chính Cuba cần đến cuộc viếng thăm này.
Có thể nói, cho dù ở vị trí đối lập, Giáo hội Cuba trở thành một đối tác của chính quyền. Trong quan hệ của Cuba với thế giới bên ngoài, Giáo hội Cuba cũng đóng vai trò đối tác. Như vậy, Giáo hội Cuba đã thực hiện vai trò của mình.
Gần đây nhất, vào năm 2012, Đức Giáo Hoàng Benedicto 16 đã tới Cuba. Ngài đã được đón tiếp rất trọng thể, nhân dịp một sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt tại Cuba : Đó là cuộc hành hương tới Santiago, kỷ niệm 400 năm thần tượng tôn giáo, Đức Mẹ Đồng trinh Bác ái El Cobre. Cuộc hành hương do Giáo hội tổ chức, nhưng thu hút sự tham gia đông đảo của người dân, vượt ra bên ngoài khuôn khổ Giáo hội.

RFI : Trong chuyến đi thăm lịch sử của Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ đệ nhị, người ta còn nhớ tới buổi lễ cầu nguyện khổng lồ tại Quảng truờng Cách mạng ở La Habana. Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ đệ nhị bên cạnh lãnh đạo Cuba Fidel Castro, rồi có cả bức ảnh chân dung Che Guevara và cây Thánh Giá.
Cha Luc Lalire : Vâng, ở quảng trường Cách mạng, nơi có tượng đài kỷ niệm José Marti, người sáng lập lịch sử đảo Cuba và có một bức chân dung rất lớn của Che Guevara. Đây cũng là nơi mang tính lịch sử của Cuba đương đại với diễn văn của Fidel Castro kéo dài hàng giờ. Vẫn tại quảng trường này, vẫn khung cảnh đó, chỉ có diễn giả là thay đổi : Đó là Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ đệ nhị.

RFI : Cho dù Vatican có chính sách ngoại giao kín đáo, nhưng chúng ta vẫn có thể nói việc Cuba và Mỹ xích lại gần nhau là một thành công của Tòa Thánh ?
Cha Luc Lalire : Tôi nghĩ có thể nói đây là một thành công, nếu xem xét trên khía cạnh là Vatican vẫn luôn luôn chống lại việc Mỹ cấm vận Cuba và điều này không hề thay đổi trong lịch sử quan hệ giữa Vatican và Cuba.
Mặt khác, đây cũng là một thắng lợi trong bối cảnh có một sự chú ý và hiểu biết của Giáo hội Châu Mỹ La tinh đối với tình hình quốc tế, tình hình Cuba và Hoa Kỳ. Điều này giải thích vì sao, có những đối tác quan tâm đến một số vấn đề, có những lo ngại và đã hành động có kết quả.

RFI : Theo cha, việc bình thường hóa quan hệ giữa Cuba và Mỹ sẽ tác động ra sao đến Giáo hội địa phương ?
Cha Luc Lalire : Trong mọi trường hợp, tại Cuba, quan hệ giữa Giáo hội và chính quyền rất phức tạp, cho dù đã có một số tiến triển, nhất là tại La Habana. Nhìn trong tổng thể, Giáo hội vẫn gặp nhiều trở ngại và một số hoạt động vẫn bị cấm, như giảng giải giáo lý, tham gia các hoạt động xã hội.
Đương nhiên, trong thời gian gần đây, Giáo hội cũng có tiếng nói của mình và vai trò của Giáo hội được thể hiện rõ trong sinh hoạt xã hội. Nhưng tôi không nghĩ rằng việc cải thiện quan hệ Mỹ-Cuba sẽ giúp giải quyết ngay các vấn đề đó. Nên nhìn nhận đó là một sự cải thiện tình hình từ bên trong xã hội Cuba.







No comments: