12/28/2014
18
Comments
...Tự
do là quyền mơ mộng - quyền theo đuổi giấc mơ của mình hay trung thành với
lương tâm mình, cho dù ta chỉ là người duy nhất trong biển người hoài nghi. Tự
do là sự thừa nhận rằng không một ai, không một quyền lực hay chính quyền nào
có độc quyền về sự thật, ngoại trừ sự thật rằng cuộc đời của mỗi cá nhân là vô
cùng quý giá, rằng mỗi người trong tất cả chúng ta sinh ra đời đều đã được sinh
ra đời với mục đích nào đấy cho nên đều có điều gì đấy để cống hiến cho đời...
*
Lời
người dịch: Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan đọc bài diễn văn nổi tiếng
sau ở trường đại học quốc gia Mạc Tư Khoa vào ngày 31 tháng Năm, 1988. Reagan
nói chuyện với sinh viên, nhưng bài diễn văn cũng được truyền thanh trên cả nước
Liên Xô. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Hoa Kỳ có thể nói chuyện trực tiếp
với nhân dân Xô Viết.
Trước
thềm năm mới, chúng tôi trích dịch bài diễn văn này với hy vọng rằng thông điệp
về giá trị vĩnh cửu tạo ra xã hội cường thịnh và nhân văn-tức tự do của nó sẽ đến
với những người Việt, đặc biệt những người trẻ tuổi như từng đến với những sinh
viên Liên Xô cách đây 26 năm. (Tựa đề của người dịch.)
*
Ronald Reagan - Đứng ở đây trước bích
họa cách mạng của các bạn, tôi muốn nói về cuộc cách mạng rất khác đang diễn ra
ngay bây giờ, đang âm thầm tràn qua toàn cầu mà không có cảnh đổ máu hay xung đột.
Cuộc cách mạng ấy tạo ra những kết quả ôn hòa, nhưng chúng sẽ thay đổi cơ bản
thế giới chúng ta, phá tan những giả định cũ, và đổi mới cuộc sống chúng ta. Ta
dễ dàng đánh giá thấp vì cách mạng này không đi kèm với biểu ngữ hay phô
trương. Cuộc cách mạng này tên là cuộc cách mạng kỹ thuật hay thông tin, và ta
có thể lấy con chip silicon, không lớn hơn dấu tay, làm biểu tượng cho cách mạng
này.
Theo
chương trình trao đổi giữa hai nước, chúng tôi hiện nay có cuộc triển lãm lưu động
quanh nước các bạn để chứng tỏ kỹ thuật thông tin đang biến đổi cuộc sống chúng
tôi - thay thế lao động chân tay bằng người máy, dự báo thời tiết cho nông dân,
hay vẽ bản đồ mã di truyền DNA cho các nhà nghiên cứu y khoa. Ngày nay những
máy vi tính này giúp thiết kế ra mọi thứ từ nhà cửa, xe cộ tới phi thuyền;
chúng còn thiết kế cả những máy tính tốt hơn và nhanh hơn. Chúng có thể dịch tiếng
Anh sang tiếng Nga hay giúp người mù đọc hay giúp Michael Jackson tạo ra âm
thanh của cả giàn nhạc trên một máy hợp âm (synthesizer). Khi được nối kết nhờ
mạng lưới vệ tinh và cáp sợi quang học, với máy tính để bàn và điện thoại, một
cá nhân có thể sử dụng những phương tiện mà chỉ cách đây vài năm ngay cả những
chính quyền lớn nhất cũng không có sẵn.
Tựa
như cánh bướm non trong kén, chúng tôi đang thoát thai từ nền kinh tế của cuộc
cách mạng công nghiệp - nền kinh tế bị bó buộc và hạn chế trong tài nguyên vật
thể của trái đất - sang, như một nhà kinh tế đã đặt tựa đề cho sách ông, nền
“Kinh tế ở Trí tuệ”, mà ở đấy trí tưởng tượng của con người không có giới hạn
và tự do sáng tạo là tài nguyên quý giá nhất. Hãy nghĩ về con chip nhỏ bé ấy.
Giá trị của nó không ở những hạt cát từ đấy nó được tạo ra mà ở cấu trúc cực kỳ
nhỏ được thiết kế trên nó bởi trí tuệ thông minh của con người. Hay lấy ví dụ về
vệ tinh đang truyền diễn văn này ra khắp thế giới, mà thay thế hàng ngàn tấn đồng
được khai thác từ trái đất và được đúc thành dây. Trong nền kinh tế mới này,
phát minh của con người khiến tài nguyên vật thể càng ngày càng lỗi thời. Chúng
tôi đang vượt qua hoàn cảnh tồn tại vật chất để đến thế giới nơi con người tạo
ra số phận của chính mình. Ngay cả khi chúng tôi thám hiểm chân trời khoa học
tiên tiến nhất, chúng tôi cũng trở về với niềm tin văn hóa lâu đời của chúng
tôi, niềm tin ở trong sách Sáng Thế Ký trong Kinh Thánh: khởi đầu là tinh thần,
và sự sáng tạo ra của cải vật chất phong phú khởi đi từ chính tinh thần này.
Nhưng
số phận không định trước sự tiến bộ. Yếu tố quan trọng nhất là tự do - tự do tư
tưởng, tự do thông tin, tự do truyền đạt. Nhà khoa học nổi tiếng, học giả, và
người sáng lập đại học này, Mikhail Lomonosov, biết điều ấy. Ông nói “Mọi
người đều biết khoa học đạt được những thành tựu lớn lao và nhanh chóng, đặc biệt
một khi ách nô lệ được vất bỏ và thay thế bằng tự do triết học.” Các bạn biết,
một trong những cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa nước các bạn và nước tôi diễn ra giữa
các nhà thám hiểm người Nga và người Mỹ. Những người Mỹ này là thành viên tham
gia chuyến hải hành cuối cùng của Cook trong cuộc thám hiểm tìm con đường qua Bắc
cực; trên đảo Unalaska, họ tình cờ gặp những người Nga, những người này cho họ
tá túc, và cùng với họ và những người dân bản địa tổ chức lễ cầu nguyện trên
băng.
Những
nhà thám hiểm của kỷ nguyên hiện đại là những doanh nhân, những người có tầm
nhìn, có can đảm chấp nhận rủi ro và có đủ tự tin để đương đầu với những điều họ
không biết. Những doanh nhân này và những doanh nghiệp nhỏ của họ quyết định hầu
như tất cả sự phát triển kinh tế ở Hoa Kỳ. Họ là những người đóng vai trò chính
cho cuộc cách mạng kỹ thuật. Thật vậy, một trong những công ty máy tính cá nhân
lớn nhất ở Hoa Kỳ được hai sinh viên đại học, cũng bằng tuổi các bạn, khởi nghiệp
trong ga-ra sau nhà họ. Một số người, ngay cả ở nước tôi, nhìn cuộc thử nghiệm
muôn màu muôn vẻ là thị trường tự do ấy mà chỉ thấy phí phạm. Thế còn tất cả những
doanh nhân thất bại thì sao? Đúng, nhiều người thất bại, đặc biệt những người
thành đạt thường thất bại vài lần. Nhưng nếu bạn hỏi họ bí quyết thành công, họ
sẽ bảo bạn họ chỉ học từ bao gian nan họ trải qua trên trường đời; đúng vậy, họ
học từ chính thất bại. Như vận động viên thi đấu hay học giả theo đuổi sự thật,
thực tiễn là người thầy vĩ đại nhất.
Vì
lẽ ấy những nhà kế hoạch chính quyền, dù tinh tế đến đâu, cũng rất khó mà thay
thế cho hàng triệu cá nhân làm việc suốt ngày đêm để biến giấc mơ của họ thành
sự thật. Thực ra tệ quan liêu là vấn đề trên toàn thế giới. Có câu chuyện cũ về
thành phố nọ - thành phố ấy có thể ở bất kỳ nơi đâu - có một ông quan liêu mà
ai cũng biết là kẻ vô tích sự, nhưng không hiểu sao ông ta cứ bám chặc vào quyền
lực rất lâu. Thế rồi ngày nọ, trong cuộc họp thành phố, một bà già đứng lên nói
với ông ta: “Ở nơi đây quê tôi có câu chuyện dân gian là khi một đứa bé sinh ra
đời, một thiên thần bay từ trên trời xuống và hôn lên một bộ phận thân thể của
nó. Nếu thiên thần hôn tay nó, nó trở thành người khéo tay. Nếu thiên thần hôn
trán nó, nó trở thành thông minh và tài giỏi. Nhưng tôi nghĩ hoài không hiểu
thiên thần hôn ông ở đâu mà ông ngồi lì ở đấy rất lâu mà chẳng làm được tích sự
gì.”
Chúng
ta đang nhìn thấy sức mạnh kinh tế lan tỏa ra khắp thế giới. Những nơi như Cộng
hòa Đại Hàn, Singapore, Đài Loan đã phóng vào thời đại kỹ thuật, và trong quá
trình phát triển ấy họ hầu như không dừng lại ở thời kỳ công nghiệp. Chính sách
nông nghiệp thuế thấp ở tiểu lục địa nghĩa là chỉ trong vòng vài năm Ấn độ hiện
là nước xuất siêu thực phẩm. Có lẽ thích thú nhất là những ngọn gió đổi thay
bây giờ đang thổi qua khắp nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, nơi một phần tư
dân số thế giới lần đầu được hưởng tự do kinh tế. Đồng thời, sự phát triển dân
chủ đã trở thành một trong những phong trào chính trị mạnh mẽ nhất trong thời đại
chúng ta. Tại Châu Mỹ La tinh vào thập niên 1970, chỉ một phần ba dân số sống
dưới chính quyền dân chủ; ngày nay hơn 90 phần trăm dân số sống dưới chính quyền
dân chủ. Ở Philippines, ở Cộng hòa Đại Hàn, những cuộc bầu cử tự do, có tranh cử,
dân chủ là chuyện rất bình thường. Trên khắp thế giới, thị trường tự do là
khuôn mẫu của sự phát triển. Dân chủ là tiêu chuẩn để đánh giá các chính quyền.
Người
Mỹ chúng tôi công khai niềm tin của chúng tôi ở tự do. Quả thật, tự do gần như
là thú tiêu khiển quốc gia. Cứ bốn năm một lần nhân dân Mỹ chọn vị tổng thống mới,
và năm 1988 rơi vào dịp này. Có lúc có 13 ứng cử viên chính ra tranh cử ở hai đảng
chính, chưa kể đến tất cả những ứng cử viên khác, bao gồm những ứng cử viên thuộc
các đảng Xã hội và Tự do - tất cả đều cố gắng lấy việc làm của tôi. Khoảng độ
1.000 đài truyền hình địa phương, 8.500 đài phát thanh, và 1.700 nhật báo- mỗi
một doanh nghiệp này đều độc lập và tư nhân, hoàn toàn không phụ thuộc vào
chính quyền-tường thuật về các ứng cử viên, tra hỏi họ trong các cuộc phỏng vấn,
cho họ gặp nhau để tranh luận. Cuối cùng, nhân dân bỏ phiếu; họ quyết định ai sẽ
là tổng thống kế tiếp. Nhưng tự do không bắt đầu hay kết thúc bằng các cuộc bầu
cử.
Chỉ
cần lấy ví dụ, hãy đi đến bất kỳ thành phố Mỹ nào, và bạn sẽ thấy hàng chục nhà
thờ, tiêu biểu cho nhiều tín ngưỡng khác nhau - ở nhiều nơi, như nhà thờ đạo Do
Thái, nhà thờ Hồi Giáo - và bạn sẽ thấy những gia đình thuộc đủ mọi dân tộc
cùng nhau thờ phụng. Hãy đi vào bất kỳ lớp học nào, và ở đấy bạn sẽ thấy trẻ em
được dạy về Bản Tuyên ngôn Độc lập, rằng người ta được Đấng Tạo hóa phú cho những
quyền bất khả xâm phạm nào đấy - trong số những quyền này có quyền sống, tự do,
và mưu cầu hạnh phúc - mà không một chính quyền nào có thể phủ nhận một cách
chính đáng; Hiến pháp bảo đảm cho họ quyền tự do do ngôn luận, tự do hội họp.
Hãy đi vào bất kỳ tòa án nào, và ở đấy sẽ có vị chánh án độc lập làm chủ tọa
phiên tòa, và không chịu trách nhiệm với quyền lực chính quyền. Ở đấy mỗi bị
cáo đều có quyền được xử bởi bồi thẩm đoàn thuộc nhiều thành phần khác nhau,
thông thường 12 người nam và nữ - những công dân bình thường; họ là những người,
những người duy nhất cân nhắc bằng chứng rồi quyết định có tội hay vô tội.
Trong tòa án ấy, bị cáo vô tội cho tới khi bị chứng minh có tội, và lời của cảnh
sát hay bất kỳ viên chức nào cũng không có giá trị pháp lý hơn lời của bị cáo.
Hãy đi đến bất kỳ khuôn viên trường đại học nào, và ở đấy bạn sẽ thấy những cuộc
tranh luận công khai, đôi lúc sôi nổi về những vấn đề trong xã hội Mỹ và có thể
cần phải làm gì để giải quyết chúng. Hãy mở truyền hình lên, và bạn sẽ thấy cơ
quan lập pháp tiến hành công việc của chính quyền ngay trước máy quay phim,
tranh luận và bỏ phiếu về luật mà sẽ trở thành luật của quốc gia. Hãy tuần hành
trong bất kỳ cuộc biểu tình nào, và có nhiều cuộc biểu tình; quyền hội họp của
nhân dân được Hiến pháp bảo đảm và được cảnh sát bảo vệ. Hãy đi vào bất kỳ hội
trường công đoàn nào, nơi các công đoàn viên biết quyền đình công của họ được
luật pháp bảo vệ. Thực ra, một trong nhiều việc làm tôi có trước khi làm tổng
thống là chủ tịch công đoàn, Screen Actors Guild. Tôi lãnh đạo công đoàn mình
đình công, và tôi tự hào nói rằng chúng tôi đã thắng lợi.
Nhưng
tự do còn hơn điều này. Tự do là quyền chất vấn và thay đổi lề lối làm việc từ
xưa đến nay. Tự do là cuộc cách mạng liên tục của thị trường. Tự do là sự hiểu
biết cho phép chúng ta nhận ra những khuyết điểm và tìm cách giải quyết. Tự do
là quyền đưa ra ý tưởng, dù bị các chuyên gia chế giễu, nhưng nhìn thấy đông đảo
mọi người rất say mê ý tưởng ấy. Tự do là quyền mơ mộng - quyền theo đuổi giấc
mơ của mình hay trung thành với lương tâm mình, cho dù ta chỉ là người duy nhất
trong biển người hoài nghi. Tự do là sự thừa nhận rằng không một ai, không một
quyền lực hay chính quyền nào có độc quyền về sự thật, ngoại trừ sự thật rằng
cuộc đời của mỗi cá nhân là vô cùng quý giá, rằng mỗi người trong tất cả chúng
ta sinh ra đời đều đã được sinh ra đời với mục đích nào đấy cho nên đều có điều
gì đấy để cống hiến cho đời.
Người
ta nói tự do khiến con người ích kỷ và coi trọng vật chất, nhưng người Mỹ là một
trong những người mộ đạo nhất trên địa cầu. Vì họ biết tự do, giống y như chính
sự sống, không phải do tự kiếm được mà là mòn quà từ Chúa, cho nên họ tìm cách
chia xẻ món quà ấy với thế giới. Trong bài diễn văn từ biệt, George Washington
nói “Cả lý trí lẫn kinh nghiệm đều ngăn chúng ta không nên kỳ vọng đạo
đức quốc gia có thể ngự trị khắp nơi mà không có nguyên tắc tôn giáo. Và thật
quả rất đúng rằng đức tính hay đạo đức là suối nguồn cần thiết của chính quyền
hợp lòng dân.” Dân chủ không hẳn là hệ thống chính quyền mà đúng ra là hệ
thống nhằm buộc chính quyền phải khép vào khuôn khổ và không được can thiệp vào
đời riêng; một hệ thống của những sự ràng buộc về quyền lực để khiến chính quyền
lệ thuộc vào những điều quan trọng trong cuộc đời, những nguồn gốc giá trị thật
sự ta chỉ thấy ở trong gia đình và đức tin.
Nhưng
tôi hy vọng các bạn biết tôi nói rất nhiều về những điều này không chỉ để ca ngợi
những ưu điểm của nước tôi mà còn nói về tâm hồn cao cả chân chính của nước các
bạn. Dù sao, ai cần nói về nỗ lực đi tìm sự thật ở đất nước của Dostoyevski, về
óc tưởng tượng ở quê hương của Kandinski và Scriabin, về vẻ đẹp và tâm hồn ở nền
văn hóa phong phú và cao quý của nhà văn người Uzbek Alisher Navoi? Tất cả mọi
người đều cảm nhận một cách say mê nồng ấm nền văn hóa lớn của quốc gia đa dạng
của các bạn. Cho phép tôi trích một trong những đoạn văn đương thời hùng hồn nhất,
từ một trong những nhà văn vĩ đại nhất của thế kỷ hai mươi, Boris Pasternak,
trong tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago”. Ông viết: “Tôi nghĩ nếu con thú ngủ ở
trong lòng con người có thể bị đè nén bởi những đe dọa - bất kỳ đe dọa nào, hoặc
đe dọa về tù tội hay đe dọa về sự trừng phạt sau khi chết - thì biểu tượng cao
nhất của con người sẽ là người dạy sư tử trong rạp xiếc với con roi trên tay,
chứ không phải đấng tiên tri hy sinh thân mình. Nhưng đây chính là điều quan trọng
nhất - điều mà trong suốt bao thế kỷ đã nâng con người lên trên con thú không
phải là dùi cui, mà là âm nhạc trong lòng - sức mạnh không thể nào cưỡng lại được
của sự thật trần trụi.”
Sức
mạnh không thể nào cưỡng lại được của sự thật trần trụi. Ngày nay thế giới hướng
bao hy vọng và mong chờ của mình vào những dấu hiệu thay đổi, vào những bước tiến
đến tự do lớn hơn ở Liên Xô. Chúng tôi theo dõi và chúng tôi hy vọng khi chúng
tôi thấy những thay đổi tích cực diễn ra. Tôi biết có nhiều người trong xã hội
các bạn sợ thay đổi ấy chỉ mang lại sự đổ vỡ và gián đoạn, sợ hân hoan đón nhận
hy vọng của tương lai - mà đôi lúc ta phải cần tin tưởng. Thật giống như cảnh
trong phim cao bồi “Butch Cassidy and the Sundance Kid”, mà một số người ở Mạc
Tư Khoa ở đây vừa qua có dịp xem. Toán người truy lùng bao vây hai kẻ tội phạm,
Butsch và Sundance, người mà thấy mình bị vây hãm trên bờ vực vách núi dựng đứng
cao hàng chục mét bên trên thác nước chảy xiết. Butch quay sang Sundance nói hy
vọng duy nhất của hai người là nhảy xuống sông ở bên dưới, nhưng Sundance không
chịu. Y nói y sẽ chiến đấu đến cùng với bọn họ, mặc dù bên họ rất đông. Butch
nói làm như thế chẳng khác gì tự sát và hối y nhảy mau, nhưng Sundance vẫn
không chịu rồi cuối cùng thú nhận, “Tao không biết bơi”. Butch phá ra cười và
nói, “Mày thật là vừa ngốc lại vừa khùng, biết đâu chưa rơi xuống nước thì đã
chết mất rồi.” À, nếu các bạn chưa xem qua, thì rồi cuối cùng Butch và Sundance
đều thoát được. Tôi nghĩ điều tôi vừa nói về là perestroika và về những mục
tiêu của nó là gì.
Nhưng
thay đổi nhất định không có nghĩa là phủ nhận quá khứ. Giống như cây mạnh lên
theo mùa, đâm rễ vào lòng đất và hút nhựa sống từ mặt trời, những thay đổi tích
cực cũng như thế phải đâm rễ vào những giá trị truyền thống - vào lòng đất nước,
vào văn hóa, vào gia đình và cộng đồng - và thay đổi phải nhận sức sống của nó
từ những điều bất tử, từ nguồn gốc của tất cả sự sống, tức đức tin. Thay đổi
như thế sẽ đưa đến những hiểu biết mới, đến những cơ hội mới, đến tương lai rộng
mở hơn mà ở đấy truyền thống không bị thay thế mà còn phát huy rực rỡ trọn vẹn.
Tương lai ấy là tương lai đang mời gọi thế hệ các bạn.
Đồng
thời, chúng ta nên nhớ cải cách mà không được thể chế hóa nhất định sẽ không
bao giờ chắc chắn. Tự do như thế sẽ khiến ta luôn luôn lo sợ. Con chim bị buộc
vào dây, dù dây dài bao nhiêu chăng nữa, lúc nào cũng có thể bị kéo giật lại.
Vì thế, trong dịp trò chuyện với Tổng Bí thư Gorbachev, tôi đã nói về tầm quan
trọng phải thế chế hóa thay đổi - nhằm bảo đảm cho cải cách. Và chúng tôi thường
nói với nhau về sự gợi nhớ đáng buồn về thế giới bị chia cắt: Bức tường Berlin.
Đã đến lúc phải xóa bỏ những rào cản chia lìa con người.
Tôi
thường nói: Các quốc gia không tin tưởng nhau vì họ vũ trang; họ vũ trang vì họ
không tin tưởng nhau. Nếu địa cầu này muốn sống trong hòa bình và thịnh vượng,
nếu địa cầu này muốn đón nhận tất cả những tiềm năng của cuộc cách mạng kỹ thuật,
thì các quốc gia phải từ bỏ dứt khoát quyền chính sách đối ngoại bành trướng.
Hòa bình giữa các quốc gia phải là mục tiêu trường cửu, chứ không phải là giai
đoạn chiến thuật trong cuộc xung đột triền miên.
Người
ta bảo tôi ở nước các bạn có một bản nhạc nổi tiếng - chắc có lẽ các bạn biết bản
nhạc này mà điệp khúc truyền cảm của nó hỏi câu hỏi, “Người Nga có muốn chiến
tranh không?” Lời nhạc đáp: “Xin hãy hỏi bầu trời vương vấn tĩnh lặng,
bên trên hàng phong và bạch dương; dưới những hàng cây này bao người lính
nằm an nghỉ. Xin hãy hỏi mẹ tôi, hãy hỏi vợ tôi; rồi bạn sẽ không còn phải hỏi,
“Người Nga có muốn chiến tranh không?”” Nhưng còn những đồng minh một thời của
các bạn thì sao? Còn những người ôm bạn bên bờ sông Elbe thì sao? Chúng ta hãy
thử hỏi những nấm mồ nước dưới Thái Bình Dương hay thử hỏi những chiến trường
Châu Âu nơi xa quê hương nghìn trùng bao người lính Mỹ đã ngã xuống và vùi
thân? Chúng ta hãy thử hỏi mẹ, chị em, và con họ, người Mỹ có muốn chiến tranh
không? Cũng hỏi chúng tôi, và bạn sẽ thấy cùng câu trả lời, cùng niềm khao khát
trong mọi trái tim. Nhân dân không gây ra chiến tranh; chính quyền gây ra chiến
tranh. Và không có người mẹ nào lại muốn hy sinh con mình cho sự chiếm đoạt
lãnh thổ, cho lợi ích kinh tế, cho ý thức hệ. Một dân tộc tự do chọn sẽ luôn
luôn chọn hòa bình.
Người
Mỹ luôn luôn tìm cách kết bạn với những cựu thù. Sau cách mạng thuộc địa với
người Anh, chúng tôi đã củng cố từ rất lâu mối quan hệ mật thiết giữa hai quốc
gia. Sau cuộc nội chiến ghê gớm giữa miền Bắc và miền Nam, chúng tôi hàn gắn lại
vết thương và đạt được sự đoàn kết quốc gia đích thực. Trong đời tôi chúng tôi
đã tham chiến hai cuộc thế chiến chống Đức và một thế chiến chống Nhật, nhưng
hiện nay Cộng hòa Liên bang Đức và Nhật là hai đồng minh và hai người bạn gần
gũi nhất của chúng tôi.
Thế
hệ các bạn đang sống trong một trong những thời đại phấn khích nhất và hy vọng
nhất trong lịch sử Xô viết. Đây chính là thời đại khi làn gió tự do đầu tiên
lay động bầu trời và tim người đập theo nhịp điệu dồn dập của hy vọng, khi năng
lực tinh thần tích tụ qua bao năm dài im lặng khao khát được bứt phá. Tôi được
nhắc đến đoạn văn nổi tiếng gần cuối tác phẩm “Những linh hồn chết” của Gogol.
So sánh quốc gia ông với cỗ xe tam mã đang chạy nhanh, Gogol tự hỏi không biết
đích đến là nơi nào. Nhưng ông viết, “Không có câu trả lời chỉ ngoại trừ chiếc
chuông tuôn tràn ra không ngừng những âm thanh kỳ diệu.”
Chúng
ta không biết nơi đến cuối cùng của cuộc hành trình này sẽ là đâu, nhưng chúng
ta tràn đầy hy vọng rằng hứa hẹn của cải cách sẽ thực hiện được. Tại Mạc Tư
Khoa vào mùa xuân này, vào tháng Năm 1988 này, chúng ta có thể được ban cho hy
vọng ấy: tự do ấy, giống như cây con xanh tươi được trồng trên mộ của Tolstoy,
cuối cùng sẽ nở hoa trên miền đất dân tộc và văn hóa phì nhiêu của các bạn.
Chúng ta có thể được phép hy vọng rằng âm thanh tuyệt diệu của sự công khai mới
sẽ tiếp tục trỗi cao lên và ngân vang xa hơn trên suốt con đường đưa ta đến thế
giới hòa giải, tình thân, và hòa bình mới.
Nguồn: Trích dịch từ bài diễn
văn của Tổng thống Ronald Reagan tại trường đại học quốc gia Mạc Tư Khoa vào
ngày 31 tháng Năm, 1988.
Bản
tiếng Việt:
No comments:
Post a Comment