Phạm
Xuân Nguyên
22 Tháng Mười Hai, 2014
Tối
17/12/2014, lúc 9h, khi đang ngồi cùng anh em Nhã Nam sau cuộc tọa đàm
về bộ sách Việt Nam danh tác tại Viện Pháp, tôi được cú điện thoại của
nhà thơ Dương Tường. Anh Tường cho tôi hay tin anh Tấn đã lạnh một chân rồi, sắp
đi rồi. Lễ tang anh Tấn sẽ do gia đình, khối phố và bạn bè đứng ra lo liệu. – Anh
sẽ ở trong ban tang lễ, và gia đình anh Tấn cũng muốn có em nữa, em thấy được
không thì để anh báo cho Hiến (con trai cả anh Tấn). Tôi nói vâng mà trong
lòng như còn thầm trách anh Tường “làm sao lại hỏi em câu đó hả anh, anh Tấn mất
thì em phải được chung tay cùng gia đình và các anh lo liệu chứ”. Anh Tường cho
biết gia đình ủy quyền cho anh viết và đọc điếu văn. – Viết xong anh sẽ gửi
em đọc trước. Dứt cuộc điện thoại, tôi nói lại tình hình của nhà văn Bùi Ngọc
Tấn cho các anh em cùng nghe. Công ty văn hóa truyền thông Nhã Nam là một nơi gần
gũi anh Tấn, đã từng in mấy tập sách của anh, trong đó có tiểu thuyết Biển
và chim bói cá. Vũ Hoàng Giang, Phó giám đốc Nhã Nam, nói nếu có tin gì thì
anh báo ngay cho em biết với.
Sáng
18/12/2014, 7h, tôi được đánh thức bởi cú điện thoại của nhà thơ
Dương Tường. – Anh Tấn đi rồi, Nguyên ạ. Mới đi. Đi lúc 6h15. Giờ giấc tang
lễ báo sau. Chỉ vậy thôi rồi anh buông máy. Tôi thẫn thờ, buồn. Vẫn biết bệnh
ung thư phổi của anh Tấn ngày một xấu đi. Vẫn biết sự sống của anh chỉ còn tính
từng ngày. Vẫn biết anh sắp rời cõi thế. Mà được tin vẫn bất ngờ, đau xót. Bao
giờ trước sự ra đi của một con người ai cũng đều có cảm giác đó. Nhưng với một
CON NGƯỜI như nhà văn Bùi Ngọc Tấn, cảm giác đó sâu nặng hơn, thấm thía hơn.
Sau khi nhận tin tôi vội thông báo ngay lên facebook để mọi người biết. Và suốt
ngày hôm đó nhiều cuộc điện thoại, nhiều tin nhắn gọi gửi đến tôi để hỏi tin
đích xác có phải anh Tấn đã mất thật rồi không, khi nào thì viếng và đưa tang,
có cơ quan hội đoàn nào lo việc tang của anh không, nhờ đặt vòng hoa, bỏ tiền
phúng viếng. Các báo đài cũng điện hỏi cảm xúc, ý kiến tôi về nhà văn Bùi Ngọc
Tấn. Khi đó tôi chưa biết là ngay khi anh Tấn vừa nằm xuống, Ban Tuyên giáo
Trung ương đã có chỉ thị cho các cơ quan truyền thông đại chúng là đưa tin có mức
độ (nhưng Đài truyền hình trung ương là không đưa tin), không nhắc tên tác phẩm
vì ông này có tác phẩm được giải thưởng nhưng cũng có tác phẩm bị cấm. Vì vậy đọc
những tin bài về anh Tấn mấy ngày qua chỉ thấy sơ sài. Anh Tường thì nửa buổi
sáng đã gọi lại bảo tôi cùng đi với anh xuống Hải Phòng ngay, anh không thể để
bạn nằm xuống mà không có mình bên cạnh. Tôi bận việc nên chưa thể đi ngay, nên
anh Tường đã gọi taxi chiều ấy xuống.
Sáng
19/12/2014, 7h30, tôi lái xe chở bố con nhà văn Nguyên Ngọc và họa
sĩ Đỗ Phấn xuống Hải Phòng. Anh Ngọc muốn được có mặt lúc 10h khâm liệm anh Tấn
để nhìn mặt bạn văn lần cuối. Xe đến Hải Phòng kịp giờ liệm anh Tấn (mặc dù ở
đoạn đường 5 cuối tỉnh Hải Dương bắt sang địa phận Hải Phòng tôi bị phạt tốc độ,
nhưng nghe tôi nói chở đoàn nhà văn xuống viếng một nhà văn nổi tiếng và lại thấy
tôi tóc trắng cầm lái, nên anh công an trẻ gật đầu cho đi, còn dặn bác lái cẩn
thận). Tuy nhiên, thầy cúng xem giờ xem tuổi đã nói khi khâm liệm anh Tấn (tuổi
Giáp Tuất 1934) thì những người ở năm sáu con tuổi khác phải tránh, không được
có mặt nhìn mặt. Anh Tường tuổi Nhâm Thân (1932) bị kiêng, mà anh Ngọc cũng tuổi
ấy, nên đành chờ liệm xong phát tang. Biết được điều này khi đang trên đường đi
nên tới Hải Phòng tôi cho xe chạy đến hàng hoa ở ngay Nhà hát lớn thành phố. Vừa
nói đặt hoa, lại thấy biển số xe Hà Nội, chị hàng hoa đã nhanh nhảu – có phải
các bác viếng ông to gì ở đường Thiên Lôi không, – phải rồi, nhưng sao lại biết
là ông to, – vì nghe nói có nhiều công an dẹp đường, canh giữ mà, – à ra thế.
(Điều này nhạc sĩ Dương Thụ cũng cho biết: anh bay từ Sài Gòn ra, xuống sân bay
Cát Bi lấy taxi về đường Thiên Lôi, anh lái bảo cháu biết rồi, chú ra dự đám ma
ông gì đó phải không, ông ấy chắc làm to vì lâu nay đường đó vốn hay tắc có thấy
ai dẹp trật tự gì đâu, hôm nay bỗng dưng có rất nhiều công an trực, phân luồng
xe, thế chắc cái ông vừa mất phải là ông to rồi). Tôi đặt bốn vòng hoa: cho tôi
và Nguyễn Quang Lập, cho Hội nhà văn Hà Nội, cho Khoa Ngữ văn, Đại học Sư Phạm
TPHCM, cho hai gia đình Nguyệt Cầm và Đỗ Hoàng Diệu ở Mỹ. Sau khi dặn mang hoa
đến nhanh, tôi chạy xe về ngõ 800 đường Thiên Lôi. Trong căn nhà số 30 ở ngõ
này của con trai cả Bùi Ngọc Hiến, anh Tấn đã sống mấy tháng cuối cuộc đời mình
và đã trút hơi thở cuối cùng. Linh cữu anh quàn tại đó và tang lễ sẽ làm tại
đó. Đường Thiên Lôi nhỏ, chỉ vừa đủ hai ô tô tránh nhau. Ngõ 800 may cũng vừa đủ
chỗ đi lại, ngay cả khi đã dành một phần nửa dọc lối đi làm chỗ để xe máy cho
người đến viếng.
Khi chúng tôi đến, dọc đoạn đường Thiên Lôi quanh
ngõ 800 và dọc trong ngõ đã có nhiều bóng áo công an và những người lạ mặt mà
nhìn ánh mắt vẻ mặt dáng điệu thấy đầy cảnh giác, soi xét. Đoàn các anh Phạm
Toàn, Chu Hảo và nhóm Cánh Buồm cũng vừa tới. Các vòng hoa của Ban vận động
thành lập Văn đoàn độc lập Việt Nam, Cánh Buồm, Diễn đàn Paris đã được nhờ đặt
trước và đưa đến. Anh em gặp nhau, anh Tường cho biết: tối qua (18/12) an ninh
công an Hải Phòng đã đến gặp chị Bích đề nghị tang lễ chỉ nên làm trong phạm vi
gia đình, tránh những chuyện quá khích. Đang trò chuyện thì có tin báo là hai
vòng hoa của Văn Đoàn và Diễn Đàn Paris bị bắt gỡ băng. Mọi người kéo ra chỗ để
vòng hoa xếp trong ngõ và được yêu cầu gỡ băng ra. Thì gỡ, nhưng vòng hoa vẫn
được giữ lại đem vào viếng.
Lễ
viếng bắt đầu lúc 11h. Gia đình anh Tấn đã thuê công
ty dịch vụ tang lễ Thiên Thảo nên việc tổ chức lễ viếng, lễ tang, lễ an táng
khá bài bản, chu tất, tuy có một thiếu sót vô cùng đáng tiếc và ân hận tôi sẽ
nói sau. Quan tài anh Tấn để khuất sau bàn thờ, người viếng không đi vòng quanh
xem mặt anh lần cuối, chắc đây là phong tục ở từng nơi. Các đoàn đến viếng đầu
tiên rất đông. Loa xướng tên từng người, từng đoàn. Đến lượt Cánh Buồm xong thì
bỗng nghe “Xin mời đoàn Diễn Đàn Paris vào viếng”. Thế là vòng hoa của Diễn
Đàn, của Văn Đoàn cùng được đưa vào đặt trước bàn thờ anh Tấn tuy không có dải
băng ở trên. Nhưng khi viếng xong nghe trong loa lời cảm ơn thì có nhắc tới Văn
Đoàn. Đến lượt tôi đăng ký Hội Nhà văn Hà Nội và cùng Đỗ Phấn mang cả bốn vòng
hoa vào. Sáng hôm sau tôi còn đặt thêm một vòng hoa nữa và khi mang viếng loa
đã vang to “nhà báo Huy Đức và nhà thơ Đỗ Trung Quân vào viếng”. Hội Nhà văn Việt
Nam xuống viếng vào chiều muộn, đoàn do nhà văn Nguyễn Trí Huân Phó chủ tịch Hội
dẫn đầu, viếng xong là về. Thoáng chốc lối ngõ 800 Thiên Lôi đã chật đầy các
vòng hoa viếng mà hoa vẫn cứ được mang tới, mà các đoàn người vẫn đang đến.
Nhìn các vòng hoa dọc lối đi tôi thấy có của gia đình tướng Trần Độ. Vừa lúc
Khánh Trâm (con dâu vị tướng) điện đến, tôi nói có thấy vòng hoa gia đình cụ Độ
rồi, Trâm bảo còn một vòng hoa nữa đề là “Câu lạc bộ Lê Hiểu Đằng kính viếng”
đã bị bắt bỏ băng rồi anh ạ. Vậy là có ba vòng hoa viếng bị bắt gỡ băng xuống,
cho đến lúc ấy. Có vòng hoa của gia đình nhà văn Nguyên Hồng, gia đình nhà thơ
Hoàng Hưng, của bogger Hiệu Minh, của Quán Văn TPHCM, của Phòng Văn hóa Văn nghệ
Ban tuyên giáo thành ủy Hải Phòng. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La
Thăng gửi vòng hoa viếng do có người con rể của anh Tấn là Giám đốc một công ty
thuộc Bộ. Nhiều lắm những vòng hoa tươi cho linh hồn anh Tấn khi kết thúc tang
lễ đã có 368 đoàn đến viếng, trong đó có nhiều đoàn đi hai ba vòng hoa đại diện
cho nhiều người nơi xa không tới được bên anh giờ phút cuối.
Ban tang lễ nhà văn Bùi Ngọc Tấn gồm 7 người do ông
Phó chủ tịch mặt trận phường làm Trưởng ban, và gồm Tổ trưởng Tổ dân phố 59, đại
diện khu dân cư ngõ 800, trưởng tộc họ Bùi, anh Dương Tường, tôi, và Hiến đại
diện gia đình. Lúc đầu anh em nghĩ đơn giản là khi làm lễ truy điệu thì tôi dẫn,
anh Dương Tường đọc điếu văn. Nhưng tối 19/12 gia đình cho biết là ông Giám đốc
công an thành phố Hải Phòng, tướng Đỗ Hữu Ca, đã đến nhà yêu cầu để điếu văn
cho tổ trưởng tổ dân phố đọc. Chúng tôi bất ngờ. Bài điếu văn anh Tường viết ngắn
nhưng ẩn chứa nhiều cảm xúc, suy nghĩ, câu chữ nặng lòng nặng tâm tưởng. Dương
Tường, người bạn thân thiết hơn nửa thế kỷ chia sẻ buồn vui hoạn nạn của Bùi Ngọc
Tấn, viết điếu văn bạn mình không kể tiểu sử, cuộc đời anh Tấn, mà nói lên vị
trí của anh Tấn đối với Hải Phòng, đối với Việt Nam trong văn chương, một vị
trí có thể làm vinh dự cho nước nhà trên thế giới. Bài điếu văn đó chỉ có thể
được đọc do chính người viết ra nó, không ai khác. Chúng tôi bàn tính mấy khả
năng: không đưa bài điếu văn của anh Tường cho bà tổ trưởng dân phố đọc, bà ấy
có đọc bài khác thì đọc, sau đó anh Tường sẽ đọc tiếp bài của mình thay mặt gia
đình bạn hữu văn chương, còn nếu không được đọc bài đó ở lễ truy điệu thì khi hạ
huyệt ở nghĩa trang sẽ đọc. Mọi người lo nghĩ đến tình huống xấu nhất sẽ xảy ra
sự can thiệp thô bạo của công an tại lễ truy điệu ngay trước linh cữu anh Tấn
quanh việc đọc điếu văn. Nhưng đến sáng 20/12, trước vài giờ lễ truy điệu,
chúng tôi được tin anh Tường vẫn sẽ đọc bài điếu văn của mình.
Và nhà thơ Dương Tường đã đọc bài điếu nhà văn Bùi
Ngọc Tấn bằng một giọng trầm hùng, khỏe khoắn, nhấn vào từng câu từng chữ. Bài
điếu chỉ có gần năm trăm con chữ, nhưng anh Tường đã chất vào đó cả một thân phận
đời người đời văn trên trần thế 80 năm của anh Tấn, chất vào đó cả số phận của
một thế hệ các anh “cùng một kiếp bên trời lận đận” say lý tưởng và vỡ mộng tưởng,
chất vào đó cả số kiếp văn nhân văn chương nhiều lao đao lận đận với nhân dân,
đất nước. Thường ngày anh Tường nói khó nhọc, đứt quãng, nhưng trước linh cữu bạn
mình, trước đông đảo thân bằng cố hữu của anh Tấn và trước những người dân ngõ
xóm láng giềng nhà con anh có thể chưa biết anh Tấn là ai, giọng anh Tường đã
vang to, rành mạch, rõ ràng, được loa truyền đi càng vang vọng:
“Thưa…
Tôi được gia đình tang quyến tin cậy uỷ thác cho trọng
tách đọc lời điếu trong lễ tang này.
Hôm nay, chúng ta tiễn đưa một con người mà sự ra đi
không chi là một mất mát không gì bù đắp nổi đối với gia đình, người thân và bạn
bè, mà còn để lại một trống vắng mênh mông trong địa lý văn học nước nhà. Người
mà chúng ta vĩnh biệt hôm nay là công dân Bùi Ngọc Tấn, một người con đáng tư
hào của Hải Phòng, hội viên danh dự Hội Văn Bút quốc tế, từng đoạt 2 giải Văn
chương quốc tế có uy tín.Với tư cách là con người, Bùi Ngọc Tấn đã cống hiến cả
tuổi xuân của mình cho cách mạng, mặt khác, cay nghiệt thay, đã trải mọi trầm
luân của kiếp nhân sinh, đã uống đến tận cặn ly đắng cuộc đời, đã kiên cường
vác cây thập giá của mình chứ không kéo lê nó. Với tư cách là kẻ sĩ, Bùi Ngọc Tấn
đã dùng ngòi bút thiên tài, trung thực và từ tâm của mình đóng góp vào văn học
nước nhà những tác phẩm để đời, những trang viết làm lay động hàng triệu trái
tim độc giả, xứng đáng được xếp vào hàng những tác giả lớn mà cả một thế kỷ
cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Vâng, Hải Phòng có người con như thế đó.
Hải Phòng từ nay vắng đi một trong những niềm tự hào
của mình, mặc dầu nhiều người chưa hiểu điều đó. Lịch sử công minh, sớm muộn, sẽ
đặt những nhân cách lớn trở về đúng vị trí và anh linh Bùi Ngọc Tấn sẽ mãi rạng
ngời cùng trời xanh biển đẹp Hải Phòng. Bởi trong lòng những người yêu văn học,
yêu những giá trị đích thực truyền từ thế hệ này sang thế hệ sau, cái tên Bùi
Ngọc Tấn đã trở thành bất tử.
Hôm nay, đi sau linh cữu Bùi Ngọc Tấn, tôi tin rằng
cùng với chúng ta bằng xương bằng thịt, còn có cả một dòng sông vô hình hàng
triệu độc giả trong và ngoài nước tiễn biệt nhà văn yêu thương. Và rồi đây, ở
nơi yên nghỉ cuối cùng của nhà văn, những ngày tới, những tháng tới, những năm
tới, sẽ còn những người từ xa tới đặt hoa tưởng niệm, như khách bốn phương khi
đến Paris vẫn thường tìm đến nghĩa trang Père-Lachaise đặt một bông hồng lên mộ
Hugo, Balzac hay Flaubert…”
Đọc xong, anh Tường đặt bản văn điếu lên quan tài
anh Tấn, chỗ nắp che mặt anh nằm trong. “Thôi, Tấn đi!”, anh Tường nói rồi khóc
nấc lên. Cả khối người trong nhà ngoài sân cùng lặng phắc xúc động. Phút giây ấy
tôi nghĩ anh Tấn được thỏa nguyện và linh hồn anh còn vương vấn nơi đây sẽ mỉm
cười đôn hậu như anh vốn đôn hậu một đời.
Phút chót vẫn còn những bạn văn từ Hà Nội xuống kịp
tiễn đưa anh.
Đúng
10h ngày 20/12/2014 lễ di quan bắt đầu. Quan tài anh Tấn
được đưa đi giữa dòng người dòng hoa. Công an dẹp lối, dẫn đường. Dòng người
hoa kéo dài đưa anh về lại ngôi nhà của anh ở 10 Điện Biên Phủ, quận Ngô Quyền.
Công an đã túc trực ở đó, hướng dẫn giao thông, và canh gác. Thắp hương cho anh
tiễn biệt nơi cư ngụ trần thế của mình xong, đoàn tang đi về nghĩa trang Ninh Hải.
Một nghĩa trang rộng rãi, phong cảnh thoáng đãng, “không có mùi âm khí” như nhận
xét của anh Dương Thụ. Nắng đông hanh vàng bừng sáng chứng kiến giờ phút thân
thể nhà văn Bùi Ngọc Tấn về đất. Anh sẽ nằm đây ba năm, sau đó cất bốc đưa về
quê ở thôn Câu Tử ngoại, xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Tôi là
người đầu tiên ném nắm đất xuống huyệt mộ anh. Quay ra, anh Nguyễn Quang A vẫy
lại, lấy ra cái băng đề “Diễn đàn xã hội dân sự kính viếng” cài lên một vòng
hoa (Đây là băng anh Quang A thủ sẵn thêm vì cái băng đính trên vòng hoa vào viếng
cũng đã bị gỡ, vậy là có bốn vòng hoa không có băng tang). Vòng hoa ấy đã cùng
bao vòng hoa khác được đắp lên mộ anh Tấn trong khói hương tỏa ngát. Tôi là người
gần sau hết thắp hương cho anh trước mộ. Anh Tấn ơi, em vĩnh biệt anh, người
anh người bạn vong niên như người ruột thịt mà em may mắn được quen thân trong
mười lăm năm qua, cùng bên em vĩnh biệt anh đây có bao nhiêu người khác nữa nhờ
em chuyển tới anh lời yêu thương quý trọng và mong anh thanh thản ở cõi trời
khác. Tôi nghẹn ngào và nhà nhiếp ảnh Xuân Bình đứng bên tôi từ lúc nào cũng nghẹn
ngào. Chúng tôi khóc cho Hải Phòng và cho chúng tôi từ nay đã mất Bùi Ngọc Tấn.
Trước đó, khi mọi người đang cắm hương trên mộ anh Tấn,
tôi nhận được cuộc gọi của Mặc Lâm đài RFA đang thường trú ở Thái Lan. Anh Mặc
Lâm hỏi tôi câu thứ nhất về tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 của anh Tấn.
Tôi nói: “Trước hết, đây là một cuốn tiểu thuyết.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn viết tiểu thuyết chứ không phải tự truyện hay hồi ký, mặc
dầu nhân vật lấy từ chính cuộc đời của anh, năm năm lao tù của anh, nhưng là tiểu
thuyết và do vậy kinh nghiệm cá nhân của Bùi Ngọc Tấn cộng với kinh nghiệm bạn
tù và những kinh nghiệm quan sát của một nhà văn trong đời sống xã hội nó hun
đúc lên thành hình tượng, thành nhân vật và do đó sức khái quát nó lớn hơn. Sức
thuyết phục, tác động nó mạnh hơn. Trong đám ma của ông hôm nay rất nhiều bạn
bè văn chương cũng khẳng định như thế, đây là một tác phẩm có thể nói là một bước
ngoặt của văn học Việt Nam. Một tác phẩm sẽ sống lâu và còn giúp cho mọi người
đọc nó nhận biết thực tại đời sống xã hội Việt Nam trong 50 năm của nửa
cuối thế kỷ 20. Sau nữa, điều quan trọng là tâm thế của Bùi Ngọc Tấn trong tác
phẩm này cũng như các tác phẩm khác của anh từ khi anh trở lại văn đàn là một sự
nhân hậu ấm áp. Khi đã trải qua những năm tháng trong nhà tù khắc nghiệt như vậy
mà có giọng hằn học, cay độc thì cũng là lẽ tất nhiên nhưng không, ông đã chọn
nói về những sự thật đó, nói về những nỗi đau của con người, về những vấn đề xã
hội nhân sinh bằng một giọng văn nhân hậu, ấm áp, mà đọc vào khiến người ta xúc
động và càng thấy sự chân thực toát lên và nhờ đó sự thật của đời sống của văn
chương nó đạt được hiệu quả”. Câu thứ hai Mặc Lâm hỏi về con người trong đời
sống của Bùi Ngọc Tấn. Tôi nói: “Kể từ khi tôi quen biết và trở nên thân thiết
như một người em một người bạn vong niên thì tôi thấy anh Tấn một nhà văn hết sức
nhân hậu, nồng hậu, ấm áp, biết hài hước mặc dù luôn luôn đau đáu về cuộc sống,
văn chương. Bất kỳ ngồi với với ai đều không thấy anh dùng giọng cha chú, bề
trên hay gì cả. Rất nhiều người trẻ cả độc giả lẫn người viết trẻ đều cảm nhận ở
anh Bùi Ngọc Tấn một sự hòa đồng, bình đẳng và tin cậy ngay khi được gặp anh.
Tin cậy trên trang viết và tin cậy trong cuộc sống”.
Trong bữa cơm trưa cùng gia đình sau đám tang, tôi bất
chợt nhớ ra một cái thiếu mà công ty dịch vụ tang ma không làm, mà tất cả chúng
tôi đều không nhớ ra để làm. Đó là không có SỔ
TANG. Trời ơi, sao xảy ra cơ sự
này! Sổ tang là một vật không thể thiếu trong mọi đám ma, ngay cả những người
bình thường nhất mất đi khi tang lễ cũng đều có sổ tang cho người đến viếng lưu
lại những lời chia buồn. Vậy mà đám tang nhà văn Bùi Ngọc Tấn không có sổ tang.
Bao nhiêu lời thương tiếc, kính trọng, đánh giá của bao người yêu quý anh lẽ ra
đã được ghi lại ngay trong lúc đau thương này để gia đình trân trọng biết ơn tự
hào về anh, để lịch sử văn học có cứ liệu về anh từ người đương thời. Vậy mà
không có sổ tang trong đám tang nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Tôi nói ra điều này mọi
người đều sững sờ, ân hận. Tôi tự trách mình lắm, sao lo việc tang ma cho anh
mà lú lẫn để không chú ý một việc quan trọng như vậy, mãi khi anh mồ yên mả đẹp
rồi mới nhớ ra. Hay đấy vẫn là số phận của anh, anh Tấn, để những người sống sẽ
còn phải nói nhiều về anh mai ngày nữa. Như trong những ngày tang, mỗi khi ngồi
lại với nhau, anh em bạn bè còn bàn thảo nào là phải tập hợp di cảo của anh để
xuất bản, nào là phải có kế hoạch biến ngôi nhà anh tại 10 Điện Biên Phủ thành
một bảo tàng tư nhân Bùi Ngọc Tấn, nào là có thể sau này có một đường phố Hải
Phòng mang tên Bùi Ngọc Tấn, nào là… Anh mà nghe thấy được có thể từ bức ảnh
kia anh nói vọng ra: gượm đã các cậu, chờ cho tớ qua 49 ngày rồi có gì ta tính,
giờ thì tớ chỉ muốn thảnh thơi đi gặp ông anh Nguyên Hồng hàn huyên thôi. Anh
hiểu bạn bè và bạn bè hiểu anh mà!
Trên xe về lại Hà Nội, nhạc sĩ Dương Thụ hỏi nhà văn
Nguyên Ngọc: khi đưa tang một người anh nghĩ đến điều gì nhất? Anh Ngọc trả lời:
mọi người hay nói về ngày tận thế, mình thì thấy một người mất đi chính là tận
thế, vì khi ấy vũ trụ đã mất với người đó. Tôi muốn thêm: và vũ trụ cũng mất
người đó rồi. Từ 6h15 ngày 18/12/2014 (27/10 Giáp Ngọ) Hải Phòng đã mất Bùi Ngọc
Tấn, văn học Việt Nam đã mất Bùi Ngọc Tấn.
Chủ Nhật 21/12/2014
P.X.N.
No comments:
Post a Comment