Tuesday, April 3, 2012

NHỮNG THUYỀN NHÂN CUỐI CÙNG CÒN KẸT LẠI TẠI THÁI LAN CÓ THỂ XIN ĐỊNH CƯ TẠI CANADA (Trịnh Hội)



Trịnh Hội
Thứ Hai, 02 tháng 4 2012

Tôi nghĩ mọi người chỉ cần đọc xong tựa đề của bài viết này thì thôi không cần đọc tiếp nữa. Vì nó đã đủ dài rồi, có phải không?

Nhưng tôi buộc lòng phải dùng từng ấy chữ cho tựa đề của bài viết vì tôi muốn cập nhật một số tin tức về chú Ngươn ở Thái Lan và hồ sơ xin đi định cư của chú. Ngặt nỗi lần này nó lại có liên quan đến Cha Peter Namwong mà tôi đã có lần viết về Cha ngay trong mục này. Và quan trọng hơn, trong những năm tháng sắp tới hồ sơ của chú Ngươn sẽ có liên quan rất mật thiết đến Thầy Thích Nguyên Thảo là sư trụ trì của Chùa Hoa Nghiêm ở Vancouver, Canada.

Tựa đề nó dài là vì thế.

Nhưng trước tiên tôi muốn chia xẻ với các bạn đọc xa gần một tin vui mới nhất. Đó là sau 5 năm tranh đấu, cuối cùng chúng ta đã thành công. Chính phủ Canada mà người đại diện là đương kim Bộ Trưởng Bộ Di Trú Canada, ông Jason Kenney, vừa chính thức quyết định cho phép tất cả những thuyền nhân Việt Nam cuối cùng hiện còn bị kẹt tại Thái Lan từ những năm 1989, 1990 được nộp đơn xin đi định cư ở Canada.


Hiện có khoảng 35 gia đình bao gồm gần 100 người trong nhóm này. Chú Ngươn là một trong những người trong nhóm. Nếu hội đủ hai điều kiện mà chính phủ Canada đưa ra, trong một ngày gần đây chú sẽ tìm được đến bến bờ tự do thật sự. Sau trên 23 năm sống lưu vong trên bước đường tỵ nạn, không nhà, không cửa, không một chút hy vọng ở tương lai.

Hai điều kiện được đưa ra đó là: thứ nhất, tất cả mọi thuyền nhân nộp đơn phải có người bảo trợ ở Canada. Và thứ hai, họ phải tự trang trải tất cả mọi chi phí liên quan đến việc họ xin đi định cư.

Đối với điều kiện thứ nhất, hiện tại VOICE cùng với Liên Hội Người Việt Canada và các hội đoàn, cá nhân ở Canada như Thầy Thích Nguyên Thảo đang chung sức làm việc để cố tìm đủ người bảo trợ cho tất cả mọi người trong nhóm này. Theo chính sách mới vừa được công bố, mỗi nhóm 5 người (Group of 5) phải ký hồ sơ bảo lãnh cho mỗi gia đình (hoặc cá nhân) ở Thái Lan trong vòng một năm kể từ ngày họ đặt chân đến Canada. Số tiền cần phải có để bảo lãnh cho mỗi người là $11,800.

Tuy nhiên, nếu việc ăn, ở, quần áo, các chi phí lặt vặt khác được chính người bảo trợ chu cấp thì cuối cùng số tiền người bảo trợ cần phải có để ứng trước (guarantee) chỉ còn $4000 cho mỗi người. Số tiền này là số tiền mỗi nhóm người bảo trợ phải có đủ để ứng trước phòng khi lúc hữu sự. Nếu như trong vòng một năm không có việc gì cần dùng đến thì nhóm người bảo trợ (Group of 5) sẽ không phải tốn số tiền này.

Dĩ nhiên tôi cũng biết đây không phải là một việc dễ làm. Tìm đủ người bảo trợ (5 người cho mỗi gia đình tỵ nạn) và tiền ứng trước cho 100 người ở Thái Lan đòi hỏi ở sự kiên nhẫn, quyết tâm và lòng trắc ẩn của các hội đoàn, cá nhân người Việt ở Canada. Tuy nhiên tôi tin rằng chúng ta sẽ làm được. Nếu chúng ta đã giúp được trên 2,500 người Việt tỵ nạn ở Phi Luật Tân thì không có lý do gì chúng ta không làm được cho những thuyền nhân Việt Nam cuối cùng ở Đông Nam Á. Tôi có một niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh và lòng từ tâm của cộng đồng người Việt ở Canada.

Đối với điều kiện thứ hai, các chi phí bao gồm: tiền nộp đơn ($550), tiền lấy visa ($490), tiền khám sức khỏe ($100) và tiền vé máy bay (khoảng $1000) cho mỗi người nộp đơn (applicant). Đấy là chưa kể đến các chi phí đi lại, ăn uống, làm giấy tờ cho tất cả mọi người và các thiện nguyện viên trong đó có… tôi!

Nếu tính trung bình chúng ta phải tốn $2500 cho mỗi người, thì với con số 100 người ở Thái Lan, chúng ta sẽ phải cần ít nhất là $250,000 trong những năm tháng kế tiếp.

Đây cũng là một con số không hề nhỏ.

Nhưng mỗi người một tay, từ Úc sang đến Mỹ hay qua đến tận Châu Âu, chúng ta có thể cùng nhau chung sức gây quỹ để chia xẻ gánh nặng cùng với cộng đồng người Việt ở Canada và những thuyền nhân Việt Nam kém may mắn hơn chúng ta. Vì xét ra, chỉ tốn vài ngàn đô để thay đổi vận mạng của cả một đời người hoàn toàn là một việc chúng ta có thể chấp nhận và đáng làm.

Hôm trước ngồi làm hồ sơ ở Bangkok với Cha Peter Namwong từ miền Đông Bắc về và Thầy Thích Nguyên Thảo từ Canada sang, tôi chợt nghĩ rõ là tôi may mắn thật. Tôi may mắn thấy và biết được những tấm lòng nhân bản nhất. Từ hai tôn giáo riêng biệt nhưng có cùng sự rung cảm cho những kẻ khốn cùng. Tôi cũng may mắn gặp lại được chú Ngươn. Để báo cho chú biết rằng cuối cùng chú cũng đã thấy le lói chút ánh sáng tự do ở cuối chân trời.

Mong rằng ngày này năm sau chúng ta sẽ gặp lại nhau ở Vancouver. Chứ chú không còn phải chống gậy khập khiễng đi gặp con ở Bangkok như ngày trước.

***

Nếu muốn biết thêm chi tiết, xin vui lòng gửi email về địa chỉ hoitrinh@hotmail.com .

Mọi đóng góp về tài chính, xin vui lòng gửi check cho ‘VOICE’ và gửi về địa chỉ:
VOICE – c/o Sang Nguyen
245 E Pepper Drive, Long Beach, CA 90807, USA.

Thành thật cảm ơn.

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

.
.
.

No comments: