Friday, April 6, 2012

QUẢN LÝ ĐÔ THỊ VÀ GIAO THÔNG BẰNG ĐẦU ĐẤT SÉT (Huỳnh Ngọc Chênh)



Huỳnh Ngọc Chênh
Thứ sáu, ngày 06 tháng tư năm 2012

Đây là văn hóa giao thông của thành phố tự hào văn minh hiện đại nhất nước

Từ sau năm 1975, đô thị và giao thông đô thị ở Việt Nam đã phát triển một cách hoang dã. Đó là hệ quả của một thời đưa những người không có một chút am hiểu lên quản lý đô thị và giao thông đô thị.

Nhà cửa và các khu dân cư cho xây dựng bừa bãi không theo một tiêu chí quy hoạch hợp lý nào. Xe gắn máy cho nhập về thả cửa và không hề nghĩ gì đến việc phát triển hệ thống giao thông công cộng.

Quốc lộ 1 A là xương sống giao thông Bắc Nam, là huyết mạch vận hành và phát triển kinh tế của cả nước mà đến bây giờ nhiều đoạn vẫn còn như con đường làng. Trong khi đó thì cách đây hơn 10 năm, dồn hết tiền của vào xây dựng con đường Trường Sơn đầy tốn kém để rồi bỏ không và lại tốn tiền duy tu bảo dưỡng hàng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng. Chưa nói là nhờ con đường nầy mà bọn lâm tặc, bọn kinh doanh gỗ lậu đã phá tan nát hết núi rừng Trường Sơn gây ra những trận lũ càng ngày càng dồn dập và khốc liệt cho vùng đồng bằng miền Trung.

Những tưởng sau hơn 35 năm, thế hệ những người quản lý sau nầy có học hành bài bản hơn. Nhưng những gì họ làm ra cho thấy phần lớn họ cũng chỉ là những cái đầu đất sét.

Trước hết là những con đường ven biển mà hầu như tỉnh nào có bờ biển cũng đua nhau làm để tăng quỹ đất. Những cái đầu đất sét ấy cứ đều đều cách mép biển chừng 100 mét là vẽ một con đường và cho như vậy là đẹp. Không có cái đầu nào hiểu rằng đường ven biển là con đường du lịch. Con đường đó phải có lúc ăn sát ra biển để có cảnh quan và có lúc đi sâu vào trong để tạo ra quỹ đất du lịch biển và để bảo tồn những làng ngư dân ven biển lâu đời.

Con đường từ Phan Thiết đến mũi Kê Gà là một minh chứng hùng hồn cho những cái đầu đất sét quy hoạch giao thông. Con đường ấy cứ đều đặn bò sát mép biển, chỗ nào mép đất nhô ra thì nhô ra theo, chỗ nào mép đất thụt vào thì thụt vào theo một cách ngây ngô. Con đường ấy làm cho đất phía bên biển quá hẹp không thể xây dựng công trình du lịch được, còn đất phía bên trong thì chỉ còn xây dựng nhà phố chứ không thể nào phát triển khách sạn lớn hoặc các khu resort, du lịch to đẹp đúng chuẫn được vì du khách muốn ra biển thì phải băng qua đường.(xem bản đồ đường từ Phan Thiết đi mũi Kê Gà)(hoặc xem đây)

Ông Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng được ca ngợi là có đầu óc lắm nhưng con đường ven biển từ Sơn Trà vào đến Ngũ Hành Sơn thì cũng được vạch ra ngây ngô không khác gì đường Kê Gà. Từ Sơn Trà vào đến Bắc Mỹ An dài gần chục cây số, con đường cứ đơn điệu chạy sát mép biển. Ở khu vực biển tuyệt đẹp nầy chỉ có thể xây dựng được các khách sạn cở 2, 3 sao như khách sạn Mỹ Khê là cùng. Đoạn từ Bắc Mỹ An vào Non Nước, may mắn là trước khi vạch ra con đường, đã có khu resort Furama nằm sát biển, do vậy con đường chạy tránh vào trong tạo ra một quỹ đất du lịch ven biển rất đẹp nép theo khu Furama. Nhờ vậy mà thu hút được hàng loạt dự án đầu tư lớn vào du lịch ăn theo khu Furama.(xem bản đồ đường Hoàng Sa ven biển Đà Nẵng)(hoặc xem đây)

Nhưng cũng hết sức buồn cười, kể từ đó chạy vào đến cửa Đại (Hội An) dài gần 20km, con đường cứ thế đều đều chạy sâu trong đất liền không có một chỗ nào nhô ra sát biển để có được cảnh quan biển, thật là đáng tiếc.

Trong đô thị thì những cái đầu đất sét thể hiện rất rõ qua các biển báo giao thông và cách phân luồng. Lấy Sài Gòn là một đô thị tự hào là văn minh, hiện đại nhất nước ra đơn cử.

Đến tận bây giờ thì một số giao lộ phức tạp mới xây mới có biển chỉ đường. Vẫn còn rất nhiều giao lộ khác chưa có biển chỉ đường như giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh- chân Cầu Thủ Thiêm, giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh- chân cầu Sài Gòn, vòng xoay Dân Chủ, vòng xoay Phù Đổng, vòng xoay Quách Thị Trang…Và những biển chỉ đường đến những địa điểm quan trọng như sân bay, ga xe lửa, bưu điện trung tâm, chợ Bến Thành, bệnh viện lớn, tòa thị chính, dinh Thống Nhất, ngã tư Hàng Xanh, ngã tư Bãy Hiền…hầu như không có. Người dân làm ăn cạnh những giao lộ đã quá bực mình vì bị khách đi đường hỏi đường nên phải tự vẽ những bảng chỉ đường như sau để bớt bị phiền hà. Thật không còn gì bôi bác chế độ hơn thế này!

Bị phiền vì bị hỏi đường quá nhiều, người dân tự chế bảng chỉ đường

Một thành phố hiện đại thì phải có hệ thống biển báo thật khoa học để cho bất cứ ai muốn tìm đường cũng không cần phải dừng xe hỏi đường. Điều nầy tôi thường viết báo nói đi nói lại rất nhiều lần từ 20 năm qua nhưng những cái đầu đất sét chỉ biết “kiếm chát” không hề nghĩ đến.

Còn việc phân luồng thì hết sức tùy tiện, không am hiểu một chút gì về vận trù học. Cứ hứng lên thì cho hàng loạt đường thành một chiều. Thấy rối tinh lên lại điều chỉnh về như cũ. Chuyện ấy cứ lặp đi lặp lại ở Sài Gòn khá nhiều lần.

Việc phân làn xe cũng rất bất nhất giữa các địa phương. Trên Quốc lộ 13, đoạn ở Sài Gòn thì cho xe tải và xe con đi chung làn nhưng qua Bình Dường thì xe tải và xe con lại tách riêng ra. Tương tự như vậy với quốc lộ 1A giữa Sài Gòn và Đồng Nai. Kiểu cố tình bất nhất như vậy là nhằm mục đích gì nếu không phải là để tạo điều kiện cho cảnh sát giao thông kiếm ăn?

Những bất hợp lý trong giao thông nói chung và trong giao thông đô thị nói riêng thể hiện qua các chuyện nhỏ như: biển báo, cách phân làn, các quy định…kể ra không thể nào hết.

Biển báo dưới chân cầu Thủ Thiêm, hướng đi Đại lộ Đông Tây với rất nhiều chữ khiến người đi đường khó có thể đọc hết nếu không dừng lại. Ảnh: H.C. /nguồn VNE

Một biển báo thay thế biển báo "cấm" ở trên được thành viên của một diễn đàn trên Internet đưa ra để dạy quan chức giao thông đầu đất sét.


Gần 40 năm sau hòa bình, tôi tin là đã có một thế hệ quản lý mới được cho ăn học và có bằng cấp chuyên môn đàng hoàng. Tôi vốn tôn trọng nhà cầm quyền nên không tin rằng đám quan chức quản lý mới ấy chỉ toàn là phường giá áo túi cơm, toàn là bọn bằng cấp giả hoặc bằng thật học giả như dư luận khắp nơi luôn râm ran. Nhưng những gì tôi thấy các vị ấy làm, chỉ trong lãnh vực quản lý đô thị và giao thông, thì không thể nào làm tôi không tin rằng đầu óc các vị ấy chỉ toàn là đất sét. Mà đỉnh cao đất sét ấy là ngài bộ trưởng Đinh La Thăng. Còn ai cao hơn nữa không, tôi không biết nên không dám nói.

Tại sao tôi phải tin rằng các vị là đầu đất sét? Vì tất cả những điều tôi nói ở trên là những kiến thức cơ bản mà một học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông một cách nghiêm túc đều phải biết, không cần đến trình độ chuyên ngành gì cao siêu ghê gớm như bằng cấp của các vị ghi.
Và thành thật xin lỗi những vị quan chức khác, số rất ít thôi, không phải là đầu đất sét.

Biển báo có như không

Qua đoạn đường tại góc ngã ba đường Phan Đình Giót (đi ra đường Trường Sơn, sân bay Tân Sơn Nhất) -Phan Thúc Duyện (hướng đường Cộng Hòa, Trường Chinh) - Phổ Quang (ra đường Hoàng Minh Giám, công viên Gia Định) hẳn người đi đường sẽ ngạc nhiên khi thấy một biển báo bằng gỗ đặt gần lòng đường bên phải với nội dung hướng dẫn các hướng đi, đồng thời kèm thêm câu “Đừng hỏi+ cảm ơn”!

Tại góc ngã ba đường Phan Đình Giót - Phan Thúc Duyện - Phổ Quang, dù đã có biển báo “xịn” nhưng người dân vẫn phải dòm tấm biển tự chế này.

Chúng tôi càng ngạc nhiên khi thấy mấy bác xe ôm tại đây không ngồi trên xe để chờ khách mà rủ nhau ngồi... vệ cỏ. Hỏi ra mới biết mấy bác sợ... bị hỏi đường. Người sáng chế ra biển báo này là ông Nguyễn Văn Hiếu, làm nghề xe ôm 3 năm tại khu vực này.

Ông Hiếu cho biết: “Từ đầu năm 2011 đến nay, ngoài việc chạy xe ôm tôi phải kiêm thêm “nhiệm vụ” chỉ đường cho người dân không dưới 100 lần mỗi ngày. Gần 2 tháng nay tôi đã tự chế đến 5 cái biển hướng dẫn người đi đường. Chất liệu “biển” bằng bìa carton, hoặc bằng gỗ nên chữ bị mờ hết. Sắp tới tôi đành bỏ ra một ngày công để làm cái biển bằng sơn dầu, nắng mưa sẽ không bay chữ nữa, đồng thời sáng đi làm thì đem theo biển, tối mang về.

Theo nhóm xe ôm, mặc dù đã có biển báo nhưng người dân vẫn cứ hỏi đường vì biển báo đặt sát góc ngã rẽ đường Phan Đình Giót -Phan Thúc Duyện, chữ nhỏ và hơi cao trong khi khu vực ngã ba này rất rộng. Hơn nữa biển chỉ dẫn hướng Lăng Cha Cả nhưng hiếm ai hỏi đường này mà chỉ hỏi đường Trường Chinh, Cộng Hòa.

Tương tự, tại vòng xoay công trường Dân Chủ (hướng đi ga Sài Gòn) người dân cũng đã làm biển tự phát vì quá nhiều người hỏi hướng đi ga Sài Gòn. Hay ở khu vực ngã tư Cao Thắng -Nguyễn Thị Minh Khai, một người dân bán áo mưa ở vỉa hè cũng đã tự chế cái biển để hướng dẫn chị em đường đi đến Bệnh viện Từ Dũ. Ngoài ra, trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM nhiều biển báo hiện nay bị che khuất bởi những tán cây. Đường Chu Văn An, giao với đường Đinh Bộ Lĩnh là một ví dụ. (nguồn: Giao thông vân tải)

Kỳ sau: Dạy ngài Bộ trưởng Đinh La Thăng làm giao thông

.
.
.

No comments: