Friday, April 6, 2012

BÁO ĐỘNG TÌNH TRẠNG CÔNG AN BẠO HÀNH TẠI VIỆT NAM (Trà Mi - VOA )



Trà Mi-VOA | Washington DC
Thứ Sáu, 06 tháng 4 2012

Nạn công an hành hung, tra tấn, đánh chết dân đã lên tới mức báo động với hàng chục người thiệt mạng ngay tại đồn công an trong vài năm qua. Nhiều lỗi vi phạm nhỏ như không đội mũ bảo hiểm nhưng rốt cuộc đã phải trả giá bằng cả mạng sống dưới bàn tay của công an, lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ sự bình yên cho xã hội và tính mạng người dân. Những nghịch lý đang diễn ra đã khiến nhiều người mất niềm tin và sợ hãi trước lực lượng công quyền này. Đó cũng là cảm nghĩ mà 4 bạn trẻ: Trần Sơn, Kim Tiến ở Hà Nội, Trung từ Vũng Tàu, và Thanh Tùng tại Dak Lak chia sẻ trong cuộc thảo luận trên Tạp chí Thanh Niên hôm nay.


Trà Mi: Ấn tượng chung của các bạn về người công an và ngành công an Việt Nam như thế nào?
Thanh Tùng: Tôi cảm thấy lực lượng công an Việt Nam đã có những hành xử thiếu dân chủ và tôn trọng dân.
Trung: Em có ấn tượng không tốt về họ. Em là người tu luyện Pháp Luân Công, luôn bị họ cư xử không đúng.
Kim Tiến: Trước khi bố em bị công an đánh chết, tuy em không thích công an vì những tiêu cực trong ngành công an như tham ô, hành xử không lễ độ với người dân, nhưng em cũng còn tin tưởng điều gì đó. Đến khi xảy ra chuyện bố em bị công an bắt giữ vô cớ, bị họ đánh chết oan ức thì niềm tin ấy trong em cũng dần mất đi. Hình ảnh người công an trong em trở nên rất tồi tệ. Em có biết và tìm hiểu về những trường hợp khác cũng bị chết oan dưới bàn tay của công an.

Trà Mi: Tiến vừa chia sẻ những kinh nghiệm mà gia đình bạn đã trải qua khi đối diện với công an. Lúc nãy Trung nói cũng có những kinh nghiệm ‘đau thương’ với công an. Bạn có thể cho biết bạn đã gặp những gì khiến bạn có ấn tượng không tốt về họ?
Trung: Khi em đi giới thiệu về Pháp Luân Công, họ cũng bắt em. Em lên TPHCM ngồi thiền trước lãnh sự quán Trung Quốc để thỉnh nguyện cho 2 đồng tu bị bắt oan là Thành và Trung, cũng bị công an bắt. Thường khi họ bắt về đồn, họ không nói lý lẽ gì cả. Họ muốn làm gì mình thì làm. Họ cứ động thủ tùy thích. Công an ngoài Hà Nội là kinh khủng nhất. Khi em ra Hà Nội ngồi thiền trước đại sứ quán Trung Quốc, họ cũng bắt em. Về tới đồn, họ không nói gì, cứ ra tay đánh, hỏi một câu là đánh một cái. Vô lý nhất là gần đây em ra công viên Lê Văn Tám ở Sài Gòn tập công Pháp Luân Công và ngồi tọa thiền một mình cũng bị công an kết hợp với bảo vệ công viên đánh ngay tại chỗ rồi lôi kéo em về đồn đánh rất dữ. Sau đó, họ còn đưa em vào trung tâm giáo dục. Nói chung có nhiều cái vô lý vậy đó.

Trà Mi: Theo các bạn, nguyên nhân nào gây ra tình trạng công an lạm dụng quyền lực, cư xử thô bạo với dân, dẫn tới rất nhiều trường hợp tử vong dưới tay công an?
Kim Tiến: Tình trạng này đang diễn ra rất phổ biến vì không được ngăn chặn kịp thời, không được đưa ra ánh sáng, và người dân còn chưa biết cách xử lý tình huống. Công an đánh chết dân hiện là một ổ dịch lan tràn có sức công phá mà hầu như các bản án dành đưa ra rất hiếm. Ngoài ra, mức án và tội danh dành cho nó cũng chưa thỏa đáng.
Thanh Tùng: Mọi nguyên nhân dẫn tới nạn công an lạm quyền là do thể chế. Với thể chế tại Việt Nam hiện thời, công an là lực lượng bảo vệ chính quyền, được sự nuông chiều và bao che của chính quyền.

Trà Mi: Vì sao bạn cho rằng ‘thể chế nuông chiều lực lượng công an’?
Thanh Tùng: Ở Việt Nam là chế độ độc đảng và lực lượng công an và quân đội nhân dân phục vụ cho chế độ đó, phải bảo vệ cho chế độ đó. Ngược lại, chế độ đó cũng bảo vệ cho lực lượng công an. Lẽ ra, công an ‘nhân dân’ và quân đội ‘nhân dân’ phải phục vụ dân, nhưng thực ra họ lại phục vụ cho chính quyền. Dân chủ lại ít được nghĩ đến.

Trà Mi: Từ ý kiến của Tùng, vấn đề đặt ra là lực lượng công an Việt Nam bảo vệ ai, chính quyền hay nhân dân? Ý kiến các bạn khác thế nào?
Trung: Công an Việt Nam giống như một cỗ máy vận hành theo mệnh lệnh ở trên. Họ lại không được quang minh chính đại, thường mặc thường phục giả làm côn đồ hoặc sử dụng côn đồ để trấn áp dân. Công an nước mình khác với công an các nước khác trên thế giới ở chỗ không quang minh chính đại.

Trà Mi: Điều gì khiến các bạn nghĩ rằng những trường hợp đã xảy ra không phải là những vi phạm của các cá nhân? Có yếu tố nào cho các bạn suy nghĩ ngược lại không?
Trần Sơn: Cách đây vài ngày, ông Nguyễn Phú Trọng có họp với lực lượng công an và tuyên bố lực lượng công an thề tuyệt đối trung thành với đảng. Đảng, công an, hay quân đội đều ăn lương của dân thì tất cả bộ máy đó đều phải phục vụ dân. Một thể chế dân chủ, một nhà nước dân sự phải thực hiện điều đó. Ở đây thì ngược lại, tạo cho công an thái độ ‘kiêu binh’ vì dẫu họ có vi phạm pháp luật đi nữa cũng dễ dàng được cho qua. Lỗi hệ thống nằm ở chỗ đó.

Trà Mi: Chính tuyên bố rằng lực lượng công an phải thề trung thành tuyệt đối với đảng đã khiến bạn nghĩ rằng công an là lực lượng bảo vệ đảng trước rồi mới bảo vệ dân. Tiến có đồng ý với Sơn không hay có ý kiến nào khác không?
Kim Tiến: Các trường hợp chết dưới bàn tay công an trong những năm gần đây đang gia tăng và sẽ gia tăng tiếp nếu không được ngăn chặn kịp thời. Các hành động đó đã vi phạm nghiêm trọng đến đạo đức nghề nghiệp của ngành công an mà họ thường tuyên bố là những người thực thi pháp luật. Họ là những người hiểu biết pháp luật mà lại chà đạp lên luật pháp.
Thanh Tùng: Rất khó đối diện với một người công an để biết được là họ đang làm nhiệm vụ hay đang không làm nhiệm vụ.

Trà Mi: Có khác nhau thế nào chăng? Bạn chuẩn bị tư tưởng và tinh thần khi đối diện với họ trong trường hợp họ đang làm nhiệm vụ và đang không làm nhiệm vụ thế nào?
Thanh Tùng: Mình khó biết được là người ta đang lợi dụng mình hay đang thực thi trách nhiệm.

Trà Mi: Đó là cảm giác của Tùng khi đối diện trước công an. Còn Sơn, bạn có cảm giác ‘an toàn’ khi đối diện với công an không?
Trần Sơn: Qua các vụ việc đã diễn ra, đôi khi tôi cũng có cảm giác mất an toàn như Tùng, không biết họ đang làm việc hay đang mưu đồ cá nhân.

Trà Mi: Khi đứng trước họ, bạn có sợ hãi không?
Trần Sơn: Không, mình đàng hoàng, không có lỗi thì mình không sợ.

Trà Mi: Một tâm lý chung thường thấy là nhiều người khi đối diện trước công an cảm thấy sợ, chưa biết mình có lỗi gì hay không đã run trước rồi…
Trần Sơn: Nếu mình hiểu biết và hành xử đúng thì buộc người công an phải thực thi đúng pháp luật. Cho nên, trước hết mình nên có thái độ rõ ràng, đứng đắn, đàng hoàng, và hiểu biết pháp luật. Muốn hiểu biết pháp luật thì mình phải học, đọc, và tự tìm hiểu thôi.

Trà Mi: Bàn về nguyên nhân dẫn tới tình trạng công an bạo hành, các bạn cho rằng không chỉ là do thể chế tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công an lạm quyền, mà chính người dân do thiếu hiểu biết pháp luật cũng góp phần vào tệ trạng đó.
Trần Sơn: Chính xác.

Trà Mi: Tuy nhiên, có một số người lý giải rằng nghề nào cũng có những rủi ro và tai nạn nghề nghiệp. Công an, nghề thường xuyên phải đối phó với tội phạm trong trọng trách bảo vệ an ninh, chắc chắn không thể tránh được những rủi ro gây đả thương hay tử thương cho người khác. Cho nên, việc công an làm chết người trong lúc thi hành công vụ cũng là chuyện có thể xảy ra ngoài ý muốn, ngoài tầm kiểm soát thôi. Ý kiến các bạn thế nào?
Kim Tiến: ‘Làm chết người trong khi thi hành công vụ’ cần phải xem công vụ đó là gì, có đúng đó là công vụ không. Phải rõ ràng những việc anh đang xử lý có đúng với công vụ anh đang làm hay không.

Trà Mi: Với trách nhiệm bảo vệ an ninh, công an được giao quyền và nhiệm vụ có thể sử dụng võ lực trong trường hợp cần thiết. Cho nên, nhiều khi hơi quá tay họ cũng có thể giải thích là có thể có các biện pháp trấn áp mạnh tay trong trường hợp cần thiết. Ý kiến các bạn ra sao?
Trần Sơn: Về vấn đề này, pháp luật Việt Nam không được rõ ràng. Có quá nhiều khoản tùy nghi dẫn tới lạm quyền. Thế nào là ‘thi hành công vụ’? Như trường hợp của ông Đoàn Văn Vươn chẳng hạn, vụ này xuất phát từ quyết định sai trái của Ủy ban huyện Tiên Lãng. Cho nên, dưới góc độ pháp luật, người ta không coi những người công an đi thi hành cưỡng chế đó là ‘thi hành công vụ’ mà là đi cướp. Chuyện thế nào là ‘thi hành công vụ’ cũng không được giải thích rõ ràng trong pháp luật. Không phải cứ anh mặc quần áo cảnh sát là anh đang thi hành công vụ. Thứ hai, trường hợp nào công an được dùng võ lực và trường hợp nào không. Tất nhiên trong trường hợp khống chế một tên cướp đang dùng súng tự thủ thì dùng võ lực là chính đáng.

Thanh Tùng: Ý thức pháp luật và ý thức dân chủ của người công an, người ta tự đặt mình cao hơn dân vì họ đang bảo vệ chính quyền. Cho nên họ coi thường dân và hành xử không đúng pháp luật. Họ đang phục vụ chính quyền đó thì phải được chính quyền đó bảo vệ. Một đứa con được nuông chiều như vậy, có quyền như vậy thì những hành xử đó mới xảy ra thường xuyên và mang tính hệ thống.

Trà Mi: Ý bạn là có sự dung dưỡng mới có sự lộng hành. Vậy những công dân trẻ như các bạn có thể làm gì để góp phần chống lại những sự dung dưỡng và lộng hành đó, ngăn chặn những tệ nạn đe dọa tính mạng người dân?
Thanh Tùng: Bằng báo chí, lên tiếng nói.
Kim Tiến: Mỗi người dân cần ý thức được quyền lợi của mình và hiểu được quyền hạn của công an đến đâu để có thể tự bảo vệ mình.

Trà Mi: Công an lạm quyền đánh dân, giết dân dĩ nhiên là điều không thể chấp nhận, nhưng làm thế nào để biến nó thành điều không thể tồn tại? Ý kiến Sơn thế nào?
Trần Sơn: Muốn chữa bệnh cần phải tìm hiểu nguyên nhân bệnh cho đúng. Nãy giờ chúng ta đã phân tích khá nhiều về nguyên nhân. Chúng ta chỉ hy vọng là nạn này giảm bớt thôi chứ chưa dám mơ tới chuyện lạm quyền hoàn toàn biến mất. Cần nhớ rằng nơi nào có quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến sự tha hóa tuyệt đối, tức tội ác. Nói lên điều này rõ ràng cần đến công luận. Hy vọng buổi phát thanh này có nhiều bạn nghe và tác động đến họ phần nào. Việt Nam chừng nào chưa có nền báo chí tự do, tự do ngôn luận thì tệ trạng này còn tiếp diễn. Công luận lên tiếng mạnh mẽ buộc chính quyền phải giải quyết tới nơi tới chốn. Ở Việt Nam, hành pháp, lập pháp, và tư pháp đều chung một hệ thống lãnh đạo, không khách quan, không độc lập. Với thực trạng này thì câu hỏi của chị rất khó trả lời. Tôi cũng chẳng biết phải làm thế nào cả. Phải tự đọc, tự học, tôn trọng pháp luật không để xảy ra những vụ việc liên quan đến công an. Pháp luật Việt Nam có tính tùy nghi quá nhiều, không rõ ràng, nhập nhằng. Chính những điều đó bảo kê, chống lưng cho việc phạm pháp và lạm quyền của ngành công an. Rất khó chị ạ.

Kim Tiến: Chỉ có một cách là dân phải tôn trọng pháp luật, đừng để phải vào đồn công an thôi. Còn vào trong đó rồi, những gì xảy ra trong đó rất khó lường.

Trà Mi: Khi cảm thấy đang đứng trước sự nguy hiểm trước công an, làm thế nào để tự vệ?
Trần Sơn: Tự tin, không sợ hãi, và kiến thức pháp luật tự trang bị cho mình cũng là phương pháp tự vệ, sẽ quyết định cách hành xử của người công an đối với mình, giảm thiểu sự lạm quyền.

Trà Mi: Vừa rồi là ý kiến của 4 bạn trẻ trong nước về nạn bạo hành trong lực lượng công an Việt Nam. Quan điểm của bạn nghe đài về những người được mệnh danh là ‘Vì nước quên thân, vì dân phục vụ’ như thế nào? Xin chia sẻ cùng chúng tôi và các độc giả khác trong chuyên mục Tạp chí Thanh Niên trên trang www.voatiengviet.com. Tạp chí Thanh Niên nằm trong phần Chuyên mục-Tường trình đặc biệt. Xin quý vị nhấp chuột 2 lần vào 3 khung hình giữa trang chính.
Tạp chí Thanh Niên hẹn gặp lại qúy vị và các bạn trong một đề tài mới, vào giờ này, tuần sau.
.
.
.

No comments: