Friday, April 6, 2012

CHỈNH ĐỐN : TRÒ MÈO TỰ VỜN ĐUÔI (Xích Tử)



Xích Tử

Thứ Sáu, 06/04/2012

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bước vào năm thứ hai của nhiệm kỳ với một công việc hết sức khó khăn: thực hiện một trong những nội dung của chương trình toàn khóa với việc thuyết phục hội nghị lần thứ tư của Ban chấp hành trung ương thông qua nghị quyết về chỉnh đốn đảng và triển khai bước đầu tiên của việc thực hiện nghị quyết bằng hội nghị thông báo, quán triệt cho cốt cán của đảng trong toàn quốc 27-29/2/2012, một sự kiện lớn, có ý nghĩa đặc biệt trong sinh hoạt của đảng vài chục năm gần đây và được gọi là tiểu đại hội của đảng.

Cần chỉnh đốn Đảng (CSVN) tận gốc/tranh biếm họa: Kỳ Văn Cục

Như những nội dung chính luận trong phát biểu khai mạc và kết thúc hội nghị của ông Trọng đã đề cập và có thể suy ra, cái khó của cách đặt vấn đề chỉnh đốn đảng trong bối cảnh hiện nay không chỉ xuất phát chỉ từ một việc duy nhất là sự xuống cấp, suy thoái về nhiều mặt của từng đảng viên, mà là một phức hợp tích tụ rất nhiều nguyên nhân, rất nhiều nguy cơ, từ bối cảnh quốc tế, khu vực trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh đến nội bộ đảng, trong đó có tình trạng “chất lượng” đảng viên, sự biến chất theo chiều hướng tiêu cực, bất ổn trong mối quan hệ giữa những cá nhân trong hàng ngũ lãnh đạo cao nhất của đảng, giữa đảng và nhà nước, giữa trung ương và địa phương..., giữa những mục tiêu học thuyết có tính lý tưởng về định hướng “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” với thực tế gần như không kiểm soát được ở sự xuống cấp, tha hóa, suy đồi ở tất cả các lĩnh vực của cuộc sống do chính cái định hướng đó tạo ra. Tất cả những cái ấy đang đe dọa đến sự tồn vong của đảng, đến vai trò lãnh đạo và khả năng kiểm soát của đảng đối với sự vận động của xã hội, đến cái gọi là lòng tin với đảng của nhân dân.

Trạng huống văn hóa chính trị đó của đảng hầu như ai cũng thấy, song không ai dám nói ra, vì chế độ dân chủ tập trung, vì sợ hãi, vì lợi riêng, vì vô trách nhiệm, và do đó, tìm được cách nói chung thông qua Ban chấp hành trung ương là khó; hơn thế nữa, chọn được cách nói sao cho thuyết phục lại càng khó hơn. Đó có thể là cách giải thích khởi đầu cho một vài cái lạ trong thời gian ra nghị quyết cho đến nay, chẳng hạn tại sao Qui định những điều đảng viên không được làm được ký vào ngày 1/11/2011, đã được ban hành trong đảng, đến nay mới gọi là công bố; tại sao cấu trúc văn bản nghị quyết trung ương 4 khi ban hành lại đảo so với thứ tự nghị sự theo phát biểu khai mạc của Tổng bí thư; tại sao một hội nghị cốt cán như vậy lại có sự kiểm soát an ninh hết sức nghiêm nhặt (đại biểu phải qua máy soi; điện thoại di động không được mang vào), hay những nội dung mâu thuẫn trong phát biểu khai mạc, kết thúc của ông Trọng và việc không xuất hiện của vị Tổng bí thư từ ngày 29/2 đến nay 10/3/2012.

Về mặt học thuyết, Đảng CSVN nói riêng và các đảng CS Marxist cầm quyền tại các nước XHCN trước đây được xây dựng theo cái bản chất được gọi là đội tiền phong của giai cấp công nhân, bản chất vô sản, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm học thuyết dẫn đường, tổ chức và sinh hoạt theo nguyên tắc tập trung dân chủ với vũ khí rèn luyện sắc bén tự phê bình và tự phê bình, được tổ chức chắt chẽ từ chi bộ đến toàn đảng, có ban chấp hành từ chi uỷ đến ban chấp hành trung ương, có Điều lệ nghiêm nhặt và nay lại thêm qui định về những điều đảng viên không được làm, có hệ thống kiểm tra nội bộ; đảng viên là quần chúng tích cực tự nguyện vào đảng, được xét lọc lí lịch cẩn thận và có 2 đảng viên chính thức giới thiệu; sau kết nạp có thời gian thử thách dự bị 12 tháng; ngoài sự kiểm soát trong đảng, nay lại thêm yêu cầu sinh hoạt với cộng đồng nơi cư trú…Với những đặc trưng bản chất về chính trị, tư tưởng, tổ chức, kỷ luật như vậy, đảng bảo đảm các yêu cầu lêninít để lãnh đạo thắng lợi cuộc cách mạng vô sản, có tính vô địch trong cuộc đấu tranh với các thế lực, đảng phái chính trị khác, có sức đề kháng và tự bảo vệ cao trước những nguy cơ thoái hoá biến chất của từng đảng viên và toàn hệ thống trước những cám dỗ suy đồi về lý tưởng, đạo đức, lối sống vốn là bản chất của các chế độ trước CNXH. Do vậy, từ rất lâu, những người cộng sản có thể yên tâm tự xem mình là quang vinh (đảo trật tự so với cách dùng bình thường của từ này trong tiếng Việt), là trí tuệ, là bách chiến bách thắng, là đạo đức, văn minh, là đại diện cho cả tinh thần dân tộc. Với cách tự nhận xét bằng thái độ cao ngạo, tự tin tự mãn như vậy, việc tiến hành một cuộc đại chỉnh đốn trong đảng như kiểu Nghị quyết 4 khoá XI là một chuyện vô duyên.

Tuy nhiên, vì không đến nỗi quá siêu hình trong nhận thức về con người nên từ trước đến nay, Đảng CSVN đã thực hiện việc chỉnh đốn đảng và xem đây là một việc thường xuyên. Nhưng khi nói “thường xuyên” như trong cuộc chỉnh đốn hiện nay, những người lãnh đạo chỉ làm một thao tác lý luận hoá có tính nguỵ biện về một hoạt động trong lịch sử của đảng, để từ đó xem việc chỉnh đốn hiện nay chỉ là chuyện bình thường, tất yếu. Bởi, trong lịch sử đảng, những cuộc chỉnh đốn trước đây có những mục tiêu rất khác, cách làm rất khác; chúng được tiến hành nhằm đả thông, quán triệt một sự thay đổi bước ngoặt trong đường lối chính sách của đảng hoặc để hiểu và xác định quyết tâm vượt qua một thử thách lịch sử lớn xuất hiện ở phía kẻ thù (ví dụ chỉnh đốn nội bộ vế quan điểm cách mạng trong năm 1930; chỉnh đốn sau khủng bố 1930 – 1931, sau giai đoạn đấu tranh công khai 1936 – 1939, chuẩn bị giảm tô và chiến dịch Điện Biên Phủ, chuẩn bị đấu tranh vũ trang ở miền nam 1959…). Trong những tình huống đó, việc hoạch định đường lối, chính sách hoặc quyết tâm mới được giới lãnh đạo của đảng tạo ra, được giả định như hoàn toàn đúng; công việc còn lại chỉ là truyền đạt, giải thích xuống phía dưới; nếu có người chống lại thì phải loại trừ (hiệu quả thực tiễn của chỉnh đốn).

Trong đợt chỉnh đốn hiện nay, lý do, mục tiêu, cách làm không giống như vậy. Trong các lý do được đưa vào phát biểu khai mạc hội nghị BCH TƯ 4 của Tổng bí thư và được thể hiện trong văn bản nghị quyết, bên cạnh những lý do rất xa, thậm chí không có quan hệ gì được nêu ra cho có màu sắc lý luận, chẳng hạn sự khủng hoảng, bế tắc của chủ nghĩa tư bản toàn cầu, đảng nhấn mạnh đến việc từ sau đổi mới, đã có nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị về đổi mới, chỉnh đốn, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của đảng, song tất cả đều không hiệu nghiệm, không hiệu quả và phản tác dụng. “Sự suy thoái cả về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” ngày càng nghiêm trọng. Do vậy, lại một lần nữa, đảng lại chỉnh đốn, với 3 nội dung gọi là cơ bản. Quan hệ logic, nhân quả, có hiệu ứng chiến lược của 3 nội dung này rất lỏng lẻo, nếu đặt nó trong cơ cấu các yếu tố hợp thành của đảng với tư cách là một thực thể lịch sử - chính trị - xã hội đang nắm giữ quyền lực toàn diện của một đất nước. Tuy nhiên, chọn 3 nội dung cơ bản như vậy là có dụng ý của người cầm trịch: tấn công vào cá nhân đảng viên, trong đó có các thành viên của Bộ chính trị, BCH TƯ…; giải quyết vần đề chuyển giao thế hệ trong hoàn cảnh đã xuất hiện hiện tượng nhóm lợi ích, thân hữu, gia đình dòng họ; chống lại những nguy cơ chệch hướng trong phân chia quyền lực trước đòi hỏi sửa đổi Hiến pháp và tình trạng lạm quyền nghiêm trọng đang diễn ra trong hệ thống.

Với 3 nội dung cơ bản đó và cách làm được BCH TƯ chỉ rõ trong nghị quyết và những hướng dẫn tràng giang của các cơ quan trung ương, đặc biệt là của Ban tổ chức, đảng cương quyết chỉnh đốn, vừa phải quyết tâm, nghiêm túc, vừa bình tĩnh, tỉnh táo, khách quan…Tuy nhiên, qua triển khai bước đầu, đã bộc lộ những lúng túng, lủng củng, với một triển vọng u ám.

Trước hết, về tổng thể, cách làm của cuộc chỉnh đốn này lại cũng sử dụng lại những bài cũ, rất đảng. Cách làm đó chưa gắn việc chỉnh đốn, thông qua qui trình tự phê bình, phê bình, góp ý…để có phát hiện, xử lý, nếu có, với việc sử dụng các công cụ pháp quyền của nhà nước. Điều này chứng tỏ một sự phá sản của hệ thống quyền lực khi chính đảng đứng trên nhà nước, bao gồm cà lập pháp, hành pháp và tư pháp; khi nhà nước được sinh ra từ đảng, do đảng lãnh đạo thì không thể dùng công cụ pháp quyền của nhà nước để điều chỉnh những vi phạm rất công dân của đảng viên.

Thứ hai, trong phương pháp tiến hành, đảng vẫn lấy tự phê bình và phê bình làm “vũ khí sắc bén”. Đây là thứ vũ khí mà khi nhận xét rằng từ trước đến nay đảng thường xuyên chỉnh đốn nhưng không thành công, toàn đảng và cá nhân Tổng bí thư đếu biết rằng nó đã cùn mòn han gỉ. Đã có tổng kết về việc chống tham nhũng trong đó có nhận xét khái quát rằng tất cả những vụ việc trong thời gian qua đếu không bị phát hiện trong hệ thống đảng, thông qua tự phê, phê bình, nhận xét đánh giá thường xuyên. Thế nhưng, với nghị quyết TƯ 4, đảng vẫn kêu gọi đảng viên tự soi, tự nhận xét, tự vạch ra khuyết điểm và dũng cảm góp ý với đồng chí của mình. Cách làm đó, được một số người gọi là “đức trị”; tôi nghĩ cách nhận xét đó là quá khoan dung, hoặc cố tình không hiểu khái niệm, qui trình vận hành của chế độ đức trị và do đó, làm méo mó khái niệm này. Thực chất, cho đến thời điểm này, trong tình hình hiện nay mà còn lớn tiếng cổ suý cho phương pháp tự soi hàng ngày, tự phê bình và phê bình là hoàn toàn không hiểu gì về con người, nhất là con người sau khủng hoảng, buộc phải chuyển hướng toàn bộ học thuyết về CNXH, với những lắp ghép, chắp vá thực dụng các mảnh lý luận giả cầy mới.

Thứ ba, về trình tự - tức cái logic nội tại của việc xác định nội dung và ra nghị quyết. Thông thường, với những nghị quyết có tính định hướng chủ trương, chính sách, Bộ Chính trị thay mặt BCH TƯ giao cho một nhóm nghiên cứu để tìm hiểu, tham khảo, khảo sát, lấy ý kiến ngoài và nội bộ, sau đó trình Bộ Chính trị, đưa ra BCH TƯ thảo luận và biểu quyết.

Với nghị quyết này, ai là người khởi xướng? Bởi trong bản chất logic của nó, người khởi xướng là người phải thấy tất cả các hiện tượng suy thoái xuống cấp đó xảy ra ở đâu, với người nào, và nghiễm nhiên, là người đứng ngoài cuộc của sự vi phạm đó. Nếu Tổng bí thư khởi xướng thì số còn lại trong Bộ Chính trị có khả năng vi phạm. Nếu Bộ Chính trị đồng thanh khởi xướng thì các thành viên của Bộ Chính trị được giả định là hoàn toàn trong sạch, BCH TƯ và tất cả số đảng viên các cấp còn lại nằm trong tầm ngắm chỉnh đốn. Nếu Bộ Chính trị chỉ gợi ý, nhóm nghiên cứu triển khai thì nhóm nghiên cứu đó đã thấy được hiện trường diễn ra vi phạm; vậy thì nó xuất hiện ở đâu. Chính cái lủng củng trong logic này mà Tổng bí thư khi thì gọi đó là một bộ phận, rồi một bộ phận không nhỏ; khi nghị quyết ban hành thì nói “nghị quyết đã được tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận với một tình cảm hồ hởi, vui mừng, đồng tình, nhất trí cao”. Nếu tuyệt đại đa số cán bộ đảng viên hồ hởi như thế thì làm sao họ lại vi phạm và rồi ra nghị quyết để làm gì? Cái tuyệt đại đa số đó có bao gồm bộ phận không nhỏ kia không?

Đến đây, lại xuất hiện một hệ luận khác : người khởi xướng nghị quyết (cả tổng bí thư, Bộ Chính trị, BCH TƯ, đặc biệt là Ban tổ chức TƯ, với bản luận tội nhiều trang mà riêng việc chạy thôi cũng đã đến 6 thứ “chạy” - chuyện chỉ có với những thành viên của chính đảng cầm quyền ở nước ta) là người thấy được những vi phạm của một bộ phận không nhỏ đảng viên, nhưng bao che, không tố cáo; và vì vậy, đã công nhiên vi phạm Qui định về những điều đảng viên không được làm. Bởi lẽ, hơn ai hết, những người cộng sản, rất tinh nhuệ về nhận thức luận macxit, đều biết rằng mọi tính chất, hoạt động của thế giới khách quan đều gắn với thực thể vật chất và được nhận thức như là đặc trưng tồn tại của thực thể đó; không có tính chất, hoạt động, trạng thái, hành vi vi phạm nào tồn tại và được nhận thức ngoài thực thể cả.

Thứ tư, cũng về cách làm, bên cạnh phương pháp tự soi, tự phê và phê bình đó, nghị quyết cũng chỉ đạo làm từ trên xuống, từ lớn đến nhỏ. Cấp trên làm trước để nêu gương. Khi truyền đạt nghị quyết, mọi báo cáo viên đều nhấn mạnh đây là quyết tâm cao, là đột phá mới. Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ thì cũng chỉ là một kiểu trá mị. Bởi lẽ, mọi kết quả, nếu có, được tự phê và phê bình của cấp trên, hoàn toàn không công bố, cả ra thông tin đại chúng và trong đảng. Như vậy thì cấp dưới biết cấp trên nói cái gì, như thế nào để làm gương. Đáng lưu ý là rất nhiều vụ việc của cấp trên lại có quan hệ nhân quả với cấp dưới và ngượi lại.

Cuối cùng, trong đợt chỉnh đốn này, đảng mở rộng lấy ý kiến của số cán bộ nghỉ hưu, các đoàn thể nhân dân…nhưng lại không sử dụng công cụ thông tin đại chúng. Đây cũng là chuyện lạ vì trong thời gian qua, báo chí được ghi công là tích cực chống tham nhũng, chủ động phanh phui nhiều vụ tiêu cực. Trong khi đó, việc sung thêm một quyền lực thứ sáu nữa – nhóm lão thành, lãnh đạo hưu trí, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội nữa dự báo cho một cuộc tố khổ ngoạn mục.

Chỉ có nhân dân thì về cơ bản là vẫn ngoài cuộc với câu hỏi rất vui khi nghe loáng thoáng về cuộc chỉnh đốn: không biết lâu nay đảng họ làm gì với nhau mà bây giờ lại lục đục vậy. Nhân dân đóng thuế để nuôi đảng hoạt động; qua hoạt động đảng suy thoái, tức là có những đảng viên lấy của dân về làm giàu cho riêng mình; bây giờ lại dùng tiến thuế ấy để chống suy thoái. Hàng ngàn cuộc quán triệt nghị quyết các cấp, hàng trăm tài liệu được in ấn, hàng vạn cuộc họp đi, họp lại để phê bình các cấp, hàng tấn giấy để lấy ý kiến của các cụ, hàng …hàng chuyến công tác xuống cấp dưới của các cơ quan cấp trên. Tất cả đầu tốn tiền. Rồi mèo lại hoàn mèo, để tự vờn đuôi của mình. Bởi đảng luôn luôn đúng, cấp trên luôn luôn đúng nên mới có đồng thuận quyết tâm ra nghị quyết, rất hồ hởi, và có quyền xuống chỉ đạo các cuộc họp của cấp dưới.

Xích Tử

.
.
.

No comments: