Mạch Sống
Thursday, April 05 @ 13:54:38 EDT
Mạch Sống, ngày 04/04/2012 - Trước sự đàn áp trở lại của chính quyền Đà Nẵng nhắm vào xứ đạo Cồn Dầu, BPSOS đang phối hợp cùng với thân nhân của họ ở Hoa Kỳ để vận động sự can thiệp của chính phủ Hoa Kỳ.
Ngày 6 tháng 3, khi tập thể người Việt ở Hoa Kỳ đang tổng vận động tại Quốc Hội thì công an ở Việt Nam ra lệnh cưỡng chế một số căn hộ ở Cồn Dầu. Họ còn áp lực cha sở ký giấy thoả thuận việc phá bỏ Thánh Giá và bàn thờ của nhà nguyện lộ thiên trong nghĩa địa Cồn Dầu. Không thấy ai tuân lệnh cưỡng chế, công an đến từng gia đình để ép dân phải ký giấy giải toả và di dời. Công an hăm doạ sẽ thi hành lệnh cưỡng chế sau 15 ngày nếu chủ hộ bất tuân lệnh.
Hoà Thượng Thích Huyền Việt từ Houston đến thăm các giáo dân Cồn Dầu đang lánh nạn ở Thái Lan, ngày 19/3/2012. (ảnh BPSOS)
Trước tình hình ấy, BPSOS đã gia tăng cuộc vận động nhằm đẩy lùi áp lực của công an.
Ngày 11 tháng 3 Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS, nêu vấn đề đàn áp Cồn Dầu với Ông David Shear, Đại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, tại buổi tiếp xúc của ông ta với cộng đồng người Việt ở Bắc Virginia. Ts. Thắng cũng trao tận tay Đại Sứ Shear lá thư của Ông Trần Thanh Tùng, trưởng nhóm Cồn Dầu ở Hoa Kỳ.
Ngày 23 tháng 3, Ts. Thắng tiếp xúc Ông Daniel Baer, Phó Phụ Tá Ngoại Trưởng về Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Động, tại Bộ Ngoại Giao để nêu lên vấn đề Cồn Dầu. Ts. Thắng nhấn mạnh rằng một số đất đai ở Cồn Dầu thuộc chủ quyền của công dân Hoa Kỳ và yêu cầu Bộ Ngoại Giao quan tâm đến việc chính quyền Việt Nam đang rắp tâm cưỡng chế tài sản của công dân Hoa Kỳ. Ông Baer vừa ở Việt Nam trở về. Ông đã lên đường đi Việt Nam tuần lễ sau buổi tiếp xúc giữa một phái đoàn người Việt và Toà Bạch Ốc vào ngày 5 tháng 3.
Đồng thời, BPSOS đã hướng dẫn các thân nhân Cồn Dầu ở Hoa Kỳ đồng loạt kêu gọi các vị dân biểu và thượng nghị sĩ của họ lên tiếng với Bộ Ngoại Giao. Dân Biểu David Price (Dân Chủ, NC) đã nhanh chóng liên lạc để yêu cầu Ông Baer tường trình về chuyến đi Việt Nam, đặc biệt về tình hình tại Cồn Dầu. Theo nguồn tin riêng, BPSOS được biết rằng Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội đã chỉ định một nhân viên để theo dõi các diễn tiến ở Cồn Dầu và báo cáo về cho Bộ Ngoại Giao.
Trong khi đó ở Việt Nam, LM Nguyễn Ngọc Nam Phong thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà đã làm một cuộc thăm viếng xứ đạo Cồn Dầu chớp nhoáng và bất ngờ. Bài viết của LM Nam Phong cho thấy nhiều điều khuất tất và vi luật trong chính sách cưỡng chế đất đai của chính quyền Đà Nẵng nhắm vào xứ đạo Cồn Dầu. Đồng thời, Giám Mục Kontum Trần Thanh Chung, nay đã về hưu, viết thư kêu gọi Giám Mục Châu Ngọc Tri bảo vệ giáo dân trước hành vi "bất chính, bất nhân, hoàn toàn đi ngược với tinh thần vì dân, do dân và với dân" của chính quyền Đà Nẵng. Giám Mục Chung là người gốc Cồn Dầu.
Hiện nay, BPSOS đang sắp xếp một cuộc tiếp xúc giữa đại diện của giáo dân Cồn Dầu ở Hoa Kỳ với các giới chức Hành Pháp và Lập Pháp vào cuối tháng này. Một số người trong số họ đã tham dự buổi tiếp xúc ở Toà Bạch Ốc ngày 5 tháng 3 và ở Quốc Hội ngày 6 tháng 3 vừa qua.
"Đây là một trường hợp điển hình về cách thức vận động nhịp nhàng, có hiệu quả", Ts. Thắng giải thích.
Ngay từ năm 2010, BPSOS đã hướng dẫn nhóm thân nhân Cồn Dầu vận động Quốc Hội qua thỉnh nguyện thư, các buổi tiếp xúc với Dân Biểu, và cuộc điều trần tại Quốc Hội. Ts. Thắng cũng đã gặp Phụ Tá Ngoại Trưởng Mike Posner hai lần để nêu vấn đề Cồn Dầu trong bối cảnh vi phạm nhân quyền nói chung ở Việt Nam.
Qua cuộc tiếp xúc tại Toà Bạch Ốc và cuộc vận động rầm rộ ở Quốc Hội, các thân nhân của người dân Cồn Dầu đã biết nương sức mạnh tổng hợp của 150 ngàn chữ ký thỉnh nguyện thư để kêu gọi thêm nhiều vị dân biểu lên tiếng và vận động thêm các giới chức Bộ Ngoại Giao.
Ngay sau các cuộc tiếp xúc ngày 6 tháng 3, họ đã nhanh chóng liên lạc với các vị dân biểu và thượng nghị sĩ để nhắc nhở và đôn đốc việc lên tiếng với Bộ Ngoại Giao.
"Dù số thân nhân Cồn Dầu tổng cộng chỉ vài chục người ở rải rác khắp Hoa Kỳ, họ đã vận động khá hiệu quả trong thời gian hai năm qua", Ts. Thắng nhận định.
Theo Ông, chinh công cuộc vận động dài hơi này đã góp phần đẩy lùi áp lực từ chính quyền Đà Nẵng vốn đè nặng lên thân nhân của họ ở Việt Nam. Ông hy vọng là cuộc vận động sẽ được tiếp sức đáng kể khi những người Cồn Dầu đang tị nạn ở Thái Lan bắt đầu lên đường đến Hoa Kỳ trong thời gian tới đây.
Qua sự can thiệp của Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý của BPSOS ở Thái Lan, 49 người Cồn Dầu đã được Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc thừa nhận quy chế tị nạn. Phần lớn đã được phỏng vấn định cư bởi chính phủ Hoa Kỳ.
Giữa tháng 3 vừa qua, luật sư của BPSOS ở Thái Lan đã hướng dẫn Hoà Thượng Thích Huyền Việt từ Houston đến thăm các giáo dân Cồn Dầu đang lánh nạn để uỷ lạo và trấn an họ.
.
.
.
No comments:
Post a Comment