Hòa Ái, phóng viên RFA
2012-04-03
Hôm 6/1 vừa qua, blogger Huỳnh Thục Vy cùng em trai Huỳnh Trọng Hiếu không đồng ý ký vào biên bản giải quyết đơn khiếu nại của gia đình về số tiền phạt 270 triệu đồng do vi phạm hành chính về công nghệ thông tin.
Mới đây nhất, ngày 29/3, chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh chuyển đến cho gia đình quyết định cưỡng chế, sẽ thực hiện sau 10 ngày kể từ ngày ra quyết định. Hòa Ái liên lạc và trao đổi về thông tin này với ông Huỳnh Ngọc Tuấn, ba của của blogger Huỳnh Thục Vy và Huỳnh Trọng Hiếu.
Áp đặt, chụp mũ
Hòa Ái: Thưa ông Huỳnh Ngọc Tuấn, một tuần sau khi hai con của ông là Huỳnh Thục Vy và Huỳnh Trọng Hiếu không đồng ý ký vào biên bản giải quyết đơn khiếu nại của gia đình về số tiền phạt 270 triệu đồng, ông đã có cuộc gặp gỡ với phái đoàn thanh tra tỉnh Quảng Nam. Và cuộc gặp gỡ diễn ra như thế nào?
Ông Huỳnh Ngọc Tuấn: Tôi đã lên làm việc với thanh tra tỉnh Quảng Nam. Đoàn thanh tra gồm có 5 người. Đúng lý ra đoàn thanh tra là họ đứng trung gian giữa tôi và ông chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh để làm sáng tỏ khiếu nại của tôi và quyết định xử phạt của ông Lê Phước Thanh, thử xem xét coi bên nào đúng bên nào sai và đúng sai ở mức độ nào. Như vậy thì mới đúng vai trò và chức năng của thanh tra. Nhưng khi tôi lên đó thì không khí làm việc hoàn toàn khác. Tức là họ đã có kết luận là tôi vi phạm pháp luật rồi. Họ đứng hẳn về phía ông Lê Phước Thanh, tức là chính quyền tỉnh Quảng Nam. Và khi họ nói chuyện với tôi thì rõ ràng họ chụp mũ, quy kết tôi, chứ không phải tìm hiểu xem quan điểm của tôi như thế nào.
Hòa Ái: Được biết ông đã gửi một văn bản trích dẫn những điều luật như điều 69 hiến pháp, điều 19 của công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị, điều 19 của tuyên ngôn quốc tế nhân quyền. Theo quy định khi Việt Nam tham gia các công ước quốc tế, nếu có những điều luật của Việt Nam không tương thích hay đi ngược lại thì lấy công ước quốc tế làm chuẩn. Ông cho là việc kết tội này là vi phạm công ước quốc tế theo điều 19, khoảng 1 và 2 về quyền dân sự và chính trị. Vậy thì, đoàn tranh tra trả lời ông như thế nào?
Ông Huỳnh Ngọc Tuấn: Ông Trần Minh Thái, trưởng đoàn thanh tra nói với tôi là: “tôi đồng ý với anh là chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có tham gia công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị. Nhưng chúng tôi không trực tiếp áp dụng công ước quốc tế đó vào sinh hoạt của người dân.”
Tôi nói tiếp là vấn đề về công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị là một luật pháp quốc tế mang tính cưỡng hành. Tức là khi nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã tham gia ký kết thì nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có nghĩa vụ và bổn phận phải thực hiện công ước đó, chứ không nói là trực tiếp hay gián tiếp gì hết. Cho nên điều luật của Việt Nam đã bị vô hiệu hóa. Cho nên việc làm của ba cha con tôi, chúng tôi chỉ hành xử cái quyền của một công dân Việt Nam theo điều 69 hiến pháp và hành xử cái quyền công dân của thế giới này chiếu theo công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị cho nên tôi không có một sai phạm nào hết.
Yêu cầu ông Lê Phước Thanh phải rút lại quyết định xử phạt chúng tôi. Việc làm của ông Lê Phước Thanh và chính quyền tỉnh Quảng Nam là vô tình đã đẩy Nhà nước Việt Nam vô một tình thế không có lợi. Có nghĩa là anh là một thành viên quốc tế nhưng anh không thực hiện nghĩa vụ của anh. Là một thành viên quốc tế có thể nói là không khả tín. Tôi yêu cầu chính phủ Việt Nam rút ra khỏi công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị, và gỡ bỏ điều 69 hiến pháp thì lúc đó tôi sẽ bẻ bút, tôi không phát biểu quan điểm của tôi nữa, tôi không viết lách gì nữa.
Hòa Ái: Từ sau khi gặp phái đoàn thanh tra cho đến ngày gia đình ông nhận được thông báo sẽ bị cưỡng chế vào ngày 29/3 này, gia đình ông có gặp những khó khăn nào hay không?
Ông Huỳnh Ngọc Tuấn: Họ cũng gây một số phiền phức, rắc rối cho mình. Ví dụ như là họ gây áp lực với bà chủ nhà của Khánh Vy là em Thục Vy không cho thuê nhà nữa. Không biết sao nữa, nhà cửa thì rất cẩn thận, nhưng có kẻ trộm đột nhập vô lấy đi mấy cái laptop của chồng Khánh Vy vì nghi có tài liệu nên họ lấy đi. Rồi họ áp lực trường Duy Tân không cho Khánh Vy tốt nghiệp chương trình cử nhân tiếng Anh. Cháu đã qua thời gian thực tập và làm luận án rồi. Nên là khó và bất hợp lý nữa nên họ không thực hiện được.
Họ mang lực lượng công an của họ đi qua đi lại trước nhà mình. Rồi họ đến từng gia đình bên cạnh nhà mình để vận động cái gì đó. Nhưng những người dân xung quanh vẫn đối xử với mình bình thường thôi. Họ hiểu mình ở đây mình sống như thế nào. Mối quan hệ với làng xóm láng giềng thì bình thường, có thể nói là tốt nữa. Không biết họ vận động cái gì, vận động để thăm dò tin tức hay là vận động để cô lập mình, nhưng tôi thấy cái đó không có tác dụng gì mấy. Sinh hoạt vẫn bình thường.
Tiếp tục đấu tranh cho nhân quyền
Hòa Ái: Thưa ông, trong thông báo về lệnh cưỡng chế có ghi rõ sẽ tiến hành cưỡng chế như thế nào không?
Ông Huỳnh Ngọc Tuấn: Thưa cô Hòa Ái, có. Ghi là hình thức thứ nhất là họ sẽ khấu trừ tiền lương của mình, rồi sẽ khấu trừ tài khoản trong ngân hàng của mình. Hình thức thứ hai là họ sẽ tịch biên một phần tài sản trong gia đình mình tương đương với số tiền là 270 triệu. Về biện pháp thứ nhất là trừ tiền lương và chiết trừ tài khoản ngân hàng, thì ba bố con tôi không có lương cũng không có tài khoản ngân hàng. Cho nên biện pháp thứ nhất là không thể thực hiện được.
Còn biện pháp thứ hai là tịch biên một số tài sản tương đương 270 triệu thì ba cha con tôi cũng không có tài sản gì hết. Cái nhà tôi đang ở là cái nhà của cô em gái tôi là cô Huỳnh Thị Hường và của mẹ tôi là bà Mai Thị Yến. Còn tôi đi tù về, nhà cửa và cơ sở ba tôi đã bán hết cách đây mười mấy năm rồi để nuôi tôi trong tù và nuôi các cháu. Còn tôi chỉ về ở đây tạm thời thôi. Cho nên tôi không có nhà. Cho nên không biết tịch biên cái gì vì ba cha con tôi là vô sản, không có cái gì hết thì tịch biên làm sao?
Hòa Ái: Theo như ông nói là gia đình ông không có tài sản chi hết. Và việc cưỡng chế sẽ diễn ra sau 10 ngày nữa. Vậy gia đình có ý định sẽ khiếu nại hay sẽ chỉ chờ đợi xem việc gì sẽ diễn ra?
Ông Huỳnh Ngọc Tuấn: Tôi không khiếu nại nữa tại vì lá đơn khiếu nại của tôi là ba cha con tôi viết chung một lá đơn thì người ta không chịu, người ta nói mỗi người mỗi lá. Tôi nói chuyện ba cha con viết chung lá đơn cho đơn giản với lại chẳng có việc gì vi phạm luật pháp. Nhưng người ta nói là không chấp nhận đơn viết chung.
Ban đầu người ta thông báo cho biết là người ta chấp nhận lá đơn của mình, nhưng sau đó người ta lại cho biết là người ta không chấp nhận. Có nghĩa là người ta thay đổi quyết định và người ta không cứu xét lá đơn viết chung. Nhưng chuyện đó là chuyện phụ.
Tôi thì tôi cho chuyện này là vi phạm luật pháp. Nhưng mà với tư cách là một người chủ trương đấu tranh ôn hòa thì việc làm sai trái của chính quyền thì tôi không đồng ý nhưng tôi không có chống bằng vũ lực. Có nghĩa họ xuống đây cưỡng chế tịch thu cái gì, tôi để họ tịch thu cái đó và tôi sẽ kiện họ sau. Đó là cái thứ nhất. Lý do thứ hai, gia đình tôi không có cái gì đáng giá để cho họ tịch thu hết. Vấn đề ở chỗ là họ có tịch thu hay không và tịch thu như thế nào.
Hòa Ái: Trước đây ông đã từng thụ án 10 năm tù về tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Khi mãn hạn tù về, ông vẫn tiếp tục theo đuổi đấu tranh trong ôn hòa. Và lần này, trường hợp xấu nhất xảy ra, căn nhà mà gia đình ông đang trú ngụ, dù 3 cha con ông không sở hữu căn nhà này, bị cưỡng chế, thì ông vẫn tiếp tục theo đuổi con đường ông đã chọn hay không?
Ông Huỳnh Ngọc Tuấn: Chuyện đấu tranh của tôi năm 1992 với bản án 10 năm thì ý thức của tôi lúc đó cũng giống như bây giờ thôi. Tức là tôi muốn tôi có được một cuộc sống của một người công dân bình thường trong một đất nước tự do và dân chủ. Và bây giờ, ao ước đó càng lớn hơn. Bây giờ tôi lại muốn các con tôi và các cháu tôi cũng được sống trong một nhà nước dân chủ và pháp trị và nhân quyền của nó cũng như nhân phẩm con người được tôn trọng thì tôi mới yên tâm được mới sống được.
Nhưng hiện nay, ở Việt Nam, Đảng Cộng Sản người ta toàn quyền quyết định hết tất cả mọi việc. Công an người ta có quyền sinh sát trong tay. Cho nên tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để cải thiện tình hình Việt Nam và thay đổi Việt Nam để Việt Nam trở thành một quốc gia dân chủ, pháp trị và mọi người trong đó có những người cộng sản và gia đình của họ được sống trong một xã hội bình đẳng, một xã hội ổn định, văn minh và nhân quyền được tôn trọng. Đó là mục tiêu tôi sẽ theo đuổi suốt đời.
Hòa Ái: Xin cảm ơn ông Huỳnh Ngọc Tuấn.
Theo dòng thời sự:
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.
No comments:
Post a Comment