Trung Quốc : Mười năm lại xuống sáu câu...
Nguyễn Xuân Nghĩa
Mười năm sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc hạ giọng...
Ngày 11 tháng 12 năm 2001, Trung Quốc thành hội viên thứ 143 của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Ngày 27 tháng 12, Tổng Thống George W. Bush chấp nhận cho Trung Quốc quy chế “mậu dịch bình thường và thường trực” PNTR.
Quyết định ấy là điều kiện then chốt cho Trung Quốc hội nhập vào thị trường toàn cầu, sau khi Bắc Kinh cam kết tôn trọng quy định của WTO.
Mười năm sau, không riêng Hoa Kỳ mà nhiều quốc gia khác cùng bày tỏ sự hoài nghi về lời cam kết. Chủ Nhật vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 10 năm của biến cố này, Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào nói đến việc mở rộng thị trường Trung Quốc cho các nước. Một giai điệu quen thuộc, đã trở thành điệp khúc từ 10 năm nay...
Thiện chí thật hay vì đòi hỏi khách quan từ bên trong?
***
Chủ yếu là nhờ đòn bẩy của WTO, Trung Quốc thành quốc gia số một về xuất cảng, số hai về nhập cảng, có nền kinh tế hạng nhì thế giới sau Hoa Kỳ, gom vào khối dự trữ ngoại tệ trị giá hơn 3,200 tỷ đô la, v.v... Trung Quốc cũng đạt xuất siêu kỷ lục với Hoa Kỳ - hơn 280 tỷ Mỹ kim năm ngoái. Mức xuất siêu đó chiếm hơn phân nửa tổng số nhập siêu của Mỹ với cả thế giới.
Nhưng mấy con số khái quát về lượng chưa nói đến phẩm, và nhiều ưu thế khác của xứ này.
Sau khi kế thừa cái ghế của Trung Hoa Dân Quốc từ năm 1987 rồi xin gia nhập luồng giao dịch tự do, trong suốt 15 năm thương thuyết với từng hội viên của WTO, Bắc Kinh mặc nhiên viện dẫn trình độ “đang phát triển” - là còn chậm tiến - của nền kinh tế để được đặc miễn một số điều kiện sẽ áp dụng sau này.
Bây giờ, Trung Quốc đoạt ưu thế là sản xuất và xuất cảng loại mặt hàng công nghiệp cao cấp còn hơn Hoa Kỳ: tính đến tháng 8 vừa qua, họ bán cho Mỹ hơn 81 tỷ đô la thiết bị cao cấp, từ đồ gia dụng đến máy điện toán, mà chỉ mua có hơn 13 tỷ của Mỹ. Họ đạt xuất siêu trong lãnh vực cứ tưởng là tiên tiến của Hoa Kỳ!
Người ta lầm tưởng rằng Trung Quốc là một nước nghèo, hì hục vắt kiệt sức dân để bán ra loại hàng thổ tả mà thiên hạ vẫn mua vì quá rẻ. Thật ra, trong cơ cấu hàng hóa xuất cảng, loại mặt hàng rẻ tiền sản xuất nhờ lao động hơn là thiết bị hay kỹ thuật cao, đã giảm liên tục: từ 37% vào năm 2000 thì chỉ còn 14% vào năm ngoái. Xứ này hết là một nền kinh tế chậm tiến, sống nhờ lực lượng lao động dồi dào của một dân số vĩ đại mà đã leo lên bậc thang cao hơn của tiến trình sản xuất.
Ngoài chiến lược cào mặt ăn vạ - rằng em có nền kinh tế đang phát triển, developing - một thủ thuật khác là không tôn trọng những quy định của WTO về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Việc đó không chỉ cho phép Trung Quốc ăn cắp tác quyền của thiên hạ để nhà nhà xài đồ giả, như nhu liệu điện toán hay tác phẩm điện ảnh, được sao chép trong ngõ ngách bên sau các tiệm chạp phô tạp hóa. Thật ra, việc không tuân thủ này cho Trung Quốc một bước nhảy vọt về kỹ thuật, rồi dùng ngay kỹ thuật đó cạnh tranh với các nước khác.
Lồng trong trò móc túi, Bắc Kinh còn có một thủ đoạn khác: đề ra “chính sách công nghiệp” cho doanh nghiệp nhà nước tiến hành. Chiến lược ấy giúp nhà nước can thiệp vào kinh tế và nâng đỡ khu vực kinh tế nhà nước với điều kiện ưu đãi. “Chủ nghĩa tư bản nhà nước,” với màu sắc Trung Quốc, tạo ra sân chơi thiếu bình đẳng và thực tế kỳ thị tư doanh, cả nội địa lẫn quốc tế.
Người ta nói quá nhiều đến nạn thao túng hối đoái của Trung Quốc, khi định giá đồng Nguyên quá thấp, để có ưu thế cạnh tranh bất chính nhờ bán hàng rẻ hơn. Yếu tố đó không là phần chính. Võ công của các đấng con Trời đỏ thật ra cao điệu hơn vậy.
Trung Quốc bảo vệ khu vực kinh tế nhà nước với các cơ sở sản xuất và tài trợ quốc doanh qua “chính sách công nghiệp,” với nhiều biện pháp trợ cấp và ưu đãi về tín dụng, thuế khóa, đất đai. Then chốt hơn cả, chính sách đó đòi hỏi là đầu tư nước ngoài phải ưu tiên liên doanh với doanh nghiệp nhà nước, góp phần “chuyển giao kỹ thuật,” tức là cho doanh nghiệp nhà nước học hỏi bí quyết về sản xuất hầu có bước nhảy vọt về công nghệ.
Ly kỳ hơn cả, trong trò chơi ma quỷ này, Trung Quốc có sự tham gia tích cực của giới đầu tư quốc tế, kể cả và nhất là Hoa Kỳ: Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài đóng góp đến 55% lượng xuất cảng của Trung Quốc và đến 68% của số thặng dư mậu dịch! Không có đầu mối đó, chưa chắc Bắc Kinh đã dễ dàng đạt ưu thế làm các nước chóng mặt!
Khi Hoa Kỳ cùng nhiều quốc gia khác trong khối Liên Âu than phiền về việc Trung Quốc không tôn trọng những cam kết từ 10 năm trước, họ nêu ra toàn những lý do chính đáng. Nhưng hình như chưa đi vào tận cùng của vấn đề.
***
Nếu vậy, tại sao lãnh đạo Bắc Kinh lại xuống giọng hòa dịu và hứa hẹn sẽ cải cách? Thưa rằng vì kinh tế cũng là chính trị!
Mười năm sau khi bung ra rất mạnh nhờ nhiều thủ thuật nằm ngoài quy luật thị trường, lãnh đạo Bắc Kinh thấy ra một quy luật khác: “Hậu quả bất lường.” Nôm na là tính một đàng ra một nẻo.
Ðược bảo vệ chặt chẽ, doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc trở thành trung tâm phí tổn, có hiệu năng kém và lỗ lã nhiều. Hậu quả sắp tới là nạn sa thải nhân công và thất nghiệp, trong khi tư doanh bị chèn ép thì đã phá sản hàng loạt. Ðộng loạn xã hội không chỉ là nguy cơ mà đã thành hiện thực.
Là cánh tay tài trợ của nhà nước theo diện chính sách, các ngân hàng ôm vào một núi nợ, trong đó đến 40% là loại nợ xấu, không sinh lời, khó đòi và sẽ mất. Một vụ khủng hoảng tài chánh và ngân hàng đang chờ đợi Trung Quốc vào ngày hoan ca biến cố WTO! Vấn đề không chỉ có vậy.
Chủ nghĩa tư bản nhà nước với màu sắc Trung Quốc dẫn đến chủ nghĩa tư bản thân tộc và chủ nghĩa tư bản nhà nước địa phương. Các tỉnh thành đều tham gia trò chơi bất ổn này, phóng tay vay mượn các ngân hàng của nhà nước ở địa phương, để thực hiện các dự án có lợi cho thân nhân đảng viên cán bộ địa phương. Và chất lên một núi nợ mà trung ương chưa thể biết là bao nhiêu. Việc tranh đoạt đất đai - 40% nguồn thu các tỉnh - để đầu tư vào thị trường địa ốc, cùng nạn đầu cơ thương phẩm đã thổi lên bong bóng. Khi bóng bể thì cả kiến trúc huê dạng này sẽ đổ.
Trong khi ấy, sau nạn Tổng suy trầm 2008-2009, nhu cầu kích thích kinh tế bằng công chi và tín dụng khiến kinh tế bị rủi ro lạm phát. Lạm phát là tờ truyền đơn được mọi người cùng tự động phát tán; nạn cướp đất mà không bồi thường thỏa đáng là khẩu hiệu huy động hữu hiệu nhất. Chế độ hộ khẩu do các tỉnh vẫn duy trì để ngân sách hàng tỉnh khỏi lãnh gánh an sinh xã hội càng khiến đám “dân công” tha phương cầu thực thấy tuyệt vọng. Họ đòi liều mình với thiên địa.
Những vấn đề kinh tế đó đang thành xã hội và sẽ dội lên chính trị khi đảng chuẩn bị Ðại hội Khóa 18 vào năm tới... Năm ngoái, Hội nghị Kỳ V của Ban chấp hành Trung ương Khóa 17 đã quyết định là phải cải cách vì kinh tế không quân bình, không công bằng, thiếu ổn định và chẳng bền vững.
Một trong những hướng cải cách là cho dân được hưởng, cụ thể là nâng mức tiêu thụ nội địa để tái lập quân bình. Y như một đòi hỏi của các thành viên WTO. Nghĩa là Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào xuống sáu câu rất mùi, không để thỏa mãn yêu cầu của quốc tế mà để tránh động loạn bên trong.
Chẳng lẽ khi cho Trung Quốc gia nhập WTO, Hoa Kỳ đã nhìn ra hậu quả bất lường này?
-------------------------
RFI - Thứ ba 13 Tháng Mười Hai 2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment